Thursday, April 18, 2024

Công nhân Bắc Hàn chế biến hải sản tại Trung Quốc rồi đưa sang Mỹ

CÁT LÂM, Trung Quốc (AP) – Người dân Mỹ có thể “vô tình” mua những con cá hồi tại chợ Walmart hoặc ALDI và trợ cấp cho Bắc Hàn sản xuất vũ khí nguyên tử, khi những loại thủy sản và một số vật dụng khác được công nhân Bắc Hàn chế biến tại Trung Quốc.

Những công nhân Bắc Hàn này làm việc tại thành phố Hồn Xuân (Hunchun), tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, và chỉ nhận được một phần nhỏ tiền lương họ đáng được nhận, trong khi chính quyền Bắc Hàn giữ phần lương còn lại, lên đến 70%.

Sự việc xảy ra khi Bắc Hàn đang bị thế giới trừng phạt trong lãnh vực xuất cảng ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, quốc gia này hiện gửi hàng chục ngàn công nhân đến làm việc nhiều quốc gia, thu về từ $200 triệu đến $500 triệu mỗi năm.

Số tiền thu về đủ để giúp Bắc Hàn phát triển chương trình vũ khí nguyên tử mà Nam Hàn cho biết tốn ít nhất $1 tỷ.

Công nhân Bắc Hàn làm việc tại nước ngoài từng được truyền thông ghi nhận, tuy nhiên, điều này là một tội hình liên bang khi một số sản phẩm này được đưa sang thị trường Hoa Kỳ.

Không những thế, nhiều sản phẩm được công nhân Bắc Hàn chế biến còn được đưa sang các nước như Canada, Đức, và một số nước trong khối Liên Âu (EU).

Ngoài hải sản, những công nhân này còn làm các vật liệu xây dựng và máy móc tại thành phố Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Những sản phẩm này sau đó được Trung Quốc xuất cảng, trong đó có hải sản được đưa sang Mỹ.

Theo một đạo luật mà Tổng Thống Donald Trump ký vào Tháng Tám, công ty Mỹ không được nhập cảng sản phẩm do công nhân Bắc Hàn tại bất cứ đâu sản xuất và chế biến.

Những công ty hoặc cá nhân nào nhập cảng những sản phẩm này là vi phạm tội hình sự.

Những công ty Tây phương liên quan đến vấn đề này cho biết họ không chấp thuận cưỡng bức lao động và bất cứ hình thức nào hỗ trợ Bắc Hàn chế tạo vũ khí nguyên tử.

Nhiều công ty cho biết họ sẽ tiến hành một cuộc điều tra, và một số cho biết họ sẽ ngưng làm ăn với những cơ sở liên quan.

Ông John Connelly, giám đốc National Fisheries Institute, một liên hiệp thương mại hải sản lớn nhất tại Mỹ, cho biết họ khuyến cáo những công ty trực thuộc phải nhanh chóng xem xét vấn đề xuất nhập cảng hiện nay của công ty nhằm “bảo đảm công nhân nhận mức lương phù hợp, và điều này không ám chỉ dấu hiệu ủng hộ một chế độ độc tài nguy hiểm.”

Ông Connelly nói: “Dù việc mướn công nhân Bắc Hàn không phạm pháp tại Trung Quốc, chúng tôi quan ngại bất kỳ công ty thủy sản nào vô tình ủng hộ chế độ độc tài.”

“Xâm nhập” thị trường Mỹ

Theo thông tin vận chuyển ghi nhận được, có khoảng 100 thùng hàng hải sản, tổng cộng trên 2,000 tấn, được đưa sang thị trường Mỹ và Canada trong năm nay.

Những hải sản đóng gói như cua tuyết (snow crab), cá hồi làm sạch, mực cắt sẵn (squid ring), và nhiều sản phẩm khác được đưa đến nhiều đại lý phân phối tại Hoa Kỳ, như “Sea-Trek Enterprises” tại Rhode Island, và “The Fishin’ Company” tại Pennsylvania.

Đại lý “The Fishin’ Company” cho biết công ty ngưng hợp đồng với công ty chế biến hải sản của họ tại thành phố Hồn Xuân và nhận đợt hàng cuối cùng vào mùa Hè vừa qua, nhưng hệ thống cung ứng hải sản vẫn hoạt động trong vài năm tới.

Cả hai công ty đều cho biết họ quan ngại về vấn đề lương bổng của công nhân Bắc Hàn, và sẽ mở một cuộc điều tra.

Một số hải sản được đóng gói giống nhau, nhưng một số cũng được dán “mác” sẵn tại Trung Quốc với những thương hiệu quen thuộc như Walmart hoặc Sea Queen, một sản phẩm hải sản chỉ bán tại chợ ALDI với 1,600 tiệm trên 35 tiểu bang. Hiện không có thông tin cụ thể những gói hàng này hiện ở đâu, và tỷ lệ sản phẩm này tại thị trường Mỹ.

Bà Marilee McInnis, phát ngôn viên của Walmart, cho biết công ty biết về sự việc một năm về trước, và yêu cầu nhà cung cấp của họ, bao gồm “The Fishin’ Company,” ngừng nhận hàng từ công ty chế biến hải sản tại thành phố Hồn Xuân. Bà cũng cho biết “The Fishin’ Company” có đáp ứng yêu cầu đưa ra nhưng không đưa phương thức cụ thể.

Trong số những công ty và thương hiệu tại Mỹ có liên quan đến vụ cưỡng bức lao động của công nhân Bắc Hàn, còn có công ty “Chicken of the Sea” do Thai Union sở hữu. Hồ sơ vận chuyển cho thấy lô hàng này là của một công ty khác, có hợp đồng với công ty chế biến hải sản tại thành phố Hồn Xuân. Tuy nhiên, bà Whitney Small, một phát ngôn viên của Thai Union, cho biết tất cả công nhân tại xưởng này đều là người Trung Quốc và không vi phạm vấn đề lương bổng.

Ngoài ra, lô hàng còn được đưa đến hai công ty nhập cảng tại Canada, Morgan Foods và Alliance Seafood, nhưng cả hai công ty chưa có ý kiến gì về chuyện này.

Xuất khẩu lao động

Bắc Hàn xuất khẩu lao động công nhân đến những công trường tại các quốc gia, xây cất tàu cá tại Poland, sản xuất gỗ tại Nga. Chính quyền Uruguay cũng cho biết khoảng 90 công nhân Bắc Hàn săn bắt thủy sản tại đây trong năm 2016.

Liên Hiệp Quốc ra mức phạt với tất cả quốc gia nào cấp giấy lao động cho công dân Bắc Hàn, nhưng không nhắm vào những người đã và đang làm việc tại hải ngoại.

Hiện có khoảng 3,000 công nhân Bắc Hàn làm việc tại thành phố Hồn Xuân.

Trong một phương thức phát triển kinh tế địa phương, Trung Quốc và Bắc Hàn đồng ý một thỏa thuận vài năm trước, cho phép các nhà máy ký hợp đồng đưa một nhóm công nhân Bắc Hàn sang làm việc, lập một khu công nghiệp với mức lương “phải chăng.” Đến nay, hàng chục công ty chế biến hải sản và một số nhà máy khác mở ra tại thành phố Hồn Xuân. Công nhân Bắc Hàn làm việc tại Trung Quốc hoàn toàn hợp pháp và không được nhìn nhận là một hình thức cưỡng chế lao động.

Những công nhân này luôn có người giám sát, và không được nói chuyện với truyền thông.

Họ sống trong các căn phòng tập thể, có hình lãnh tụ Bắc Hàn, hiện tại và trước đây, treo trên tường.

Hợp đồng lao động của những người này thường kéo dài hai đến ba năm, và họ không được về quê sớm.

Những công nhân này còn được xem là công nhân “giá trị” vì họ làm việc “ổn định” hơn công nhân Trung Quốc, quản lý của một xưởng chế biến thủy sản tại thành phố Hồn Xuân cho biết. (Kh.L.)

MỚI CẬP NHẬT