Tuesday, April 23, 2024

CSIS: ‘2023 là năm tốt nhất để Biden mời Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ’

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden nên để tên ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, vào danh sách khách mời của Tòa Bạch Ốc trong các tính toán ngoại giao năm 2023 bởi vì trong những năm gần đây Việt Nam nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là quốc gia trực tiếp đương đầu trước tham vọng khống chế vùng Đông Nam Á, đặc biệt khu vực Biển Đông, của Trung Quốc.”

Đó là lời mở đầu của tác giả Murray Hiebert trong bài phân tích có tựa đề “Biden Should Invite Vietnam’s Party Chief for a Visit” (tạm dịch “Biden nên mời lãnh đạo đảng của Việt Nam thăm Mỹ”), đăng trên trang web của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS) ở Washington, DC, hôm Thứ Hai, 27 Tháng Ba.

Phó Tổng Thống Joe Biden (phải) cụng ly với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Washington, DC, hồi năm 2015. (Hình minh họa: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Ông Hiebert là một nhà phân tích kỳ cựu của Trung Tâm Đông Nam Á tại CSIS.

Tòa Bạch Ốc cho biết, hôm Thứ Tư, 29 Tháng Ba, Tổng Thống Joe Biden có một cuộc điện đàm với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc đưa ra trong ngày cho biết: “Tổng Thống Joe Biden hôm nay điện đàm với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam. Tổng Thống Biden tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, tự cường, và độc lập, và nhắc rằng 2023 là kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Hoa Kỳ.”

“Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận tầm quan trọng của việc gia tăng và mở rộng quan hệ song phương, trong khi cùng làm việc với nhau để giải quyết các thách thức trong khu vực như thay đổi khí hậu, bảo đảm một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và tình trạng môi trường tệ hại và an ninh dọc sông Mekong. Tổng Thống Biden cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng nhân quyền, và hợp tác với Việt Nam trong các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng,” vẫn theo Tòa Bạch Ốc.

Trong bài viết của mình, ông Hiebert cũng nhắc sự kiện 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

Ông cho biết thêm Washington đã vận động Hà Nội trong nhiều năm để xem xét nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược nhưng Việt Nam từ chối, có lẽ một phần do lo ngại phản ứng từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Việt Nam tỏ ý sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Mỹ, nhưng muốn thực hiện điều này song song với chuyến thăm của lãnh đạo đảng, tức ông Trọng, vẫn theo ông Hiebert.

Ông nhận định: “Đây là thời điểm lý tưởng cho Việt Nam vì Tổng Bí Thư Trọng đã đến thăm Bắc Kinh ngay sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc kết thúc vào Tháng Mười năm ngoái.”

Ông thêm, trên danh nghĩa, hai đảng cầm quyền tại Việt Nam và Trung Quốc là tri kỷ về ý thức hệ, nhưng thực tế mối quan hệ “anh em” này trở nên căng thẳng kể từ khi Trung Quốc xua quân đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979 và vụ Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu nước sâu khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.

Chuyến thăm của ông Trọng tới Bắc Kinh vào cuối năm ngoái giúp “giảm áp lực” cho Việt Nam và có một “khoảng trống” để tăng cường quan hệ với Washington trong những tháng tới và đây cũng là thời điểm tối ưu đối với Mỹ trước khi chuẩn bị bước vào giai đoạn tranh cử tổng thống vào năm 2024, vốn được dự đoán là rất gay gắt, vẫn theo tác giả.

Ông Hiebert viết tiếp rằng kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995 và nhanh chóng xây dựng mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh với “kẻ cựu thù,” Hà Nội đã xem Washington như một hàng rào và “vùng đệm” để chống lại Bắc Kinh. Những người Việt Nam có tinh thần độc lập kiên cường phải rất thận trọng khi tăng cường quan hệ với người Mỹ bởi vì từ Hà Nội đến biên giới Trung Quốc chỉ chưa đầy 60 dặm.

Xét đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực hợp tác đôi bên thì đã “quá lâu” không có một chuyến đi thăm chính thức của một nhà lãnh đạo Việt Nam đến Mỹ. 

Việt Nam chưa có chuyến thăm chính thức tới Mỹ kể từ khi cựu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào năm 2017. Ông Trọng đã đến thăm Washington một lần trước đó vào năm 2015 dưới thời Tổng Thống Barack Obama. Phó tổng thống khi đó là ông Biden đã đón tiếp người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tại một bữa ăn trưa ở Bộ Ngoại Giao vì ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông John Kerry bị mắc kẹt ở Pháp sau khi bị thương trong một vụ tai nạn xe đạp.

Ông Hiebert cho biết thêm, một số người đặt câu hỏi liệu ông Trọng, 78 tuổi, và gặp một số vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây, có đủ sức khỏe cho chuyến bay kéo hơn 20 giờ tới Washington, DC hay không. Những người gần đây khi gặp nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam này tin chắc rằng ông Trọng có thể chịu đựng được chuyến đi nếu có những chặng nghỉ một vài lần trên đường.

Việc ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Bắc Kinh sau đại hội đảng Trung Quốc năm ngoái và trong những tháng gần đây cách chức một số quan chức có vẻ nghiêng về phương Tây vì cáo buộc tham nhũng đã làm dấy lên đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Việt Nam và đảng có thể xoay trục về phía Trung Quốc, theo ông Hiebert.

Bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc về cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Joe Biden và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. (Hình: Chụp qua màn hình)

Nhưng các nguồn tin ở Việt Nam lập luận rằng, theo ông Hiebert, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Trọng đã giúp ông “rảnh tay” với Trung Quốc một thời gian để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác chiến lược,” điều mà Hà Nội đã từng làm với Bắc Kinh nhiều năm trước đó.

“Điều đáng chú ý là ông Trọng bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng lần đầu tiên cách đây hơn một thập niên, vì vậy nguồn gốc của chiến dịch này khó có thể nói là ông sao chép sáng kiến từ ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc,” ông Hiebert cho biết. “Do đó, nếu có một lời mời từ Washington sẽ kiểm tra suy đoán từ một số quan sát cho rằng ông Trọng tìm cách tái cân bằng với Bắc Kinh.”

Theo ông Murray Hiebert, Việt Nam và Mỹ có thể cân nhắc đưa bốn trọng điểm sau đây vào quan hệ đối tác chiến lược:

-Trước hết, Washington và Hà Nội có thể tìm một thỏa thuận nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng để bảo đảm nguồn đầu vào ổn định và đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ nghệ. Hai bên có thể khám phá việc bổ sung chuyển giao công nghệ và tạo thuận lợi cho thương mại song phương. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất khi các công ty ngoại quốc như Apple tìm kiếm các cơ hội sản xuất thay thế trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm gần đây. 

-Thứ hai, Việt Nam và Mỹ coi an ninh ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu. Khi Hà Nội tìm cách hiện đại hóa quân đội vào năm 2030 và đa dạng hóa để không phụ thuộc vào thiết bị của Nga, Washington có thể giúp cung cấp cho Việt Nam công nghệ để bảo vệ chủ quyền (bao gồm cả thông qua thương mại quốc phòng) và nâng cao nhận thức của Việt Nam về những gì Trung Quốc và các nước khác đang làm ở vùng biển tranh chấp. Mỹ quan tâm đến việc đẩy mạnh các cuộc tập trận chung giữa lực lượng tuần duyên và các chiến hạm hải quân đôi bên, điều mà Việt Nam hiện phần nào vẫn tỏ ý “miễn cưỡng” tham gia.

-Thứ ba, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trọng tâm là bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Mekong màu mỡ đang bị đe dọa nghiêm trọng vì các đập thủy điện ở thượng nguồn sông, trong đó có một số đập do Trung Quốc xây dựng. Đôi bên cũng có thể cùng phối hợp làm việc để giảm lượng khí thải, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo và phát triển các kỹ thuật nông nghiệp “thông minh.”

-Thứ tư, Hà Nội và Washington, vốn tổ chức nhiều cuộc đối thoại hàng năm về nhiều chủ đề, có thể cân nhắc kết hợp những cuộc đối thoại này thành một cuộc đối thoại quốc phòng và chiến lược cấp cao bao gồm hợp tác an ninh, quan hệ đầu tư và thương mại, nhân quyền và biến đổi khí hậu. Hai phía có thể hợp tác giải quyết những khó khăn về an ninh mạng và thực thi pháp luật mặc dù hai chính phủ có quan điểm khác nhau về mức độ kiểm soát của nhà nước đối với người dân của họ.

“Xét lịch trình chính trị ở Mỹ và Việt Nam, 2023 là năm tốt nhất để Mỹ mời tổng bí thư Việt Nam sang thăm. Năm 2024 nước Mỹ sẽ bận rộn với không khí tranh cử và năm 2025 ở Việt Nam là những cuộc đua trước thềm đại hội đảng lần thứ 14, sẽ được tiến hành đầu năm 2026,” ông Hiebert kết luận. (MPL) [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT