Thursday, March 28, 2024

Nghiên cứu: Giảm thuế người giàu không làm kinh tế tăng trưởng đáng kể

LONDON, Anh (NV) – “Những chính sách giảm thuế cho người giàu chỉ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng xã hội nhưng lại không có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến tăng trưởng kinh tế hoặc tỷ lệ thất nghiệp,” đó là kết luận một cuộc nghiên cứu của trường đại học London School of Economics and Political Science (LSE), trường kinh tế danh tiếng của Anh, và King’s College London (xem tại link: www.lse.ac.uk/News/Latest-news-from-LSE/2020/L-December/Tax-cuts-for-the-rich).

Giới nghiên cứu chỉ ra rằng các chính phủ đang tìm tòi việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 không nên e ngại cho nền kinh tế nếu tăng thuế đối với giới giàu.

Hình chụp hồi Tháng Sáu, 2019, cho thấy nợ nước Mỹ là $26,000 tỷ. Tháng Năm, 2021, nợ quốc gia Mỹ đã hơn $28,000 tỷ. (Hình minh họa: Olivier Douliery/AFP via Getty Images)

Tài liệu nghiên cứu được viện LSE’s International Inequalities Institute công bố căn cứ vào dữ liệu của 18 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, bao gồm Hoa Kỳ và Anh, trong năm thập niên vừa qua.

Báo cáo của cuộc nghiên cứu có tên “Hậu Quả Cho Nền Kinh Tế Khi Giảm Thuế Cho Người Giàu” của hai tiến sĩ David Hope, giáo sư tại LSE, và Julian Limberg, giáo sư tại King’s College London, minh chứng các kế hoạch giảm thuế cho người giàu để làm gia tăng kinh tế là một sự thất bại hoàn toàn (xem tại link: http://eprints.lse.ac.uk/107919/1/Hope_economic_consequences_of_major_tax_cuts_published.pdf).

Các kế hoạch giảm thuế cho người giàu có được thực hiện trong nhiều giai đoạn khác nhau ở nhiều quốc gia, nhưng đặc biệt tập trung vào cuối thập niên 1980.

Hai vị giáo sư nhận xét: “Kết quả khảo sát cho thấy cứ mỗi lần giảm thuế cho giới giàu, chiếm 1% dân số, thì thu nhập của giới này gia tăng trong những năm sau đó.”

“Nhưng cùng lúc, kết quả các dữ liệu lại cho thấy tổng sản lượng quốc gia (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp không có tác động đáng kể sau mỗi lần giảm thuế cho giới giàu,” bản báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc giảm thuế cho người giàu không khuyến khích giới này làm việc nhiều hơn, hay nỗ lực hơn, mà các dữ liệu cho thấy chuyện giảm thuế “không dẫn đến việc thành phần này có thay đổi rõ ràng ảnh hưởng đến khối lượng việc làm của họ.”

Bản báo cáo kết luận: “Hậu quả kinh tế của việc giảm thuế cho người giàu chỉ làm tăng thêm thu nhập cho nhóm người này, nhưng hiệu ứng kinh tế lại rất nhỏ nhoi.”

Giáo Sư Hope nhận định: “Cuộc nghiên cứu cho thấy lập luận giảm thuế người giàu để làm gia tăng phát triển kinh tế rất là yếu kém. Tất cả những lần giảm thuế cho người giàu từ thập niên 1980 cho đến nay chỉ làm gia tăng sự bất bình đẳng giàu nghèo, đi kèm với những hậu quả xã hội, hoàn toàn không giúp ích cho việc phát triển kinh tế.”

Còn Giáo Sư Limberg, liên tưởng đến tình trạng kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, nói rằng: “Kết quả nghiên cứu này là một tin tốt cho tất cả các chính phủ đang tìm nguồn tiền để chấn chỉnh lại nền kinh tế khủng hoảng vì đại dịch. Họ (các chính phủ) sẽ không còn bị ám ảnh với câu chuyện nếu tăng thuế người giàu thì hậu quả kinh tế sẽ ra sao.”

Tổng Thống Donald Trump ký bản cải tổ luật thuế năm 2017, trong đó giảm thuế cho giới giàu và các công ty. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Các quốc gia được khảo sát là Úc, Áo, Bỉ, Canada, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ireland, Ý, Nhật, Hòa Lan, Na Uy, New Zealand, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, và Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, cuộc thăm dò mới đây nhất, do Reuters và Isop thực hiện, cho thấy chỉ có 26% người Mỹ tin vào “trickle down economic” (thuật ngữ nói về chính sách giảm thuế người giàu giúp cho nền kinh tế tăng trưởng), trong khi đó, 51% cho rằng chính sách này là hoàn toàn không hiệu quả cho đất nước.

Trong số thành phần cử tri Cộng Hòa, 40% tin rằng “trickle down economic” là một lý thuyết thất bại, ngược lại có 30% ủng hộ.

Về phía cử tri Dân Chủ, 70% hoàn toàn không tin chính sách cho người giàu thêm tiền thì kinh tế mới tăng trưởng, trong khi đó chỉ có 20% có quan điểm trái ngược. (MPL) [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT