Saturday, April 20, 2024

Nhà lập pháp kêu gọi sửa cách nói về COVID-19 để tránh bạo lực chống người gốc Á

WASHINGTON, DC (NV) – Các nhà lập pháp và chuyên gia kêu gọi thay đổi cách nói về COVID-19 và chính sách ngoại giao, cũng như ra luật mới về tội phạm thù ghét, nhằm giải quyết nạn kỳ thị và bạo lực gia tăng nhắm vào người Mỹ gốc Á Châu, theo CNBC.

Lời kêu gọi được đưa ra trong buổi điều trần trước tiểu ban Tư Pháp Hạ Viện hôm Thứ Năm, 18 Tháng Ba.

Nailing It For America tổ chức buổi thắp nến ở Fountain Valley, California, hôm 4 Tháng Ba, để kêu gọi chấm dứt nạn thù ghét người Á Châu. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Buổi điều trần được tổ chức sau vụ xả súng ở Atlanta, Georgia, hôm Thứ Ba làm tám người chết, gồm sáu phụ nữ gốc Á Châu, khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu khắp nước Mỹ thêm lo sợ.

“Buổi thảo luận của chúng ta hôm nay đã quá hạn lâu rồi, và Quốc Hội phải nhất thiết làm rõ vấn đề này,” Dân Biểu Jerrold Nadler (Dân Chủ-New York), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói. “Buổi điều trần gần đây nhất của Quốc Hội về bạo lực đối với người Mỹ gốc Á Châu là hồi năm 1987, ở tiểu ban này.”

Ông Nadler cho biết thêm: “Quốc Hội không đề cập vấn đề này 34 năm là quá lâu. Chính phủ phải điều tra thấu đáo và nhanh chóng giải quyết tình trạng căng thẳng và bạo lực ngày càng tăng nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu, nhất là liên quan đại dịch COVID-19, vì mạng sống cũng như công việc làm ăn của họ đang thực sự lâm nguy.”

Trong buổi điều trần, giới chức dân cử, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động người Mỹ gốc Á Châu đưa ra nhiều bằng chứng tóm lược cách đối xử với người gốc Á Châu suốt lịch sử Mỹ, đồng thời, kể lại chuyện bản thân bị kỳ thị. Họ kêu gọi chính phủ ra tay.

“Đấu tranh chống nạn thù ghét không phải là vấn đề của đảng phái,” Dân Biểu gốc Hàn Michelle Steel (Cộng Hòa-California) nhấn mạnh. “Ai ai cũng có thể đồng ý rằng bạo lực nhắm vào bất kỳ cộng đồng nào đều không thể tha thứ.”

Nhiều người tham dự buổi điều trần nêu rõ tác hại của việc các giới chức đổ lỗi cho Trung Quốc về COVID-19 và dùng từ ngữ xúc phạm như “Kung flu” (cúm Tàu) và “virus Trung Quốc” để nói về đại dịch này, đặc biệt là cựu Tổng Thống Donald Trump.

Dân Biểu gốc Hoa Judy Chu (Dân Chủ-California), chủ tịch Nhóm Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương Của Quốc Hội, cho rằng những kẻ thù ghét và tấn công người Mỹ gốc Á Châu “bị kích động do lời nói của cựu Tổng Thống Trump, vì ông Trump cố tránh bị người ta đổ lỗi và tức giận cách chống dịch thất bại của ông ấy.”

Các chuyên gia cho hay, theo nghiên cứu, giữa lời nói của nhà lãnh đạo với nạn thù ghét có mối liên hệ với nhau.

“Những lời nói này rất quan trọng, nhất là khi Tòa Bạch Ốc thời chính quyền trước liên tục đưa ra. Các nhà nghiên cứu nhận thấy lời nói chống người gốc Á của nhà lãnh đạo có liên hệ trực tiếp đến số vụ kỳ thị người Mỹ gốc Á Châu gia tăng,” theo bà Erika Lee, giáo sư lịch sử và nghiên cứu người Mỹ gốc Á Châu của University of Minnesota.

Các nhà lập pháp và nhà hoạt động còn thảo luận về việc chính sách ngoại giao của Mỹ ảnh hưởng ra sao đến cách đối xử với người Mỹ gốc Á Châu.

“Đúng là chúng ta có lo ngại chính đáng và khác biệt về địa chính trị với chính phủ và đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng có thể còn lâu. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, những khác biệt đó sẽ gây hậu quả cho cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu của chúng ta,” ông John Yang, chủ tịch tổ chức dân quyền Bảo Vệ Công Lý Cho Người Mỹ Gốc Á Châu, nói.

Một số cư dân Philadelphia, Pennsylvania, hôm 17 Tháng Ba thắp nến kêu gọi chấm dứt nạn thù ghét người Á Châu. (Hình minh họa: Joe Lamberti/Camden Courier-Post via AP)

Ông Yang và một số người khác nhắc lại chuyện xảy ra với người Mỹ gốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, cũng như với người Mỹ gốc Ả Rập, Trung Đông, Hồi Giáo và Nam Á sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, để làm ví dụ chính sách ngoại giao của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp đến các cộng đồng ở trong nước.

“Trong 24 giờ qua, chúng tôi nghe nhiều người nói nạn kỳ thị người gốc Á Châu và bạo lực chủng tộc là phi Mỹ. Rất tiếc, tệ nạn này rất Mỹ,” bà Lee nói.

Một số người tham dự buổi điều trần hối thúc Quốc Hội thông qua dự luật chống tội phạm thù ghét do Dân Biểu Grace Meng (Dân Chủ-New York) và Thượng Nghị Sĩ Mazie K. Hirono (Dân Chủ-Hawaii) đề nghị trước đây trong Tháng Ba.

Trong buổi họp báo ở Atlanta sáng Thứ Năm, bà Bee Nguyễn, dân biểu tiểu bang Georgia, cho rằng: “Luật chống thù ghét không mang tính phòng ngừa, mà chỉ dùng làm công cụ truy tố sau khi có chuyện xảy ra.”

“Đó là lý do chúng ta phải giải quyết nạn bài ngoại, nạn kỳ thị chủng tộc có hệ thống. Đó là lý do chúng ta phải lên án nạn sử dụng ngôn ngữ mang tính kỳ thị,” bà Bee nói.

Hôm Thứ Ba, tổ chức Stop AAPI Hate (Ngăn Chặn Nạn Thù Ghét Người Mỹ Gốc Á Châu và Người Pacific Islander) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy có 3,795 vụ phạm tội thù ghét chống người Mỹ gốc Á Châu và người Pacific Islander được báo cáo từ ngày 19 Tháng Ba, 2020, đến 28 Tháng Hai, 2021.

Tổ chức này nhấn mạnh con số đó chỉ là một phần nhỏ so với số vụ người Mỹ gốc Á Châu bị tấn công thực tế trên cả nước. (Th.Long) [qd]

MỚI CẬP NHẬT