Saturday, April 20, 2024

Hội Ðỗ Quyên triển lãm cây cảnh, bonsai

 

Nguyên Huy/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) – Hôm thứ Bảy, 24 Tháng Tám, từ 10 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, Hội Ðỗ Quyên và Cây Cảnh mở buổi triển lãm Bonsai của các thành viên trong hội tại chùa Bảo Quang trên đường Newhope trong thành phố Santa Ana.


Trong dịp này, hội tổ chức hai buổi thuyết trình về cách chăm sóc, uốn nắn Bonsai do chính chủ tịch hội là ông Ben Oki, người Nhật và phó chủ tịch Ðược Ngụy phụ trách thuyết giảng.


Buổi thuyết trình sáng bằng tiếng Việt dành cho cộng đồng người Việt và buổi chiều bằng tiếng Anh dành cho các dân tộc khác. Riêng lớp buổi chiều có đến gần ba chục tham dự viên thuộc các sắc tộc Mỹ, Mexico, Trung Hoa, Phi và Ðại Hàn.


Một góc trong phòng triển lãm Bonsai của Hội Ðỗ Quyên và Cây Cảnh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Ðề tài thuyết trình cả hai buổi là cách chăm sóc Bonsai và cắt, tỉa uốn nắn Bonsai sao cho có nghệ thuật như mình muốn. Theo các diễn giảng thì Bonsai, cái đẹp của nó là ở chỗ đơn giản, vừa đủ, hóa cách và quan trọng nhất là nó phải mang tính chất “gợi ý.”


Theo định nghĩa chung thì Bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại trong gang tấc nhưng vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật và nghệ thuật riêng biệt.


Cả hai thuyết trình viên đã tỉ mỉ chỉ dẫn từng chi tiết trong mỗi giai đoạn trước khi uốn nắn. Một số dụng cụ cần thiết để cắt tỉa, uốn, gò, dây quấn… phải là những dụng cụ riêng biệt, không thể dùng dao kéo thường để gọt tỉa vì cành lá có thể bị dập. Tất cả những dụng cụ này đều có trưng bày trong cuộc triển lãm.


Theo cô Mỹ Dung, trong ban điều hành hội, hội Ðỗ Quyên và Cây Cảnh là một hội của những người yêu thích cây cảnh, Bonsai. Hiện nay hội quy tụ khoảng trên 60 người gồm nhiều sắc tộc, có Mỹ, có Ðại Hàn, có Phi, có Mexico, đủ cả. Tất cả cùng chung nhau một ý thích chơi và săn sóc cây cảnh. Trung bình hàng tháng hội có một lần sinh hoạt tại chùa Bảo Quang. Trong dịp này các hội viên có thể đem cây cảnh của mình đến hội để trao đổi kinh nghiệm với nhau cũng như để đón nhận thêm những chỉ dẫn của các hội viên khác có kinh nghiệm hơn. Hội cũng ra một tập Tin Tức Hàng Tháng để các hội viên trao đổi thêm kinh nghiệm, cũng như phổ biến những tin tức mới nhất về cây cảnh trên thế giới.


Ðược hỏi về tên hội là Ðỗ Quyên thì phải chăng hội rất chuyên môn về loại cây hoa Ðỗ Quyên không thì cô Mỹ Dung cho biết Ðỗ Quyên là một giống hoa có hoa rất đẹp, màu sắc lại đa dạng, dễ trồng và dễ nhân giống. Hiện cộng đồng người Việt cũng như nhiều cộng đồng khác đang có phong trào chơi hoa Ðỗ Quyên rất nhiều. Một cây Ðỗ Quyên Người ta có thể “giâm cành”, gieo hạt hay “chiết cành”, cách nào cũng có thể làm cho Ðỗ Quyên phát triển. Nhưng trồng Ðỗ Quyên cần phải lưu ý một số điều về đất, nước tưới và phân bón. Ðất cho Ðỗ Quyên phải là đất tơi, xốp, dễ thoát nước và thông thoáng gió, cần nhiều mùn và đủ phân bón. Nước tưới thì phải biết Ðỗ Quyên có bộ rễ rất mạnh nên nó sợ hạn cũng như không chịu được ngập úng quá lâu. Nước tốt nhất là nước tự nhiên. Ðể tăng độ chua cho nước tưới có thể pha thêm sunfat sắt hay giấm ăn. Nên dùng nước và nước phân thay nhau tưới cho Ðỗ Quyên. Khi nở hoa cây Ðỗ Quyên sẽ như một mâm xôi đầy ắp màu sắc mà lại nhỏ gọn trong dạng Bonsai, có thể đế bất cứ chỗ nào mà thưởng ngoạn cũng thích hợp.


Theo người đã chơi Bonsai có mặt trong buổi triển lãm này thì chơi Bonsai là phải biết tạo hình và săn sóc nó.

Chủ tịch hội Ðỗ Quyên, ông Ben Oki (phải) và Phó chủ tịch hội, ông Ðược Ngụy đang chỉ dẫn cách tỉa và uốn Bonsai cho các tham dự viên đến dự cuộc triển lãm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tạo hình cho Bonsai vừa phải có kỹ thuật lại phải có nghệ thuật. Các loại cây thường được thu nhỏ vào dạng Bonsai là Thiên Tuế, cau, trúc Nhật, Thiết Mộc Lan, Tùng, Trắc bách Diệp, Si& Ðể tạo hình khi cây mới lớn hay đã trưởng thành, nghệ nhân Bonsai phải làm sao cho có cân đối hài hòa từ cành thân rễ cho đến chậu hay khay chứa nó. Cành thì rất nên tránh sự đối xứng mà cần cân đối quanh thân cây. Ðể làm được việc này người ta có thể điều chỉnh sự phát triển của thân, cành cũng như rễ bằng cách cắt tỉa, buộc và uốn những dây kẽm để cành hướng theo hướng đã định. Ðây là khâu khó khăn nhất trong việc chăm sóc Bonsai. Dây quấn phải được coi chùng, không để cho chúng ăn lằn vào cây. Cắt tỉa, gọt giũa ở những điểm nào trên thân cây, cành cây để hạn chế hay thúc đẩy sự phát triển… Tất cả là một kỹ thuật tinh vi cộng với một nghệ thuật thanh tao, siêu thoát.


Bonsai vốn phát sinh ở Trung Hoa lục địa, rồi qua Nhật và phát triển mạnh tại đây rồi lan dần vào nhiều nước Á châu như Ðại Hàn, Phi, Việt Nam. Hiện nay, người Mỹ cũng rất thích nghệ thuật Bonsai nên nhiều tổ chức về Bonsai đã được thành lập cũng như sách báo về nghệ thuật Bonsai cũng được xuất bản khá nhiều.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT