Friday, April 19, 2024

Nghề xướng ngôn viên truyền hình Việt ngữ

 


‘Dâu trăm họ, vẫn giữ nét riêng’


 


Ngọc Lan/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) –Trong mấy năm qua, khi các chương trình tivi tiếng Việt tại hải ngoại “bùng nổ” cũng là lúc nhiều người tham gia vào một công việc chưa từng có trong dự tính: trở thành xướng ngôn viên truyền hình.










Cặp bài trùng của Saigon TV: Khoa Cát (trái) và Thanh Tâm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Ðến với nghề từ những bất ngờ, như một cuộc chơi, nhưng họ, những xướng ngôn viên trẻ tuổi, đã gắn mình với công việc này, dù là toàn thời gian hay bán thời gian, và ít nhiều để lại những nét rất riêng trong lòng khán giả Việt Nam trên đất Hoa Kỳ.


Trong số này, có thể kể đến Khoa Cát, Thanh Tâm của đài Saigon TV; Nguyên Khang, Diễm Liên của đài S.E.T; và Linh Nga của đài Việt Face.


 


Xướng ngôn viên – những tình cờ


 


Như đã nói, cả 5 xướng ngôn viên được nhắc trên đều chưa từng nghĩ có một ngày mình sẽ trở thành một xướng ngôn viên, một “anchor,” một người đọc tin tức trên màn ảnh truyền hình.


Không qua trường lớp đào tạo chính thức, nhưng phải thừa nhận, sự bén duyên của những gương mặt xuất hiện hàng ngày, hàng tuần trên màn ảnh nhỏ này đều có những lý do… ngộ nghĩnh.


Nguyên Khang, xướng ngôn viên của đài S.E.T, tâm sự: “Ðây là công việc mà Khang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm, cho đến một ngày đẹp trời anh Trúc Hồ, giám đốc Trung Tâm Asia, cũng là chủ đài S.E.T, kêu Khang đi ‘training làm xướng ngôn viên’.”


Dù rằng có lời khuyên từ bạn bè là “ca sĩ mà xuất hiện nhiều quá thì sẽ làm mất hình tượng, ca sĩ phải có vẻ như bí mật một chút mới được,” Nguyên Khang lại bị thuyết phục bởi lý lẽ “ca hát chỉ kéo dài một thời gian thôi, còn xướng ngôn viên khi càng lớn tuổi, làm càng lâu, trở thành một gương mặt của khán thính giả thì sẽ được yêu mến lâu dài hơn, công việc ổn định hơn.”


“Ở xứ Little Saigon này, ra đường gặp mọi người riết cũng như người nhà hết rồi, có gì đâu mà bí mật.” Nghĩ vậy mà chàng ca sĩ có giọng ca trầm ấm này “quyết định thử công việc hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp trước đây.”


Tương tự như vậy, ca sĩ Diễm Liên, người đọc tin tức cho S.E.T từ ngày đầu thành lập, cũng theo “lời rủ rê” của Nguyên Khang khi thấy nhiều đài tivi mở ra, “nếu có duyên thì mình sẽ được chọn. Mà muốn biết duyên hay không thì phải thử,” Diễm Liên nhớ lại.


Với Linh Nga, một trong những người đọc tin tức chính của đài Việt Face, thì duyên do cô đến với nghề này là “rất vô tình.”


“Khi đó đài Global TV đang cần một giọng nữ Hà Nội nên anh Huy MC giới thiệu em. Sẵn lúc đó đang rảnh, thấy công việc cũng hay, lại nhẹ nhàng, thích hợp với mình nên em nhận lời.” Nữ xướng ngôn viên có giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, kể.


Riêng Thanh Tâm, người đang phụ trách mục Tin Tức Cuối Tuần của đài Saigon TV, lại thử “trò chơi mới” vào một buổi chiều đẹp trời cách đây 6 năm. “Trên đường đi làm về, nghe lời tuyển xướng ngôn viên của VHN-TV, mình cứ phom phom lái xe tới thử giọng. Lúc ấy Tâm đang làm công việc quản lý kế toán cho một cơ quan của chính phủ.”


“Mình được chọn ngay và hôm sau đến đọc tin thu hình và phát liền.” Thanh Tâm nhớ lại thời điểm thú vị khi bước chân vào công việc này.


Chỉ có Khoa Cát, khi đang làm công việc giới thiệu chương trình nhạc cho đài VHN-TV, nhìn thấy “mấy anh chị làm tin đọc ‘news’ sao hay quá!” nên đi theo xin “cho em làm xướng ngôn viên với.” Nhưng lời đề nghị lúc đầu của một trong những “anchor” nổi tiếng nhất hiện nay, bị từ chối bởi “em nhìn trẻ quá, lên đọc tin ai mà… tin! Xướng ngôn viên nhìn phải chững chạc và già dặn một chút thì người ta mới tin.”


Không được chấp nhận ngay từ đầu, Khoa Cát chỉ còn biết ngồi chờ. Và khi cơ hội đến, cô gái có khuôn mặt “trẻ quá” này đã không làm người xem thất vọng.


 


Ðọc, nhưng không phải là “máy đọc”


 


Khi được hỏi, cả năm gương mặt “anchor” kể trên đều không cho rằng xướng ngôn viên là một nghề khó, nhưng đó cũng không phải là nghề ai muốn cũng có thể làm được.


Theo thăm dò của AP, khi được hỏi rằng nếu có cơ hội thử tài trong các nghề nghiệp thuộc loại nổi tiếng, thì xướng ngôn viên truyền hình là nghề được người ta chọn nhiều nhất. Khoảng 15% phụ nữ tham gia cuộc thăm dò ý kiến nói rằng họ thích được làm xướng ngôn viên đọc tin tức trên đài truyền hình, trong khi chỉ có 13% muốn trở thành minh tinh màn bạc.


Những ngày đầu bước chân vào nghề, những lần đầu tập đọc trước “máy nhắc” – prompter – là những kỷ niệm không thể quên đối với người làm nghề xướng ngôn viên truyền hình.


Với Nguyên Khang, đó là những ngày cứ đọc vấp, để điều đó trở thành điểm cho khán giả nhìn vào mà nhận xét cho sự tiến bộ.


Nhớ lại những khó khăn ngày đầu, Nguyên Khang kể: “Lúc đầu cũng bị chê nhiều lắm. Ngoài chuyện đọc bị vấp, bạn bè còn nói ‘đọc gì mà giống như dán mắt vô màn ảnh vậy?’” Muốn không bị cho là “đang dán mắt vào màn hình,” không phải là một “máy nói” thì phải tập.


“Mình cứ chăm chăm nhìn vào prompter thì khán giả dễ dàng nhận ra mình đang dán mắt để đọc, chứ không phải là đang nhìn khán giả. Cho nên phải tập nhìn prompter đọc bằng mắt trái, nhìn carmera quay bằng mắt phải.”


Với Diễm Liên, một ca sĩ; Linh Nga, người đang theo học cao học về ngành sản xuất phim; và Khoa Cát, đang đeo đuổi ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang, thì dường như họ được sinh ra để làm xướng ngôn viên! Bởi cả ba người đẹp đều cảm thấy mình có sự may mắn đặc biệt khi đến với nghề. Họ không thấy một sự khó khăn đặc biệt nào khi đến với nghề này.


Ngoài khả năng đọc giỏi, đọc trôi chảy mà người xướng ngôn viên nào cũng phải có, theo Thanh Tâm, nghề xướng ngôn viên cần phải có kiến thức tổng quát về nhiều mặt, phải có một chút ngoại hình, và có một chút năng khiếu diễn xuất.


“Những điều này đều có thể học hoặc sửa được, ngay cả ngoại hình. Nhưng nghề nào cũng vậy, phải có duyên. Cái duyên này không học được!” Thanh Tâm khẳng định.










Khuôn mặt mới, nhưng đã mau chóng chinh phục khán giả Việt Face: Xướng ngôn viên Linh Nga. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Linh Nga kể: “Lúc còn ở Việt Nam , em đã từng đóng nhiều phim, lại đi lồng tiếng rất nhiều. Lúc 13, 14, 15 tuổi lại đi làm MC cho nhiều chương trình. Rồi lúc đi hát cho nhóm ‘5 Dòng Kẻ’ em cũng đã làm MC, nên cũng có nhiều kinh nghiệm. Thành ra vào nghề này mình cũng phải học nhưng không quá lạ lẫm.”


Linh Nga cho biết, trong thời gian khoảng nửa năm đầu mới vào nghề, cô luôn phải “đi làm thật sớm để đọc, để tìm hiểu nắm bắt nội dung bản tin. Tối đến, khi về nhà thì phải tiếp tục bật các đài tin tức của Mỹ lẫn của Việt để coi cách người ta đọc, cách người ta phát âm những ngôn từ Mỹ, để cho chuẩn.”


Nhưng giờ đây, “khi bản tin làm xong, chỉ cần 10 giây sau là em đã có thể đọc thẳng trên prompter từ đầu đến cuối không cần stop lại chỗ nào hết.” Linh Nga nói một cách tự tin.


Diễm Liên thì đã quen thuộc với sân khấu chuyên nghiệp khá lâu trước khi trở thành người đọc tin tức trên màn hình nên cô không có sự bối rối, e dè trước ống kính.


Diễm Liên nhận xét: “Là ca sĩ, muốn hát thì phải thuộc lời bài hát, phải thể hiện được hồn của bài hát. Còn đọc tin tức thì làm sao khi mình đọc ra người ta phải hiểu, mà muốn người ta hiểu, mình phải có sự chuẩn bị, phải có kiến thức.”


“Mình phải tự tin, và sự tự tin đó hiện lên ngay trên gương mặt mình. Khi mình không hiểu tin mình đang nói, thì điều đó sẽ hiện ngay trên mắt mình, khán giả sẽ nhận ra ngay.”


Diễm Liên cho rằng điều may mắn giúp cô ít nhiều thành công trong công việc này là do cô từng đọc nhiều. Do đọc nhiều nên “mình hiểu được điều mình đọc, và biết phải đọc như thế nào để thể hiện được nội dung của bản tin.”


Khoa Cát, với kinh nghiệm từng làm MC cho nhóm nhạc The Friends, và thêm thời gian làm người giới thiệu chương trình ca nhạc cho đài VHN-TV, “không cảm thấy ngập ngừng cho công việc này ở thời gian đầu.”


Tuy nhiên, Khoa Cát cũng phải trải qua những lúc “cứng đơ” không biết nói gì, không biết phải đối đáp làm sao với bạn đọc của mình khi bình luận thêm về tin tức. Nhưng, nghề dạy nghề, kiến thức tích lũy được từ những bản tin mang lại giúp Khoa Cát mỗi lúc một quen dần và tự tin hơn khi nói chuyện, tung hứng cùng bạn đọc.


“Em nói ra những điều mình nghĩ, thật lòng mình, chứ không phải cố gắng gì hết.”


Tuy là vậy, việc “mắt nhìn chữ này nhưng miệng đọc ra chữ khác” cũng là một trong những “tai nạn nghề nghiệp” của người xướng ngôn viên.


“Rõ ràng màn hình ghi ‘năm 2011,’ vậy mà mình cứ đọc ‘năm 2001’ tỉnh bơ luôn.” Hay Diễm Liên cứ đọc ‘dân cư’ thành ‘dư cân’ mà chẳng hiểu tại sao. Hay có khi bản tin cứ nhắc đi nhắc lại chữ ‘ung thư vú,’ Nguyên Khang đọc cứ bị vấp hoài, chắc do mình ngượng miệng nên cuối cùng phải đề nghị sửa lại thành ‘ung thư ngực.’ Và như thế thì đọc trôi chảy!


 


Buồn vui với nghề


 


Trong số các xướng ngôn viên kể trên, Thanh Tâm là người có thời gian gắn bó với công việc này lâu hơn hết. Tuy nhiên, như anh tâm sự: “Bước chân vào nghề này thấy có niềm vui nhưng cũng thấy có mặt trái của nó, nên mình tự biết là không nên dấn thân quá sâu vào nghề, chỉ coi đây là một hobby thôi.”


Một phần mặt trái mà người “anchor” này muốn nói là “qui luật của trò chơi mà đài TV nào cũng phải chịu, là sống nhờ quảng cáo.”


“Nhưng khi bản thân mình không tin vào sản phẩm đó, thì làm sao mình có thể mở miệng quảng cáo được? Với mình, khi bước chân vào nghề này thì khán giả là số 1, kế đến là bản thân, thứ 3 là lợi ích của chủ đài và khách hàng. Ðôi khi lợi ích của những thành phần này xung đột lẫn nhau.”









Ðôi xướng ngôn viên kỳ cựu của S.E.T.: Diễm Liên (trái) và Nguyên Khang. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)


Kế nữa, người làm xướng ngôn viên cho các đài truyền hình tiếng Việt phải thực sự yêu nghề. “Bởi so với nghề chính của mình thì công sức bỏ ra cho việc này chỉ là đủ đổ xăng cho vui thôi, nên nếu không yêu nghề thì không làm được đâu. Vì một bản tin mình phải làm cả ngày, rồi nào quần áo, trang điểm… mà thù lao chẳng thấm vào đâu so với công việc chính của mình thành ra làm vì đam mê là chính.” Người phụ trách Mục Tin Tức Cuối Tuần của đài Saigon TV, đồng thời cũng là người quản lý kế toán cho một công ty tài chánh của chính phủ, cho biết.


Với Nguyên Khang, người chưa từng mở TV coi tin tức trước khi trở thành người đọc “news,” càng lúc càng cảm thấy yêu thích công việc này bởi “mình có thể cập nhật tin tức, có thể hiểu mọi chuyện trên thế giới đang diễn ra như thế nào, và mình học nhiều thứ, trong đó thú vị nhất là cách đọc được tên người nước ngoài.”


“Hồi đó mình đi hát thì nhiều lắm là được tặng hoa thôi. Còn từ lúc làm xướng ngôn viên, Khang được tặng quà nhiều lắm, mà nhiều nhất là được tặng ‘cà vạt’. Ai cũng dặn nhớ đeo nha.” Nguyên Khang kể.


Người ca sĩ – xướng ngôn viên này nói thêm, “Khang cảm thấy rất trân trọng những giây phút mình ngồi đọc tin, đưa tin đến cho mọi người. Sau bản tin thì mình chúc quý vị có một ngày thật vui êm ấm bên gia đình và người thân. Ðó là câu nói hàng ngày thôi nhưng mà mình luôn ghi nhớ và thực lòng mong muốn như vậy.”


Với các nữ xướng ngôn viên, chuyện quần áo, tóc tai, cách trang điểm luôn là điều được khán giả chú ý. Theo lời của cả Linh Nga, Diễm Liên và Khoa Cát, “có người thích cách mình đọc, có người thích cách mình ăn mặc, có người thích cách mình chải tóc…” nên làm xướng ngôn viên cũng giống như “làm dâu trăm họ.”


“Nhưng mình phải là người biết điểu khiển chính mình” Diễm Liên nói.


Cô nhận xét, “Khán giả Việt Nam rất khó, và kỹ lưỡng. Ăn mặc hở hang quá cũng không được, vừa nói vừa cười hình hịch cũng không được. Nên mình luôn phải cẩn thận và chừng mực khi xuất hiện trên màn ảnh đọc và bình luận tin.”


“Ðiều cuối cùng khán giả đòi hỏi ở xướng ngôn viên là tin tức súc tích, hấp dẫn để người ta muốn coi, muốn coi và muốn coi.” Diễm Liên khẳng định.


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT