Thursday, March 28, 2024

Bạn bè của tôi

Phạm Ngọc

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Như đã hứa, hôm nay tôi sẽ dành bài nầy để viết về bạn bè của tôi. Nếu phải kể tất cả những đứa bạn hồi còn để chỏm vẫn thường chơi bắn bi, đánh đáo… thì chắc phải đến năm sau mới kể hết! Thôi thì chỉ kể vài kỷ niệm với một số bạn bè thân nhất thời Trung Học để còn viết nhiều hơn về những người bạn thời Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, những người đã để lại trong tôi nhiều điều đáng nhớ nhất.

Tôi lớn lên và sinh sống tại một tỉnh ngoài miền Trung, một tỉnh có một hải cảng và những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Tôi được gia đình gửi theo học chương trình Pháp, nhưng bạn bè tôi thì chỉ toàn là học sinh trường Việt. Tôi không hạp với những “ông tây, bà đầm con” của trường tôi, mở miệng ra là “toa, moa” và chen tiếng Tây vào câu chuyện om xòm!  Bạn bè trường Việt xài “mầy, tau” vui hơn!

Thú vui lớn nhất của tụi tôi là đạp xe dọc theo bờ sông Hàn hóng mát, xuống biển Thanh Bình hay xa hơn là đạp xe qua biển Mỹ Khê, Tiên Sa tắm trong những ngày nóng bức của Mùa Hè. Còn nếu “lãng mạn” hơn nữa là lên Cổ Viện Chàm ngồi nhìn ra bờ sông Hàn hút thuốc nhìn những chiếc ghe buồm lướt qua. Hay bạo gan hơn chút nữa là đạp xe theo những bóng hồng đến tận nhà, la lớn tên của “người ta” rồi cong giò chạy trốn.

Học xong Tú Tài I, tụi tôi có đứa học tiếp, có đứa bỏ đi lính và từ giã cuộc chơi rất sớm. Cũng có nhiều tên mạng lớn nên cũng lên lon, làm quan to của những binh chủng khét tiếng. Sau nầy khi được đổi về dạy tại quê nhà nơi ngôi trường bạn bè tôi đã theo học, mấy ông thần bạn tôi vẫn đến trường tìm tôi rủ đi uống cà phê ngồi nói dốc nhắc lại  chuyện ngày xưa. Nhìn những bộ quân phục rằn ri từ trên chiếc xe Jeep lem luốt màu đất đỏ vì vừa đi hành quân về bước vào trường tìm tôi, chắc bác cai trường cũng xanh mặt!

“Tụi tau tới kêu mầy đi ăn trưa, uống café để mừng cho mấy thằng bạn của mầy vẫn còn sống sót trở về! Tụi tau có tiền đây, mầy đừng lo là chưa tới kỳ lãnh lương thầy giáo!”

Nước mất nhà tan, tôi cùng đám bạn bè cũng tan hàng luôn! Qua Mỹ thỉnh thoảng cũng có gặp vài người, nhưng nhắc lại những chuyện xưa thì bạn tôi có vẻ không vui. “Thôi mất hết rồi, nhắc làm chi nữa cho buồn. Quên đi!”

Đậu xong cái Tú Tài 2 tôi xin Me tôi vào học Sài Gòn mặc dầu năm đó Đại Học Huế đã bắt đầu tuyển sinh viên vào học. Tôi vẫn có máu giang hồ vặt như thế. Học gần nhà mất vui!

Vào Sài Gòn tôi vẫn không chịu ở nhà bà con, vì sợ “mất tự do.” Tôi mần mò tìm ra một chỗ sau lưng quán Thanh Bạch, nơi dành cho những công tư chức tỉnh lẻ ở trọ và ăn cơm tháng, giá cả cũng vừa với túi tiền sinh viên. Tôi ghi danh học Văn Khoa ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn gần đó. Năm đầu tiên ghi danh học dự bị tôi bắt đầu làm quen với không khí đại học. Cũng sắp hàng ghi danh, cũng chạy từ giảng đường nầy sang giảng đường khác, cũng mua cours về học thêm ngoài bài vở đã ghi chép trong lớp. Và cũng cúp cua chạy sang rạp chiếu bóng thường trực Lê Lợi kế bên để xem phim và để được ngồi thưởng thức máy lạnh trong những ngày nóng bức. Tôi cũng đã bắt đầu ghiền những ngày cuối tuần cùng với vài người bạn mới ra ngồi uống café ở quán Văn trong sân trường. Và cũng bắt đầu mê nhạc Trịnh công Sơn với tiếng hát Khánh Ly.

Năm sau tôi thi vào Đại Học Sư Phạm và học song song cả hai bên.

Rồi những lần theo bạn bè đến trụ sở Tổng Hội Sinh Viên đường Duy Tân, tôi bị mê hoặc bởi sinh hoạt và hoạt động của các anh Lê Hữu Bôi (sau nầy bị VC thảm sát thời kỳ Tết Mậu Thân khi về Huế thăm gia đình), Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến nên tôi tham gia vào sinh hoạt chung với nhóm các anh ấy. Trong những lần họp tại nhà cô bạn Thúy Lan chúng tôi ở đường Hồ văn Ngà, các anh đã lôi cuốn tôi hồi nào tôi chẳng hay.

Tôi vẫn còn nhớ như in giọng nói nhỏ nhẹ của anh Điểu, anh Yến và giọng Huế của anh Bôi.  Những lần lên đường xuống đường của Sinh Viên đều có mặt chúng tôi đầy đủ. Những đêm thức trắng để quay ronéo truyền đơn chuẩn bị biểu tình chống Hiến Chương Vũng Tàu, những đêm lửa trại tập hát với anh chị em Du Ca, những lần đi cứu trợ bão lụt ngoài Trung, chúng tôi đều hiện diện đủ!

Mấy năm sau ai nấy đều ra trường, mỗi người đi một nơi nên không có dịp gặp lại.

Cho đến khi qua Mỹ.

Tôi không nhớ rõ là tôi đã tham gia cuộc thi nào do tờ báo anh Lê Đình Điểu chủ trương, nhưng lần đó tôi được một giải thưởng. Hôm lái xe đến đường Arcacia (?), tôi bước vào văn phòng và đã thấy anh Điểu ngồi ở đó, dáng vẻ vẫn ung dung như ngày nào ở Văn Khoa. Khi tôi nói là đến để nhận giải, anh Điểu nheo mắt nhìn tôi và nói: “Tôi thấy ông quen quen. Có phải ông trong nhóm Lê Văn bên Đại Học Sư Phạm không?” Thì ra anh vẫn không quên tôi. Hai anh em ngồi trò chuyện một lúc trong văn phòng, nhắc lại những kỷ niệm hồi còn sinh hoạt ở Văn Khoa. Tiễn tôi ra về sau khi đưa tôi bức tranh vẽ mấy con ngựa đang tung vó khá đẹp, anh còn nhắn là thỉnh thoảng ghé tòa soạn chơi. Sau nầy vì công ăn việc làm quá lu bu nên tôi không còn gặp anh nữa, chỉ theo dõi tin tức anh trên báo chí. Bức tranh vẫn còn treo ở phòng khách nhà tôi, nhưng người bạn của một thời sinh hoạt vui nhộn không còn nữa.

Cuốn sách do tác giả tặng, kỷ niệm của anh Đỗ Ngọc Yến.

Người bạn thứ hai đã ghi lại trong tôi nhiều kỷ niệm nữa là anh Đỗ ngọc Yến. Một lần tôi đến tòa soạn để mua báo và để xin cuốn Niên Giám, anh từ phía trong bước ra. Anh nheo nheo mắt nhìn tôi: “T. phải không? Trong nhóm Lê Văn chứ gì? Vào đây, vào đây nói chuyện chút xíu đã. Bồ qua bao lâu rồi? Quý hóa quá! Không ngờ anh em mình còn gặp lại nhau! Để moa đưa toa đi xem cơ ngơi Người Việt chút xíu đã nhen rồi mình chuyện trò sau!”

Anh đưa tôi đi từ phòng này đến phòng khác, hướng dẫn đủ điều, “À, có cô bạn học của toa ở ĐHSP cũng làm ở đây nữa!”

Đi giáp một vòng tòa soạn, anh đưa tôi về nơi anh làm việc, lấy một cuốn sách tiếng Anh viết về những công việc của anh đã làm từ trước đến nay, viết vài câu đề tặng tôi. Và nói: “Toa đem về đọc cho vui, và khi nào cần gì cho moa biết để xem có thể lo được chuyện gì cho bạn bè không?”

Lúc đó tôi cũng định mở miệng nhờ anh cho tôi một công việc gì đó ở báo Người Việt, nhưng mới gặp mặt nhau mà đã nhờ vả rồi thì cũng kỳ, coi bộ không được chút nào. Nên tôi cám ơn anh và bắt tay ra về. Nếu hồi đó “dạn dĩ” hơn chút xíu nữa thì có lẽ bây giờ tôi cũng đã là một nhân viên trong tòa soạn!

Tác phong năng nổ của một trưởng CPS ngày nào vẫn còn nguyên vẹn trong anh. Vẫn còn nhớ lắm những lần sinh hoạt chung với nhóm CPS ở Tổng Hội Sinh Viên. Giờ này thì anh cũng đã ở trong cõi miên viễn đó cùng với anh Điểu và có lẽ đã hài lòng với sự lớn mạnh của đứa con tinh thần của mình là tờ báo Người Việt.

Vài người bạn khác của tôi là anh Trần Đại Lộc, anh Trần Đình Quân và Lý Văn Chương tức nhạc sĩ Nguyên Chương. Từ lúc mới quen anh Lộc, tôi đã định hỏi anh có phải quê quán của anh ở vùng Đại Lộc, Quảng Nam Đà Nẵng của tôi không, nhưng mãi cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có cơ hội đó. Những lần sinh hoạt trại, những lần hát Du Ca lúc nào cũng có mặt anh.

Còn anh Trần Đình Quân với tôi là đồng nghiệp dạy tại trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Anh đã cùng với chúng tôi, các anh em dạy PCT như Tôn Thất Lan, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Viết Lê sinh hoạt trong nhóm Du Ca Đà Nẵng. Anh đã nổi tiếng với nhiều bài hát về xứ Huế, những bài hát sau nầy đã được gom vào tuyển tập “Khúc tình ca xứ Huế” mà tôi đã được anh ký tặng một ấn bản đặc biệt. Dòng nhạc của anh ngọt lịm và êm đềm như dòng Hương Giang. Trần Đình Quân có một nụ cười thật hiền, thật dễ thương, hình như chưa để mất lòng ai bao giờ. Nhưng anh đã rời bỏ cuộc đời hát Du Ca quá sớm sau khi vướng vào căn bệnh làm anh quên hết những ưu tư dằn vặt của cuộc đời này.

Người sau cùng tôi muốn nhắc đến là Lý Văn Chương tức nhạc sĩ Nguyên Chương. Chương vừa là học trò lớp 12 C ở Phan Châu Trinh vừa là hàng xóm của tôi. Hai gia đình rất thân nhau, và hai anh em của Chương đều học với tôi và đều gọi tôi bằng cậu! Tôi cũng được Chương gửi tặng 2 CD và 1 cuốn nhạc của anh.

Tất cả bạn bè của tôi, những người tôi quen, những người đã cùng sinh hoạt với nhau khi còn là sinh viên, đã dạy với nhau cùng trường, những người có liên hệ xa gần với nhật báo Người Việt giờ đã thanh thản ở một nơi chốn nào đó thật bình yên.

Xin hãy nhớ đến chúng tôi.

Và hãy cầu nguyện cho chúng tôi. (Phạm Ngọc)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT