Friday, March 29, 2024

Ca khúc ‘Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu’ vang dội picnic Hè 2019

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV)“Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu,…” Lời của bài nhạc “Cờ Ta Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu” do Ban Văn Nghệ Quảng Trị đồng ca để chào mừng mọi người đến dự picnic Hè 2019 do Hội Ái Hữu Ðồng Hương Quảng Trị Nam California tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 4 Tháng Tám, tại Garden Grove Park.

Bài nhạc này đã đi vào lịch sử nói về chiến công hiển hách của Quân Lực VNCH vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Lời bài nhạc khiến nhiều đồng hương cũng lên nhập cuộc cùng hát. Những cựu chiến binh Quân Lực VNCH cũng có mặt và hát theo. Rồi sau đó, gần như mọi người cùng cất tiếng hát. Họ hát để vinh danh Quân Lực VNCH đã từng chiến đấu để giữ lại được mảnh đất quê hương Quảng Trị của họ, hát để ca tụng tình quân dân và hát để xây dựng tình đoàn kết trên xứ người.

Nói về buổi picnic Hè kỳ này, ông Lê Thành, tổng thư ký của hội, cho biết: “Hằng năm, cũng như bao nhiêu hội ái hữu khác, Hội Ái Hữu Ðồng Hương Quảng Trị Nam California có hai sinh hoạt chính, đó là mừng Tân Niên và picnic Hè. Ngoài những sinh hoạt họp mặt thường niên, hội cũng có hoạt động về giải khuyến học cho những học sinh giỏi ở Mỹ, đồng thời còn giúp cho những thương phế binh VNCH trong tình trạng khó khăn đang sống tại Quảng Trị.”

Quá hấp dẫn mùi thịt nướng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm,…” Lời của bài nhạc “Trường Ca Hội Trùng Dương” của cố nhạc sĩ Phạm Duy như vẽ nên một nét cơ cực của một vài địa danh trên quê hương yêu dấu, trong đó có thành phố Quảng Trị. Vì ở đây, hằng năm đều bị lũ lụt nhiều nên mùa màng thường bị thất thoát, nhưng người dân Quảng Trị thì rất cần cù làm việc, và cũng vì thiên tai đã làm cho một số gia đình không gặt hái được để mưu sinh.

Trước năm 1975, Quảng Trị là nơi địa đầu giới tuyến, người dân lúc nào cũng sống trong dầu sôi lửa bỏng. Mậu Thân 1968 và mùa Hè đỏ lửa 1972, chiến tranh quá khốc liệt, người dân phải chạy loạn tứ tán khắp nơi, nên tài sản không còn. Cho đến 1975, người dân lại bị mất hết và ly tán thêm lần nữa! Cho nên, cảnh nghèo gần như lúc nào cũng đồng hành với người dân Quảng Trị.

Có lẽ vì thiên tai và chiến tranh tàn phá nên dân Quảng Trị rất chân tình, đoàn kết và thương yêu nhau từ trên quê hương nghèo khó cho đến khi ra hải ngoại.

Nghị Viên Hồng Alyce Văn và thân phụ gốc Quảng Trị. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Từ đó, những buổi họp mặt thương niên của Hội Ái Hữu Ðồng Hương Quảng Trị Nam California tổ chức đều có mặt nhiều gương mặt quen thuộc và nhiều thân hữu đến dự.

Giáo Sư Thái Doãn Ngà tâm tình: “Tuy tôi không có dạy học ở Quảng Trị, nhưng các học trò ở đây khi đậu Tú Tài Phần Nhất thì họ phải vào Huế để học tiếp tục lớp Đệ Nhất ở trường Quốc Học hay Đồng Khánh, và tôi cũng có dạy cho những học trò ở những lớp này. Vì thế, trong số các học sinh của tôi có rất nhiều học trò gốc người Quảng Trị, trong đó có anh hội trưởng của Hội Đồng Hương Quảng Trị đang nhiệm cũng là học trò của tôi, cho nên năm nào tôi cũng được ban tổ chức mời tôi đến tham dự những buổi họp mặt do hội nầy chức.”

Đồng hương Thái Tăng Hữu, cựu hội trưởng, kể: “Tôi là người dân được sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị. Tôi rời nơi này từ 1963 để nhập ngũ, đến 1973 tôi mới trở về đây, thì Quảng Trị đã không còn chi để được gọi là một thành phố thân yêu của chúng tôi ngày xưa nữa cả, vì bom đạn đã tàn phá quá khốc liệt. Trong thời còn bé cho đến lúc trưởng thành của tôi đều gắn bó với Quảng Trị, nên khi nơi này không còn gì để nhìn nữa thì có thể tôi không muốn trở về nơi xứ sở này.”

Giáo Sư Thái Doãn Ngà (trái). (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nói về sự nghèo khổ của người dân Quảng Trị, ông Hữu ngậm ngùi: “Ở ngay thành phố Quảng Trị thì người dân có thể khá hơn. Nhưng những gia đình sống trong những quận lỵ xa xôi thì đời sống của họ rất là bi đát. Những thức ăn của họ hằng ngày đều ở sau vườn nhà của họ, vì không đủ tiền để mua sắm những thức ăn khá hơn. Họ cũng chịu quá nhiều bom đạn vì chiến tranh, đó là sự thiệt thòi lớn nhất cho người dân Quảng Trị. Rồi cho đến 1972, người dân phải chịu cảnh di tản vào hướng Nam, cũng bị bom đạn rượt theo để ngăn chặn họ, và họ đã tử nạn quá nhiều.”

“Tôi sinh trưởng trong một xứ nghèo nàn, đó là Cam Lộ, gần Đông Hà. Nỗi khổ của chúng tôi là mùa Đông không có mặc đủ ấm, còn những thức ăn mà chúng tôi có thể sống qua ngày là bắp rang đâm nhuyễn rồi trộn với chút đường tán để dùng qua bữa. Còn những trẻ thơ từ lúc mới được sanh ra cho đến 15 tuổi thì không bao giờ thấy được một món đồ chơi. Nhưng, chính vì sự nghèo khổ và bất hạnh đó mà những người được sanh ra ở tỉnh Quảng Trị đều có đầu óc tiến thân, nên họ đã cố gắng học hành để được trở thành hữu ích cho xã hội. Vì thế, đất Quảng Trị đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho chính phủ VNCH,” cựu hội trưởng tâm tình thêm.

Bác Sĩ Võ Đình Hữu, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Cộng Đồng Người Việt Liên Bang Hoa Kỳ, cho biết: “Hằng năm, lúc còn bé tôi thường theo mẹ đến Quảng Trị để thăm người dì ruột của tôi, nên đối với Quảng Trị tôi có rất nhiều kỷ niệm. Những đường phố ở đây tuy không lớn, nhưng rất dễ thương, tuy là một tỉnh nhỏ lại chịu nhiều thiên tai và chiến tranh, nhưng tôi rất mến người dân ở xứ này, vì họ rất hiền hòa và chân tình. Hơn nữa, có rất nhiều người ở Quảng Trị đã đến học tại Quốc Học-Đồng Khánh, nên tôi cũng quen biết họ rất nhiều, vì hiện giờ, tôi cũng là hội trưởng của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học-Đồng Khánh, Huế.”

Đồng hương Quảng Trị Picnic Hè 2019. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Với tình gắn bó và sự đoàn kết của đồng hương Quảng Trị cũng như bao nhiêu hội đoàn khác, đó là sức mạnh đã thể hiện tinh thần đấu tranh về mặt chính trị của cộng đồng chúng ta tại Hoa Kỳ. Vì thế, tôi mong rằng, cộng đồng người Việt tại hải ngoại hãy đoàn kết hơn nữa thì chúng ta mới có thể yểm trợ cho những đồng bào của chúng ta đang tranh đấu cho tự do, nhân quyền tại quê nhà,” bác sĩ khẳng định.

Cô Hồng Alyce Văn, nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Hội Đồng Thành Phố Stanton bắt đầu từ cuối Tháng Tư, 2019, đến dự buổi picnic này. Gia đình cha mẹ của cô là người Quảng Trị. Theo cô kể, cha mẹ của cô vượt biên và sống hai năm trong trại tị nạn Hồng Kông, lúc đó mẹ của cô mang thai cô được bảy tháng. Cô được ra đời tại trại tị nạn Hồng Kông. Sau đó, gia đình được định cư tại Hoa Kỳ năm 1986.

“Tôi là người con thứ hai trong gia đình bảy anh chị em. Tôi tốt nghiệp thủ khoa Trung Học Rancho Alamitos năm 2002. Sau đó tôi được học bổng theo học Đại Học Yale và tốt nghiệp cử nhân Nhân Chủng Học từ trường này, rồi tốt nghiệp Đại Học Johns Hopkins ngành Quốc Tế Học (Advanced International Studies). Tôi cũng được học nhiều năm tại Đài Loan, Bắc Kinh… Khi tốt nghiệp cao học, tôi nhận đi làm việc tại Việt Nam với chức vụ là giám đốc của một công ty du học tại Việt Nam. Lúc đó, tôi cũng có gởi sinh viên từ bên Mỹ về Việt Nam để giúp cho những đồng bào nghèo khó tại Quảng Trị, như xây trường học, xây nhà và cũng có dạy Anh Ngữ…,” cô kể.

Cùng với buổi picnic là một buổi ăn ngoài trời với nhiều món hấp dẫn. Một chương trình văn nghệ tuy không chuyên nghiệp, nhưng rất hào hứng trong tình người đồng hương Quảng Trị tại hải ngoại. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT