Saturday, May 18, 2024

Chủ chợ Việt Nam đầu tiên tại Oakland: Làm 30 năm, nghỉ 30 ngày

Đoan Trang & Trà Nhiên/Người Việt

OAKLAND, California (NV) – Sun Hop Fat Market, nghe cái tên khó ai biết đó là chợ gì, nhưng đó là một trong những cơ sở thương mại đầu tiên của người Việt tại Oakland, thành phố lớn nhất của Alameda County, phía Đông của Vịnh San Francisco.

Bà chủ chợ Lynn Trương. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Cháy hai lần, chợ vẫn… “sống khoẻ”

Bà Lynn Trương, chủ chợ Sun Hop Fat vừa dẫn chúng tôi đi một vòng, vừa tâm sự quãng thời gian hơn 30 năm thăng trầm, kể từ ngày lập chợ: “Nhìn ngôi chợ bây giờ, ít ai nghĩ rằng nó từng bị cháy rụi hai lần, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng, ngược lại, chợ ngày càng phát triển.”

Giải thích lý do tại sao lại đặt tên chợ nghe… không giống Việt chút nào, bà Lynn nói: “‘Sun’ là mặt trời, ‘Hop’ giống như ‘họp mặt,’ ‘họp chợ,’ còn ‘Fat’ là ‘phát đạt’. Tên được đặt sao cho dễ phát âm, và phát âm có ý nghĩa theo tiếng Việt. Có vậy thôi!”

Sun Hop Fat Market, ngôi chợ đầu tiên do người Việt làm chủ tại Oakland. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Mong muốn chợ làm ăn “phát đạt” nhưng chủ ngôi chợ này trải qua hai lần khủng hoảng khi tài sản của mình bỗng chốc biến thành tro bụi vì chợ bị cháy tới hai lần, mỗi lần cách nhau tám năm.

Thật ra người chủ chợ đầu tiên là chị gái của bà Lynn, người lập ngôi chợ này vào năm 1994.

Năm 1997, chợ bị cháy lần đầu, chị của bà Lynn giao lại “cái khung nhà trơ trọi” cho bà, để ra lập cơ sở kinh doanh khác. Bà Lynn, lúc đó mới ngoài tuổi 30, không biết gì về kinh doanh, buôn bán, nhưng cũng can đảm “liều một phen”.


Chợ Sun Hop Fat Market năm 1992, trước khi bị cháy lần đầu. (Hình: Lynn Trương cung cấp)

Ngôi chợ rộng khoảng 10,000 sqft, chưa tính bãi đậu xe. Đám cháy thiêu rụi toàn bộ bên trong chợ, nên người chủ mới phải cho xây lại với chi phí $1 triệu, và mua hàng hoá để bán, vào khoảng $300,000.

Hoạ vô đơn chí. Vào năm 2005, chợ bị cháy lần thứ hai. Khi “bà hoả” viếng thăm lần này, chợ Sun Hop Fat cũng chỉ còn… bốn bức tường. “Cảnh sát thì nói cháy do chập điện,” bà Lynn kể. “Còn nhiều người khác nói chợ bị đốt. Người ta muốn phá, để tụi tôi không còn vốn làm ăn, phải… dẹp tiệm. Họ ganh tị. Nhưng tụi tôi không nản chí, bỏ ra $3 triệu để xây mới hoàn toàn và đặt mua hàng hoá về bán tiếp, và… ‘sống khoẻ’”.

Ông Trần Hồng Phúc, Chủ Tịch Phòng Thương Mại Việt Nam Oakland cho biết: “Sun Hop Fat Market được xem là ngôi chợ đầu tiên của thành phố Oakland do người Việt làm chủ. Chị Lynn quả là người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó. Chợ lớn như vậy, khi bị cháy thì chẳng còn gì, tan hoang, xơ xác, nhưng chị vẫn kiên nhẫn gầy dựng lại, cho đến bây giờ.”

Bà Lynn Trương và ông Trần Hồng Phúc bên các thùng chuối nhập cảng từ Việt Nam. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Càng khó khăn, càng hứng khởi”

Bà Lynn nói hồi còn ở Việt Nam, bà chỉ biết “ăn và học” chứ chưa biết kinh doanh, mua bán gì.

Cha của bà là người Hoa, mở tiệm thuốc bắc ở Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Mẹ của bà, một phụ nữ Việt, lấy chồng và ở nhà nuôi con. Lớn lên, bà Lynn phụ cha mình giao thuốc và đó là việc kinh doanh đầu tiên của bà.

“Hồi đó tôi chỉ đi biết đi giao thuốc cho người ta, một vài món thôi, nhưng qua đây phải lo nhiều món quá,” bà Lynn nói. “May mà ‘đồng vợ đồng chồng’ nên chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn.”

Tuỳ thời điểm, chợ Sun Hop Fat có từ 10-15 nhân viên, mà một trong những người đứng ở quầy thâu ngân là ông Tony Trương, 67 tuổi, chồng bà Lynn.

Bà Lynn Trương chủ chợ đang sắp xếp lại quầy trái cây. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Hàng hoá ở chợ không thiếu món gì, từ các mặt hàng gia dụng, đồ khô, đồ đông lạnh, cho đến hàng tươi sống. Bà nói mấy chục năm trước, để mua hàng về bán không dễ, vì phải có thế chấp, hoặc tín chấp, tức là phải có uy tín bảo lãnh thì bên bán sỉ mới cho lấy hàng, nhưng cũng chỉ là hàng Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan,… còn hàng Việt Nam rất ít, đếm trên đầu ngón tay.

Từ gần chục năm trở lại đây, hàng Việt Nam ngày càng “có mặt” nhiều hơn trong ngôi chợ Việt ở thành phố nửa triệu cư dân, mà chỉ có 15,000 người gốc Việt.

Bà chủ chợ, 64 tuổi, tự hào khi nhắc đến vài “đặc sản” trong chợ: “Các bạn thấy bánh tráng trộn không? Đó là bánh tráng Trảng Bàng quê tôi làm đó. Ngoài ra, bây giờ chợ có nhiều hàng Việt ‘chiếm lĩnh’ lắm, thậm chí bắp Việt đang ‘đánh chết’ thị trường bắp Mỹ rồi, vì bắp Việt dẻo như nếp, ai cũng thích.”

Quầy thâu ngân của chợ Sun Hop Fat. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Hàng hoá ở chợ Sun Hop Fat có từ 30-40% nhập cảng từ Việt Nam sang, trong đó có nhiều loại trái cây nhiệt đới, mà nhiều nhất là các loại chuối.

Bà Lynn nói, bà rất yêu nghề, nên siêng năng làm việc. Mỗi năm bà làm 364 ngày, chỉ nghỉ đúng ngày Mùng Một Tết Nguyên Đán mà thôi.

“Chồng tôi cũng không chịu nghỉ, cứ thích làm hoài, nghỉ ở nhà buồn lắm,” bà Lynn nói. “Càng gặp khó khăn trong kinh doanh, tôi càng hứng khởi để làm việc.”

Mỗi ngày là một ngày vui mới

Ông Trần Hồng Phúc nói với chúng tôi, cộng đồng người Việt ở đây thích chợ Sun Hop Fat, vì đi chợ này đỡ nhớ quê nhà.

“Bà Lynn cũng là thành viên Phòng Thương Mại Việt Nam Oakland, rất tích cực trong mọi hoạt động của cộng đồng người Việt ở Oakland,” ông Phúc nói.

Vợ chồng ông bà chủ chợ chỉ có một cô con gái duy nhất, nhưng không thích theo nghiệp cha mẹ. Bà nói, con gái thích làm gì cũng được, không nhất thiết phải theo ngành kinh doanh buôn bán, vì thật ra nghề này khá cực, phải làm ngày làm đêm.

Ngôi chợ có đủ các mặt hàng, trong đó nhiều món từ Việt Nam. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Bà Lynn tự tin trong công việc kinh doanh. Chúng tôi hỏi bà có mệt mỏi khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường kinh doanh không? Bà cười nhẹ, lắc đầu, nói: “Trải qua nhiều khó khăn, giờ tôi không quan tâm. Mỗi chợ có một cách “thu hút” khách hàng khác nhau. Nếu các chợ khác tặng quà cho khách, thì tôi giảm giá bán, chợ khác giảm mặt hàng này, tôi cho giảm mặt hàng khác.”

Không có người kế nghiệp, bà chủ chợ chưa nghĩ đến ngày nghỉ hưu. Còn sức, bà còn “bươn chải”. Không phải ham làm giàu, mà công việc mua bán lâu nay trở thành sở thích của bà.

Vợ chồng ông bà Lynn Trương và con gái. (Hình: Lynn Trương cung cấp)

“Dù phải làm việc cật lực, nhưng ngày nào tôi cũng có niềm vui, thoải mái lắm. Tôi không có tính ganh tị,” bà nói.

“Ừ thì sẽ đến ngày nghỉ hưu thôi, nhưng hiện tại tôi vẫn còn rất vui với công việc. Tôi làm hoài mà không chán, vì ngày nào cũng được gặp khách hàng để hàn huyên tâm sự. Với tôi, mỗi ngày là một ngày vui mới.” [kn]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected], [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT