Tuesday, April 16, 2024

Những ‘bông hoa nhân ái’ của người Việt ở Houston ‘nở rộ’ sau bão tuyết

Đoan Trang/Người Việt

HOUSTON, Texas (NV) – Trong trận bão tuyết ập xuống Houston hồi giữa Tháng Hai vừa qua, rất nhiều người trong cộng đồng Việt tự nguyện bỏ tiền của, công sức để giúp đỡ những nạn nhân, những cư dân kém may mắn. Nhưng những “di chứng” để lại khiến khó khăn chồng chất, và rồi, những “tấm lòng vàng” không ngừng xuất hiện.

Thành viên Hội Thiện Nguyện Houston Unity Lions Club cùng quán Vịt Nướng Nha Trang chuẩn bị các phần thực phẩm tặng cho cộng đồng. (Hình: Thiên-An cung cấp)

Dù đã nấu 1,050 phần ăn biếu tặng cho mọi người chỉ trong vòng hơn một tuần, nhưng chị Bạch Hạc vẫn chưa yên lòng. “Tuần trước tôi nấu 300 phần, nhiều người đến chậm thì hết, hôm đó mình phải mua bánh mì tặng cho người đến sau. Tôi không muốn ai đến phải bụng đói đi về,” chị Bạch Hạc nói với phóng viên nhật báo Người Việt. “Cuối tuần qua tôi nấu 750 phần, cũng hết sạch luôn!”

Chia sẻ may mắn của mình cho người khác

Những món ăn Việt mà chị Bạch Hạc nấu, nghe qua cũng đã thấy… đói bụng. Nào là miến gà, gà rô-ti, bánh cuốn chả lụa… người ăn chay cũng có cả món chay.

Trong tuần đầu tiên xảy ra cơn bão, vì nhà chị không bị cúp điện lâu, không bị cúp nước, nên chị có điều kiện để nấu hàng trăm phần xôi tặng cho những gia đình chưa có bếp nấu ăn. Thấy vậy, bạn bè của chị muốn đóng góp và nhờ chị nấu tiếp. Nhưng chị không nhận.

“Mình cứ nấu được 50 phần, lại có người đưa tiền nhờ nấu thêm. Sức người có hạn, một mình không kham nổi, nên tôi phải từ chối,” chị Bạch Hạc kể.

Gửi tiền đóng góp không được nhận, những người bạn của chị Bạch Hạc từ các nơi tụ tập đến nhà chị để được cùng chị nấu nướng, như chị Chinh Nhân Nguyễn ở San Diego, California; chị Tammy Nguyễn từ Michigan; chị Tâm Nguyễn từ Dallas; Ivy Chan từ Katy, Texas.

Các chị xúm nhau đi chợ, tự nấu, đóng hộp, rồi đem ra quán Bolero “Hát Cho Nhau Nghe” để mọi người đến nhận. Chị Bạch Hạc cho biết: “Quán này chỉ mở buổi tối, nên chủ quán là người bạn thân, cho mượn chỗ để mình phân phát thức ăn. Quán gần chợ Hồng Kông trên đường Bellaire, trong khu nhà hàng Kim Sơn, rất thuận tiện đường sá cho mọi người ở Houston và vùng phụ cận đến lấy thức ăn.”

Chị Bạch Hạc không nhận đấy là công việc thiện nguyện, mà đơn giản chỉ là chia sẻ may mắn của mình cho người khác, kém may mắn hơn. “Nhà mình không bị lâm vào cảnh ‘màn trời chiếu đất’ thì mình nên giúp những người gặp khó khăn hơn mình. Thật ra tôi cũng chỉ làm khi có thiên tai bão lũ mà thôi,” chị nói.

Các thiện nguyện viên chia thực phẩm thành từng phần để đặt lên xe người đến nhận hôm 27 Tháng Hai, 2021. (Hình: Du Hạ cung cấp)

Thiệt thời vì văn hóa “tình làng nghĩa xóm”

Cùng suy nghĩ giúp người khác là chia sẻ may mắn, chị Nguyễn Kim Du Hạ, người đang làm việc cho Ty Bầu Cử của Harris County, nói với nhật báo Người Việt: “Nhà mình không mất điện, không thiếu nước, nhưng có biết bao gia đình trong cảnh ấy, nên không thể ngồi yên.”

Chị Du Hạ cho biết, hai tuần kể từ khi cơn bão ập xuống, nhiều gia đình ở Houston bị bể ống nước vẫn chưa có nước để dùng. Chính vì vậy, trong buổi phát thức ăn vào Thứ Bảy, 27 Tháng Hai, ngoài túi thực phẩm gồm gạo, thịt, rau củ quả, trái cây tươi, đồ hợp, bánh mì, chăn, mền, khẩu trang, nước rửa tay… mỗi nhà còn được thêm 32 chai nước. Có 500 gia đình đến nhận quà hôm ấy.

Dù bận bịu công việc và chăm sóc con nhỏ, chị Du Hạ cũng bỏ ra nhiều thời gian trong việc kêu gọi mọi người chung tay góp sức giúp đỡ cộng đồng.

“Ngoài thực phẩm của Food Bank, khi đã gom góp đủ lượng thực phẩm và vật dụng, chúng tôi tìm một trung tâm nào đó có chỗ rộng đủ để mọi người lái xe đến nhận. Hôm 27 Tháng Hai chúng tôi mượn được trung tâm của người Pakistan, không chỉ phát cho người Việt, mà cả người Mỹ, người Mễ, mọi sắc dân, ai cần đều có thể đến nhận mà chẳng cần ‘sign-in’ hay ‘sign-out’ gì cả,” chị kể.

Bạn của chị Bạch Hạc “lăn” vào bếp để cùng chị nấu những món ăn ngon cho người gặp hoạn nạn. (Hình: Bạch Hạc cung cấp)

Chị Du Hạ kể thêm, các nhóm làm thiện nguyện ở Houston hầu như tự phát, nên chị thường “loan tin” trên trang Facebook cá nhân, hay các nhóm trong cộng đồng, để ai biết thì đến.

“Người Mỹ, người Mễ nếu thiếu nước là họ hay báo ngay lên thành phố liền, nhưng người Việt bị gì ít ai gọi cho chính quyền, mà chỉ… than thở, tâm sự với hàng xóm thôi,” chị Du Hạ nói thêm. “Vẫn biết ‘con khóc mẹ mới cho bú’ nhưng người Việt vẫn giữ văn hóa ‘tình làng nghĩa xóm’ chứ không liên lạc trực tiếp thành phố, khiến họ bị thiệt thời hơn các cộng đồng khác.”

Qua chuyện này, chị Du Hạ cho rằng người Việt nên mạnh dạn chủ động báo cho nghị viên của khu vực mình nếu gặp khó khăn. Vì thường thì sau các trận bão, chắc chắn thành phố, quận hạt, hay tiểu bang đều có chương trình cứu trợ khẩn cấp.

Thành viên Hội Thiện Nguyện Houston Unity Lions Club đến thăm các gia đình bị sập mái nhà sau cơn bão tuyết. (Hình: Thiên-An cung cấp)

“Lá rách đùm lá tả tơi”

Nhưng cũng chính vì người Việt thiếu mạnh dạn “kêu cứu’ với chính phủ, nên đã xuất hiện rất nhiều nhóm làm thiện nguyện tự phát ở Houston. Theo chị Du Hạ, có khoảng 30 nhóm người Việt tự đứng ra giúp cộng đồng như thế.

Người Việt không thích đồ Mỹ cho lắm, nhiều người lớn tuổi chỉ ăn được món Việt. Chính vì lẽ đó, chỉ vài ngày sau khi bão đổ xuống, nhiều nhà hàng Việt ở Houston liền “ra tay” nấu ăn cho những gia đình bị ảnh hưởng.

Đó là quán Ông Trẻ, Phở Sapa, Hủ Tiếu Hòa Mập, Quán Bún Riêu Cua, Bún Chả Cá Đà Nẵng, Muddy Cajun Phở, Phở Duy, Bánh Mì Bon, The Bếp Teahous, Migo Saigon Food Street…

Theo chị Du Hạ, vì nhà hàng chưa được mở cửa, vẫn phải bán “to-go” nên nhiều người chủ tự nấu đem phân phối mà không cần ai kêu gọi. “Ví dụ như quán Bún Chả Cá Đà Nẵng, lúc đầu hai vợ chồng chủ quán tự động làm và phát bánh mì chả cá cho cộng đồng. Vợ chồng anh này giỏi giang, tốt bụng, và giúp đỡ bà con mình nhiều lắm!” chị Du Hạ kể.

Sau tuần đó, thấy các nhà hàng đã tốn công, còn tốn của, nên nhiều nhóm trong cộng đồng tự gom góp và gửi cho nhà hàng một phần, gọi là phụ tiền nguyên liệu và tiền công. Ai có nhà rộng thì kêu gọi mọi người đem đồ đến nấu, như nhà anh Nhã Vũ vừa rộng, lại có nhà hàng, nên anh hay kêu gọi các chị em phụ nữ, ai có thời gian thì đi chợ để cuối tuần nấu các món ăn Việt cho các gia đình ở Tây Nam Houston.

“Vì bão đến vào dịp Tết, nên nhiều em nhỏ lấy tiền ba mẹ lì xì, góp vào quỹ để trao cho nhà hàng nấu thức ăn cho cộng đồng. Thật là đáng yêu, vì gia đình các em này cũng không giàu có gì,” chị Du Hạ nói. “Những tấm lòng ‘lá rách đùm lá tả tơi’ như thế nhiều lắm! Chưa kể, có nhiều anh chị em tình nguyện đến mấy nhà bị bể ống nước để sửa chữa mà không lấy đồng bạc nào.”

Không chỉ vì cộng đồng, chị Du Hạ cho biết, làm từ thiện là cách để chị dạy cho con mình về lòng nhân ái. “Con trai mình cần giờ làm thiện nguyện, vì trường đóng cửa, cháu có thể dùng thời gian này để phục vụ cộng đồng, thay vì làm trên trường. Vả lại tôi cũng muốn cho con biết thể hiện tình yêu thương, giúp đỡ cộng đồng,” chị Du Hạ nói.

Chị Du Hạ và con trai trong ngày 27 Tháng Hai. (Hình: Du Hạ cung cấp)

Người Mỹ cũng “mê” thức ăn Việt

Chị Nguyễn Thiên-An, chủ tịch Hội Thiện Nguyện Houston Unity Lions Club, cho biết chị đã cùng anh Johnny Dương, chủ tiệm Vịt Nướng Nha Trang, nấu và phân phát trên 600 phần ăn nóng, những bình nước lọc, giấy lau sát trùng và thuốc tây (vitamin D và Tylenol), khẩu trang, hộp đựng thuốc, và tã người lớn để phân phát cho người gặp khó khăn sau cơn bão.

“Tụi tôi nấu món ăn Việt, nhưng nhiều người Mỹ cũng thích. Trời đang lạnh mà có món cháo, súp nóng hổi thì ai cũng vui,” chị Thiên-An kể. “Anh Johnny Dương cứ nấu sẵn, mọi người múc ra rồi phát luôn để mọi người dùng.”

Chị Thiên-An cho biết hội của chị cũng đến thăm những gia đình bị thiệt hại như sập mái, bể ống nước… để xem có thể giúp gì thêm cho mọi người vượt qua hoạn nạn. Trị giá các đợt phân phát thực phẩm, vật dụng và thuốc men sau cơn bão vừa qua vào khoảng $4,000, theo chị Thiên-An, là từ những mạnh thường quân ở Mỹ, và cả ở Canada đóng góp.

Nhóm chị Bạch Hạc phân phát thức ăn tại quán Bolero. (Hình: Bạch Hạc cung cấp)

Tuy không có hẳn một hội với gần 50 thành viên và nhiều thiện nguyện viên như Houston Unity Lions Club, nhưng khi cộng đồng gặp bất trắc, những cá nhân với “tấm lòng vàng” ngày càng xuất hiện nhiều ở Houston nhằm xoa dịu những nỗi đau mất mát của người gặp nạn.

Mùa Xuân vẫn còn, chắc chắn những “bông hoa nhân ái” sẽ nở rộ ở Houston, vì theo chị Du Hạ: “Trong cộng đồng người Việt vẫn còn rất nhiều người mang trái tim nhân hậu, vị tha, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, nên tôi tin khi được mời, mọi người đều sẵn sàng tham gia.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT