Thursday, April 25, 2024

Project Feast giúp đào tạo đầu bếp và chủ nhà hàng gốc tị nạn

LTS. Nhật báo Người Việt Tây Bắc (Northwest Vietnamese News) vừa có cuộc phỏng vấn với cô Vân Nguyễn, giám đốc điều hành Project Feast, một tố chức bất vụ lợi, có văn phòng ở thành phố Kent, Washington, đào tạo đầu bếp và chủ nhà hàng gốc tị nạn, giúp họ hội nhập vào cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Bài phỏng vấn do phóng viên Julie Phạm Hoài Hương thực hiện. Nhật báo Người Việt xin phép đăng lại nội dung cuộc phỏng vấn sau đây.

Người Việt Tây Bắc (NVTB): Sứ mệnh và mục đích của Project Feast là gì?

Cô Vân Nguyễn, giám đốc điều hành Project Feast. (Hình: Project Feast cung cấp)

Giám Đốc Vân Nguyễn: Sứ mệnh của tổ chức Project Feast của chúng tôi hiện nay là cung cấp đào tạo về ẩm thực cho những người nhập cư và tị nạn có thu nhập thấp để họ có thể theo đuổi sinh kế trong ngành công nghiệp thực phẩm. Project Feast cung cấp cho họ một căn bản kiến thức và kinh nghiệm nghề để chia sẻ những ý nghĩa về ẩm thực, để phục vụ cộng đồng.

Không những chỉ tham gia nấu nướng món ăn để quen tay nghề và đáp ứng các bữa ăn và gây quỹ lẫn tặng các tổ chức cần giúp người khó khăn, mà còn có các giờ hướng dẫn lý thuyết, và hướng dẫn học viên.

NVTB: Chị phục vụ với tư cách giám đốc điều hành từ bao giờ?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Tôi bắt đầu giữ vai trò này từ Tháng Chín, 2019, kế nhiệm người sáng lập của tổ chức là Veena Prasad, nghỉ hưau sau bảy năm làm việc tại đây.

NVTB: Vì sao chị nhận công việc này?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Đây là cơ hội để hỗ trợ một cộng đồng mà tôi yêu quý, bao gồm người mới nhập cư và người tị nạn. Gặp gỡ những người nhập cư và tị nạn trong các chương trình của chúng tôi và nghe câu chuyện của họ khiến tôi nghĩ đến cha mẹ tôi và những khó khăn mà họ trải qua, khi lần đầu tiên đến Mỹ.

Đây không phải là những khó khăn mới mẻ gì, như học tiếng Anh, tìm việc làm, thích nghi với một nền văn hóa khác, xây dựng một nơi ăn chốn ở mới. Đây là những thách thức mà người nhập cư phải đối phó trong suốt thời gian qua. Gia đình tôi thật may mắn vì, về cơ bản, chúng tôi có cả một cộng đồng hỗ trợ khi vừa đến Mỹ.

Tôi biết nhiều gia đình không có được sự hỗ trợ này và không được tiếp cận các phương tiện mà chúng tôi có được. Tôi rất vui khi nhận việc, vì nhờ cơ hội này làm chúng tôi có thể hỗ trợ thế hệ những người đến định cư kế tiếp… Thêm vào đó, tôi có thể nấu thức ăn và thức uống, trong số những món tôi yêu thích từ lâu.

Chuẩn bị nấu nướng mỗi Thứ Tư, qua danh sách các món ăn nổi tiếng của một số quốc gia tiêu biểu, sau đó là đóng gói ngăn nắp, chờ khách đến nhận về. (Hình: Project Feast cung cấp)

NVTB: Xin chị giới thiệu một chút về mình?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Tôi có bằng cử nhân Lịch Sử Nghệ Thuật đại học Tulane University và bằng cao học Nghiên Cứu Châu Á đại học University of Hawaii. Chuyên môn của tôi là quản lý giáo dục và tiếp cận cộng đồng. Tôi từng làm việc tại các trường đại học, các trường học K-12 cũng như các tổ chức tư nhân. Trong công việc, tôi có cơ hội hướng dẫn các giáo chức từ Việt Nam đến quan sát và thăm viếng các cơ sở giáo dục, cũng như phát triển các chương trình văn hóa cho mọi lứa tuổi.

NVTB: Những gì làm gia đình chị gắn bó với cội nguồn Việt Nam ?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Gia đình tôi rời Việt Nam năm 1979, giữa bối cảnh được gọi là làn sóng thuyền nhân thứ hai. Đó là câu chuyện bao gồm cha mẹ tôi, em gái 18 tháng tuổi, và tôi (lúc đó 3 tuổi). Cha mẹ tôi lẻn ra khỏi nhà vào ban đêm, thậm chí còn không chào tạm biệt bà nội của tôi vì họ sợ bà sẽ nài nỉ để cháu nhỏ ở lại Việt Nam với bà.

Cuối cùng chúng tôi đến một trại tị nạn ở Thái Lan. Sau khoảng sáu tháng, chúng tôi may mắn được một nhà thờ ở Grand Rapids, Michigan, đón nhận. Họ cung cấp cho chúng tôi một căn nhà ở và ghi danh cho cha mẹ tôi học các lớp ESL, nơi họ có thể gặp gỡ những người tị nạn Việt Nam khác.

Cha tôi là người trong quân đội. Ông thực sự rời nhà, đi nhập ngũ từ năm 14 tuổi (cha tôi tự tăng tuổi, nói dối về tuổi của mình để được gia nhập quân đội). Ông không nói nhiều về thời kỳ đó, nhưng tôi biết rằng cha tôi vẫn giữ liên lạc với những người bạn trong quân ngũ của mình.

Học viên theo học tại Project Feast là chủ nhà hàng hoặc đầu bếp tương lai. (Hình: Lisa Merrill cung cấp)

NVTB: Project Feast bao gồm mấy người? Có bao nhiêu người Việt mình?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Chúng tôi đào tạo khoảng tám đến 12 học viên mỗi năm. Ngoài ra, chúng tôi vừa bắt đầu một chương trình việc làm chuyển tiếp, nơi chúng tôi nhận thêm một hoặc hai sinh viên vừa tốt nghiệp gần đây trong tối đa một năm. Và tất nhiên, chúng tôi cung cấp hỗ trợ liên tục cho các cựu sinh viên của chúng tôi qua tư vấn kinh doanh nhỏ, những ai muốn thực hiện cho mình một hệ thống nhà bếp thích ứng và làm việc theo hợp đồng.

Tôi tin rằng chúng tôi hiện có hai người Việt Nam học việc trong chương trình của chúng tôi – một người mẹ và con gái đã tham gia chương trình của chúng tôi vào năm 2018. Chúng tôi rất muốn có thêm nhiều người Việt đến học nghề, vì vậy xin giới thiệu gửi họ đến, nếu quý vị cùng hưởng ứng và nghĩ rằng họ sẽ được hưởng lợi từ chương trình của chúng tôi!

Ngoài ra, ngay từ khi có đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi đã cung cấp các bữa ăn miễn phí cho những gia đình nhập cư sống không an toàn và người cao niên, ngay từ Tháng Tư, 2020. Chúng tôi đã phục vụ hơn 10,000 bữa ăn qua các tổ chức tham gia hợp tác.

NVTB: Có bao nhiêu người mua ủng hộ các bữa ăn gia đình?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Hiện tại, chúng tôi cung cấp mỗi tuần một lần một bữa ăn gia đình. Mỗi tuần là một món ăn khác nhau lấy cảm hứng từ những người học việc và nhân viên trong quá khứ và hiện tại. Thực đơn được phổ biến trước vào mỗi Thứ Sáu và chúng tôi nhận đặt hàng cho đến Thứ Ba tuần sau (hoặc cho đến khi chúng tôi bán hết, tùy điều kiện nào đến trước). Gần đây, chúng tôi bán trung bình 30 – 40 bữa ăn một tuần, nghĩa là khoảng 100 – 120 người (mỗi order cho một bữa ăn là cho hai hoặc bốn người).

Thành viên Project Feast chuẩn bị món ăn giao cho khách hàng. (Hình: Project Feast cung cấp)

NVTB: Làm thế nào để chị tiếp cận với mọi người?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Chúng tôi có bản tin hàng tuần và chúng tôi cũng đăng trên mạng xã hội. Rất nhiều trong số đó là qua truyền miệng. Quý vị có thể ghi tên nhận bản tin của chúng tôi trên trang web: https://projectfeast.org/, hoặc truy cập trực tiếp vào trang đặt hàng trực tuyến của chúng tôi: https://project-feast-2.square.site/

NVTB: Project Feast cần gì nhất lúc này?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Chúng tôi rất trân trọng tất cả sự hỗ trợ từ cộng đồng của chúng ta. Những nỗ lực gây quỹ của chúng tôi vào năm 2020 vượt ngoài mong đợi của chúng tôi – và gần đây chúng tôi thậm chí chuyển tiếp thành một tổ chức hoạt động chính thức! Như đã nói, là một tổ chức bất vụ lợi nhỏ, vì chúng tôi thường bị bỏ sót trong việc xin tài trợ, vì các nhà tài trợ tìm kiếm cơ hội để “tối đa hóa” đồng đô la của họ, điều này thường có nghĩa là họ muốn tài trợ, trao tiền cho các tổ chức sẽ tác động đến số lượng người nhiều nhất. Trong khi chúng tôi chỉ có thể đào tạo từ tám đến 12 học viên mỗi năm. Tuy nhiên, nếu quý vị nhìn vào hiệu ứng tiếp nối như mức phát triển, những người học nghề này sẽ quay trở lại cộng đồng của họ để tiếp cận cộng đồng, làm việc và bắt đầu kinh doanh hỗ trợ nền kinh tế địa phương của họ.

Mặc dù không thể định lượng ảnh hưởng này, chúng tôi biết rằng chúng tôi đang thực hiện công việc quan trọng hướng tới việc cung cấp một phần nào đó quyền lợi xã hội và kinh tế cho cộng đồng nhập cư.

Là một tổ chức bất vụ lợi, chúng tôi phụ thuộc vào các ngân khoản xin tài trợ. Là một doanh nghiệp như tiểu thương, chúng tôi cần sự hưởng ứng của khách hàng và sự hỗ trợ của cộng đồng.

Không những tham gia nấu nướng để quen tay nghề, học viên của Project Feast còn được hướng dẫn lý thuyết nấu ăn. (Hình: Project Feast cung cấp)

NVTB: Project Feast đang chống chọi với đại dịch COVID-19 như thế nào?

Giám Đốc Vân Nguyễn: Chúng tôi đang ổn định. Ban đầu thật khó khăn khi chúng tôi phải đóng cửa phòng ăn và tất cả các đơn đặt hàng phục vụ các bữa ăn của chúng tôi bị bỏ gián đoạn (80% doanh thu của chúng tôi phụ thuộc vào dịch vụ ăn uống). Thế mà dịch vụ ăn uống của chúng tôi vẫn phải đóng cửa. Cung cấp các bữa ăn gia đình của chúng tôi được chứng minh là một thành công đáng ngạc nhiên.

Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục lựa chọn cách cung cấp các bữa ăn này vì dịch vụ phục vụ dần dần bắt đầu quay trở lại. Chúng tôi cũng nhận được tài trợ để hỗ trợ “Chương Trình Bữa Ăn Cộng Đồng” của chúng tôi, vì vậy chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục cung cấp những bữa ăn miễn phí này cho những cá nhân có nhu cầu. (Đ.D.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT