Thursday, April 25, 2024

‘Trường VBQG Việt Nam và Chiến Tranh Việt Nam,’ cuốn sách mọi nhà nên có

Đằng-Giao/Người Việt

SAINT PAUL, Minnesota (NV) – Cuốn “Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Chiến Tranh Việt Nam 1948-1975” là một công trình biên khảo lịch sử công phu bằng tiếng Anh với tựa đề “The Vietnamese National Military Academy and the Việt Nam War 1948-1975” do nhóm biên khảo gồm những cựu sinh viên của trường thực hiện.

Hình bìa sách “The Vietnamese National Military Academy and the Việt Nam War” do cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt biên khảo. (Hình: Người Việt)

Nhóm biên khảo này gồm sáu cựu sĩ quan võ bị.

Đó là Tiến Sĩ Nguyễn Cao Đàm, thủ khoa Khóa 14 và là trưởng ban biên soạn. Kế đến là ông Trần Mộng Di (Khóa 10), cố vấn biên soạn, và ông Lưu Xuân Phước (Khóa 24), ông Nguyễn Anh Dũng (Khóa 25), ông Nguyễn Sanh (Khóa 28), và ông Huỳnh Tiến (Khóa 28).

“Chúng tôi làm việc ròng rã hơn hai năm mới hoàn tất cuốn sách,” ông Nguyễn Cao Đàm nói với nhật báo Người Việt. “Để có đầy đủ tài liệu, chúng tôi tham khảo hàng trăm cuốn sách. Về phần hình ảnh thì nhờ anh Huỳnh Tiến là người rất thích sưu tập nên anh đảm nhận phần này.”

Ông Đàm tiếp: “Cái khó khăn nhất của chúng tôi khi thực hiện cuốn sách này là phải giữ thái độ khách quan, không cho phép tình cảm cá nhân của mình ảnh hưởng bài viết.”

Công trình biên khảo này dày 400 trang, tràn ngập tài liệu và hình ảnh nhắm vào ba giới độc giả là giới trẻ không đọc được tiếng Việt, các quân nhân Mỹ gốc Việt, và các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Vì lịch sử của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam gắn liền với lịch sử đất nước nên ngay trong những trang đầu, các nhà biên soạn nhắc lại lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời cổ đại đến cận đại.

Trong phần đầu, cuốn sách nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là truyền đạt lòng yêu nước cho những tân sinh viên.

“Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam là con thuyền trôi theo dòng sông lịch sử của đất nước chúng ta,” ông Đàm so sánh. “Vận mệnh cả hai gắn liền nhau.”

Kế tiếp, cuốn sách đề cập đến lịch sử hình thành và phát triển của trường với những thay đổi về trường sở, mục tiêu, và đường lối huấn luyện, để phù hợp với nhu cầu của quốc gia trong từng giai đoạn.

Sau đó là lịch sử của 31 khóa học tại trường, trong đó có 29 khóa đã tốt nghiệp với đầy đủ những gì các sinh viên sĩ quan đã được trải qua, từ lúc được tuyển mộ đến thời gian thụ huấn.

Với những tài liệu chính xác và hình ảnh phong phú, “The Vietnamese National Military Academy and the Việt Nam War” đạt đến tiêu chuẩn chuyên nghiệp của một công trình biên khảo.

Ông Nguyễn Cao Đàm nói: “Chúng tôi phải nhắc nhau cố giữ sự khách quan của những người biên khảo dù rằng rất khó khăn. Nhưng vì muốn cuốn sách chính xác, chúng tôi phải cố gắng.”

Quả thật, từ đầu đến cuối, cuốn sách chỉ trình bày sự kiện bằng những câu văn ôn tồn, hòa nhã, và hoàn toàn không có lời lẽ hằn học hay chỉ trích gay gắt khi bàn luận đến những nhận xét của những tác giả Mỹ khi họ có những nhận định khác với những quân nhân Việt Nam thực sự có mặt tại chiến trường.

Qua “The Vietnamese National Military Academy and the Việt Nam War,” các nhà biên khảo muốn gởi đến mọi người một cái nhìn đúng đắn về trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và cuộc chiến tại Việt Nam qua con mắt của những chiến sĩ QLVNCH, những người thực sự bảo vệ tổ quốc bằng xương máu và sinh mạng của mình.

“The Vietnamese National Military Academy and the Việt Nam War1948-1975” là cuốn sách nên có trong tủ sách của mọi gia đình gốc Việt vì là một phần lịch sử Việt Nam mà mọi thế hệ nên gìn giữ.

Sách có bán tại Amazon, giá $15.99. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT