Thursday, March 28, 2024

Đầu bếp Tú David Phu dạy nấu ăn và nói về ‘con đường ẩm thực’

Thiện Lê/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tối Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, Tú David Phu, đầu bếp gốc Việt được báo San Francisco Chronicles đánh giá là một ngôi sao đang thành công trong thế giới ẩm thực của Hoa Kỳ, đã có buổi đối thoại đầu tiên do Hiệp Hội Nhà Báo Người Mỹ Gốc Á (AAJA) – Los Angeles tổ chức.

Đầu bếp Tú David Phu chào khán giả trên Zoom. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Sự kiện này năm trong kế hoạch của AAJA – Los Angeles nhằm tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tuyến với nhiều chuyên gia ẩm thực thành công ở Hoa Kỳ.

AAJA cho biết thức ăn có thể kết nối được nhiều người, lại còn là một công cụ giúp từng cá nhân kể lại câu chuyện của bản thân mình và gia đình họ.

Đầu bếp Tú David Phu là người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ, đang cư ngụ tại vùng vịnh San Francisco ở Bắc California. Gia đình anh là người tị nạn, đến từ đảo Phú Quốc, nơi được coi là “cái nôi” của nước mắm.

Ngoài ra, anh mới hoàn thành chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực “Top Chef” mùa thứ 15. Đó là một chương trình rất ăn khách của đài Bravo.

Không chỉ vậy, anh còn nhận được nhiều giải thưởng về ẩm thực, và mới công chiếu bộ phim ngắn “Bloodline” nói về sự quan trọng của gia đình trong lúc anh trưởng thành cho đến trở thành một đầu bếp nổi tiếng.

Cuộc đối thoại vào tối Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, có sự tham gia của nhiều ký giả gốc Á Châu, và một số thân hữu của đầu bếp Tú David Phu, với không khí rất thân mật.

Hướng dẫn nấu các món ăn

Đầu bếp Tú cho biết anh sẽ dạy khán giả nấu hai món là hoành thánh sa tế và mì xào tỏi. Để giúp người xem dễ tiếp thu, anh đặt một máy quay phim ngay bàn chuẩn bị nguyên liệu, một máy ngay bếp, và chuyển máy quay trong từng giai đoạn.

Anh nói về món hoành thánh: “Ở Hoa Kỳ, ai cũng biết món hoành thánh, nhưng biết theo tên gọi trong ẩm thực Trung Quốc là ‘wonton.’ Vì Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc, và có nhiều người gốc Hoa sinh sống, món hoành thánh là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. Hôm nay, tôi muốn dạy quý vị nấu món hoành thánh của người Việt Nam.”

Đầu bếp trong bài báo San Francisco Chronicles, đánh giá anh là một ngôi sao ẩm thực đang thành công. (Hình: Facebook Tu David Phu)

Theo đầu bếp Tú, món hoành thánh rất dễ nấu, và còn là một sinh hoạt vui của cả gia đình, nhất là những gia đình có trẻ em.

“Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp khi làm hoành thánh với cả nhà. Đây là lúc mà chúng ta vừa làm những món ăn ngon, và vừa tạo ra nhiều ký ức ấm áp cho cả gia đình,” anh nói.

Đầu bếp Tú nhấn mạnh lý do món hoành thánh sa tế này là của người Việt Nam vì dùng các gia vị quen thuộc như nước mắm và sa tế được làm từ sả ớt.

Khi nấu, anh hướng dẫn người xem rất kỹ trong từng giai đoạn như khuyên họ nên trộn chút bột bắp vào thịt trong nhân hoành thánh để thịt dính lại thành viên khi nấu chín. Anh còn trả lời từng câu hỏi rất kỹ, giải thích rõ công dụng, cũng như sự khác biệt của từng loại gia vị và các nguyên liệu.

Anh vẫn giữ không khí rất thân mật, giúp người xem cảm thấy như họ đang xem một người bạn nấu ăn.

Món ăn thứ hai, mì xào tỏi, là món ăn rất có ý nghĩa với người gốc Việt, vì món này được người gốc Việt sinh sống tại Hoa Kỳ sáng chế.

Vào năm 1971, nhà hàng hải sản Thanh Long ở khu Sunset của thành phố San Francisco, sáng chế ra món mì xào tỏi này, và được nhiều thế hệ thực khách yêu mến, và trở thành một món ăn quen thuộc với người Mỹ, không thua gì món phở hay gỏi cuốn và bánh mì.

Đầu bếp Tú David Phu nặn hoành thánh. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Từ đó, hầu hết nhà hàng hay các tiệm ăn của người gốc Việt khắp Hoa Kỳ cũng có món mì xào tỏi.

Như tên gọi, nguyên liệu chính của món mì này chỉ có mì và tỏi, được hòa quyện với nhau bằng nước xốt có nhiều bơ và các gia vị quen thuộc với người Việt Nam.

“Tôi nghĩ chắc quý vị biết đây không phải là một món ăn tốt cho sức khỏe, có thể ăn mỗi ngày được, vì chúng ta phải dùng nhiều bơ, phải dùng đến năm muỗng canh trong công thức này,” anh Tú nói đùa với khán giả.

Cũng như món hoành thánh, anh hướng dẫn rất kỹ, nói khán giả có thể thay thế mì trứng bằng các loại mì Ý. Không chỉ vậy, anh còn chỉ một bí quyết là dùng nước sôi để trụng tỏi, làm cho mùi tỏi không quá hăng và còn dùng nước trụng đó để pha với bơ thành nước xốt.

“Làm như vậy, nước sẽ kết hợp với bơ thành một nước xốt thơm béo, bám vào từng sợi mì, nhưng không có dầu mỡ đóng lại dưới đáy chảo,” anh nói.

Sau khi nấu xong món mì, đầu bếp Tú cho hay: “Mì xào tỏi là món ăn kèm có thể đi chung với bất cứ món ăn chính nào, từ thịt cá cho đến các món rau. Món này thật ra không cần có món chính cũng được. Nhiều lúc tôi không biết nấu món gì, nên xào một phần mì tỏi như vậy là đủ rồi.”

Cuộc đời và con đường ẩm thực

Hướng dẫn nấu ăn xong, đầu bếp Tú David Phu kể một số điều về bản thân mình, và tại sao lại chọn con đường ẩm thực.

Anh là một đầu bếp được đào tạo chính quy trong các trường ẩm thực theo kiểu Tây Âu, từng làm việc tại nhiều nhà hàng nổi tiếng, rồi cuối cùng quyết định quay về cội nguồn để nấu các món ăn Việt Nam.

“Trường ẩm thực và các nhà hàng nổi tiếng đó dạy tôi kỷ luật và cách nấu. Tuy nhiên, những món ăn mà tôi nấu bây giờ đều chịu ảnh hưởng từ gia đình mình, đặc biệt là mẹ tôi, người dạy tôi nấu ăn từ nhỏ,” anh kể.

Món hoành thánh sa tế của đầu bếp Tú David Phu. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo anh, vì gia đình không có đủ thức ăn lúc mình còn nhỏ, anh trở nên tò mò, muốn tìm hiểu về ẩm thực nhiều hơn.

Anh kể: “Một bữa ăn của tôi chỉ có cơm, mì gói hay canh xương gà. Tôi không được may mắn như nhiều đồng nghiệp, có những món ăn tuyệt vời do mẹ nấu vào cuối tuần. Gia đình tôi còn không ăn mừng lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh nữa. Vì vậy, mỗi khi mẹ mua được nguyên liệu ngon, tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu về những món bà nấu.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, anh vào trường dạy nấu ăn, sau đó làm việc cho nhiều quán ăn, nhà hàng từ thức ăn nhanh đến các nhà hàng sang trọng, trong đó có Saul’s Deli của người Do Thái ở Berkeley, Bắc California.

Khi làm việc tại quán ăn Saul’s Deli, anh được học về văn hóa Do Thái, hiểu được tại sao các món ăn của người Do Thái có mùi vị như vậy. Điều đó làm anh nhớ về cội nguồn, và muốn hiểu được vị ngon của món ăn Việt Nam đặc biệt ra sao.

“Từ đó, tôi bắt đầu nói chuyện và nấu ăn với bố mẹ nhiều hơn, và chuyển qua nấu các món ăn Việt Nam,” đầu bếp Tú nói.

Anh còn nhấn mạnh tuy mình là người gốc Việt, nhưng không có nghĩa anh là một chuyên gia về các món ăn của quê hương, và phải học rất nhiều để nấu được như bây giờ.

Không chỉ vậy, anh còn cho rằng “mình lúc nào cũng là học trò, không bao giờ là một bậc thầy, luôn có cái để học hỏi.”

Với những suy nghĩ đó, đầu bếp Tú David Phu đang rất thành công trong con đường ẩm thực, và hy vọng sẽ mang được hương vị Việt đi khắp thế giới.

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT