Thursday, May 9, 2024

DB Young Kim: ‘CSVN liên tục đòi Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường’

Đỗ Dzũng/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – “Trong chuyến đi Việt Nam vừa rồi, đi đâu tôi cũng bị giới chức Việt Nam đòi Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường,” Dân Biểu Liên Bang Young Kim (Cộng Hòa), đại diện Địa Hạt 40 của California, nói với đại diện các tổ chức cộng đồng Việt Nam vùng Nam California trong một buổi gặp gỡ tại văn phòng địa hạt của bà ở Anaheim hôm Thứ Tư, 21 Tháng Hai. “Tôi nói rằng, là dân biểu Quốc Hội, chúng tôi không có thẩm quyền này, mà nó thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ.”

Dân Biểu Young Kim (giữa) gặp gỡ đại diện một số tổ chức trong cộng đồng Việt Nam tại Nam California hôm Thứ Tư, 21 Tháng Hai. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Bà nói thêm: “Tuy nhiên, tôi cũng nói với họ rằng, để được như vậy, quý vị phải tôn trọng nhân quyền, thả hết tù nhân chính trị, tôn trọng tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tôn trọng quyền lao động của người dân.”

Hồi cuối Tháng Giêng, bà Young Kim, chủ tịch Tiểu Ban Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ, dẫn đầu phái đoàn năm dân biểu thăm ba quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam, và Malaysia.

Vị nữ dân biểu cho biết đây là lần thứ nhì bà dẫn đầu một phái đoàn Quốc Hội đi công du nước ngoài.

Việt Nam hiện nằm trong danh sách 12 quốc gia mà Bộ Thương Mại Mỹ cho là có nền kinh tế phi thị trường. Nếu được lấy ra khỏi danh sách này – bao gồm Nga, Trung Quốc, và chín quốc gia từng thuộc Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh – Việt Nam sẽ được hưởng đầy đủ những ưu đãi về thương mại và đầu tư, theo quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Trong thời gian qua, các giới chức cao cấp của Việt Nam, từ lãnh đạo trung ương tới thành viên nội các tới đại sứ, đều kêu gọi Hoa Kỳ “đưa” Việt Nam ra khỏi danh sách này.

Dân Biểu Young Kim (giữa) chụp hình với đại diện một số tổ chức trong cộng đồng Việt Nam tại Nam California. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Vị nữ dân biểu cho biết thêm: “Mục đích chuyến đi Việt Nam của tôi là xem quốc gia này có thực hiện đúng những gì mà họ cam kết khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội, nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện.”

“Thực ra, chuyến thăm của tổng thống làm tôi rất quan tâm, vì ông không ràng buộc chính quyền Việt Nam thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về nhân quyền. Tôi muốn tìm hiểu là Việt Nam sẽ làm gì để đạt tiêu chuẩn này,” Dân Biểu Young Kim nói tiếp. “Việt Nam đúng là một quốc gia đang phát triển, rất năng động, nhưng chưa đạt được mức phát triển như Singapore và Malaysia.”

Bà cũng cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách hợp tác với các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Đông Nam Á để ngăn chặn chính sách bành trướng của Trung Quốc.

“Chúng ta muốn có một quan hệ tốt đẹp với họ, và riêng với Việt Nam, chúng ta cũng muốn quốc gia này bắt kịp với các chính sách của Hoa Kỳ,” bà Young Kim nói thêm.

Bà Young Kim cho biết, tại Hà Nội, bà gặp các giới chức Quốc Hội Việt Nam, Bộ Ngoại Giao, Bộ Thương Mại, và Bộ Quốc Phòng.

Bà cũng ghé thăm phi trường quân sự Biên Hòa, nơi Mỹ đang thực hiện dự án tẩy chất độc da cam trong thời chiến tranh Việt Nam, và gặp gia đình một người sinh ra bị chất độc này ảnh hưởng.

Tại Sài Gòn, bà gặp Đại Sứ Marc Knapper, từ Hawaii bay thẳng về thành phố, Tổng Lãnh Sự Susan Burns, và một phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân.

Dân Biểu Young Kim (thứ hai từ phải) lắng nghe câu hỏi của ông Michael Phương Minh Nguyễn (thứ hai từ trái), một người từng bị giam tại Việt Nam. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ngoài ra, bà cũng gặp một số gia đình có người thân đang bị giam giữ lâu mà chưa được đưa ra xét xử, cũng như một nhà hoạt động tự do tôn giáo mới ra tù.

Bà không cho biết danh tánh những người này, vì lý do an ninh.

Bà mạnh mẽ chỉ trích chính sách giam giữ người tùy tiện của Việt Nam hiện nay.

“Tôi có gặp một số gia đình, họ phải đi qua nhiều phương tiện giao thông đến gặp tôi, dù biết là sau đó có thể bị hậu quả xấu,” bà Young Kim kể. “Họ là những người có người thân bị tạm giam quá lâu, chưa được đưa ra xét xử. Tại Việt Nam, họ giam giữ người tùy tiện, muốn bao lâu cũng được. Ngoài ra, khi chưa có án, thân nhân không được thăm, dù cuộc điều tra kéo dài bao lâu. Đó là điều vô lý.”

Bà thêm: “Họ nói với tôi rằng họ không thể thăm người thân, và cũng không biết số phận người thân họ ra sao. Họ rất lo lắng.”

“Mỗi khi gặp các giới chức Việt Nam, ngoài nhân quyền, tôn giáo, hội họp, và quyền người lao động, tôi đề cập chuyện giam giữ người,” bà nói. “Câu trả lời của họ là ở Việt Nam cơ chế như vậy đó, nhưng không nói rõ cơ chế đó là gì.”

Dân Biểu Young Kim cho biết bà có đề cập chuyện này với các nhà ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, nhưng họ cho biết “họ không thể can thiệp khi người đó chưa có án chính thức.”

“Tôi gặp một người vừa ra tù, người này bị giam giữ vì tự do tôn giáo, và cho biết đó là chính sách giam giữ người ‘kiểu’ Việt Nam,” bà Young Kim chia sẻ thêm. “Nói chung, khi tôi hỏi về nhân quyền, giới chức Việt Nam không trả lời thẳng thắn. Còn về giam giữ người, họ không giải thích ‘cơ chế’ đó là gì.”

Dân Biểu Young Kim: “Quý vị (Việt Nam) phải tôn trọng nhân quyền, thả hết tù nhân chính trị, tôn trọng tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tôn trọng quyền lao động của người dân.” (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Tôi nói thẳng với họ, dù muốn dù không, họ phải làm đúng với những gì Hoa Kỳ kỳ vọng. Nếu không, khó lòng mà đạt những gì họ muốn từ phía chúng ta,” Dân Biểu Young Kim kết luận. “Về phần mình, lần tới, nếu có đến Việt Nam, tôi sẽ vẫn tiếp tục nêu ra các vấn đề nhân quyền, lao động, tự do tôn giáo, tự do hội họp…”

Sau cuộc họp, bà Young Kim trả lời một số câu hỏi của các đại diện cộng đồng Việt Nam liên quan đến các vấn đề họ quan tâm như tự do thương mại, nghiệp đoàn lao động, tôn giáo,…

Tham dự cuộc gặp gỡ có đại diện các tổ chức như đảng Việt Tân, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Việt Nam Hải Ngoại, Họp Mặt Dân Chủ, Vietnam Worker Defenders, Vietnamese-American Voters Association (VAVA), và một số nhà hoạt động cộng đồng.

——
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT