Thursday, May 9, 2024

Đêm nhạc tình thân mừng tuổi 90 nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ mừng tuổi 90 nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, nhân dịp ông từ Canada đến California, do một số thân hữu, nghệ sĩ và cựu học sinh các trường trung học nơi ông đã từng giảng dạy tổ chức, vừa diễn ra chiều Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, tại nhà hàng iTango Restaurant and Lounge, Garden Grove.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cám ơn bạn bè thân hữu đến với ông trong ngày sinh nhật tuổi 90. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Buổi họp mặt đầy cảm xúc khi những người bạn cùng thời nay còn được gặp lại nhau, những học trò năm xưa tóc đã đổi màu, cùng với những ca nhạc sĩ từng trình diễn những nhạc phẩm của ông từ hơn nửa thế kỷ trước… tất cả hòa quyện trong khung cảnh ấm áp tình thân trong không gian tràn ngập màu kỷ niệm.

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương là một nhà giáo, xuất thân từ trường Cao Đẳng Sư Phạm, cử nhân Văn Khoa Hà Nội 1953, nhưng ông lại sáng tác nhạc ngay từ năm 1951, lúc còn là học sinh Trung Học Khải Định Huế (Quốc Học) và suốt những “ngày ấy đến bây giờ” ông luôn sống vui với âm nhạc.

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương chia sẻ: “Tôi thật vui mừng và cảm động khi gặp lại những học trò ngày xưa, nhớ lại tình thầy trò ngày xưa. Đây có lẽ là buổi hội ngộ cảm động nhất của tôi ở tuổi 90. Học trò ngày xưa được học với thầy từ các trường, đủ các cấp từ Đệ Ngũ (lớp Tám), Đệ Tứ (lớp Chín) học Nhạc, Sử… đến Đệ Nhất (lớp Mười Hai) học Triết. Kỷ niệm nhiều quá khi tôi dạy cũng trên 10 trường, bây giờ chỉ có trò nhớ thầy chứ tôi nào nhớ hết nổi những kỷ niệm đẹp ngày xưa ấy, từ Huế vô tới Sài Gòn.”

Chương trình văn nghệ với ba phần, phần 1 và phần 2 là âm nhạc Phạm Mạnh Cương với sự trình diễn của nhiều ca sĩ đã tập dượt trước với ban nhạc Sao Đêm. Phần 3 là hát nhạc tự do, đó là ý muốn của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, khi ông muốn mọi thân hữu có thể hát bất cứ bài nào yêu thích.

Một số cựu học sinh các trường trung học Việt Nam Cộng Hòa, nơi nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đã dạy, trong buổi tiệc mừng 90 năm sinh nhật của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Thật đặc biệt, khi có nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương phổ nhạc, trong thời gian trước đây, có ít người biết hoặc chưa ai biết đến, được các ca sĩ thân hữu hát tặng mọi người, trong những ca từ và giai điệu thật lạ với những cảm xúc tuyệt vời.

Đặc biệt ca khúc “Từng Giọt Buồn Nhỏ Xuống Đời Tôi,” ông viết vào Tháng Ba, 1980, tại trại tị nạn Laem Sing, Thái Lan, có thể nói là chưa bao giờ xuất hiện, được MC Trần Quốc Bảo hát tặng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương để nhớ lại thời gian sống tại trại tị nạn cách đây 43 năm.

MC Trần Quốc Bảo, người ở chung lều với ba cha con nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương khi ở trại tị nạn Laem Sing năm 1980, sau đó hai người đi hai hướng, ông Bảo đến Mỹ còn ông Cương đi Canada, kể: “Khoảng 21 Tháng Ba, 1979, tôi thấy một con thuyền trôi vào đảo, bà con kêu có người Việt tới. Lúc đó danh ca Minh Trang, vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhận ra nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương đang lội từ dưới nước đi vô bờ cùng con gái và con trai.”

“Tôi mời gia đình ông vô ở chung một lều với tôi, và mau chóng thành lập một ban nhạc, gồm Mạnh Quỳnh – con nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương – chơi organ, tôi chơi guitar, anh Cương chơi kèn melodica. Trình diễn lần đầu trên đảo ngày 24 Tháng Tư, 1980, với khoảng 500 người tham dự chương trình tưởng niệm năm năm ngày mất nước,” ông Bảo tiếp.

“Thấy chương trình hay quá, hai ngày sau, ban điều hành trại khuyến khích chơi thêm nữa, và cho mượn thêm bộ trống. Đúng ngày 30 Tháng Tư, ông tướng người Thái cho mượn thêm guitar điện, với khoảng 800 người Việt tị nạn trên đảo đến dự chương trình tưởng niệm năm năm ngày mất nước. Và bài ‘Từng Ngày Buồn Nhỏ Xuống Đời Tôi,’ được anh Cương sáng tác cũng trong thời gian này,” ông Bảo nhớ lại.

Đôi bạn già, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng (phải) gặp lại sau hơn 60 năm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Lê Thị Hàn, rời Việt Nam năm 1963 đi học ở Nhật và nay định cư ở Mỹ, cho biết: “Khi còn ở Việt Nam, tôi đã viết cho các báo Văn, Văn Học, Phổ Thông; ở Đông Kinh, Tokyo, tôi viết cho Lá Thư Đông Kinh và những chuyện tạp bút. Tôi làm thơ từ năm 1963 đến nay và có khoảng 50 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc.”

“Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương khi đọc bài thơ ‘Áo Ai Qua Phố’ năm 2012 tôi viết tặng cho Như Hảo, bạn học trường Đồng Khánh với tôi, và ông đã phổ nhạc. Từ ấy, ông rất thích lối thơ của tôi, bởi vì như ông nói ‘khi nghe bài thơ là đã thấy nhạc rồi.’ Tôi cũng ngạc nhiên vì người nhạc sĩ tài hoa này đã 90 rồi mà sao bài thơ nào tôi gởi đến ông cũng đều phổ nhạc rất hay, như bài ‘Phù Sa Lớp Lớp,’” bà tiếp.

Cô Phương Mai, thuở ấy là một thiếu nhi 12 tuổi thuộc Ban Tuổi Xanh được nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương giao hát bài “Nhạc Khúc Mừng Xuân” do ông sáng tác năm 1966 khi ông mới từ Huế vô Nam, thu trên dĩa Sóng Nhạc để phát trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Với giai điệu rộn ràng, cô hát lại để mọi người được nghe và cùng nhớ về những mùa Xuân miền Nam thanh bình thuở trước.

Trong không khí rộn ràng sôi nổi, học trò các trường lên trao tặng những bó hoa nồng thắm và kỷ vật, cùng kể những kỷ niệm xưa và tri ân người thầy đã ra công dạy dỗ bao thế thệ nên người.

Nói với nhật báo Người Việt, bà Nguyễn Thanh Thủy, hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, là học trò lớp Đệ Lục (lớp Bảy) và lớp Đệ Ngũ niên khóa 1956-57 tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, kể: “Thầy Cương dạy Việt Văn rất dễ hiểu, thời đó giáo sư người Bắc dạy học rất nhiều, nên giọng Huế của thầy nhẹ nhàng êm ái nghe dễ cảm vô cùng, học sinh nào được học với thầy cũng thích lắm. Sau 67 năm, đêm nay tôi gặp lại thầy Cương vẫn từ tốn nhẹ nhàng như xưa.”

Bạn bè thân hữu cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương quây quần bên chiếc bánh mừng sinh nhật 90 tuổi hạc của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, học trò môn Sử lớp Đệ Nhất Ban A, trường Petrus Ký Sài Gòn năm 1960, cho hay: “Thầy giảng bài giọng Huế rất êm khiến chúng tôi ai cũng lắng nghe, nên rất dễ thuộc bài, mặc dù môn Sử tương đối khô khan dễ chán. Cuối năm đó tôi được giải nhất về môn Sử, nên ngày nay tôi đam mê nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt về cổ sử Việt Nam, với chuyên môn về trống đồng. Sau 63 năm gặp lại, tôi rất mừng khi thấy thầy mình vẫn còn sức khỏe và minh mẫn như ngày nào, dù năm nay ông đã 90 tuổi.”

Ông Trần Vĩnh Trung, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký Nam California, chia sẻ: “Tôi còn nhớ thầy thường đến lớp với một chiếc cặp trong tay nhưng rất ít khi mở ra, vì những bài giảng đã in hằn trong tâm trí của thầy. Có lần thầy làm rơi chiếc cặp bung ra, tôi ngồi bàn đầu giúp thầy nhặt lên, nhưng chỉ thấy toàn những bài thơ và nốt nhạc chằng chịt. Từ ấy mới biết thầy mình cũng là một thi nhạc sĩ! Thầy không trách phạt ai vì sự phá phách của tuổi trẻ. Thầy như một anh nài giỏi kìm hãm các con ngựa bất kham, lái chúng tôi đi đúng tinh thần như đất nước mong chờ.”

Đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương tràn ngập tình thân, ấm áp và sôi nổi qua những chuyện cũ mới, những nhạc phẩm bất hủ của ông. Mọi người cùng hân hoan cắt chiếc bánh sinh nhật mừng 90 năm tuổi hạc của người nhạc sĩ tài hoa, trong bài “Thu Ca” rộn ràng điệu tango, cùng với những nhạc phẩm vượt thời gian. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT