Thursday, April 25, 2024

‘Đêm Thu’ trở lại Little Saigon cùng lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Với chủ đề “Đêm Thu”, buổi trình diễn âm nhạc do lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang tổ chức chiều Thứ Bảy, 19 Tháng Tám diễn ra tại phòng hội nhật báo Người Việt, Westminster với sự tham dự của đông đảo các học viên và thân hữu.

Mùa Thu, mùa của rằm Tháng Tám, mùa rước đèn Trung Thu của các em nhỏ, và những hẹn hò nhớ nhung da diết. Trong 48 tiết mục được trình diễn, những nhạc phẩm chọn lọc dành cho các em thiếu nhi và những tuyệt phẩm bất hủ dành cho người lớn, chương trình mang lại đêm hội ngộ tuyệt vời giữa người ca hát và người thưởng thức.

“Mặc dù bốn mùa trong năm đều có những buổi recital cho học viên trình diễn, nhưng mới đó mà đã một năm trôi qua quá nhanh, mùa Thu lại trở về nữa rồi!” giáo sư Vũ Ngọc Mai, học viên lớn tuổi nhất của lớp thanh nhạc, nhận xét.

Mở màn cho đêm diễn, tứ ca Thanh Thanh, Anh Thư, Kenrick Khải Bùi, và Thu Anh trong nhạc phẩm “Rước Đèn Tháng Tám” sáng tác Đức Quỳnh, đã đưa mọi người trở về thời tuổi thơ rộn ràng đêm trung thu rước đèn cùng tiếng trống con, quây quần trong gia đình ngắm trăng rằm với mâm cỗ, chìm đắm trong những mơ mộng tuổi thần tiên.

Cùng những bài hát về Mùa Thu khác, các em thiếu nhi lần lượt lên sân khấu trình diễn với Anh Thư, Jazmy Bùi Nguyễn, Thanh Thanh, Hữu Lộc, Bảo Hân, Hoàng Trung, một lần nữa được khen tặng bằng những tràng pháo tay không dứt.

Em Kenrick Khải Bùi, nhỏ tuổi nhất lớp, trong bộ áo dài khăn đóng và dáng điệu tự tin, trình diễn xuất sắc bài “Vầng Trăng Cổ Tích”, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Phạm Đăng Khương, và hai em bảo Ân, Bảo Hân trong áo tứ thân khăn mỏ quạ, trong màn quan họ Bắc Ninh “Hoa Thơm Bướm Lượn” được tán thưởng nhiệt liệt.

Anh Khanh Vũ, cư dân Irvine, bố của em Diễm Hạnh, cho biết lúc nhỏ em có học nhạc với thầy Lê Hồng Quang khoảng một năm, mới trở lại lớp nhạc khoảng năm tháng nay thôi, sau 10 năm ngưng học.

Các học viên lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang trong buổi diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Hát ở ca đoàn nhà thờ, có những bài hát tiếng Việt làm cháu mất tự tin không dám hát. Vì rất thích ca hát nên tôi khuyến khích cháu học nhạc ở lớp này, khi hát được tiếng Việt, sẽ nói tiếng Việt khá hơn. Bây giờ trở lại lớp nhạc, cháu hát và nói tiếng Việt giỏi hơn nhiều. Bài ‘Mưa Hồng’, sáng tác Trịnh Công Sơn mà cháu vừa trình bày đã chứng minh,” anh thích thú kể.

Cô LyLy cùng phu quân, ông Tô Tiến Dũng, phụ trách Gia Đình Việt Ngữ Tự Lực, cũng đi ủng hộ học trò biểu diễn.

“Cách đây 10 năm, khi dạy tiếng Việt cho học trò nhỏ, tôi dùng những bài hát tiếng Việt cho đỡ khô khan. Em Anh Thư lúc đó mới 3 tuổi được mẹ cho đi theo chơi xem chị học tiếng Việt. Đến giờ học nhạc, các chị học hát mà bé ngồi ở dưới nhép miệng hát theo, cô giáo thấy thương quá nên khuyến khích cháu học hát luôn. Bây giờ theo lớp nhạc của thầy Quang, em thích thú hát những bài thầy chọn và tập luyện rất kỷ trước khi diễn,” cô LyLy kể.

Còn em Thu Anh, chị của Anh Thư, đang học lớp 8 trường Mc Garvin thì nói rằng ca hát là môn học em rất thích, giúp em diễn tả được mọi việc khi nghe, nói và đọc tiếng Việt, bây giờ em học tiếng Việt giỏi hơn nhiều.

Bước sang phần trình diễn của các học viên lớn tuổi, Phạm Quốc Việt mở màn với nhạc phẩm “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” sáng tác Trần Quang Lộc.

Giáo sư Vũ Ngọc Mai nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt khi trình bày “Lá Đổ Muôn Chiều”, một tuyệt phẩm bất hủ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Từ cách luyến láy, nhả chữ, nhất là giữ nhịp thật chính xác. Tất cả là nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy Quang, cô Mai cho biết.

Trong nhịp điệu valse tình tứ, Quỳnh Giao tiếp nối với nhạc phẩm “Paris Có Gì Lạ Không Em” thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên.

Cô Lan Phương trở lại sân khấu lần này trong nhạc phẩm “Đâu Phải Bởi Mùa Thu” thơ Giáng Vân, nhạc Phú Quang. Cô cho biết lần này trình diễn không có gì trở ngại, mọi việc thầy Quang đã hướng dẫn kỹ trước rồi, chỉ còn mình phải tự tin hát trước công chúng thôi.

“Là cô giáo dạy tiếng Việt tại Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, mình cần phải rèn luyện kỹ năng ca hát trong sư phạm, nó giúp ích rất nhiều trong việc giảng dạy tiếng Việt cho các em thiếu nhi, các em cần sự tự tin khi nói tiếng Việt, mà ca hát là một phần không thể thiếu,” cô Lan Phương nói.

Thầy Lê Hồng Quang nhận xét, “các học viên ngày càng điêu luyện trong kỹ thuật, và tự tin hơn trong cách biểu diễn.”

“Trên sân khấu, trò run một chứ thầy run gấp mười. Thành quả đạt được chính nhờ sự khổ luyện, những buổi recital như thế này là cách rèn luyện sự tự tin, học viên cứ bước lên sân khấu và hát trước công chúng. Trong lớp dạy, chuyên luyện cho học viên hát bằng tiếng Việt, cũng là cách bảo tồn văn hóa Việt Nam, giữ gìn và phát huy tiếng Việt,” thầy Quang nói thêm.

Mời độc giả xem phóng sự “Họa sĩ ViVi – Người tô điểm ký ức tuổi thơ”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT