Tuesday, April 16, 2024

Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng và hành trình tri ân Alexandre de Rhodes, người có công lớn với chữ Quốc Ngữ

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Gần một trăm nhân chí sĩ, học giả ở Little Saigon đã tới hội trường nhật báo Người Việt để coi phim tài liệu “Chuyến đi thăm mộ Alexandre de Rhodes” và tọa đàm về chữ Quốc Ngữ cùng tác giả là Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng vào trưa Thứ Bảy, 7 Tháng Chín, 2019.

Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng từng du học tại Bỉ, tốt nghiệp kỹ sư hàng không không gian vào khoảng năm 1965. Sau đó ông giảng dạy tại Ðại Học Liège, về ngành khoa học rạn nứt (fracture mechanics). Tuy sống ở Bỉ 55 năm nhưng ông vẫn nặng lòng với đất nước quê nhà. Gần đây, ông đã chọn tại Quận 9, Sài Gòn, làm nơi sinh sống thứ hai ngoài Bỉ, và dành thời gian nghiên cứu về văn hóa Việt Nam.

Nói về lý do để có “Chuyến thăm mộ Alexandre de Rhodes” tại Ba Tư (tức Iran ngày nay), Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng cho hay: “Tôi là người ngoại đạo. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học, không phải là nhà sử học. Năm 2017 có một vị giáo sư trong nước đã bài bác chữ quốc ngữ và đề nghị một cách viết khác thay thế. Điều này gây một cú sốc rất lớn cho người Việt vì chữ quốc ngữ là tâm hồn của người Việt. Nghiên cứu của ông ta thực ra không có khám phá gì mới, mà là một sư vay mượn từ bên Trung Quốc. Cách viết của ông ta rất giống cách ghi lại âm thanh chữ Hán bằng ký tự La-tinh. Chính vì thế, người Việt phản ứng rất dữ dội, họ phê phán nặng nề, thậm chí là xúc phạm, chửi rủa.”

“Việc phê phán nặng nề đôi khi còn có tác dụng ngược vì đã vô tình quảng bá cho chữ viết của vị giáo sư này.  Tôi nghĩ tốt hơn hết, chúng ta nên tôn vinh chữ Quốc Ngữ của mình, mà người đầu tiên tạo ra chính là nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes,” Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nói tiếp.

Gần 100 nhân chí sĩ, học giả ở Little Saigon tới đàm đạo cùng giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và xem phim tài liệu về “Chuyến đi thăm mộ Alexandre de Rhodes”. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Đó chính là lý do mà Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng cùng một số nhân sĩ trí thức gốc Việt, đã thực hiện chuyến thăm mộ của ngài Alexandre de Rhodes  và đặt những tấm bia đá tri ân lên mộ của ngài, vào đầu Tháng Mười Một, năm 2018. Cuốn phim ghi lại hành trình này được chiếu để chia sẻ rộng rãi cho mọi người con gốc Việt trên toàn thế giới được biết.

Vào thế kỷ 16 các giáo sĩ phương Tây bắt đầu truyền giáo vào Việt Nam. Do nhu cầu truyền giáo nên ngoài việc học tiếng Việt còn cần phải có tài liệu kinh sách tiếng Việt. Từ đó một số giáo sĩ bắt đầu cho ra đời một loại chữ viết mới, dựa vào 24 chữ cái của mẫu tự La-tinh, có 6 nguyên âm chính và 5 dấu thanh, đó chính là chữ Quốc Ngữ.

Trong cuốn phim, Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết: “Vào thế kỷ 17 (năm 1651) nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đã cho ra đời cuốn từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) tại thành Roma, công bố khóa học đầu tiên về tiếng Việt và cách viết dùng ký tự La-tinh, đây là nỗ lực cá nhân hiếm có của ngài Alexandre de Rhodes.”

Ngay từ khi ra đời, chữ Quốc Ngữ được sử dụng ở Đàng Trong, tức là phía Nam của nước Việt và nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Sau đó, chữ Quốc Ngữ được hoàn chỉnh hơn nhờ công trình từ điển của Pigneaux de Béhaine và Hồ Văn Nghi vào năm 1772 và  cuốn từ điển của Taberd và Phan Văn Minh vào 1838.

Cựu giáo sư Đặng Ngọc Sinh (phải) tặng Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng bộ sách “Sổ tay chính tả”. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết thêm: “Đúng 100 năm trước đây (năm 1919), vua Khải Định ban chiếu chấm dứt tất cả các kỳ thi chữ Hán, chữ Nho và sử dụng chữ quốc ngữ phổ biến cho ba vùng Nam Bắc Trung. Con cháu chúng ta giờ đây chỉ cần 4-6 tháng là có thể biết đọc, biết viết Chữ Quốc Ngữ.  Trong khi chữ Nho, chữ Nôm cha ông chúng ta mất 2-3 năm mới đọc viết được. Chính bởi tính khoa học, dễ sử dụng của chữ Quốc Ngữ mà giúp chúng ta hòa nhập, gần gũi với Tây Phương, thoát được ách nô lệ và sự rối rắm của chữ Nho.”

Nội dung cuốn phim nói về lễ khánh thành tấm bia tri ân công lao của nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, tại nghĩa trang New Julfa Armenian Cemetery ở thành phố Isfahan, Ba Tư.

Được biết, đoàn mang theo một tấm bia đá chế tác từ Đà Nẵng, Việt Nam. Một tấm bia khác lớn hơn, dài 1.60m, đặt làm ngay tại Isfahan, Ba Tư, trên có khắc ghi: “Chữ quốc ngữ còn, Tiếng Việt còn, nước Việt Nam còn” bằng bốn ngôn ngữ: Anh, Pháp, Tiếng Việt và tiếng Ba Tư.

Phát biểu trước phần mộ của cố Linh Mục Alexandre de Rhodes, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền Hồi Giáo và nhà thờ Cơ Đốc Giáo ở Isfahan, Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định: “Ngài Alexandre de Rhodes đã giúp cho dân tộc Việt Nam hòa nhập với thế giới văn minh trước 350 năm so với các nước lân bang. Đây là thành quả của sự giao lưu văn hóa Âu Á trong sáng và trường tồn bậc nhất, để sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ mà ta có ngày hôm nay.”

Những người tham dự phần lớn là các nhà trí thức quan tâm tới văn hóa, lịch sử Việt như giáo sư, nhà văn, bác sĩ. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Ông nói tiếp: “Hôm nay từ Việt Nam xa xôi, chúng tôi vượt trên sáu ngàn cây số về đây nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài Alexandre de Rhodes. Với tư cách là người Việt Nam, chúng tôi, là những người dân thường, là hướng dẫn viên du lịch,nhà báo, nhà văn, giáo sư, nhà sử học, chúng tôi cùng nhau tụ về đây nhân ngày giỗ của ngài. Chúng tôi đã ghi rõ trên tấm bia lòng tri ân của chúng tôi đối với đóng góp to lớn của ngài trong việc đạo tác ra chữ Quốc Ngữ.”

Trong sự xúc động, Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nói tiếp: “Chúng tôi hy vọng tấm bia lấy từ Quảng Nam, nơi ngài đã đặt chân tới đất Việt Nam và học tiếng Việt lần đầu tiên, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, mang tới cho ngài hơi ấm với lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi. Thật vậy, chữ Quốc Ngữ đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt trong giai đoạn khó khăn bao nhiêu  năm qua. Vinh danh chữ Quốc Ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, bảo vệ đất nước Việt Nam.”

Cuốn phim vừa kết thúc, khán giả trong hội trường vỗ tay trong sự cảm phục tinh thần của những chí sĩ yêu nước gốc Việt ‘ngoại đạo’ như Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng. Đa số khán giả đều là những trí thức như giáo sư, bác sĩ, nhà văn. Có người lặn lội từ San Diego, Long Beach tới tham dự.

Một cảnh trong phim tài liệu quay lễ khánh thành dựng hai tấm bia tại phần mộ nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes tại thành phố Isfahan, Ba Tư để tri ân công lao của ông sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ. (Hình chụp lại: Tâm An/Người Việt)

Một số khán giả đặt câu hỏi đàm đạo cùng Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng về Linh Mục Alexandre de Rhodes. Chẳng hạn như cách nào đi tới Ba Tư để thăm mộ của ngài Alexandre de Rhodes trong khi đang bị Mỹ cấm vận? Ai cũng biết Ba Tư là một nước Hồi Giáo cực đoan, vốn không ưa gì đạo Cơ Đốc, vậy làm cách nào Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng tổ chức được lễ tri ân Linh Mục Cơ Đốc Giáo Alexandre de Rhodes? Sự gắn bó tha thiết của Linh Mục Alexandre de Rhodes đối với người dân Việt Nam trong suốt 20 năm truyền đạo vào thế kỷ 17 ra sao?

Nhân dịp này, cựu Giáo Sư Đặng Ngọc Sinh và Giáo Sư Trần Ngọc Dụng đã tặng Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng bộ ba cuốn sách “Sổ Tay Chính Tả” dày tổng cộng 1,800 trang.

Nói chuyện với phóng viên báo Người Việt, ông Đặng Ngọc Sinh cho biết: “Nhóm chúng tôi gồm nhiều nhà nghiên cứu chữ Quốc Ngữ ở hải ngoại đã biên soạn và xuất bản trên 3,000 cuốn sách, nhằm vận động và truyền bá sự thống nhất về chính tả trong Tiếng Việt.”

Hơn 300 năm qua người Việt không hề quên công ơn của Linh Mục Alexandre de Rhodes. Ở Sài Gòn, Việt Nam hiện nay vẫn còn một đường phố có tên của ông dù cho thời thế có đổi thay. Việc lần đầu tiên, một nhóm nhân sĩ trí thức người Việt đặt bia tri ân tưởng niệm cố Linh Mục Alexandre de Rhodes tại Ba Tư, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Ba Tư. Đồng thời đây cũng là một sự nhắc nhở các thế hệ gốc Việt luôn nhớ ơn tới ngài. Nếu có dịp tới Ba Tư du lịch, những người con gốc Việt đừng quên ghé thăm mộ của Linh Mục Alexandre de Rhodes và tấm bia có dòng chữ Quốc Ngữ của chúng ta. (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT