Friday, March 29, 2024

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc qua đời tại Pháp, thọ 101 tuổi

PARIS, Pháp (NV) – Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, một chính khách kỳ cựu của Việt Nam Cộng Hòa, vừa qua đời lúc 6 giờ 5 phút ngày 22 Tháng Mười Một (tức 18 Tháng Mười Tân Sửu), tại bệnh viện Foch ở Suresnes, ngoại ô Paris, Pháp, hưởng đại thọ 101 tuổi.

Bà Vũ Mộng Lan, trưởng nữ của giáo sư, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt, đồng thời cho biết: “Trong lúc này chúng tôi rất bối rối. Mất cha mẹ, mình cảm thấy bơ vơ, vào tuổi nào cũng vậy!”

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc. (Hình: Cáo phó của gia đình)

Theo bản cáo phó được gia đình gởi ra, “Thánh Lễ cầu nguyện sẽ diễn ra lúc 11 giờ đến 12 giờ 20 phút, Thứ Năm, 25 Tháng Mười Một, tại Giáo Xứ Việt Nam, 2 Villa des Épinettes – 75017 Paris (Métro: Porte de Saint-Ouen). Hỏa táng vào Thứ Tư, 1 Tháng Mười Hai, tại Crematorium du Mont Valerien.”

Vẫn theo cáo phó, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc mất đi để lại tám người con (năm gái, ba trai), cùng hàng chục cháu, chắt.

Theo Wikipedia, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc sinh năm 1920 tại Nam Định, miền Bắc Việt Nam.

“Ông là giáo sư, nhà kinh tế học. Ông tham gia chính quyền Quốc Gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các chính phủ quốc gia từ thập niên 1950 đến 1975, như bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Thanh Niên thời chính phủ Bửu Lộc (1953-1954), thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, cố vấn Tổng Thống Ngô Đình Diệm, quốc vụ khanh đặc trách tái thiết hậu chiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp chính đến cuối năm 1971.”

Ông được xem là người góp phần quan trọng trong việc đào tạo sinh viên môn kinh tế học tại trường Đại Học Luật Khoa và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh VNCH.

Theo nhà báo Từ Nguyên, hiện cư ngụ tại Paris: “Trong gần 40 năm, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc đào tạo nhiều thế hệ luật gia và kinh tế gia không những tại Việt Nam mà còn tại Pháp. Ông là giám đốc trường luật Hà Nội, khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, giáo sư tại các viện đại học Sài Gòn, Đà Lạt, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và Đại Học Paris XII.”

Còn theo Giáo Sư Lê Đình Thông, cũng cư ngụ tại Pháp: “Giáo Sư Vũ Quốc Thúc mất đi để lại sự thương tiếc cho nhiều thế hệ luật gia xuất thân từ Đại Học Luật Khoa Hà Nội (1953-1954), Sài Gòn (1954-1975) và các chuyên viên từng theo học với giáo sư tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (Sài Gòn) và Viện Đại Học Đà Lạt.”

Vẫn theo trang Wikipedia: “Năm 1965, cả phía Mỹ và VNCH đều nghĩ chiến tranh sẽ kết thúc với sự chiến thắng của quân đội Mỹ nên đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu một kế hoạch kinh tế thời hậu chiến. Giáo Sư Vũ Quốc Thúc là trưởng phái đoàn Việt Nam trong cuộc soạn thảo bản kế hoạch này. Ông là đồng tác giả của Phúc Trình Staley – Vũ Quốc Thúc (1961), Phúc Trình Lilienthal – Vũ Quốc Thúc (1968), liên quan kế hoạch tái thiết kinh tế hậu chiến tại Miền Nam. Vào thời ấy, đó là công trình kinh tế học nổi tiếng nhất của ông, cả ở miền Nam lẫn ở Mỹ.”

Từ 1972, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc không còn tham gia chính quyền mà chỉ chú tâm dạy học ở trường luật cho đến 1975.

Giáo Sư Vũ Quốc Thúc định cư tại Pháp năm 1978, ngụ tại Nanterre, và được bổ nhiệm làm giáo sư dạy môn kinh tế tại Đại Học Paris kể từ năm 1978 cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1988.

Trong hai năm 2009 và 2010, Giáo Sư Vũ Quốc Thúc cho xuất bản bộ hồi ký “Thời Đại Của Tôi” gồm hai cuốn “Nhìn lại 100 năm lịch sử” dài 400 trang, và “Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến,” dài 700 trang.

Trong đó, cuốn “Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử” chủ yếu viết về những nét chính yếu trong sinh hoạt chính trị xã hội của Việt Nam ở thế kỷ 20. Cuốn “Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến” mới là phần chính của bộ hồi ký.

Cả hai cuốn sách này đều được công ty Người Việt in ấn, phát hành. Sách được bán tại Nguoivietshop và Amazon. Bản tiếng Anh của bộ hồi ký cũng được xuất bản tại Los Angeles năm 2014.

Năm 2014, trả lời phỏng vấn của đài RFI, Giáo Sư Thúc cho biết: “Mục đích của cuốn hồi ký này là để cháu chắt của ông hiểu được tại sao ông phải rời bỏ quê hương sang định cư bên Pháp, xem Pháp là quê hương chính, còn Việt Nam là quê hương thứ hai, mặc dù ông không bao giờ quên quê hương thứ hai.”

“Tôi muốn cho cháu chắt tôi biết trong hoàn cảnh nào tôi phải bỏ nước ra đi, để thấy tâm tư của một bậc tiền bối, đâu phải là ra đi chỉ mưu cầu những an ninh, lạc thú ở ngoại quốc, mà trái lại luôn luôn hướng về quê cha đất tổ,” ông nói. (Đ.Tr) [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT