Wednesday, April 24, 2024

Hội Ái Hữu Petrus Ký họp mặt thường niên tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhân dịp sinh nhật ông Petrus Trương Vĩnh Ký lần thứ 184, Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California tổ chức buổi họp mặt Ngày Truyền Thống Petrus Trương Vĩnh Ký vào trưa Chủ Nhật, 5 Tháng Mười Hai, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Màn “Fashion Show” của các trường trung học đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, trước năm 1975, Trung Học Petrus Ký là một trường công lập chỉ nhận nam sinh, có các lớp từ Đệ Thất đến Đệ Nhất (từ lớp 7 đến lớp 12). Trường được quy tụ rất nhiều giáo sư tài giỏi, phòng học rộng lớn, nhiều phòng thí nghiệm, thư viện. Tinh thần tranh đua học tập của học sinh rất mạnh. Vì thế, học sinh Petrus Ký thường đậu hạng cao trong các kỳ thi tú tài toàn phần, để chuẩn bị thi vào các trường đại học. Được làm học sinh trường Petrus Ký là một niềm hãnh diện và tự hào của học sinh thời bấy giờ.

Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California được thành lập năm 1980. Hằng năm, hội đều có những buổi họp thường niên để quý thầy cô và các cựu học sinh có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự. Ngoài những hoạt động thường xuyên, hội cũng hoạt động chung với các trường bạn và cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, để cùng chia vui sẻ buồn, qua những tâm tình của học trò cùng quý thầy cô vẫn giữ mãi cho đến hôm nay.

Các cựu giáo sư đến dự gồm có: Phan Thu Yến, Lê Hữu Phước, Dương Ngọc Sum, Hồ Thị Hiệp, Đặng Quốc Khánh, Lê Xuân Khoa, Châu Thành Tích, và còn nhiều người khác.

Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái, hội trưởng Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California, phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngoài cựu học sinh của Trung Học Petrus Ký, còn có những học sinh của các trường bạn như Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Ngọc Hân, Lê Quý Đôn, và còn nhiều trường khác.

Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái, hội trưởng Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California, nói: “Để ghi nhớ công ơn của một vĩ nhân mà trường Trung Học Petrus Ký được mang tên, chúng tôi đã chọn ngày này để tổ chức buổi họp mặt của cựu học sinh Petrus Ký. Và hôm nay, cũng là ngày mừng sinh nhật lần thứ 184 của nhà Bác Ngữ Học Petrus Trương Vĩnh Ký.”

“Tất cả đồng môn cũng như chúng tôi đã mang niềm hãnh diện là cựu học sinh của trường Petrus Ký. Nhớ ngày xưa, lúc ban đầu được trở thành học sinh của ngôi trường này, chúng ta đã được trường cấp cho phù hiệu và tên của trường để cài trên áo, và hôm nay, ban tổ chức cùng một số anh em cũng hãnh diện mang trên áo của mình tên của ngôi trường Trung Học Petrus Ký,” Bác Sĩ Thái chia sẻ thêm.

Chân dung cụ Petrus Trương Vĩnh Ký. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cô Đỗ Mộng Thủy, đại diện Liên Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian, tâm tình: “Nhà Bác Ngữ Học Petrus Ký là một người có công lớn lao trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc Ngữ rất thông dụng và tiện lợi, mà chúng ta đã sử dụng cho đến ngày hôm nay, và chính nền chữ Quốc Ngữ phong phú đó, đã thay thế và nối tiếp cho các nền văn học chữ Hán và chữ Nôm.”

Giáo Sư Dương Ngọc Sum, cựu giám học trường Petrus Ký từ những năm 1958-1975 và phụ tá Khối Nghiên Cứu và Phát Triển Giáo Dục thuộc Bộ Giáo Dục VNCH, nói: “Đối với tôi, các học sinh Petrus Ký rất ngoan và chăm học. Khi ra hải ngoại các em vẫn còn nhớ đến những thầy cô và bạn hữu, bằng chứng là các em đã thành lập Hội Ái Hữu Petrus Ký hơn 30 năm qua. Chúng tôi rất hạnh diện về các em cựu học sinh Petrus Ký. Vì khi còn trong nước, cũng như ra hải ngoại, trường đã đào tạo rất nhiều nhân tài đã phục vụ cho đất nước về chánh trị, quân sự, kinh tế và giáo dục.”

Cựu học sinh Petrus Ký đồng hát bài “Hiệu Đoàn Ca”của trường Petrus Ký. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bác Sĩ Hùng Nguyễn, cựu học sinh Petrus Ký ra trường 1972 và là cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 6/72, nói: “Những buổi họp mặt hằng năm tôi rất trân quý, vì mình được gặp lại những bạn xưa, thầy cũ lúc còn dưới mái trường Trung Học Petrus Ký. Thắm thoát mà đã gần 50 năm qua rồi.”

“Mới đây, tôi đã lên Facebook của trường Petrus Ký để tìm một người bạn cũ đã thất lạc từ lâu. Đến bây giờ thì tôi mới tìm được. Người bạn này đã đưa lên trên Facebook của trường Petrus Ký quyển đặc san của Trường Petrus Ký ngày xưa, mà chính tôi là người đảm nhiệm quyển đặc san này. Tôi được nhìn lại những kỷ niệm ngày xưa của mình qua những bảng danh dự, những phần thưởng mà trường đã trao tặng cho tôi, tôi rất cảm động. Tôi không ngờ cựu học sinh Petrus Ký vẫn còn giữ những kỷ niệm cũ cho đến ngày hôm nay,” Bác Sĩ Hùng chia sẻ thêm.

Cựu học sinh Petrus Ký đồng hát bài “Hiệu Đoàn Ca”của trường Petrus Ký. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Trần Vĩnh Trung, thành viên ban tổ chức, cho hay: “Tháng Mười, 1975, Cộng Sản đổi tên trường Petrus Ký thành trường Lê Hồng Phong, và họ đã cho đục bỏ hai câu liễn trước cổng trường là ‘Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt/ Tây Âu khoa học yếu minh tâm.’ Hai câu này do Giáo Sư Ưng Thiều đặt ra, và chính quyền đương thời đã thay vào hai câu: ‘Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết/ Thành công, thành công đại thành công.’ Sau đó, vì họ thấy hai câu mới này không thích hợp để đặt trước cổng một học đường nổi tiếng ngày xưa, nên họ đã đục bỏ.” [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT