Friday, April 19, 2024

Hội thảo ‘Sức Khỏe Gia Đình Người Việt’ dành cho phụ huynh và con em

 

Linh Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sức khỏe quý hơn vàng nhưng sức khỏe tâm lý có thể đóng vai trò quan trọng hơn, lại chưa được gia đình người Việt quan tâm đúng mức để cha mẹ tránh những tiếc nuối muôn đời. Vì thế, một nhóm phụ huynh quan tâm, cùng các chuyên gia tâm lý, sẽ tổ chức một buổi hội thảo từ 8 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều Thứ Bảy, 28 Tháng Tư, tại trung tâm sinh hoạt sinh viên (GWC Student Center) của đại học Golden West, 15744 Golden West St., Huntington Beach, CA 92647.

Buổi hội thảo được sự hỗ trợ của các tổ chức bất vụ lợi như BPSOS, Boys and Girls Clubs, Sở Cảnh Sát Garden Grove, Học Khu Garden Grove, Project Motivate, Waymakers và Christian Truong Memorial Foundation.

Tiến Sĩ Đông Xuyến và diễn giả Paul Hoàng cùng các chuyên gia tâm lý khác sẽ thuyết trình các đề tài gồm cách trò chuyện hữu hiệu trong gia đình; cách ứng phó với những căng thẳng trong sinh hoạt cuộc sống; và giới trẻ và gia đình có một cuộc sống vui tươi lành mạnh.

Phụ huynh tham dự một buổi hội thảo về sức khỏe tâm lý tại bệnh viện Fountain Valley Regional Hospital, Fountain Valley. (Hình minh họa: Ban tổ chức cung cấp)

Ông Tấn Lương, 51 tuổi, cư dân Garden Grove, thành viên của Nhóm Hỗ Trợ Tâm lý Giới Trẻ, cho biết: “Chúng tôi, xuyên qua các kinh nghiệm cá nhân, nhận thức được sự tác hại của bệnh trầm cảm ở con trẻ nên ngồi lại với nhau để vận động các phụ huynh khác trong cộng đồng người Việt, cùng gióng lên tiếng chuông báo động. Đừng đợi khi chuyện này xảy ra cho con cái rồi mới hối tiếc.”

Ông kể cách đây hai năm trong học khu Garden Grove có hai học sinh tự tử. Một em là bạn học của cô con gái lớn của ông: “Tôi nhớ chuyện bi thảm này xảy ra vào tuần đầu Tháng Mười, 2016 khi cùng cháu dự đám tang bạn nó. Một tháng sau lại có em Kyle Huỳnh, 15 tuổi, một học sinh trung học, tự tử để lại ba bức thư tuyệt mạng.”

Trong thư gửi bạn bè, em Kyle viết, “mình đã phải chịu đựng chứng bệnh chán chường trong một thời gian. Cho dù các bạn không hề biết điều này nhưng các bạn đã thực sự là lý do giúp mình sống lâu hơn. Không có các bạn, mình nghĩ mình đã tự tìm đến cái chết từ lâu rồi.”

Theo những gì trong thư, chính căn bệnh trầm cảm, nhưng lại cố tình giấu, không cho ai biết, cùng với nỗi chán ghét việc học cùng hệ thống giáo dục đã khiến em không còn muốn tiếp tục sống.

Những lá thư cậu học trò để lại, ngoài việc nói lý do mình chọn cái chết bằng cách tự tử, còn lại, là những lời nhắn gửi trìu mến nhất mà em muốn gửi đến những người ở lại, đừng ai cảm thấy buồn phiền, có lỗi, hay oán trách việc ra đi của em. Đó là sự lựa chọn, là lối thoát cho chính em.

“Mình cũng hy vọng rằng lá thư này sẽ khép lại những ưu tư của mọi người về cái chết của mình, sẽ làm cho nỗi đau của mọi người nhẹ vơi đi.”

Ông John Nguyễn (bìa phải) trong một buổi sinh hoạt của Nhóm Hỗ Trợ Tâm Lý Giới Trẻ. (Hình minh họa: Ban tổ chức cung cấp)

Những lời lẽ trong những bức thư để lại cứ quay cuồng trong trí, ông Tấn kể: “Tôi lo quá và rủ thêm vài người bạn lên học khu để yêu cầu họ phải có thêm những lớp học, những giải pháp để cho học sinh và phụ huynh bớt căng thẳng, để giải quyết vấn nạn này trong cuộc sống, nhất là những gia đình người Việt.”

Ông giải thích rằng văn hóa Việt Nam chưa quen với việc nói ra những ưu tư xảy ra trong gia đình, để tìm sự trợ giúp tâm lý của các chuyên gia về lãnh vực này.

“Có khi phụ huynh cho là xấu hổ khi phải nói đến những hành vi không êm thắm trong gia đình,” ông nói.

Một thành viên khác, ông John Nguyễn, 56 tuổi, cư dân Garden Grove, chia sẻ: “Tôi làm việc tình nguyện hơn 12 năm cho hội phụ huynh (PTA) nên biết có nhiều học sinh bị trầm cảm. Gia đình và các em không biết làm sao để nói lên sự khó khăn và chán đời của căn bệnh này. Thậm chí có em phải tìm cái chết để giải tỏa áp lực.”

“Chúng tôi cùng nhau tổ chức nhiều cuộc hội thảo cho phụ huynh, nhưng đặc biệt lần này, chúng tôi và các diễn giả sẽ coi các em là đối tượng chính, để có thể kịp thời giúp các em thoát khỏi bệnh trầm cảm, duy trì sức khỏe, trở lại cuộc sống vui vẻ với gia đình,” ông John nói với nhật báo Người Việt.

Ông cho biết đã nhờ Học Khu Garden Grove và các đoàn thể khác trong cộng đồng kêu gọi phụ huynh đưa con em đến tham gia hội thảo lần này.

“Chúng tôi muốn cộng đồng nghe được tiếng nói và thông cảm với suy nghĩ của các em. Các em cần gì nơi phụ huynh trong cuộc sống hàng ngày? Sau buổi hội thảo, phụ huynh còn có cơ hội gặp các phụ huynh khác để chia sẻ kinh ngiệm. Phụ huynh sẽ tự phải biết làm gì để giúp con cái,” ông John kêu gọi.

Ông John nhắc một đoạn trên nhật báo Người Việt mà em Kyle ghi trong bức thư: “Khi bạn thật sự thấy chán nản hay buồn rầu, làm ơn nói ra với ai đó, bất kỳ ai. Bạn có bạn bè, có gia đình, đó là những người luôn sẵn lòng vì bạn và yêu thương bạn, giúp bạn bằng mọi cách để vượt qua.”

“Mình biết mình giống như kẻ giả dối khi nói điều này, nhưng làm ơn đừng để nỗi buồn, cơn giận dữ hay bất cứ điều gì làm cho cảm xúc của bạn cứ tăng mãi trong lòng, bởi mình có thể bảo đảm rằng bạn sẽ làm điều gì đó để rồi phải hối tiếc,” bức thư tuyệt mạng ghi lại.

Ông Tấn hy vọng sẽ có ít nhất là 100 phụ huynh dẫn theo 100 con em cùng tham dự.

Ông John nhấn mạnh đến sự tham gia của các em: “Đây là buổi hội thảo quan trọng cho các em vì các em sẽ được gặp những chuyên gia tâm lý giỏi. Đây cũng là cơ hội để phụ huynh tham gia, lo cho cuộc sống bây giờ, và cho thế hệ tương lai trước những áp lực của đời sống.”

Để tham gia, ban tổ chức kêu gọi phụ huynh hãy ghi danh qua trang web: www.vfwconference.org hay gọi điện thoại (949) 436-9355.

Chương trình miễn phí và bữa ăn trưa do “Christian Truong Memorial Foundation” tài trợ. (Linh Nguyễn)

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem video nấu ăn “Cách làm tôm hùm xào mì udon đơn giản”

MỚI CẬP NHẬT