Little Saigon

Khóa 7/68 Không Quân – 49 năm hội ngộ trong tình yêu, nỗi nhớ

SANTA ANA, California (NV) – Tình bè bạn, tình đồng đội, tình chồng vợ, và tình yêu quê hương đất nước nồng nàn cháy bỏng trong ngày hội ngộ lần thứ 49 của Khóa 7/68 Không Quân (K7/68/ KQ), diễn ra tại nhà hàng Majesty Seafood, Santa Ana, chiều Thứ Bảy, 30 Tháng Chín, với đông đảo các chiến hữu cùng khóa năm xưa, cùng các bà phu nhân thướt tha trong tà áo dài hồng thắm.

“Hôm nay là ngày 30 Tháng Chín. Đúng 49 năm ngày này năm xưa anh em chúng tôi cùng nhập ngũ, khóa 7 năm 1968/KQ, và đời trai phong sương kéo dài cho tới tận hôm nay, qua bao biến đổi mà ngỡ như mới ngày hôm qua. ‘Người lên ngựa, kẻ chia bào,’ người ở lại vừa tiễn chân người lên đường ra chiến trận. Cánh chim bằng lướt gió, nào ai biết ra sao, chỉ biết lên đường vì tình yêu đất nước,” ông Phạm Văn Phú, một cựu Không Quân khóa 7, bồi hồi nhớ lại.

Những chuyện buồn vui trong quân trường, những giây phút thao trường đổ mồ hôi, bây giờ mới kể, làm vui nhộn không khí ngày đại hội, cả những chuyện sau ngày tang thương dân tộc, nghe mà thấm thía cõi lòng.

Ông Trần Bá Tài, cũng một cựu Không Quân khóa 7, kể lại kỷ niệm lúc làm đại đội trưởng Đại đội 38 ở quân trường Thủ Đức, ông được gọi là “tân tù trưởng.” Thời gian đó, năm Mậu Thân 1968, có khoản 2/3 đại đội được gởi về Sài Gòn để yểm trợ các đơn vị chiến đấu. Ông ở lại cùng hơn 80 anh em với nhiệm vụ phòng thủ quân trường. Có 3 sinh viên sĩ quan về Sài Gòn lên trình diện trễ, làm ông báo cáo sai, bị 100 cái hít đất oan mạng vì tội kiểm soát không đúng quân số.

Ông cũng trao món quà cho tất cả anh em cùng khóa món quà lưu niệm nồng thắm nghĩa tình, cùng rất nhiều những bạn bè phương xa về dự đại hội lần thứ 49 này.

Toàn ban văn nghệ K7/68/KQ trong hợp ca “Ta Vui Ca Vang”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Phạm Văn Phú nói thêm, “Việc thắng thua là lẽ thường, cái chết không làm khiếp sợ,” đó là điểm đặc biệt trong tình đồng đội K7/68 KQ. Tình huynh đệ chi binh không phải chỉ riêng có ở K7/68 KQ mà thôi, mà còn thể hiện với tất cả chiến hữu thuộc các binh chủng VNCH, dù ở trong lao tù vẫn nắm chặt tay sống chết có nhau.

“Hình ảnh đậm nét nhất là khi ở trại tù Xuyên Mộc, tất cả 520 chiến hữu sát cánh bên nhau, nhất quyết không đi lao động để phản đối khi một chiến hữu đồng tù bị đánh, và các em nhỏ tù hình sự kế bên bị bọn coi tù đánh dã man trước mắt. Các anh em đồng tù thường xuyên chăm sóc sức khỏe, cạo gió cho nhau khi ốm đau, hoặc nhường nhau từng lát cơm cháy, từng mẫu khoai mì,” ông xúc động kể tiếp.

Ông Nguyễn Quang Tầm, thuộc Không Đoàn 41 Tiếp Liệu, Sư Đoàn 1/KQ Đà Nẵng thì cho biết: “Chúng tôi ở hải ngoại vẫn không quên các chiến hữu, đồng đội còn ở lại quê nhà, vẫn thường xuyên tương trợ giúp đỡ anh em gặp khó khăn, nhất là những dịp họp đại hội thường niên.”

Nếu chuyện kể của các chiến sĩ đậm màu chiến đấu, thì những chuyện kể của bà Hoàng Anh, người vợ lính trong tù nghe thật não lòng!

Nói với Người Việt, bà cho biết chuyện của người tù sau 75, dù ở gần hay xa, ngắn hay dài, lâu hay mau thì nỗi đau khổ cũng như nhau. Những người vợ lính còn ở nhà, ngoài chuyện xa cách chồng, còn phải lo chuyện gánh vác cả nhà, cực khổ trăm bề.

“Chúng tôi là giáo viên dạy học, khi chồng đi tù rồi thì vợ ở nhà cũng ‘mất dạy’ luôn, phải lê lết ra đường, bán buôn lặt vặt kiếm tiền nuôi chồng. Vừa làm mẹ vừa làm cha, thay chồng quán xuyến nuôi dạy con thơ. Nhiều khi chuẩn bị đồ ăn thăm nuôi chồng, có những miếng tép mỡ rán đường để đem tiếp tế, mà con nhỏ đứng nhìn thèm thuồng, đành phải nuốt nước mắt bảo con đi chỗ khác chơi. Vừa thương chồng vừa thương con, đau khổ lắm!” bà kể.

“Đến khi chồng đi tù về lại bị coi là ‘ngụy quân,’ không làm gì được để kiếm sống, vợ lại phải nuôi chồng. Khi chồng xin được việc xúc than, từ sáng đến tối chỉ có ổ bánh mì, cái đói triền miên, nhưng không còn cảnh chồng đói trong tù, vợ con đói ở nhà, vì cả nước đều đói!” Bà xúc động kể tiếp.

Phần văn nghệ bắt đầu với ban hợp ca K7/68 KQ, những tà áo dài hồng thắm cùng các cựu chiến sĩ trong hợp ca “Ta Vui Ca Vang,” ca ngợi miền đất thanh bình, nơi phương Nam đầy nắng ấm.

Tiếp tục với tiếng kèn saxophone của Xuân Trường trong nhạc phẩm “Nỗi Lòng,” và tiếng hát của những người vợ lính, trong hợp ca “Yêu Bằng Tình Bạn Bè” đã nói lên tình bạn bền vững của các chiến hữu K7/68 KQ, nhất là của các người vợ lính.

Ông Nguyễn Thế Long chia sẻ những công sức cho ngày vui hôm nay, và trao món quà lưu niệm cho trưởng ban tổ chức Phạm Minh Hoa.

Ông Hoa nói: “Tất cả anh em K7/68 KQ, phi hành cũng như không phi hành, bay trên trời cũng như ở dưới đất, mọi người đều chia sẻ nhau những tâm tình, đến bây giờ vẫn không phai. Gặp nhau hôm nay thật trân quý biết bao tình chiến hữu, hy vọng sẽ hội ngộ bạn cùng khóa khắp nơi trên thế giới, tại 50 năm đại hội toàn cầu vào năm tới.”

Mời độc giả xem phỏng vấn “Chuyện trò với Giáo Sư Phạm Minh Hoàng”(Phần 1)
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Sài Gòn Nhỏ

Hồ Chí Minh & Lời Ai Điếu

Tưởng Năng Tiến/SGN Chương mở đầu Hồi Ký Tống Văn Công có đoạn: Ông nội tôi có ba…

20 mins ago
  • Hoa Kỳ

Ngày thứ 12 tòa xử vụ chi tiền bịt miệng của Trump: Cohen nhận tiền ra sao?

Các công tố viên trong phiên tòa xét xử vụ chi tiền bịt miệng của…

1 hour ago
  • Thế Giới

Tại Paris, Macron và von der Leyen thúc giục Tập Cận Bình cải thiện giao thương

Hôm Thứ Hai, 6 Tháng Năm, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ Tịch Ủy…

2 hours ago
  • Bình Luận

Tập Cận Bình phó hội Châu Âu: Thời thế nay đã khác

Từ ngày 5 đến ngày 10 Tháng Năm, 2024, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận…

2 hours ago
  • Little Saigon

‘Ngày Thuyền Nhân Việt Nam’ giúp giới trẻ hiểu hai chữ ‘tự do’

Ngày Thuyền Nhân hàng năm vừa được Ủy Ban Thực Hiện Đài Tưởng Niệm Thuyền…

2 hours ago
  • Hoa Kỳ

2 công nhân cầu đường Caltrans bị xe tông chết trên xa lộ Nam California

Hai công nhân giao thông Caltrans thiệt mạng khi một tài xế xe vận tải…

2 hours ago

This website uses cookies.