Tuesday, March 19, 2024

Little Saigon: ‘65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ’ – dấu ấn không bao giờ phai

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ,” một chương trình nhạc đặc sắc đến với khán thính giả Little Saigon hôm Thứ Bảy, 12 Tháng Mười tại Viện Việt Học, Westminster với khá đông người hâm mộ.

Không chỉ những bậc cao niên tìm về những kỷ niệm xưa qua dòng nhạc Châu Kỳ, mà cả những người trẻ cũng tham dự, để được nghe những nhạc phẩm vượt thời gian, mà chắc hẳn họ đã từng nghe đôi lần trong đời.

“Mưa rơi… Chiều nay vắng người/ Bên thềm gió lơi/ Mơ bóng ngàn khơi… Ai đi, như xóa bao lời thề/Thuyền theo nước trôi không về/ Thấu cùng lòng ai não nề/ Riêng chốn phòng khuê… Mưa rơi… Đìu hiu dưới trời/ Đêm dài vắng ai/Thương nhớ nào nguôi…”

Đó là giai điệu trong nhạc phẩm “Mưa Rơi,” nhạc Châu Kỳ, lời Ưng Lang, được viết từ năm 1942, qua giai điệu rộn ràng nhưng nội dung lại buồn da diết của nhạc sĩ Châu Kỳ làm say đắm lòng người muôn thuở.

Ca sĩ Hương Thơ trình bày nhạc phẩm “Giọt Lệ Đài Trang” trong chương trình “65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Phải nói từ khi ra đời đến nay, nhạc phẩm bất hủ này đã có biết bao nhiêu ca sĩ trình bày, qua bao nhiêu ban nhạc cùng hòa âm phối khí, nhưng đêm nay tam ca Ái Liên-Lâm Dung-Ngọc Quỳnh thuộc CLB Văn Nghệ Viện Việt Học đã đem lại một sắc thái mới lạ với những giọng bè đuổi theo nhau trong giai điệu rộn ràng, tưởng chừng như tâm trạng của người nhạc sĩ quyện vào thời gian cho đến tận hôm nay.

Dường như chất Huế tình tứ thơ mộng luôn sẵn có trong lòng người con Đất Thần Kinh, nên nhạc Châu Kỳ với âm hưởng ngũ cung rõ nét, qua các nhạc phẩm “Cố Đô Yêu Dấu,” “Thương Về Miền Trung,” “Miền Trung Thương Nhớ,” “Huế Xưa,” với các giọng ca Minh Vũ, Lan Hương-Xuân Thanh, Minh Yên, và Minh Tâm đã đưa thính giả về một khung trời thơ mộng ngày xưa thương nhớ.

Nếu nói nhạc Châu Kỳ với đặc tính tình tự quê hương, mang đậm chất mộc mạc trữ tình, với những giai điệu đậm nét ngũ cung, thì trong hai nhạc phẩm “Cố Đô Yêu Dấu” và “Miền Trung Thương Nhớ” lại được ban nhạc chơi theo điệu tango, làm rộn ràng thêm chất tình tự của bài nhạc, do các ca sĩ Lan Hương, Xuân Thanh và Minh Yên trình bày, nhận được nhiều tràng pháo tay nhiệt liệt.

Ca sĩ Hương Thơ đêm nay rất thành công trong 2 nhạc phẩm “Giọt Lệ Đài Trang” và “Mùa Thu Còn Đó.” Nếu trong nhạc phẩm “Giọt Lệ Đài Trang,” Hương Thơ diễn tả rất đạt tình ý xót xa của người nhạc sĩ, khi gặp lại người con gái ngày xưa thuộc gia đình quyền quý cao sang mà ông đã từng ôm mộng, nay vì thời cuộc mà người xưa phải trôi nổi chốn nhân gian, qua đến bài “Mùa Thu Còn Đó,” Hương Thơ lần nữa lột tả hết được tâm ý của nhạc sĩ Châu Kỳ khi thổ lộ “Cảm xúc vì nghe ‘Mùa Thu Chết’/ Tôi viết bài này thương tiếc bởi mùa Thu.”

Kỳ Hương và Dung Nghi trong nhạc phẩm “Đừng Nói Xa Nhau” trong chương trình “65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nói với Người Việt, ca sĩ Hương Thơ chia sẻ: “Nhạc Châu Kỳ như khoác nhiều sắc màu của nhiều chiếc áo khác nhau, từ nhạc sang đến nhạc buồn, nhạc bolero, qua nhạc quê hương, đến cả những âm hưởng Tây phương nữa. Nên phải nói dòng nhạc Châu Kỳ rất đa dạng, hát được nó cũng rất khó vì mình phải biết chọn lựa bài hát đúng với chất giọng của mình.”

Ông Phạm Hải Đông, một thính giả lớn tuổi, chia sẻ. “Điệu Tango trong nhạc của Châu Kỳ cũng lả lướt lắm, nhiều bài tôi nghe từ hồi nào giờ mà nào có để ý là của nhạc sĩ Châu Kỳ đâu, cứ nghe trên đài phát thanh ngày xưa riết rồi quen thuộc, nhiều bài lúc trẻ bọn tôi thích thú hay hát tưng bừng theo điệu nhạc”

“Nhiều lúc tôi nghĩ một bài nhạc với những giai điệu đẹp, đi vào lòng khán giả qua bao năm tháng, có đôi khi chỉ nghe mà thích có lẽ cũng đủ rồi, chắc tác giả cũng chẳng để ý điều đó, người nhạc sĩ chỉ có bài hát để lại cho đời là vui rồi! Như bài ‘Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa,’ hồi năm 1969, ngày Tết tôi đóng quân ở tiền đồn Xa Mát, Tây Ninh, nghe qua radio mà nhớ nhà da diết!”, ông Hải tâm tình.

Với tuổi đời đã vượt ngưỡng 80, ông Văn Thế Nguyên bộc bạch: “Cỡ tuổi tôi thì nói về Châu Kỳ chắc ai cũng biết, riêng tôi thú thật thời đó đi xe đò về quê, qua Bắc Cần Thơ nghe mấy ông mù đánh đờn, hát bài ‘Khuya Nay Anh Đi Rồi,’ mình cho tiền giúp người ta, nghe hay quá mà cũng không để ý tác giả tên gì, hôm nay nghe giới thiệu mới biết bài này của nhạc sĩ Châu Kỳ.”

Ca sĩ và khán giả mến mộ trong đêm nhạc “65 Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Đặc biệt nhạc sĩ Châu Kỳ là vua phổ thơ, và có những bài của ông được giới cổ nhạc kết hợp thật tài tình qua những bài tân cổ giao duyên như ‘Xuân Này Con Không Về,’ ‘Giọt Lệ Đài Trang.’ Thật đáng ngưỡng mộ một nhạc sĩ tài danh của nền âm nhạc miền Nam thời trước, tôi xin đề nghị Viện Việt Học nên có những đêm nhạc hay như thế này, để giới thiệu dòng nhạc xưa hiếm quý, tôi nghĩ vẫn luôn có người ái mộ đến dự,” ông Nguyên đề nghị.

Bà Châu Quyên đi cùng 2 người bạn đến từ Florida, cho hay, “Tụi tôi đọc báo thấy có chương trình nhạc Châu Kỳ, háo hức từ mấy ngày nay rồi. Người ta thường nói nhạc Châu Kỳ là loại nhạc ‘sến,’ tôi thấy không đúng. Không thể nào xếp loại như vậy, bởi vì nghệ thuật âm nhạc không phân biệt đẳng cấp sang hèn, mà chỉ có người nghe thích hợp với loại nhạc nào mà thôi.”

“Người ngoại quốc có bao giờ gọi nhạc bolero là loại nhạc sến đâu, chỉ có người mình tự đặt ra thôi. Đêm nhạc hôm nay quá hay, chọn bài cũng thích hợp nữa, ca sĩ mà ‘yếu’ sẽ không diễn tả nổi những bài này đâu,” bà Quyên khen ngợi.

Không gian chợt như chìm vào hư không, khi càng về khuya càng lắng đọng trong dòng nhạc Châu Kỳ, qua 22 tiết mục được trình diễn, với sự góp mặt của các các sĩ Ái Liên, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Minh Vũ, Lan Hương, Xuân Thanh, Minh Yên, Andy Lê, Túy Hoa, Hương Thơ, Minh Tâm, Thanh Mỹ, Nguyễn Thái, Trần Thạch, Hoàng Đình Nguyên, Kỳ Hương, Dung Nghi, cùng keyboard Phượng Vũ và âm thanh Nguyễn Thái, cùng các MC Ái Liên, Kim Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, đã làm nên sự thành công cho đêm nhạc.

Nhạc sĩ Châu Kỳ (1923-2008), sinh ra tại làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, sinh sống và mất tại Sài Gòn.

Là nhạc sĩ thành danh thuộc dòng nhạc trữ tình, mang đậm nét quê hương dân tộc, Châu Kỳ đã để lại cho đời gần 200 nhạc phẩm trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, với những nhạc phẩm tiêu biểu “Con Đường Xưa Em Đi,” “Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa,” “Đừng Nói Xa Nhau,” “Được Tin Em Lấy Chồng,” “Giọt Lệ Đài Trang,” “Khuya Nay Anh Đi Rồi,” “Sao Chưa Thấy Hồi Âm,”…

Nhạc Châu Kỳ nồng nàn tình quê hương đất nước, ca từ mộc mạc thấm đẫm lòng người, những âm điệu rất riêng về ngũ cung, không cầu kỳ, dễ hiểu, bởi thế trải qua hơn nữa thế kỷ thăng trầm, nền âm nhạc Việt vẫn ghi đậm mãi dấu ấn của ông trong lòng người nghe, dù ở bất cứ phương trời nào. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT