Friday, March 29, 2024

Little Saigon: Sau 367 năm, chữ Quốc Ngữ được tôn vinh tại hải ngoại

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Theo sử liệu, người có công đầu trong sự khai sinh chữ Quốc ngữ Việt Nam với mẫu tự La Tinh là nhà ngôn ngữ học Pháp Alexandre De Rhodes, thường được gọi là Giáo Sĩ Đắc Lộ, đã xuất bản bộ Tự Điển Việt-Bồ-La năm 1651. Đến thế kỷ 19, hai nhân vật có công làm tốt đẹp hơn cho ngôn ngữ Việt là hai cố học giả Huỳnh Tịnh Của và Petrus Ký.”

Thi văn sĩ Quốc Nam nhắc tên những tiền nhân khai sinh chữ Quốc Ngữ trong phát biểu khai mạc “Ngày Tạ Ơn Những Người Khai Sinh Chữ Quốc Ngữ Việt Nam”, một sự kiện văn hóa do Đông Phương-An Lộc Foundation tổ chức vào chiều Thứ Bảy, 7 Tháng Bảy năm 2018 tại hội trường Warner School, Westminster.

Sau hơn 3 thế kỷ rưỡi im vắng, lễ văn hóa Tạ Ơn, nhằm tôn vinh chữ quốc ngữ Việt Nam được diễn ra tại Orane County, với sự tham dự của các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, đại diện các hội đoàn, các trung tâm Việt Ngữ, các vị giáo sư và thân hào nhân sĩ, đồng hương và giới truyền thông. Đặc biệt có hai vị diễn giả, là Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, cựu dân biểu Quốc Hội VNCH, cựu Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam, và nhà biên khảo lịch sử Phạm Trần Anh, người đã công bố nhiều tài liệu lịch sử về công cuộc phát minh và phát triển tiếng Việt cho đến ngày nay.

Ban tổ chức ‘Ngày tạ ơn những người khai sinh chữ Quốc Ngữ’ (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ban tổ chức ngày lễ gồm có: Nhà văn Quốc Nam và Tiến Sĩ Dược Khoa Tina Quách, cùng Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, kỹ sư Brian Trung Nguyễn, nhạc sĩ Nguyên Hà, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thị Huê, Luật Sư Nguyễn Văn Giỏi, nhạc sĩ Cao Minh Hưng, Master Frances Nguyễn Thế Thủy, ủy viên giáo dục học khu Westminster.

Sự tham gia hùng hậu của hơn 50 nghệ sĩ, trong đó có các ca sĩ: Như Mai, Mỹ Lan, Nguyễn Tiến Dũng, Đào Anh Tuấn, Mai Ngọc Khánh, Dạ Lan, Phi Loan, Minh Hạnh, Dana, Ban Tứ Ca Hùng Việt, vũ đoàn Việt Cầm, CLB Tình Nghệ Sĩ, cùng hai nữ ca sĩ đến từ xa là Nhật Hạnh (Texas) và Hoài Trang (Oregan), đã góp phần tô điểm thêm nét đẹp của tiếng Việt.

Ban Ngũ Ca Hùng Việt mở màn với bài “Chữ quốc ngữ Việt Nam sáng ngời” do nhạc sĩ Nguyên Hà phổ thơ Quốc Nam. Tiếp nối là màn hợp ca “Hào Khí Việt Nam”, một sáng tác của Holy Thắng, do CLB Tình Nghệ Sĩ cùng các em thiếu nhi Vũ Đoàn Việt Cầm trình bày.

Trong phần tham luận, Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng, qua những tham khảo lịch sử Việt Nam và thế giới, với chủ đề “Alexandre de Rhodes và chữ Quốc Ngữ”, ông nói “Mặc dù ông Alexandre de Rhodes là tác giả của hai tác phẩm tiếng Việt đầu tiên là tự điển ‘Việt-Bồ-La’ và quyển ‘Phép Giảng Tám Ngày’ nhưng việc hình thành chữ Quốc Ngữ không phải là công trình của một cá nhân ông mà do nhiều người và đã trải qua một thời gian dài từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, và khoảng 200 năm mới hoàn chỉnh như ngày hôm nay.”

Nhóm múa thiếu nhi Vũ Đoàn Việt Cầm trong tiết mục “Thương Ca Tiếng Việt”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng kết luận: “Chúng ta cảm ơn những người đặt ra chữ Quốc Ngữ, cảm ơn các nhà truyền giáo đã tới các bệnh viện, trường học, trại mồ côi và những công tác bác ái, từ thiện, rao truyền tình bác ái, huynh đệ trên đất nước chúng ta. Người Pháp xâm lăng, cai trị chúng ta nhưng quân xâm lăng khác với các nhà truyền giáo. Cùng đi trên một chuyến tàu đến nước ta, nhưng mỗi người một mục đích khác nhau. Chúng ta không vì thù ghét quân xâm lăng, cướp nước mà thù ghét luôn những nhà truyền giáo, những người đã tặng cho chúng ta chữ quốc ngữ.”

Trong bài tham luận của mình, nhà biên khảo Phạm Trần Anh, qua nhiều luận cứ lịch sử, cho rằng: “Thủy Tổ của chữ Quốc Ngữ chính là tiếng nói, chữ viết Việt Cổ từ thời vua Hùng theo lối tiêu âm mà ghép thành văn tự. Theo công trình nghiên cứu của học giả Nguyễn Đoàn Tuân thì tiếng Việt, chữ Việt theo bản chữ đời Hùng để lại từ đời Thánh Tản Viên cho đệ tử là Cao Thông. Sau này Trịnh Bồng được bản chữ đó, đã giúp cho thầy Raphael Quý dạy cho các giáo sĩ, trong đó có Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes để chuyển sang mẫu tự La Tinh, và các học giả đều khẳng định chữ quốc ngữ là công cuộc chung của nhiều người.”

Ông đưa ra lời nhận định của Linh Mục Đỗ Quang Chính: “Giáo Sĩ Đắc Lộ không phải là người đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa vào năm 1636 Đắc Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số linh mục dòng Tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó.”

Linh Mục Thanh Lãng, chủ tịch Văn Bút Việt Nam trước năm 1975, giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn cũng cùng nhận xét: “Thật ra trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, rõ rệt nhất là soạn sách quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên. Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ, mà vì ông đã để lại hai quyển sách Tự Điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng Tám Ngày, được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ.”

Ông Phạm Trần Anh xác định: “Công ký âm, ký tự chuyển từ tiếng Việt cổ sang lối chữ La Tinh là của các nhà truyền giáo nhưng để có một chữ Việt Quốc Ngữ như hiện nay là chính của toàn dân Việt chứ không ai khác!”

Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, phó chủ tịch ngoại vụ Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, đồng tổ chức lễ Tạ Ơn, phát biểu: “Tiếng Việt thuộc về thanh, chữ Việt thuộc về sắc nhưng thanh sắc là hiện tượng trong thế giới hiện tượng, có thế này thế khác. Nhưng hồn Việt mới là linh thể Việt, là tính thể Việt từ ngàn năm truyền lại. Xin cảm ơn các giáo sĩ tiền phong, giáo sĩ Đắc Lộ đã góp công để phát triển tiếng Việt, và cho tới ngày nay là công trình tập thể của toàn thể người Việt trong hàng mấy trăm năm qua.”

Toàn thể ca sĩ, ban tổ chức đồng ca bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” trong “Ngày tạ ơn những người khai sinh chữ Quốc Ngữ” tổ chức tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông nói tiếp: “Tri ơn và đền ơn là đạo đức và văn hóa của dân tộc Việt, phải nhận diện cho đúng các giáo sĩ thời trước không phải là đi xâm lăng. Hôm nay chúng ta tại hải ngoại cùng nhau yêu thương đoàn kết giữ gìn kho tàng văn hóa đạo đức ngàn năm tổ tiên và mỗi người Việt Nam là một sứ giả thể hiện 4,000 năm truyền thống văn hóa.”

Nói với Người Việt, nhà văn Quốc Nam cho hay, “Sau 367 năm, chưa có một ngày tạ ơn những người đã góp công khai sáng chữ Việt, thành ra chúng ta vẫn nợ nhóm đó một lời cảm ơn. Sau đại lễ văn hóa hôm nay, chúng tôi sẽ làm tiếp một chương trình tạ ơn nữa vào ngày 7 Tháng Mười tại Seattle, và làm thành bộ phim giá trị gởi lên Youtube và gửi về quê nhà.”

Bà Frances Nguyễn Thế Thủy, ủy viên giáo dục học khu Westminster, nói rằng: “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là bảo tồn văn hóa Việt tại hải ngoại, hôm nay chúng ta có chữ quốc ngữ đủ sức chuyển tải và phiên dịch được với các thứ tiếng trên thế giới, nhất là các nước vùng Đông Nam Á không thể nào có được. Chúng tôi thường kêu gọi mọi người luôn hướng về quê hương, phải có tinh thần dân tộc qua chữ Quốc Ngữ, nhất là giới trẻ trong nước cũng như hải ngoại phải biết hướng về cội nguồn.”

Ông Nguyễn Thế Ngọc, cư dân Westminster, nói: “Hôm nay đi dự lễ tạ ơn những người khai sinh ra chữ quốc ngữ Việt Nam thật là cảm động. Cảm ơn ban tổ chức lần đầu tiên đã thực hiện một công trình văn hóa thật tuyệt vời về việc bảo tồn tiếng Việt tại hải ngoại. Hiện tại tôi thấy ở Việt Nam có một ‘ông Tiến Sĩ’ đưa ra chủ trương thay đổi cách viết và phát âm tiếng Việt. Điều đó thật khôi hài, không thể và không bao giờ thay đổi được tiếng Việt đã có nền tảng vững vàng, được khẳng định hơn 3 thế kỷ nay rồi!”

Bà Kim Định, đến từ Oregan, xúc động khi cho hay, “Ngôn ngữ Việt Nam rất tuyệt vời, khi diễn tả tâm tư tình cảm của mình thì ngôn ngữ và tiếng nói đều song hành với nhau. Các nước trong khu vực Đông Nam Á, không có một thứ tiếng nào diễn tả được bằng tiếng La Tinh như tiếng Việt. Mình phải gìn giữ, nhờ chữ quốc ngữ mà chúng ta thoát ra được sự nô lệ bằng tiếng Tàu, tôi rất tự hào khi nói tiếng Việt Nam và hết sức cảm ơn ban tổ chức buổi lễ tri ân hôm nay.”

Không tìm được cha mẹ của 38 trẻ em di dân bị tách khỏi gia đình

MỚI CẬP NHẬT