Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Tưởng niệm các nhà văn của tuổi hoa niên tiêu biểu trước 1975

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lễ Tưởng Niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn, người sáng lập bán nguyệt san Tuổi Hoa và tủ sách Tuổi Hoa, đồng thời tưởng niệm một số nhà văn tiêu biểu của nền văn học và báo chí VNCH trước 1975 diễn ra vào chiều Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, tại hội trường Hội Việt Nam Tương Tế,  thành phố Westminster, với sự điều hợp của Giáo Sư Quyên Di, từng là chủ biên của tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa.

Những cây bút tiêu biểu mà giáo sư, nhà văn Quyên Di đưa vào danh sách tưởng niệm bao gồm: Linh Mục Chân Tín – chủ nhiệm báo Tuổi Hoa, ông Nguyễn Hùng Trương – chủ nhân nhà sách Khai Trí đồng thời là chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi, nhà văn Duyên Anh – chủ nhiệm báo Tuổi Ngọc, nhà văn Hoài Mỹ – chủ nhiệm báo Ngàn Thông và các cây bút của các tờ báo này. Đây là những tờ báo tiêu biểu dành được nhiều tình cảm và sự mến mộ của độc giả thời kỳ trước 1975, đặc biệt là tuổi hoa niên.

Tới dự Lễ Tưởng Niệm, có các độc giả, đồng nghiệp và thân quyến của các cố nhà văn. Ngoài ra còn có các cây viết cho các tờ báo Ngàn Thông, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc…như nhà văn Tôn Nữ Thu Dung, nhà thơ Phương Tấn, Khánh Minh, Đỗ Khánh Hòa.

Đại diện Ban Tổ Chức, Giáo Sư Quyên Di, cho biết: “Năm 2015, sau khi nhà văn Nguyễn Trường Sơn qua đời tại Pháp, chúng tôi làm lễ tưởng niệm ông hàng năm. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng ngoài nhà văn Nguyễn Trường Sơn, còn có nhiều cây bút khác cũng góp phần làm nên phong trào đọc sách báo lành mạnh thời VNCH như nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Hùng Trương, Hoài Mỹ… Đây là những cây viết cho các tờ báo và tủ sách, có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ trẻ thời bấy giờ. Vì thế từ năm 2018, chúng tôi quyết định làm lễ tưởng niệm các nhà văn tiêu biểu trước 1975 hiện đã qua đời.”

Thắp hương tưởng niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn, cố chủ nhiệm Bán Nguyệt San Tuổi Hoa, Tủ Sách Tuổi Hoa và tưởng niệm các nhà văn tiêu biểu khác. (Hình: Raymond Addington)

Giáo Sư Quyên Di từng làm việc cho tờ bán nguyệt san Tuổi Hoa từ khi 16 tuổi. Năm 1972-1973, ông Quyên Di phụ trách làm thư ký tòa soạn (chủ biên) của tờ báo này, còn chủ nhiệm tờ báo khi đó là Linh Mục Chân Tín. Tốt nghiệp ngành Văn khoa và Văn chương Quốc âm của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ông Quyên Di đã dạy học từ rất sớm, và đồng thời là hiệu trưởng cuối cùng của trường Nguyễn Bá Tòng (hiện nay là trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân) ở Sài Gòn.

Sau khi sang Mỹ định cư, ông từng phát hành tạp chí Đường Sống, phục vụ cho bà con tị nạn tại các trại tập trung ở Philipines, Indonesia,Thái Lan. Hiện ông đang làm giáo sư giảng dạy tại đại học UCLA ngành Văn Hóa và Văn Chương Việt Nam và một số trường đại học khác như Đại Học Fullerton, Đại Học Long Beach.

“Tủ sách Tuổi Hoa thời VNCH có 3 loại sách tiêu biểu, có tính cách giáo dục tuổi trẻ rất cao: Hoa Xanh, Hoa Đỏ dành cho tuổi 12-16, trong đó Hoa Đỏ nói về chủ đề phiêu lưu mạo hiểm, Hoa Xanh về chủ đề tình cảm gia đình, bạn bè. Hoa Tím dành cho tuổi mới lớn từ 16-18 tuổi. Độc giả ngày đó rất đông, đa phần còn ở Việt Nam, bây giờ đều ở độ tuổi 50-60.” Giáo Sư Quyên Di cho biết thêm.

Theo Giáo Sư Quyên Di, có tám tác phẩm trong Tủ Sách Tuổi Hoa hiện nay được Nhà Xuất Bản Phương Nam ờ trong nước tái bản, trong đó có bốn tác phẩm Hoa Đỏ, hai tác phẩm Hoa Tím và hai tác phẩm Hoa Xanh. Có thể kể ra một số tên tác phẩm, tác giả như: “Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển” của tác giả Nguyễn Trường Sơn, “Ngục Thất Giữa Rừng Già” của tác giả Minh Quân-Mỹ Lan, “Mật Lệnh U Đỏ” của tác giả Hoàng Đăng Cấp,  “Ngày Tháng Nào” của tác giả Tôn Nữ Thu Dung, “Chiếc Lá Thuộc Bài” của tác giả Nguyễn Thái Hải, “Lòng Mẹ” của Nhật Lệ Giang.

Giáo Sư Quyên Di (giữa) và hai ái nữ của ông Nguyễn Hùng Trương, cố chủ nhân nhà sách Khai Trí và chủ nhiệm tờ báo Thiếu Nhi, thời VNCH, trước năm 1975. (Hình: Raymond Addington)

Buổi lễ được bắt đầu bằng phát biểu của Giáo Sư Quyên Di về ý nghĩa của buổi tưởng niệm. Sau lễ thắp hương các văn sĩ, là phần chia sẻ của thân quyến, bạn bè các nhà văn quá cố. Trong đó có anh Nguyễn Sơn Vũ, con trai ông Nguyễn Trường Sơn, chia sẻ những kỷ niệm với cha mình và Linh Mục Chân Tín. Hai ái nữ của ông Nguyễn Hùng Trương đã bày tỏ cảm tưởng và sự biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước đã mang lại những tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế.

Nhà văn Tôn Nữ Thu Dung cũng chia sẻ những kỷ niệm của bà với tờ báo Tuổi Ngọc. Các tác phẩm của bà thường xuyên được đăng trên các tờ báo thời đó. Bà cũng có khá nhiều sách được xuất bản, trong đó có tác phẩm “Ngày Tháng Nào” nằm trong tám cuốn sách được tái bản hiện nay.

Theo Giáo Sư Quyên Di, Lễ Tưởng Niệm các nhà văn được đông đảo độc giả cả trong ngoài nước quan tâm. Ngay trên trang Facebook cá nhân của ông, được gần 600 lượt quan tâm (like) và chia sẻ của cộng đồng.

Trong số đó, có độc giả Kim Thái Quỳnh viết: “Biết ơn người sáng lập ra tờ Tuổi Hoa đã cho bọn trẻ con chúng tôi thời ấy có được một tuổi thơ êm đềm, trong sáng và luôn nhìn đời quanh mình bằng một trái tim đầy yêu thương.”

Còn độc giả Micheal Quanh Nguyễn thì chia sẻ: “Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Thiếu Nhi là một phần của lịch sử báo chí Việt Nam. Cám ơn Nhà văn Nguyễn Trường Sơn đã góp phần xây dựng một thế hệ Việt Nam đẹp nét Việt Nam và tiếp tục cố gắng sống đẹp dù ở bất cứ một góc trời nào của thế giới.”

Quý độc giả muốn đọc những cuốn sách trong tủ sách Tuổi Hoa có thể vào trang: https://sites.google.com/site/tusachtuoihoa/Home. (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT