Tuesday, April 23, 2024

Nạn đói toàn cầu trở nên nguy hiểm hơn nhiều lần trong đại dịch

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Đại dịch COVID-19 không chỉ làm nhiều người thiệt mạng mà còn gây ra nhiều vấn đề khác. Trong đó, vấn đề được coi là nguy hiểm nhất, nhưng ít được truyền thông chú ý đến là nạn đói toàn cầu.

Yemen có nhiều trẻ em cần được cứu trợ thực phẩm. (Hình: Ahman Al-Basha/AFP via Getty Images)

Để mọi người hiểu rõ hơn, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời các chuyên gia của Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc để nói về tình hình của những quốc gia đang bị nạn đói hoành hành.

Dịch COVID-19 gây ra rất nhiều vấn đề về thực phẩm, làm số người đói khổ khắp thế giới từ 135 triệu tăng gấp đôi lên đến 270 triệu.

Vì vậy, Chương Trình Lương Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc phải bỏ nhiều công sức để cứu trợ những người gặp nạn đói trong năm 2020, và nhận được giải thưởng Nobel Hòa Bình vì những nỗ lực đó.

Có mặt tại buổi họp của EMS hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Hai, là những chuyên gia của WFP, để nói tổng quát về nạn đói toàn cầu, cũng như nạn đói tại những quốc gia có nhiều xung đột xảy ra hay gặp vấn đề về nông nghiệp.

Diễn giả đầu tiên là ông Steve Taravella, phát ngôn viên của WFP, với những thông tin quan trọng về tình hình nạn đói toàn cầu.

Ông giải thích một chút về WFP, cho biết chương trình này không hoạt động ở Hoa Kỳ vì họ chỉ cứu trợ cho những nơi thật sự gặp khó khăn như các nước đang phát triển. WFP có trụ sở ở Ý, nhưng cũng không hoạt động ở đó.

Ngoài ra, ông Taravella cho biết chương trình có chi phí hơn $8 tỷ, hoàn toàn được nhiều người tự nguyện đóng góp.

Tuy cứu trợ thực phẩm cho nhiều người, nhưng WFP chỉ đưa cho họ những loại thực phẩm cơ bản, để được lâu như bột, gạo, nước, dầu ăn, muối và đậu… vì những nơi gặp khó khăn có thể không có tủ lạnh hay nhà bếp đàng hoàng để giữ các thực phẩm tươi sống.

Ông cho hay cần được cứu trợ nhiều nhất là những nơi từng gặp thiên tai, hay bị chiến tranh tàn phá. Tại những nơi này, nhiều trẻ em may mắn được ăn một bữa mỗi ngày vì có sự trợ giúp của WFP, và nhiều phụ nữ đang mang thai được bồi bổ phần nào để giữ sức khỏe cho mình và bào thai.

Ấn Độ là nước có nhiều người cần được tiếp tế thực phẩm nhất thế giới. (Hình: Prakash Singh/AFP via Getty Images)

Tại những nơi đang có chiến tranh hay xung đột, những loại thực phẩm nói trên rất cần thiết vì đường đi có thể bị phá hủy, không ai ra vào để tiếp trợ được.

Không chỉ vậy, thay đổi khí hậu làm hại đến nông nghiệp, khiến những nơi đang gặp khó khăn không thể trồng trọt được.

Thêm vào đó, dịch COVID-19 gây ra nhiều trở ngại hơn nữa cho những nơi gặp thiên tai hay bị chiến tranh tàn phá.

“Trong lịch sử 60 năm của WFP, chúng tôi chưa từng thấy số người không đủ thực phẩm nhiều đến vậy. Chúng tôi phải giúp khoảng 114 triệu người trong năm 2020 và con số đó có thể tăng lên 120 triệu trong năm 2021,” ông Taravella nói.

Diễn giả thứ hai là bà Parul Sachdeva, cố vấn về Ấn Độ của tổ chức bất vụ lợi Give2Asia. Bà dự buổi họp để nói về tình hình nạn đói ở Ấn Độ trong đại dịch COVID-19.

Theo bà Sachdeva, trước khi đại dịch khởi phát, Ấn Độ là quốc gia có số người không đủ lương thực nhiều nhất thế giới, chiếm đến 22% của cả thế giới.

Hiện nay, 1/3 dân số Ấn Độ đang thiếu lương thực từ vừa phải đến trầm trọng vì các lý do như xung đột, thiên tai, thay đổi khí hậu và các điều kiện xã hội với kinh tế.

Trong bảng xếp hạng các nước đói khổ toàn cầu, với tổng cộng 117 quốc gia, Ấn Độ xếp hạng 102, thiếu thực phẩm hơn so với hai nước láng giềng là Pakistan và Nepal.

Trong năm 2020, vì đại dịch hoành hành, nhiều người từ các vùng nông thôn vào thành phố phải làm việc phải trở về quê vì mọi thứ bị đóng cửa. Sau khi mở cửa lại, những người đó trở lại thành phố, nhưng không tìm được việc làm nữa.

Hai diễn giả Steve Taravella (trái) và Parul Sachdeva. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo một khảo sát mới, 80% những người làm việc với mức lương cơ bản phải ăn ít hơn so với trước đại dịch và không đủ tiền để trả tiền thuê nhà cho tháng sau. Khảo sát còn cho thấy hơn 30% phải mượn nợ để chi trả nhiều thứ trong lúc Ấn Độ đóng cửa vì đại dịch.

Vì vậy, chính phủ Ấn Độ và quốc tế đang có nhiều chương trình cứu trợ thực phẩm cho người dân Ấn Độ, trong đó có chương trình $22.6 tỷ của chính phủ.

Diễn giả thứ ba là bà Annabel Symington, giám đốc truyền thông của WFP ở Yemen, để nói về tình hình nạn đói do chiến tranh gây ra ở quốc gia này.

Theo bà Symington, Yemen là một quốc gia có nhiều xung đột xảy ra trong nước. Điều đó cộng thêm dịch COVID-19 là người dân của nước này phải chịu cảnh đói khổ.

Dân số của Yemen là 30.5 triệu người, nhưng tổng số người cần được giúp đỡ về nhiều mặt là 20.1 triệu người, trong đó là 16.2 triệu người không có đủ lương thực.

Trong số 16.2 triệu người đó có 2.3 triệu là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng. Không chỉ vậy, trong số 2.3 triệu trẻ em là 400,000 có thể thiệt mạng nếu không được giúp đỡ.

Ngoài trẻ em ra, phụ nữ có thai hay cần cho con bú ở Yemen cũng bị suy dinh dưỡng trầm trọng, lên đến 1.2 triệu người.

Vì vậy, WFP đặt ra mục tiêu để giúp đỡ quốc gia này trong năm 2021, với tổng số người phải giúp là 13 triệu.

Chương trình này còn muốn ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng của 3.3 triệu trẻ em và người mẹ, cũng như muốn cung cấp được thực phẩm cho 1.7 triệu học sinh.

Hai diễn giả Annabel Symington và Elio Rujano. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả cuối cùng là ông Elio Rujano, cố vấn truyền thông cho WFP tại Trung Mỹ. Ông dự buổi họp của EMS để nói về nạn đói ở khu vực Trung Mỹ.

Ông Rujano cho biết yếu tố dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm ở Trung Mỹ là thay đổi khí hậu, nhưng cũng có một số chuyển biến tốt. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khởi phát vào năm 2020, gây nhiều trở ngại đến trồng trọt.

Vì vậy, WFP vừa trợ cấp thực phẩm, vừa giúp đỡ người dân của các nước Trung Mỹ học những cách trồng trọt mới, và còn hướng dẫn họ vào nghề nuôi ong lấy mật.

Nạn đói toàn cầu là một vấn đề đã tồn tại từ lâu, với hàng chục triệu người gặp khó khăn. Nạn đói bây giờ lại càng nguy hiểm hơn nhiều lần vì dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới. Vì vậy, WFP đang có nhiều nỗ lực để giúp đỡ những người cần cứu trợ về thực phẩm trong năm 2021. [kn]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT