Tuesday, April 16, 2024

Người Biên Hòa họp mặt Tân Niên, ấm tình đồng hương nơi hải ngoại

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Ái Hữu Biên Hòa California hội ngộ mừng Tân Niên 2023 hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Ba, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, với hầu hết người Biên Hòa từ các phương xa và thân hữu về tham dự.

Quý bà phu nhân Biên Hòa và niềm vui trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngày hội ngộ chờ đợi từ lâu rồi cũng đến, đồng hương Biên Hòa trong giây phút gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, với những chuyện của ngày xưa dù cách nay hơn nữa thế kỷ nhưng không sao quên được.

Sau nghi thức chào cờ khai mạc, ông Nguyễn Hữu Hạnh, tổng thư ký Hội Đồng Hương Biên Hòa giới thiệu quan khách tham dự. Bà Hoàng Sĩ Cư, hội trưởng Hội Đồng Hương Biên Hòa phát biểu chúc mừng bà con năm mới được nhiều sức khỏe và bình an, khai mạc buổi hội ngộ.

Trong buổi tiệc, Bác Sĩ Trinh Ôn, đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn đã trao bằng tưởng lục đến hội và bà Hoàng Sĩ Cư, hội trưởng đón nhận.

Ông Dương Văn Y (bìa trái), cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa, gặp lại các cô giáo ngày xưa trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngày Biên Hòa hội ngộ cũng là ngày tâm tình giữa các bạn bè ở nhiều lứa tuổi, và cũng là dịp các lứa tuổi học trò được gặp lại thầy cô giáo kính yêu năm xưa của mình.

Ông Dương Văn Y, học trò trường trung học Ngô Quyền, một trong những ngôi trường trung học công lập nổi tiếng đất Biên Hòa, đã đào tạo nhiều lứa tuổi tài ba cho quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa, cho biết: “Biên Hòa là vùng đất không lớn lắm thành ra nếu tôi không biết những người lớn tuổi, thì ông bà cha mẹ của mình cũng quen bà con cô bác từ lâu đời, đó là lý do tôi hàng năm đều đến đây để gặp lại những người quen biết xưa nay, để hỏi thăm tin tức lẫn nhau, dù hồi đó tôi chỉ là lứa học trò nhỏ.”

“Phải nói là chúng tôi rất hãnh diện và may mắn đã được học hành trong môi trường giáo dục thời bấy giờ, với tình thầy trò đã giúp tôi cho đến tận bây giờ ở nơi quê người. Thành phố Biên Hòa rất yên tĩnh không sôi động như Sài Gòn nên tình nghĩa người dân Biên Hòa Đồng Nai thật đơn giản, chân tình dù đi đâu cũng vậy.”

Từ trái: Cô Đặng Thị Trí và cô Hoàng Minh Nguyệt, hai giáo sư kỳ cựu trường trung học Ngô Quyền, gặp lại nhau trong buổi hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tôi rất cám ơn các anh chị trong ban chấp hành đã tạo cơ hội cho người Biên Hòa có dịp gặp nhau hàng năm. Cũng vào Tháng Bảy mùa Hè hàng năm, các cựu học sinh Ngô Quyền cũng tổ chức ngày họp mặt để thầy cô và cựu học sinh của trường có dịp gặp lại những vị thầy đã một đời tận tụy với học sinh, để cùng ôn lại một nền văn hóa tốt đẹp mà chúng tôi đã được đào tạo,” ông Y, một trong những người hoạt động hăng say và rất thành công nơi xứ người, nói.

Giáo Sư Đặng Thị Trí, dạy môn Việt Văn ở trường Ngô Quyền từ 1959 đến 1972, cho hay học trò phải học Việt ngữ, dù tôi không biết các em có thích môn này hay không.

“Thời đó chúng tôi dạy Việt Văn học về văn học sử, là bộ môn giúp ích rất nhiều cho học sinh nhớ lại thời trước với những tác giả và tác phẩm nổi tiếng. Thời đó các em chưa đủ phương tiện thành ra dạy cái gì, nói các em làm gì thì các em làm cái đó, căn cứ vào khả năng mà các em có thể tìm hiểu được, và học trò cũng hay sưu tầm các áng văn, những thi phẩm nổi tiếng.”

Ban hợp ca Ái Hữu Biên Hòa trong ca khúc “Đón Xuân” trong ngày hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong khi đó, Giáo Sư Hoàng Minh Nguyệt, dạy bộ môn âm nhạc ở trường trung học Ngô Quyền, cho biết dạy âm nhạc trong đó có những bài hát về lịch sử, những bài nhạc kịch nêu cao gương chiến đấu như “Hai Bà Trưng,” “Trần Hưng Đạo,” “Cô Gái Việt,” hay lịch sử về Vua Hùng Vương qua âm nhạc.

“Mỗi mùa Hè, chúng tôi cùng nhau sinh hoạt về văn nghệ với các em, như múa dù, múa nón lá,… Không những dạy âm nhạc ở bậc trung học, mà tôi còn dạy nhạc cho các em lứa tuổi tiểu học tại nhiều trường ở Biên Hòa. Tôi là trưởng ban âm nhạc của Tỉnh Đồng Nai, dạy từ năm 1958 cho đến sau này.”

Ông Trần Quang An, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, cho hay ông sanh ra tại dãy phố của ông Đỗ Cao Lụa, ba ông Đỗ Cao Trí lúc ông mới là thiếu úy, thành ra tôi rất mến mộ tinh thần chiến đấu của ông.

“Đến bảy tuổi, tôi đã rời Biên Hòa để về Sài Gòn học theo chương trình Pháp, sau khi học Luật xong mới vô ngành cảnh sát. Tôi cũng có dịp về thăm quê hương Biên Hòa những lúc nghỉ Hè. Đối với tôi, những dịp hội ngộ như thế này là dịp gặp lại bà con đồng hương đông nhất, phần nhiều ít ai biết mình vì tôi đi khỏi xứ từ hồi nhỏ.”

Đồng hương Biên Hòa cùng ca múa sôi nổi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Nhưng tôi nhớ rất rõ ngày sanh tháng đẻ của mình trên giấy khai sanh thời đó, do ba tôi giao lại cho tôi cất giữ với màu giấy đã ố vàng cách nay đã 82 năm rồi. Trên giấy khai sanh có ghi rõ tôi sanh tại làng Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Bởi vậy tinh thần của người Biên Hòa tôi không bao giờ quên được. Mỗi dịp hội ngộ đồng hương Biên Hòa, tôi rất vui tham dự khi gặp lại bà con cùng lứa nhưng thành phần trẻ sau này lại ít hơn.”

Cô Lưu Thị Tuyết Hương, cựu học sinh Ngô Quyền, người giúp đỡ về tài chánh của hội, cho hay cô rất may mắn được làm người Việt Nam.

“Càng lớn em càng hiểu được rằng những những gì ông bà dạy rất đúng, càng đi xa càng lớn lên ở xứ người, càng hiểu được rằng người Việt rất quý tình người, nhất là những người còn may mắn còn được có cơ hội chia sẻ với các em nhỏ, em thấy người Việt mình lúc nào cũng yêu thương đùm bọc chia sẻ nhau.”

“Em tin rằng với tinh thần của đồng hương Biên Hòa, được đến với cô chú hàng năm để thăm các cô chú, luôn được nghe các cô chú bảo ban rằng lớn lên trong cộng đồng Việt, hãy cố gắng giúp đỡ các đàn em hiểu được tình người nhất là sự tự do, rất là quý hiếm, phải tiếp tục đi tới dù trong mọi hoàn cảnh, và mong được cô bác tiếp tục dẫn dắt thế hệ con cháu, để tiếp nối tinh thần của ông cha mà tiến bước.”

Bà Hội Trưởng Hoàng Sĩ Cư tiếp nhận bằng khen từ Bác Sĩ Trinh Ôn, đại diện TNS Janet Nguyễn trao tặng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Biên Hòa nổi tiếng với làng bưởi Tân Triều, đặc biệt là lăng mộ cụ Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng thời Chúa Nguyễn. Ông được xem là người xác lập chủ quyền của người Việt tại vùng đất Sài Gòn-Gia Định vào năm 1698.

Buổi hội ngộ đồng hương Biên Hòa kéo dài, sôi nổi với những bài hát do các ca sĩ cây nhà lá vườn và thân hữu đã làm tăng thêm sự vui tươi.

Cuối buổi hội ngộ mọi người cùng hào hứng cắt chiếc bánh mừng hội ngộ năm mới, cùng là mừng sinh nhật cô Hoàng Minh Nguyệt và bà hội trưởng Hoàng Sĩ Cư trong tiếng vỗ tay chúc mừng nhau, hẹn gặp lại năm tới. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT