Thursday, March 28, 2024

Tiếng Việt Dấu Yêu (Kỳ 360)


Em viết văn Việt

  • Nhằm tạo một diễn đàn cho các em tập viết tiếng Việt, Ban Biên Tập trang Tiếng Việt Dấu Yêu kêu gọi quý phụ huynh và quý thầy cô khuyến khích các em viết văn, diễn tả bằng tiếng Việt những cảm nghĩ và ước vọng trong đời sống của các em. Ước mong nơi đây một sân chơi được mở ra và khu vườn văn hóa Việt sẽ được quý phụ huynh và quý thầy cô góp tay vun trồng, khuyến khích.
  • Trong các bài nhận được và chọn để đăng, chúng tôi cố ý giữ nguyên văn những gì các em viết. Vì thế, khi đọc đến những ngôn từ, lỗi chính tả và sai văn phạm, chúng tôi mong được phụ huynh và thầy cô chia sẻ và sửa chữa cho các em tại nhà hay trong lớp học.
  • Tất cả các bài viết dưới dạng MSWord, font Unicode; và hình ảnh dạng .jpg, xin gởi về địa chỉ email: [email protected] (Xin đừng gởi dạng .pdf vì không tiện cho việc layout).

Trân trọng cảm ơn quý vị,

Nguyễn Việt Linh

Đặt câu với một mệnh đề

1- Em dùng cái não để suy nghỉ.

2- Con nhện ở trên mạng.

3- Xe của ba em màu xanh dương.

4- Con sư tử là thu rừng.

5- Nha sĩ khám răng cho em.

6- Buổi sang con chim hót liu lo.

7- Ba em thích ăn sầu riêng

8- Em thich ăn kẹo ngọt.

9- Thầy khuyên em học bài chăm chỉ.

10- Phía Đông của nước Việt Nam có Biển Đông.

Nguyễn BT Truman

Đặt câu với một mệnh đề:

1-Mình dùng óc để suy nghĩ.

2-Con nhện làm mạng để bắt con muỗi và con ruồi.

3-Hôm qua, em mặc áo mầu xanh dương rất đẹp.

4-Con Cọp là một con thú rừng, còn con ong là côn trùng.

5-Em đi khám nha sĩ khi em bị sâu răng.

6-Con chim trong vườn em thích hót líu lo.

7-Những con Sư Tử thích ăn thịt và ở trong rừng.

8-Mỗi tuần, em đi học tiếng Việt ở trường Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam.

9-Biển Đông còn được gọi là Biển Thái Bình Dương.

10-Hai Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc miền Trung nước ta.

Lê Hoàng Jandy
Thí sinh Lớp Ba Giải Khuyến Học 2013

Đặt câu với một hay hai mệnh đề:

1- Nếu em chăm chỉ học hành thì mai sau khôn lớn sẽ tài giỏi.

2- Bà nội em luộc thịt cho em cuốn bánh tráng.

3- Sau mỗi học kỳ, trường em gởi phiếu điểm về nhà cho cha mẹ em xem.

Các câu có 3 mệnh đề:

4-Em học một danh ngôn “Nếu bệ hạ muốn hàng giặc, thì xin hãy chém đầu thần trước đã”, câu này rất hay và do Ngài Trần Hưng Đạo nói.

5-Bùi Thị Xuân là một danh tướng, bà rất can đảm và Bà theo Ông Trần Quang Diệu khắp mọi mặt trận.

6-Khi em lên lớp 9, bài vở em đã khó hơn và em phải cố gắng học nhiều hơn.

7-Khi em học và chơi trong trường, em bảo vệ tài sản của trường để chúng em có chỗ học hành.

8-Khi học địa lý, em biết rằng về lãnh hải của Việt Nam bắt nguồn từ Móng Cái đến Hà Tiên.

9- Lê Phụng Hiểu chém đầu một vị Vương thì hai vị Vương kia chạy đi vì quá sợ hãi.

10-Khi em học lịch sử, em biết rằng Lê Quý Đôn là Thần Đồng Nhớ Giỏi.

Cao Hồng Anh
Thí sinh Giải Khuyến Học Viet Olympiad-2013


Góc hoạt họa thiếu nhi

Câu chuyện hí họa về chú gấu bông Dexter.

Họa sĩ Nia Nguyễn


Tâm tình Thầy Cô     

Giữ gìn và phát huy tiếng Việt truyền thống

GS Trần C. Trí
(University of California, Irvine)

Qua mục này, GS Trần C. Trí (University of California, Irvine) tâm tình cùng độc giả, những người nặng lòng với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, về những vấn đề đang ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên và trong sáng của tiếng Việt, trong cũng như ngoài nước. Ngôn ngữ truyền thống không phải lúc nào cũng khư khư giữ cái cũ, đả phá cái mới, mà là ngôn ngữ giữ gìn vẻ đẹp từ bao đời ông cha truyền lại, đồng thời tiếp nhận những cái mới một cách có chọn lọc và chừng mực.

Ngày Xuân ăn Tết, đánh cờ

Có bao giờ quý độc giả thắc mắc vì sao thay vì nói “đón Tết” hay “mừng Tết,” chúng ta lại thường nói “ăn Tết” hay không? Câu trả lời chẳng có gì là khó khăn cả, đó là vì ngày Tết chúng ta được tha hồ ăn đủ thứ mà quanh năm ít có dịp được ăn, nào là bánh chưng, bánh tét, mứt hoa quả, thịt kho, dưa hành, ôi thôi là đủ các món ngon trên đời! Chẳng vậy mà những dịp lễ lạt khác cũng thường đi kèm với chữ ăn như “ăn giỗ,” “ăn cưới,” “ăn sinh nhật,” vân vân và vân vân, mặc dù trong những dịp đó chúng ta còn làm những điều khác ngoài chuyện ăn uống.

Ngẫm lại, chúng ta sẽ thấy rằng trong tiếng Việt, động từ “ăn” được dùng trong rất nhiều trường hợp khác chứ không riêng gì với ý nghĩa chính của nó. Trước hết, chữ “ăn” còn được dùng với những thứ mà trên nguyên tắc không thể “ăn” được như “ăn tiền,” “ăn lời,” “ăn đòn,” “ăn đạn,” “ăn lương,” “ăn hoa hồng,” hay khá dí dỏm là “ăn ảnh” (mà nhiều người thường dịch đùa ra tiếng Tây là “manger photo,” mặc dù người Tây đã có chữ “photogénique” hẳn hoi!). Ngay cả thay vì nói “thắng” (trái nghĩa của “thua”), chúng ta cũng thường nói “ăn.” Từ ý nghĩa này mà cũng có thành ngữ “ăn thua” với ý nghĩa “tranh cãi” hay “giành phần thắng,” ví dụ như trong câu “Tôi không muốn ăn thua với hắn làm gì!”.

Khi làm những việc khác, người Việt vẫn không quên kèm việc ăn (uống) vào. Chẳng hạn như cắp sách đến trường là “ăn học,” kiếm miếng cơm manh áo là “làm ăn,” sử dụng ngôn ngữ là “ăn nói,” sinh sống hay cư xử là “ăn ở,” sống bê tha không trách nhiệm là “ăn chơi,” chuyện trai gái thân mật là “ăn nằm,” nhất là những đệ tử của lưu linh, trong khi say men chếnh choáng vẫn không quên những món “mồi” ngon lành, bởi vậy nên không thể quên hai chữ “ăn nhậu!”

Chữ “ăn” còn được dùng kèm với những động từ khác, có lẽ để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của những động từ đó (vì tự chúng đã đủ ý rồi), chứ chính nó cũng không có nghĩa gì dính líu đến chuyện ăn uống, như trong những chữ “ăn gian,” “ăn cắp,” “ăn trộm,” “ăn cướp,” “ăn quen,” “ăn chặn,” “ăn chia,” hay “ăn bám.” Khá thú vị là hai chữ “ăn có,” ở chỗ rằng động từ “có” không chỉ có ý nghĩa nguyên thuỷ, mà khi đi sau chữ “ăn,” nó có nghĩa đại để là “nhảy vào để hưởng lợi từ thành quả của người khác.”

Động từ “ăn” còn dùng để thay thế một động từ khác lẽ ra còn thích hợp hơn với từ ngữ mà nó đi theo, ví dụ thay vì nói “thắng xe không có tác dụng” thì chúng ta quen nói “thắng xe không ăn,” hay thay vì nói “một đô-la Mỹ tương đương với 0.90 euro,” nhiều người lại nói “một đô-la Mỹ ăn 0.90 euro,” hoặc không nói “keo dán không dính,” không ít người lại nói “keo dán không ăn!”

Đặc biệt nhất là khi chữ “ăn” của tiếng Việt giao duyên với chữ “jeu” của tiếng Pháp (tạm dịch: ‘trò chơi’ hay ‘cách chơi’), tạo thành hai chữ “ăn ‘jeu’” (hay viết theo chính tả tiếng Việt là “ăn giơ”) để tả việc hai hay nhiều người “ăn ý” với nhau trong khi làm một việc gì đó.

Chỉ lấy cảm hứng từ hai chữ “ăn Tết” thôi mà chúng ta đã có dịp điểm qua một vòng nhiều từ ngữ có chứa chữ “ăn” như trên. Thế còn hai chữ “đánh cờ” thì sao? Rõ ràng là các kỳ thủ “chơi” cờ bằng cách di chuyển các quân cờ, chứ có đánh đấm gì đâu? Thế thì cũng như chữ “ăn,” động từ “đánh,” ngoài nghĩa chính của nó là “dùng tay hay một vật gì đó chạm mạnh vào ai để gây đau đớn” (từ đó có thêm nhiều thành ngữ liên quan đến ý nghĩa này như “đánh giặc” hay “đánh trận”), còn có nghĩa tương đương với động từ “chơi” (một trò chơi hay một nhạc khí), như trong các từ ngữ “đánh bài,” “đánh đàn,” “đánh trống,” :đánh chuông,” “đánh banh,” “đánh cầu,” “đánh golf,” “đánh bi-da,”…

Nếu xét đến một số thành ngữ khác có chứa động từ “đánh,” chúng ta sẽ thấy chữ này cũng có tác dụng tương tự như chữ “ăn” ở chỗ là nó cũng được dùng để làm tăng nghĩa những động từ theo sau, hơn là chứa đựng một ý nghĩa riêng tư nào, như trong những chữ “đánh cắp,” “đánh tráo,” “đánh đổi,” “đánh cuộc,” “đánh liều” và “đánh lừa.”

Tương tự như cách dùng đặc biệt của chữ “ăn,” động từ “đánh” cũng được dùng để thay thế một động từ khác mà người nói hay người nghe đều có thể liên tưởng đến, ví dụ như “đánh máy” (= gõ bàn phím), “đánh giày” (= chùi bóng giày), “đánh cá” (= lưới hay bắt cá), “đánh dấu” (làm dấu (để ghi nhớ) hay bỏ dấu (trên chữ viết)), “đánh vần” (= ráp âm hay chữ cái thành vần), “đánh mùi/đánh hơi” (= ngửi mùi/hơi), “đánh thuế” (= bắt nộp thuế), “đánh giá” (= ước lượng giá), “đánh mắt” (= vẽ mắt), “đánh son” (= tô son), “đánh phấn” (= trát hay thoa phấn), “đánh bạo” (= trở nên bạo dạn), “đánh tiếng” (= lên tiếng để nhắn nhe điều gì một cách gián tiếp), “đánh răng” (= chải răng), “đánh một giấc” (= ngủ một giấc), “đánh lửa” (= nhóm lửa), “đánh điện” (= gởi điện tín), “đánh trứng” (= khuấy trứng), “đánh diêm” (= quẹt diêm).

Trong một vài nhóm chữ khác, động từ “đánh” lại có ý nghĩa tương đương với “làm” hay “làm cho”: “đánh đồng” (= làm cho giống nhau), “đánh lạc hướng” (= làm cho lạc hướng), “đánh lận con đen” (= làm cho lẫn lộn một cách gian dối), “đánh rơi” (= làm rơi), “đánh mất” (làm mất), “đánh động” (= làm cho biết tin tức; làm cho biến động hay xúc động).

Ngoài ra, còn một số thành ngữ đặc biệt khác (của phương ngữ miền Bắc) mà người ngoại quốc mới học tiếng Việt khó có thể đoán được khi nghe hay đọc đến lần đầu tiên như “đánh chén” (= ăn uống no say), “đánh đụng” (= mổ thịt heo hay bò chung để chia nhau ăn).

Nói tóm lại, một người ngoại quốc học tiếng Việt lâu ngày, biết được những nhóm chữ hay thành ngữ kể trên, có thể nhận xét rằng người Việt chúng ta thường nghĩ đến chuyện “ăn” ngay cả khi không ăn uống gì cả, hay chuyện “đánh” ngay cả khi chẳng có gì liên quan đến việc đánh đấm chút nào!

Năm hết, Tết đến, kính chúc quý độc giả “ăn” Tết vui vẻ, sẵn sàng cho một năm mới vạn sự cát tường, có “đánh bài” thì chỉ “đánh” cho vui như một thú tiêu khiển tao nhã trong mấy ngày xuân, chứ đừng biến thành “đánh bạc” thì phiền hà lắm lắm!

Học sinh tham gia sinh hoạt cộng đồng

Hội Sinh viên Công Giáo Việt Nam phục vụ người vô gia cư dịp Lễ Tạ Ơn.
Học sinh trung học Bolsa Grande tham gia công tác xã hội.
Học sinh tìm hiểu cơ hội phục vụ quân ngũ.
Học sinh Trường Việt ngữ Hồng Bàng.
Học sinh trung học Westminster trong một sinh hoạt Tết.
Đoàn trống Thiên Ân biểu diễn dịp Tết tại một trường tiểu học.
Học sinh Việt Nam nổi bật trong những chiếc áo dài truyền thống.

Tâm tình phụ huynh

Thư đề nghị trang Tiếng Việt Dấu Yêu có thêm phần sinh hoạt về đời sống tinh thần

Kính gửi đồng hương người Việt,

Chúng ta đã xa quê hương trên 40 năm, suốt thời gian này ta phải sống thật gian truân để sống còn, ta đã không còn thời gian để mất, do đó ta hãy cùng nhau hướng về một công việc chung đó là xây dựng một Trung Tâm Văn Hóa Việt tại một nơi thuận tiện, tôi nói thuận tiện là theo ý nghĩa thuận lợi về cơ sở, sự sinh hoạt.

Qua lá thư chỉ xin đề cập đến bốn nét chính của Trung Tâm Văn Hóa Việt như sau:

Thứ nhất, cùng nhau hướng về một điểm chung đó là Hồn Dân Tộc Việt.

Thứ hai, ta chỉ có thể duy trì và phát huy, do đó ta cần nhiều sáng kiến.

Thứ ba, bây giờ ta đang sống vào thế kỷ 21, do đó ta cũng nên chú trọng đến kết quả hơn là phương tiện.

Thứ tư là đời sống tinh thần. Nói đến tinh thần ta sẽ chú trọng hai khía cạnh, tinh thần là cao thượng, tinh thần là tâm linh, ta sống ta phải hiện hữu, nhưng ta không thể xao lãng đời sống thanh tao.

Nói đến tâm lý học, ta thường chú ý đến (hai) khía cạnh tâm lý, còn nói đến y khoa ta thường chú ý đến bệnh tâm trí, do đó khoa tâm thần cần các chuyên viên về tâm lý. Tôi đề nghị xin đưa Việt ngữ vào các đề mục về tâm lý.

Oanh Quách

MỚI CẬP NHẬT