Thursday, April 18, 2024

Nhà thơ lính Trạch Gầm: ‘Không chai đá trước cảnh đau thương, người lính không còn tinh thần’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – “Có những ước mơ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những người lính thật sự cầm súng bảo vệ quê hương, mà xuôi tay đành mất quê hương thì hình như là, trên mỗi sợi tóc bạc của họ đều mang nặng một niềm đau! Thế nhưng, ước mơ vẫn còn là mơ ước được đứng dưới cờ giữa trời lửa đạn để lấy lại một quê hương thanh bình.”

Nhà thơ lính Trạch Gầm đã tâm sự như thế bằng những tâm tư ngắn ngủi, nhưng, đó là những ước mơ rất lớn đối với những người lính còn yêu quê hương, còn thèm khát đem máu xương dâng hiến cho tổ quốc và dân tộc để lấy lại những gì đã mất.

Trạch Gầm, người lính làm thơ được nhiều người nhắc đến qua những vần thơ, trong thơ có tiếng chửi thề, nhưng thấm thía vô cùng: “Đ…mẹ, cho tao chửi mầy một tiếng/ Đất của cha, ông sao mầy cắt cho Tàu?” Từ những vần thơ này, Trạch Gầm đã ra mắt những độc giả mến mộ ông ba tập thơ tại Little Saigon, như “Vụn Vặt” (2007), “Ráng Chịu” (2009) và “Dấu Giày Chinh Chiến” (2013).

Chiến trường đầy máu và nước mắt 

Chuẩn Úy Nguyễn Đức Trạch (Trạch Gầm). (Hình: Trạch Gầm cung cấp)

Ông sinh năm 1942, tên thật là Nguyễn Đức Trạch, gốc Quảng Ngãi, con trai trưởng nhà văn Bà Tùng Long và nhà báo Hồng Tiêu.

Năm 1965, ông tình nguyện vào Khóa 21 Trừ Bị Thủ Đức. Năm 1966 vừa ra trường, chưa được nghỉ ngày phép nào thì ông cùng những khóa sinh đã được Trung Tâm Quân Báo tuyển chọn đưa về trường Quân Báo Cây Mai nhập học Khóa Tình Báo Tác Chiến. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm về Quân Đoàn 3, phục vụ tại Đại Đội Thám Kích Xâm Nhập dưới quyền điều động của Phòng 2 Quân Đoàn.

“Chiến trường đầy máu và nước mắt của tôi khởi đi từ Tết Mậu Thân, 1968. Chiến công và sự mất mát trải dài trên bao nỗi xót xa. Tự bản thân tôi đã nhìn thấy, tôi đang đối đầu với sự tàn ác và trong tâm tư tôi cũng cảm nhận rằng, người dân miền Nam bắt đầu hiểu được bộ mặt thật của bọn người mệnh danh Giải Phóng Miền Nam,” Trạch Gầm kể.

Từ năm 1970 đến 1971, ông tham dự cuộc hành quân Toàn Thắng đánh sang lãnh thổ Cambodia do Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 chỉ huy. Tháng Hai, 1971, Tướng Trí tử trận tại chiến trường Tây Ninh trong một phi vụ hành quân. Từ lòng thương tiếc và kính phục Tướng Trí, qua ký ức, Trạch Gầm nhận định rằng: “Chúng ta đã đánh mất một cơ hội chiến thắng bọn Cộng Sản xâm lược từ miền Bắc. Một cách công bằng, phải công nhận dưới tài điều quân của Tướng Đỗ Cao Trí đã làm cho bộ chỉ huy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Việt Cộng không còn đất ẩn trốn.”

Nhà thơ lính Trạch Gầm. (Hình: Trạch Gầm cung cấp)

Tháng Ba, 1972, chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa bùng nổ, Trạch Gầm được dự trận chiến An Lộc. Theo ông, đây là một chiến trường khốc liệt nhất mà trong đời binh nghiệp, ông được hân hạnh tham dự dưới màu áo của Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Trạch Gầm khẳng định: “Tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước đã được người lính Việt Nam Cộng Hòa thể hiện trên chiến trường này.”

Ngày 12 Tháng Bảy, 1972, ông rời mặt trận An Lộc. Sau đó, ông tình nguyện đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng 2 của Tiểu Khu Quảng Đức, thay thế cho vị trưởng Phòng 2 tại chức vừa tử trận. Nhưng Trạch Gầm không thể trình diện tiểu khu Quảng Đức vì vị trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 3, Đại Tá Lê Đạt Công, trình lên Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn giữ ông lại, mục đích là tái lập lại các toán xâm nhập mà khi Tướng Minh lên thay thế tướng Trí đã giải tán.

Trạch Gầm tâm tình: “Khi Cộng Quân đánh mạnh vào lãnh thổ của Quân Đoàn 3, đối với những người lính trẻ chúng tôi, nếu cho rằng, cầm súng để sẵn sàng chết cho quê hương thì có vẻ to lớn quá. Nhưng, nếu phải chết để cho đồng đội được sống, và nếu phải chết khi lý trí còn biết mình đang làm gì, thì tôi chấp nhận chết vì lý tưởng đó rất dễ dàng.”

Trạch Gầm (trái) cùng các chiến hữu sau khi dự trận đánh khốc liệt tại An Lộc. (Hình: Trạch Gầm cung cấp)

Theo ông, trong mười năm lính, dưới quyền điều động của Phòng 2 Quân Đoàn 3, ông có mặt hầu hết trên từng địa danh nằm trong lãnh thổ Quân Khu 3. Khi âm thầm, khi rực lửa, đơn vị ông đã từng tham chiến trên từng địa danh thuộc các phần đất nằm trong lãnh thổ của các tỉnh Long An, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy… và cũng từng có mặt trên những trận địa không nằm trong lãnh thổ của Việt Nam như Chiphu, Prasot, Svayrieng, Preynhey, Krek, St’ưng, Chup, Tonlebet, Dambe thuộc lãnh thổ của Cambodia nằm gần biên giới của Việt Nam.

Trạch Gầm cho biết: “Đơn vị của tôi là một đơn vị nhỏ lại mang tính tình báo, nhiệm vụ chính của đơn vị là xâm nhập vào lòng địch, đánh phục kích, đánh đột kích và kiểm chứng mục tiêu. Suốt thời gian chiến đấu có những phần đất nằm trong lãnh thổ Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, những nơi này, các toán của chúng tôi ‘cày đi xới lại’ nhiều lần, chạm địch hầu như ăn cơm bữa. Tại Củ Chi có Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 của Việt Cộng đặt căn cứ ở vùng An Nhơn Tây, Nhuận Đức, nên sự hoạt động của Cộng Sản rất mạnh ở vùng này. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đánh phá những đường dây di chuyển của Cộng Quân tìm cách xâm nhập vào thủ đô Sài Gòn.”

“Kể ra như vậy vì tôi muốn nói lên một điều là tôi từng chứng kiến rất nhiều cái chết của bạn bè chiến hữu, kể cả của địch quân. Sự biệt ly nào không đau thương, không tàn nhẫn. Nhưng, nếu không chai đá trước cảnh đau thương trên những tàn nhẫn đó, thì không người lính nào còn tinh thần để tiếp tục bước đi để làm tròn nhiệm vụ của mình, và tôi cũng thế,” Trạch Gầm trầm ngâm kể.

Niềm đau tận cùng 

Trạch Gầm (trái) và chiến hữu Vũ Long Sơn Hải. (Hình: Trạch Gầm cung cấp)

Đầu Tháng Tư, 1975, đất nước ngập tràn binh lửa. Lãnh thổ của miền Nam từ Vùng I đến Vùng 2 đã bị rã đi từng mảnh. Và, người lính Trạch Gầm cũng đã biết cái manh tâm của chính phủ Hoa Kỳ bỏ đi mà không có lời cam kết là sẽ quay lại.

Thời điểm lúc bấy giờ, trên bản đồ của Phòng 2 Quân Đoàn 3 đỏ ối điểm xâm nhập của địch quân. Những đơn vị của địch quân đang hoạt động trong lãnh thổ của Vùng 3 như các Sư Đoàn 5, 7, 9, Lữ Đoàn 429 Đặc Công, Trung Đoàn Pháo Binh và Phòng Không 75 và 77 đã có từ trước, giờ đã hiện diện thêm Sư Đoàn 6 từ vùng Bà Rịa, Phước Tuy; Sư Đoàn 341 vùng Long Khánh, và hai Sư Đoàn 320, 325 đang áp sát vào lãnh thổ của Quân Đoàn 3.

Trạch Gầm nhớ lại: “Lúc bấy giờ, các hoạt động của đơn vị tôi coi như bị chặt đứt cả tay chân. Các toán xâm nhập của tôi phần nhiều là những hồi chánh viên đã được huấn luyện kỹ lưỡng để cùng chiến đấu với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chúng tôi không còn phương tiện để vận chuyển và yểm trợ để thực hiện kế hoạch theo yêu cầu. Vì thế, điểm xuất phát của chúng tôi gần như dựa vào các tiền đồn của Nghĩa Quân, Địa Phương Quân để tiếp cận với mục tiêu. Trong thời gian này, những chiến sĩ tiền đồn và chúng tôi đều cùng tâm trạng cô đơn, lạnh lùng, vì vị trí đồn trú trước tình hình của địch quân hiện tại thì địch có thể ‘hốt gọn’ chúng tôi bất cứ lúc nào. Vì địch và đồn đang nằm sát cạnh nhau.”

“Có vài tiền đồn mà khi bọn tôi đến nằm, toán Xâm Nhập Tình Báo của chúng tôi không được những người anh em trong đồn niềm nở tiếp đón như những lần trước, mà lúc nào họ cũng trong nét lo âu thất vọng. Bởi lẽ khi chúng tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi đồn, thì những hậu quả mà họ sẽ nhận lãnh khó lường được với sức to lớn của địch quân,” ông kể.

Trạch Gầm (thứ ba, trái) cùng các chiến hữu tại Hoa Kỳ. (Hình: Trạch Gầm cung cấp)

“Công tác của chúng tôi là kiểm chứng nguồn tin, hay xác định mục tiêu. Nhưng khi làm những việc này trong tình thế này, thì chúng tôi không còn gì hứng thú, vì thiếu yểm trợ nên chúng tôi chẳng làm được gì cả. Lúc đó, nếu chúng tôi ra khỏi đồn vài trăm thước, rồi nằm lại với vài trái mìn Claymore, thì chúng tôi có thể giết vài tên địch, lấy vài cây súng rất dễ dàng. Nhưng công tác của bọn tôi không phải vậy, mà phải thực hiện lớn hơn, xa hơn nữa. Nhưng, yêu cầu sâu hơn, xa hơn thì chúng tôi không có phương tiện để thực hiện được,” ông kể tiếp.

Trạch Gầm cũng đã từng bày tỏ cảm nghĩ của mình với vị chỉ huy trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn 3. Hơn ai hết, chính vị chỉ huy của Phòng 2 Quân Đoàn cũng nhìn ra sự bất lực trong hoàn cảnh trách nhiệm của toán Xâm Nhập Tình Báo của Trạch Gầm.

“Vị chỉ huy của tôi lúc nào cũng nhỏ nhẹ cùng chúng tôi rằng, ở giai đoạn này, chỉ có mình mới cứu được mình, không ai cứu mình nổi đâu. Cố gắng!,” Trạch Gầm nhắc lại.

Nhưng, sự cố gắng tận lực của Trạch Gầm chỉ đổi lại bằng niềm đau tận cùng. Một lần bị Cộng Quân “hốt gọn” ở Mỏ Công, Tây Ninh; một lần bị địch quân “hốt gọn” ở Phó Bình, Dầu Tiếng, lúc cả hai toán vừa rời khỏi đơn vị bạn chưa được nửa tiếng đồng hồ. (Lâm Hoài Thạch)

Kỳ cuối: Nhà thơ lính Trạch Gầm: ‘Ngoại bang đã đặt cả dân tộc lên bàn cân buôn bán’

MỚI CẬP NHẬT