Wednesday, May 8, 2024

Những ‘vật bất ly thân’ khi bay qua Hawaii giữa đại dịch

Đoan Trang/Người Việt

HONOLULU, Hawaii (NV) – Chích đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 với thẻ chứng nhận bằng giấy, cẩn thận làm thêm thẻ vaccine kỹ thuật số do tiểu bang California cấp, vậy mà khi bay sang Hawaii, chúng tôi vẫn mất nhiều thời gian với những quy định khắt khe chưa từng có.

Đứng xếp hàng chờ để kiểm tra QR code tại phi trường quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chúng tôi từng hoãn chuyến công tác sang Hawaii chỉ vì… tự ái cao, trước lời nói kiểu… xua đuổi của thống đốc Hawaii, khi ông David Ige kêu gọi mọi người “đừng bay tới tiểu bang này nữa” do có sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm COVID-19 ở quần đảo này.

“Đây không phải là lúc để đi du lịch Hawaii. Chúng tôi đang có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện, và các phòng điều trị đặc biệt thì đầy người,” Thống Đốc Ige nói hôm 23 Tháng Chín.

Một người quen ở Hawaii nhắn tin: “Bạn chị mới hủy vé bay sang Hilo rồi, em tính sao?” Còn tính sao nữa, khỏi mua vé luôn ấy chứ!

Nhưng vài tuần sau, trong một lần tìm vé máy bay đi San Jose, cô bạn đồng nghiệp quen tay bấm sang “điểm đến” là HNL (viết tắt của phi trường quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu) bỗng thấy giá rẻ bất ngờ, chỉ có $180.95 hai chiều. Rẻ thế, không đi rất uổng. Thế là chúng tôi quyết định đặt vé.

Tiếp viên hàng không và mọi hành khách đều phải mang khẩu trang suốt chuyến bay. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Trước ngày bay khoảng một tuần, tình hình đại dịch trên toàn quốc không có chiều hướng ổn định chút nào, thậm chí liên tiếp trong mấy ngày liền, cứ mỗi ngày lại có đến gần 2,000 người chết vì COVID-19.

Vì thế, lỡ mua vé, chúng tôi vẫn không khỏi… hoang mang, liệu mình qua có ai đón tiếp? Nhưng trước ngày bay, chúng tôi cũng lấy lại được tinh thần, khi cô bạn bên Honolulu “bắn” tin qua: “Khách du lịch đầy đường nè, đừng lo nhe!”

Tháng Mười, 2021, tuy chưa trở lại nhịp sống bình thường của một phi trường bận rộn thứ năm trên thế giới, nhưng không khí ở LAX (Los Angeles International Airport) khá nhộn nhịp, không còn vắng vẻ, ảm đạm như lúc đại dịch bùng phát hơn một năm trước.

Hành khách không gửi hành lý, thích đến máy kiểm soát vé tự động cho nhanh. Đúng vậy, khi đã lấy được thẻ lên phi cơ, chúng tôi vẫn thấy dãy người đang xếp hàng dài chờ vào quầy soát vé.

Trong lượt đi, chúng tôi quá cảnh tại phi trường phi trường quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu, trước khi bay tiếp sang Big Island.

Chuyến bay 342 của hãng Hawaii Airlines, bay từ LAX sang Honolulu gần kín chỗ. Chỉ khác trước, tất cả mọi người đều phải mang khẩu trang trong suốt chuyến.

Phi cơ cất cánh đúng giờ, báo hiệu điều may mắn trong hành trình bay từ đất liền sang vùng đảo Hwaii nổi tiếng.

Trong năm tiếng đồng hồ bay, hành khách được chiêu đãi bánh mì nóng và nước uống. Máy bay hạ cánh an toàn sau chặng đường bay dài 2,500 dặm. Lúc này, chúng tôi cảm thấy khá tự tin, cầm trên tay ID, thẻ chích ngừa, và cẩn thận chụp lại thẻ vaccine kỹ thuật số để sẵn trên điện thoại.

Nhưng bất ngờ khi xuống phi trường, tất cả hành khách bị chặn lại, yêu cầu cung cấp QR code.

Khu vực hướng dẫn lấy QR code để được lên phi cơ. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cứ tưởng QR code là mã vạch trong thẻ chứng thực đã chích ngừa, chúng tôi chìa điện thoại có mã vạch, nhưng nhân viên kiểm soát nói không phải, mà đòi mã vạch do phi trường cấp. Tức khí, nhưng chúng tôi bấm bụng làm theo hướng dẫn để lấy QR code.

Trên bảng hướng dẫn, chúng tôi đưa điện thoại vào hình mã vạch. Điện thoại hiện ra những thông tin cần phải điền vào. Theo đúng quy trình, sau khi gửi thông tin đi chừng vài giây sẽ nhận được QR code. Nhưng từ lúc điền thông cho đến khi chúng tôi có được QR code cũng mất hơn nửa tiếng.

Ai chưa có QR code mà lỡ lọt qua cửa thứ nhất, sẽ được nhân viên phi trường hướng dẫn để làm tại chỗ. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Có QR code trong tay, chúng tôi qua được “cửa kiểm soát” đầu tiên, và đi theo hướng dẫn để xếp hàng chờ. Thời tiết Honolulu nắng nóng, gió mạnh, chỗ xếp hàng ở ngoài trời, chứ không được trong phòng máy lạnh, mà người xếp hàng thì quá dài, và di chuyển khá chậm.

Sau hơn 15 phút nhích “từng bước thầm,” chúng tôi cũng vào được bên trong. Nhưng ở đây lại là nơi kiểm soát QR code lần thứ hai.

Những người có QR code như chúng tôi, được qua “cửa” thứ hai này nhanh chóng. Ai chưa có, phải ngồi lại để các nhân viên hướng dẫn lấy QR code. Phi trường Hawaii làm kiểu này, ai chưa chích ngừa sẽ không thể “lọt” qua đảo. Vì chưa chích ngừa thì không thể có QR code.

Không có QR code, không thể “lọt” qua “cửa” vào phi trường. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Việc lấy QR code quá lâu, chỉ cần trễ vài phút là chúng tôi bị bỏ lại ở Honolulu vì đã sát giờ lên phi cơ bay sang Big Island.

Chưa bao giờ các phi trường lại có nhiều bảng thông tin về phòng tránh COVID-19 nhiều đến thế. Cứ khoảng vài chục mét lại có bảng điện tử “nhắc nhở” giữ khoảng cách 6 ft, luôn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Ngồi chờ ở phi trường, khách cũng phải giữ khoảng cách, không được ngồi sát như trước.

Tất cả các quán ăn trên các đảo của Hawaii đều áp dụng nghiêm khắc việc kiểm soát ID và thẻ chứng nhận chích ngừa vaccine.

“Xuất trình” thẻ vaccine khi vô nhà hàng. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chúng tôi chứng kiến một vị khách là người Việt đã nổi đóa khi ghé quán ăn nổi tiếng ở Honolulu –  Helena’s Hawaii. Lý do nhân viên nhà hàng yêu cầu khách đưa ID và thẻ chích ngừa, nhưng con của bà không mang theo thẻ, và trong khi chờ người nhà chụp hình gửi qua, nhân viên nhà hàng không cho bà đứng bên trong, mà “mời khéo” bà ra đứng chờ ngoài nắng. Bà quyết định bỏ về.

Cho những ai đi du lịch, hoặc có việc phải bay sang Hawaii, quan trọng nhất là thẻ ID và thẻ chích ngừa vaccine, và tất nhiên là khẩu trang. Còn nước rửa tay diệt khuẩn thì ở nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa… hay bất cứ nơi công cộng nào cũng dặt sẵn để mọi người sử dụng.

Bảng hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh đặt khắp nơi trong phi trường quốc tế Daniel K. Inouye ở Honolulu. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cứ nghĩ thiên đường du lịch Hawaii, nơi “có cái nắng, có cái gió” thì COVID-19… nhẹ tay, nhưng không phải thế. Số liệu cho thấy mỗi ngày ở tiểu bang thứ 50 này của nước Mỹ, vẫn có hàng trăm người nhiễm và số người chết vì COVID-19 đã suýt soát 900. Tình hình này thật sự cần thiết để áp dụng các biện pháp nghiên ngặt kể trên, ở nơi mà tổng dân số chỉ hơn 1.4 triệu người. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT