Tuesday, April 23, 2024

Nẻo khuất Trầm Tử Thiêng

Bài: Nguyễn Ngọc Chấn
Hình: Minh Phú/Người Việt

Trưa Chủ Nhật, 23 Tháng Hai, 2020, khán giả tại thủ đô tỵ nạn, được thưởng thức một chương trình nhạc thính phòng tuyệt diệu, tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Chương trình được ca diễn bởi một thành phần nghệ sĩ tiêu biểu cho nhiều thế hệ. Từng mảnh đời của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng được trải bày, từ  phần dẫn nhập bởi nhà văn Quyên Di, duyên dáng, dí dỏm đến những tâm sự thổn thức của MC-ca sĩ Hương Thơ. Hội trường lắng đọng, thẩm thấu mỗi ca từ ông chải chuốt, quyện vào những cung bậc âm thanh, khi mượt mà, lúc sôi sục trong lòng từng người thưởng ngoạn.

Các ca sĩ Chung Tử Lưu, Hương Lan, Hương Thơ, Trọng Nghĩa, Anh Dũng, Hugo, Thanh Lan, lần lượt trình bày những ca khúc, theo bước  hành trình của Trầm Tử Thiêng. Hôm nay mấu chốt của chương trình chính là có sự hiện diện của người đã cho anh mọi cảm xúc để viết thành thiên tình sử bất hủ.

Ban Tổ Chức Show Nhạc Trầm Tử Thiêng: Thụy Vy, Trung Nguyễn, Hương Thơ, GS Quyên Di và Trọng Nghĩa chụp chung với ca sĩ Anh Dũng và Hugo.

Trầm Tử Thiêng đã hiến trọn một đời cho âm nhạc, ông được hàng triệu người thương yêu mến mộ. Kho tàng nghệ thuật của ông là 200 ca khúc tình yêu, thân phận, quê hương và chiến chinh. Hành trình sáng tác cũng như tác phẩm của Trầm Tử Thiêng gắn liền với thời cuộc của đất nước và mối tình của chính cuộc đời ông.

Từng giai đoạn, mỗi biến cố đều ảnh hưởng rất lớn đến ca khúc của họ Trầm. Cuộc đời sáng tác của Trầm Tử Thiêng có thể nhìn ở ba giai đoạn quan trọng: trước 30 Tháng Tư; sau năm 1975 và thời gian ông lưu lạc ở quê người. Cả ba giai đoạn đều tồn tại một Trầm Tử Thiêng, đau nỗi đau quê hương và xót vì cuộc tình chia xa mà vốn dĩ, Trầm Tử Thiêng là con người trọng tình yêu chung thủy.

Đánh dấu nỗi đau quê hương, năm 1968, cầu Trường Tiền bị giật sập, nói lên sự bội phản của con người. Tiếng khóc của Trầm Tử Thiêng chia sẻ với người dân xứ Huế, nhịp nối sông Hương gẫy, ngăn cách đôi bờ một đời sống. Trầm Tử Thiêng đã dùng âm nhạc để phản ảnh biến cố lịch sử.”Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy.”

Với đất nước, ông chọn cho mình là một người viết sử bằng âm nhạc, Trầm Tử Thiêng yêu quê hương như chính thân phận mình. Với tình yêu, ông chọn làm người tình chung thuỷ. Dù là mười năm, hay hai mười năm… ca khúc vẫn chỉ cho một người tình. “Mười Năm Yêu Em” rồi “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” mang nhiều nồng nàn và cay đắng cho một cuộc tình.

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng chụp ngày Tết 1975. (Hình: Đỗ Thái Tần chụp)
Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tại Trung Tâm Học Liệu. (Hình: Đỗ Thái Tần cung cấp)

Đến những ngày cuối đời, Trầm Tử Thiêng, ghi dấu những bàn ca gợi tình nhân bản, Bên em đang có ta (nhạc Trúc Hồ, lời Trầm Tử Thiêng). Trái tim của Trầm Tử Thiêng đập cùng nhịp với đất nước, hùng tráng, hiên ngang, chấp nhận thân phận là người Việt, ghi dấu những Bước chân Việt Nam. Hơi thở của ông đầy, vơi theo con nước thủy triều trong dòng sông vận mệnh. Bao năm sống lưu lạc xứ người, đến cuối đời ông vẫn không quên được “Một Đời Áo Mẹ Áo Em.”

Buổi tưởng niệm Trầm Tử Thiêng năm nay, đặc biệt có sự hiện diện của người bạn đời duy nhất của ông, mối tình được giấu kín gần nửa thế kỷ mà vẫn chưa ngưng rung động. Dưới ánh đèn mầu, mọi người thấy Trầm Tử Thiêng, một nhạc sĩ đa đoan theo vận nước và nồng nàn trong tình yêu. Ở đời thường ông sống giản dị và khiêm nhường.

Suốt 20 năm ở đất tạm dung, không ai bắt gặp Trầm Tử Thiêng tay trong tay với bất cứ bóng hồng nào. Đằng sau những hào quang của hàng trăm buổi diễn, người vinh danh, kẻ ái mộ, Trầm Tử Thiêng chối bỏ mọi mời gọi, hoặc thương hại, trở về sống co cụm trong căn phòng đơn sơ để hết tâm huyết vào nghệ thuật.

Buổi tưởng niệm vừa qua, với sự xuất hiện “Nửa kia của Trầm Tử Thiêng” như đã được bật đèn xanh, để chúng ta có cơ hội hé mở cái góc khuất về cuộc đời Trầm Tử Thiêng. Là một trong hai nhân chứng, đã được sự đồng ý, chúng tôi không ngần ngại chia sẻ, niềm vui và nỗi buồn với chị Đỗ Thái Tần, mà xưa nay chúng tôi vẫn quen gọi chị dưới cái tên của anh là “Chị Lợi.”

Ca sĩ Trọng Nghĩa và em Hugo song ca nhạc thiếu nhi của NS Trầm Tử Thiêng “Hãy Hát Lên Tuổi Thơ” và “Trên Quê Hương Đáng Yêu.”

Nhân chứng thứ nhất là cô Minh Phú, người đã làm việc cùng phòng tại Trung Tâm Học Liệu với anh Nguyễn Văn Lợi từ năm 1970 đến 1976. Thứ hai là Nguyễn Ngọc Chấn, “chính hắn đây”; mà ít người biết tôi là một nhà giáo trước khi thành lính Cọp, binh chủng Biệt Động Quân.

“Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở” thế mà nay được về làm việc bên cạnh những đại nhân trong giới cầm kỳ thi họa, một trung tâm văn hóa của Bộ Giáo Dục. Các cổ thụ Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan, Cao Thanh Tùng, và bạn tôi Trầm Tử Thiêng đã hỗ trợ hết lòng  cho nền giáo dục tiến bộ nhất Đông Nam Á. Chúng tôi rất hãnh diện là viên gạch lót cho nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc sĩ  Hùng Lân, Lê Thương và Nguyễn Văn Lợi mỗi người phụ trách một chương trình nhạc thiếu nhi, trong khi Minh Phú, cô giáo trẻ nhất trung tâm, phụ trách hai chương trình Hương Hoa Đất Nước (Địa Lý) và Giáo Dục Cộng Đồng và vài giáo sư khác như Đặng Ngọc Hương, Bạch Tuyết, Nguyễn Long, Nguyễn Thị Thuyết mỗi người tự lo một chương trình khác nhau theo môn học và tất cả được cơ quan USAID tài trợ.

Các ca sĩ hát trong Chiều Nhạc Thính Phòng Trầm Tử Thiêng.

 

Trung Tâm Học Liệu được trang bị máy móc toàn do Mỹ viện trợ, đúng như những đồ nghề tôi đã vọc khi học ở Virginia. Phương tiện kỹ thuật của trung tâm chẳng thua kém gì Đài Sài Gòn và Đài Quân Đội. Từ Nguyễn Long đến Minh Phú điều khiển dàn máy thu thanh hiện đại nhất thời bấy giờ, từ 1972 cô và anh Nguyễn Long phụ trách kỹ thuật thu thanh hầu hết cho các chương trình Phát Thanh Học Đường, bù lại, Trầm Tử Thiêng, Hồng Vân, Kim Thương sẽ dùng giọng nói để đóng các vai già, thanh niên, thiếu nữ hoặc các em nhỏ cho chương trình Hương Hoa Đất Nước của Minh Phú hoặc chương trình của các anh chị khác. Cám ơn Minh Phú đã bổ sung cho tôi nhớ lại những điểm đặc biệt của phòng Phát Thanh Học Đường này. Các chương trình giáo dục về khoa học, địa lý, kiến thức, nhân văn của Trung Tâm Học Liệu được phát trên Đài Phát Thanh Saigon và Đài Truyền Hình số 9. Khán giả thiếu nhi và gia đình rất say mê các chương trình giáo dục này nhất là Chương Trình “Đố Vui Để Học” trên đài truyền hình toàn quốc và chương trình “Truyền Hình Bộ Giáo Dục” có tôi che gió.

Anh Trầm Tử Thiêng, làm việc với tinh thần rất nghiêm túc. Nói về người phụ tá của mình ông Hùng Lân đã từng tâm sự: “Chưa bao giờ thấy anh ấy đến trễ một phút, và vào tới là cặm cụi làm việc ngay.” Ông cũng khoe một chút về người hàng xóm Trầm Tử Thiêng, ở sát vách nhà ông tại đường Tự Đức  “Anh chị ấy” đi về êm ả, nói năng nhỏ nhẹ, không hề gây tiếng động làm phiền hàng xóm.”

Anh chị ấy là anh Lợi và chị Tần, các anh chị em trong Trung Tâm Học Liệu chúng tôi được chứng kiến, đồng cảm một cuộc tình tuyệt vời đã được diễn tả trong các tình khúc của anh.

Chị Đỗ Thái Tần mà tất cả chúng tôi chỉ gọi là chị Lợi. Gia đình anh chị mua một căn nhà ở sát vách nhà nhạc sĩ Hùng Lân. Các sinh hoạt ngoài đời thỉnh thoảng anh đem chị đến dự như họp mặt của giáo chức Sư Phạm Saigon, hoặc tiệc tùng của anh chị em trong sở, v.v…

Giáo Sư-MC Quyên Di và ca sĩ Thanh Lan.

Phòng Phát Thanh Học Đường và nhất là phòng làm việc của anh Trầm Tử Thiêng hoặc Quán Cóc tại phía sau của Trung Tâm do Quản Thủ “Anh Cung” là nơi tiếp đón các ca nhạc sĩ như Nhật Ngân, Duy Khánh, Nhật Trường, Khánh Ly, Nguyễn Đức Quang… ra vào tấp nập.

1975 chiến sự biến chuyển dồn dập, anh em lao xao, ưu tư về vận nước. Anh Trầm Tử Thiêng vì tự ái ở lại không đi theo chị. Sau 75 anh và cô Minh Phú còn được lưu dụng vì là nhân viên Phòng Ghi Âm. Anh nhận được thư và hình chị gởi từ Mỹ về, anh khoe và tâm sự với Minh Phú: “Trong đời,  tôi chưa làm điều gì sai phải hối hận nhưng việc từ chối không đi Mỹ theo gia đình chị Tần là việc tôi làm rất sai.” Thì ra, thầy giáo Nguyễn Văn Lợi nhà  nghèo, trong khi tiểu thơ họ Đỗ là công chúa, con giám đốc mỏ than Nông Sơn, chủ tiệm kim hoàn. Chữ môn đăng hậu đối đã ngăn cách mối tình trong sáng của hai anh chị hồi trẻ. Từ năm 1970, cuộc tình Lợi-Tần mới chính thức thành tựu. Cho tới biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Gia đình nhạc phụ ngỏ ý cho ghép tên anh Lợi vào hộ di tản chính thức. Vì tự ái, anh từ chối, viện cớ còn mẹ già em dại. Trầm Tử Thiêng lặng lẽ tiễn chân vợ và hai con (con của chị nhưng anh thương như con ruột) chia phôi biền biệt. Cuộc tình của anh đi vào ngõ cụt, nhớ nhung dày vò tim não, tưởng chừng bị chìm đuối. Giai đoạn này anh sáng tác vài tình khúc cho hàng triệu người thưởng thức, nhưng, chỉ một người quặn thắt con tim. Được hỏi chị Tần có ghi chép lại những bài hát của anh không? Thái Tần bảo “tôi thuộc từng ca khúc, nhớ hết mỗi câu, nằm lòng  các chữ, không chừa dấu chấm, dấu than và tôi còn được anh giao giữ cả thùng tài liệu”.

Những đắng cay, đói rét, tù đày không đau buốt bằng sự ngăn cách một đại dương với một nửa trái tim, Trầm Tử Thiêng viết ca khúc để đời “Mười Năm Yêu Em” khi gặp lại chị Tần tại Cali, chị vẫn còn thương yêu anh như thuở nào, trở thành tuyệt phẩm hay và chua xót nhất của tình người.

Ca sĩ Chung Tử Lưu và ca sĩ Hương Lan.

Mười năm yêu em. Em thấm đời mộng mị
Mười năm yêu em, Ta thấu tình cuồng si
Mười năm yêu em, ta hóa thành chiếc lá
Trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống
Tình chưa yên vui, bên sóng đời cuồng nộ
Chợt đêm chia phôi ngăn cách một đại dương
Từng đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến chờ

Mười năm tang thương (1975-1985) khi  Trầm Tử Thiêng kẹt lại, sinh hoạt văn hoá của anh cũng bị ngừng. Trong thời chiến anh ca ngợi sự chiến đấu dũng cảm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gẫy” và “Bài Hương Ca Vô Tận” biến thành bản án với chế độ, nhạc anh bị khép vào loại văn hóa phản động, được đưa về Bắc Bộ Phủ để nghiên cứu từ nhạc đến lời.

Trầm Tử Thiêng phải giấu tên, trốn tránh, tìm đường vượt biên nhiều lần nhưng bất thành, bị bắt ở tù hơn một năm, từ khám lớn Rạch Giá, Trầm Tử Thiêng viết bài “Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển,” sau đó anh bị đày xuống trại cải tạo lao động U Minh, sống chung với anh em công chức cao cấp và sĩ quan QLVNCH.

Xót xa nhìn những người hùng một thời, nay sa cơ nằm trong tay giặc, một buổi chiều từ láng nhìn ra, từng đám tù cải tạo, sau một ngày lao động trở về, tả tơi như những thây ma, tủi nhục, Trầm Tử Thiêng viết bài “Hành Ca Trên Nông Trường Oan Nghiệt”:

Anh em độ vài trăm, anh em độ vài ngàn, anh em chừng mươi vạn, chới với dưới mặt trời hắc ám, như không hẹn hò ai, đau thương chung một ngày. Ngước mắt anh em nhìn nhau. Cười vang vương đồng loại. Bao năm chưa nghỉ ngơi, Ðiêu linh qua từng thời. Anh em mù loà nhân đạo, đua nhau nuôi thù hằn tiếp nối.

Khán giả tham dự đầy hết chỗ tại nhà hàng Moon Light.

Những tình khúc chia ly. Thời gian mười năm còn ở lại, Trầm Tử Thiêng vẫn sáng tác, ghi dấu những cuộc chia ly: Người vượt biển ra đi, kẻ tìm đường di tản, Trầm Tử Thiêng viết một số ca khúc như: “Gởi Em Hành Lý” như một lời nhắn ra nước ngoài, cảm nhận nỗi đau thương nơi quê nhà, những phút chia ly thật cảm động. Kế đó là những bài “Tình Khúc Sau Cùng,” “Một Thời Uyên Ương,” “ Dứt Bão, Bắt Đầu Nước Mắt.”

Ca khúc nói đến chia ly có những bài như “Người Ở Lại Đưa Đò,” nói về một người cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, ở lại, làm nghề đưa đò cho người vượt biển.

Bài đưa đò thứ hai, cảm động hơn, chí tình hơn: “Mẹ Hậu Giang.” Ngày xưa bà mẹ Hậu Giang đưa đò cho những người con theo kháng chiến chống Pháp, đánh đồn, sập bót. Giai đoạn kế, bà mẹ bị lôi cuốn vào cuộc chiến, nhưng lại không ở cùng chiến tuyến, hỗ trợ con theo chiêu bài kháng chiến. Sau khi quê hương bị chụp mũ bởi mỹ từ “giải phóng” mẹ hậu giang bừng mắt, nhận biết mình bị lừa, bà lại đưa đò chở những người con lần lượt bỏ nước ra đi sau năm 1975. Trầm Tử Thiêng viết rằng:

Mẹ hậu giang âm thầm quay dìa hậu giang, chèo chống thêm cảnh ly tan, tình mẹ hậu giang. Ngày xưa thương con đưa đò, ngày nay thương con đưa đò.

Cuối cùng Trầm Tử Thiêng cũng thoát đuọc. Anh em hải ngoại chào đón anh. Ngay khi còn trên đảo một lộ trình hành động đã vạch ra, thênh thang hoan lộ. Trầm Tử Thiêng mỉa mai bằng ca khúc, ghi dấu giai đoạn đầu đen tối của đất nước, gói ghém trong bài “Du Ca Trên Thành Phố Đỏ,” “Một Thời Uyên Ương.”

Nhắc đến “Du Ca,” xin mở một dấu ngoặc kép, nói về một thể nhạc khác của Trầm Tử Thiêng, viết cho tuổi trẻ trong phong trào du ca. Trầm Tử Thiêng tích cực tham gia phong trào với “trưởng tràng” Nguyễn Đức Quang, hát tập thể, nối vòng tay nhau, nhìn rõ mặt nhau, tìm ý nghĩa cho cuộc sống.

Trầm tử Thiêng cùng Trần Đình Quân và Nguyễn Thị Nhuận trong Buổi Hát Cho Người Vượt Biển tại hội trường nhật báo Người Việt (1986).

Trở lại với Trầm Tử Thiêng, lúc đến trại tỵ nạn anh sáng tác hăng hơn, tự do hơn. Tự ví mình như con sâu, gói tròn trong cái kén, 10 năm sau mới mọc cánh, cắn lủng cái vỏ để thoát ra, bay đi thành cánh bướm:

Ta như con sâu, 10 năm nhốt đời trong cái kén, cố xé đau thương từng đêm đen. Mộng tìm một không gian rộng thênh thang, trút nỗi đau và ca lên….

Trầm Tử Thiêng không vì cái kén đã kềm hãm anh 10 năm mà trở thành cùn nhụt. Anh vẫn tiếp tục sáng tác. Bên cạnh những bài viết cho cuộc sống mới như “Mười Năm Yêu Em,” “Chợt Nghĩ Về Hai Nơi,” “Hãy Ngủ Yên Tình Yêu,” anh vẫn khắc khoải hướng về đất nước bằng tâm trạng của kẻ lưu vong. “Ðêm Nhớ Về Sài Gòn” là một điển hình:

Ta như cậu bé mồ côi. Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi. Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn: Ðể đêm đêm nhớ về Sài Gòn

Nói về Trầm Tử Thiêng tôi có thể viết một bộ bách khoa tự điển, nhưng thôi! Để tưởng niệm, đến đây tôi xin khép lại. Trầm Tử Thiêng được mọi người mến mộ, nhưng chỉ một người có cùng nhịp thở với tim anh.

Tôi cảm thông với nửa trái tim còn lại của Trầm Tử Thiêng,

Cám ơn  chị Nguyễn Văn Lợi, Đỗ Thái Tần đã giúp bạn tôi trở thành huyền thoại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT