Monday, April 15, 2024

Tina Huỳnh và niềm đam mê gìn giữ văn hóa Việt Nam qua nhạc thiếu nhi

Trà Nhiên/Người Việt

TACOMA, Washington (NV) – “Sách thanh nhạc và đĩa nhạc thiếu nhi của các nước khác được phát hành rộng rãi nhưng lại không có bài nào của nước Việt Nam ta. Thế là, tôi soạn thảo quyển sách dạy nhạc thiếu nhi Việt Nam để giúp thế hệ trẻ sau này lưu giữ văn hóa và nguồn cuội, nhưng rất tiếc là một số nhà xuất bản từ chối vì họ sợ không ai mua.”

Giáo Sư Tina Huỳnh còn là nghệ sĩ thổi sáo chuyên nghiệp, trình diễn độc tấu ở nhiều buổi hòa nhạc khắp Hoa Kỳ, Canada và Pháp. (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

Đó là tâm sự của Giáo Sư Tina Huỳnh, hiện đang dạy ngành giáo dục âm nhạc tại đại học University of Puget Sound, Washington.

Nữ giáo sư sinh năm 1981 này chính là biên kịch kiêm nhà sản xuất của “Songs of Little Saigon,” phim tài liệu âm nhạc vinh danh nghệ sĩ Việt tị nạn, sắp được trình chiếu ở các liên hoan phim tại California.

Ngoài ra, cô Tina tinh thông nhiều loại nhạc cụ, trong đó thổi sáo là sở trường của nữ nghệ sĩ, người có 20 năm “hết mình” với âm nhạc.

Mong “The Vietnamese’s Children Songbook” sẽ lưu giữ văn hóa Việt, phẩm chất Việt

“Tôi thấy một số phụ huynh vẫn hát nhạc thiếu nhi Việt Nam cho con nghe nhưng một số gia đình thì hơi Mỹ hóa nên có các em nhỏ không hề biết về sự tồn tại của thể loại nhạc này,” nữ giáo sư cho hay.

“Tôi nhớ là hồi nhỏ mẹ cũng hay hát các bản nhạc thiếu nhi cho nghe,” rồi cô ngân nga: “Con mèo mà trèo cây cau…” hay “kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng…”

Cô bày tỏ: “Tôi ngấm nhạc thiếu nhi và văn hóa Việt Nam là nhờ bố mẹ vì gia đình tôi rất truyền thống, và luôn nói tiếng Việt ở nhà. Nhưng, đã có lúc tôi xao lãng nguồn gốc của mình.”

Thời trung học, cô Tina từng cảm thấy “lạc lõng” vì là người gốc Việt sống ở môi trường Mỹ. Cô kể rằng luôn muốn bắt chước các bạn Mỹ đồng trang lứa rồi tự cảm thấy “mâu thuẫn” với giá trị và văn hóa của chính mình.

“Chỉ có âm nhạc là thứ khiến tôi tập trung và nó giúp tôi khẳng định giá trị đích thực của mình đó là người Việt, gốc Việt,” cô nhớ lại.

Nhận thấy thế hệ trẻ sinh trưởng tại Mỹ dần “xa rời” văn hóa và giá trị Việt nên cô Tina dồn “sức” vào quyển nhạc thiếu nhi vì không muốn truyền thống nhạc Việt dần bị mai một trên đất Mỹ.

Cô in sách nhạc “The Vietnamese’s Children Songbook,” gồm 10 bài hát thiếu nhi song ngữ Việt-Anh, có hình minh họa nội dung bài hát đầy màu sắc, cùng đĩa CD để phụ huynh, giáo viên, và các em nhỏ cùng thưởng thức và cùng ôn lại lịch sử và truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường có vẻ chưa thật sự sẵn sàng đón nhận vì “The Vietnamese’s Children Songbook” vẫn chưa tìm được nhà xuất bản.

Điều đó cũng nói nên rằng sức ảnh hưởng của người Việt Nam vẫn chưa đủ lớn, đặc biệt ở thể loại nhạc thiếu nhi.

“Phải lòng” tiếng sáo từ năm 10 tuổi, cô Tina Huỳnh quyết tâm khổ luyện để thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

Cơ duyên với âm nhạc

Cô Tina Huỳnh sinh ra ở Santa Ana, và lớn lên ở vùng Little Saigon, miền Nam California, nơi đã truyền cho cô nhiều cảm hứng nghệ thuật và cũng là tiền đề cho các nghiên cứu âm nhạc của cô ở bậc cao học.

“Khi 6 hay 7 tuổi thì tôi bắt đầu chơi piano,” cô nhớ lại.

Cô nói thêm: “Đến năm tôi 10 tuổi thì có lần cô giáo thanh nhạc đến thăm lớp và mang theo một vài loại nhạc cụ để làm mẫu cho học sinh xem, và để biết chúng tôi thích học loại nào.”

“Khi nghe cô giáo cất hơi thổi sáo là tôi đã ‘đắm say’ với âm thanh ấy. Tiếng sáo thanh thoát và đẹp làm sao!,” cô cười nói.

Thế là, cô học sinh cấp một quyết tâm rèn luyện để thành nhạc công chơi sáo chuyên nghiệp.

Sau nhiều năm khổ luyện, nữ nghệ sĩ tự tin trình diễn ở nhiều chương trình và buổi hòa nhạc khắp Hoa Kỳ, Canada và Pháp.

Cô còn phô diễn tài nghệ qua những cuốn phim ngắn, video ca nhạc, album, và nhiều màn độc tấu cùng một số dàn nhạc giao hưởng, đơn cử như Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (Vietnamese American Philharmonic).

Thuở đôi mươi, cô Tina còn chơi kèn saxophone trong ban nhạc Star Band, trình diễn quanh cộng đồng Little Saigon khoảng năm 1998-2002.

“Chúng tôi chỉ chơi cho vui để thỏa niềm đam mê thôi, nhưng tôi học được nhiều điều trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy,” cô tâm sự.

Các nhạc công trong Star Band đều là “những tên tuổi” trong cộng đồng,” gồm: Bác Sĩ Phạm Gia Cổn (tenor saxophone), nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng (alto saxophone), nghệ sĩ Nguyễn Đức Lưu (tenor saxophone), Tiến Sĩ Nguyễn Trình (trống), và Bác Sĩ Phạm Nghiêm (bass guitar).

“Chính bác Nguyễn Đức Lưu chỉ tôi cách thở để thổi saxophone hay hơn mà không bị đuối hơi,” cô kể.

Cô tiếp: “Tôi có hỏi bác Lưu là sao không ăn gì trước khi trình diễn, bác chỉ cười rồi mách tôi là bác cố tình không ăn để bụng có chỗ, nhằm khi lấy hơi thổi saxophone sẽ hay và dài hơn,” cô cười khi nhớ về kỷ niệm xưa.

Cô cũng cho biết thêm là các vị trong ban nhạc, đặc biệt là Bác Sĩ Phạm Gia Cổn hay ngồi uống cà phê với cha cô ở quán Coffee Factory, Westminster.

Cuốn sách nhạc thiếu nhi “The Vietnamese Children’s Songbook” là tâm huyết của nữ nghệ sĩ. (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

“Theo đuổi điều khiến con vui là được!”

Khi biết cô muốn học chuyên ngành thanh nhạc, cha cô Tina hoàn toàn ủng hộ vì ông biết âm nhạc chính làm niềm đam mê, là nguồn sống của cô con gái.

“Theo đuổi điều khiến con vui là được,” cô Tina nhớ lại lời cha.

Cô mỉm cười, rồi tiếp: “Bố tôi thích làm thơ lắm! Ông có thể ‘xuất khẩu thành thơ’ bất cứ đâu. Thỉnh thoảng ông còn ngân nga mấy bài hát nữa.”

Ngoài ra, thân phụ của cô Tina còn là một võ sư. Ông tên là Huỳnh Sơn, từng là cảnh sát của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi sang Mỹ năm 1975, ông lập võ đường với danh xưng võ sư Hùng Phong.

“Tuy gia đình tôi không có truyền thống nghệ thuật nhưng bố mẹ tôi lại xem nghệ thuật là thú vui tao nhã,” cô nói.

“Mẹ tôi là Võ Thị Thu hay Huỳnh Thu. Thú vui của bà là cắm hoa. Bà đến trường cắm hoa thường xuyên và sau này là thành viên trong hội cắm hoa truyền thống Ikebana và cũng biểu diễn ở các buổi triển lãm,” cô Tina kể.

Ikebana là nghệ thuật “hoa đạo” của Nhật với ý nghĩa là “truyền sinh khí cho hoa.”

“Không chỉ khéo tay với hoa mà mẹ tôi còn là thợ cắt tóc nữa,” cô hãnh diện cho hay.

Cô kể thêm: “Có vẻ như mẹ không thích tôi theo đuổi nghệ thuật cho lắm nhưng bà vẫn luôn ủng hộ tôi.”

Cô cho biết là cha mẹ luôn tạo điều kiện cho con gái theo đuổi đam mê.

“Theo tôi nhớ là tôi luyện sáo bất kể ngày đêm và họ cũng không phàn nàn gì,” cô nói.

Nghẹn lời… một vài giây, cô tiếp: “Chính bố mẹ đã hy sinh nhiều điều cho tôi nên tôi luôn cố gắng hết sức để dành những điều tốt đẹp nhất cho họ.”

Cô Tina Huỳnh và cha, người đã ủng hộ cô mạnh dạn theo đuổi đam mê. (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

Tâm huyết với khúc ca “Songs of Little Saigon”

Dự án vinh danh các nghệ sĩ gốc Việt cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cộng đồng được cô Tina ấp ủ từ lâu.

“Ban đầu tôi định tường thuật bằng một bài luận nhưng thiết nghĩ sẽ kén người đọc nên đổi qua thể loại khác, tượng thanh và tượng hình hơn,” cô bộc bạch.

Và, phim tài liệu chính là câu trả lời.

“Songs of Little Saigon” là “khúc ca” mà cô Tina muốn tri ân các bậc tiền bối, những nghệ sĩ tị nạn dù phải bắt đầu lại từ đầu sau khi đến Mỹ, nhưng vẫn luôn “cháy” hết mình với âm nhạc.

Sau ba năm thực hiện kể từ 2018, “Songs of Little Saigon” của cô Tina Huỳnh và đạo diễn James Rael, cuối cùng cũng trình làng khán giả vào Tháng Mười năm nay.

“Songs of Little Saigon” quy tụ dàn nghệ sĩ gồm nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng (Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ), bà Nguyễn Mỹ Lệ (Westminster Piano School), ca-nhạc sĩ Lê Toàn, Giáo Sư Nguyễn Mai và Giáo Sư Nguyễn Châu (Lạc Hồng Performing Arts Group), ca sĩ Phạm Hà, và nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt.

Để  biết thêm chi tiết về “Songs of Little Saigon,” xin vào trang web: www.songsoflittlesaigon.com

Poster phim tài liệu “Songs of Little Saigon.” (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

Thêm vào đó, cô cũng luôn biết ơn nhạc trưởng Joe Massaro và nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, những người thầy, những “người cha” đã dìu dắt cô trên “những nẻo đường âm nhạc.”

“Thầy Massaro là nhạc trưởng tài hoa của ban nhạc ở trường ‘high school’ của tôi. Chính ông là người truyền ‘lửa’ cảm hứng cho tôi tiếp tục học nhạc,” cô Tina kể.

“Thầy Hồng thì luôn khích lệ tôi rằng ‘làm điều mà con đam mê và đừng bao giờ nản chí,’” cô Tina trích lời nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng.

Cô Tina Huỳnh tốt nghiệp cử nhân ngành Âm Nhạc và Pháp Văn ở đại học California State University, Long Beach. Cô cũng có bằng cao học và DMA (Doctor of Musical Arts) ngành Âm Nhạc tại đại học University of Southern California.

Cô từng dạy thanh nhạc ở Học Khu Capistrano, Học Khu Los Angeles, và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA).

Cô cũng đạt nhiều giải thưởng âm nhạc của các đại học Hoa Kỳ.

Những lúc “rời xa” âm nhạc, nữ nghệ sĩ thường “hòa mình” cùng thiên nhiên và núi rừng. (Hình: Tina Huỳnh cung cấp)

Nói về dự định tương lai, nữ giáo sư tâm sự: “Tôi muốn gìn giữ văn hóa Việt Nam và tạo cơ hội để nghệ sĩ tự do bộc bạch câu chuyện của chính mình.” [qd]


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT