Thursday, March 28, 2024

Vu Lan bao la tình mẹ tại Chùa A Di Đà, Westminster

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Năm xưa tôi còn nhỏ/ Mẹ tôi đã qua đời!/ Lần đầu tiên tôi hiểu/ Thân phận trẻ mồ côi/ Quanh tôi ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi…/ Hoàng hôn phủ trên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi thấy tôi mất mẹ/ Mất cả một bầu trời.”

Đó là những vần thơ trong đoản văn “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để dâng mẹ, và làm quà Vu Lan cho những người có diễm phúc còn mẹ. Đây cũng là chủ đề trong đại lễ Vu Lan 2017 được tổ chức tại chùa A Di Đà, Westminster, hôm Chủ Nhật, 27 Tháng Tám.

Đặc biệt năm nay với phần thuyết pháp “Tình Mẹ và Bông Hồng Cài Áo,” sau đó buổi lễ chính thức với phần tưởng niệm Chư Thánh Tử Đạo (1963) và Hòa Thượng Trưởng Lão Thích Tiêu Diêu tự thiêu Tháng Sáu, 1963, tại chùa Từ Đàm Huế để bảo vệ chánh pháp.

Trong lễ khai mạc, Sư Bà Thích Nữ Như Ngọc, viện chủ chùa, nói: “Mùa Vu Lan năm nay, chúng con vâng theo lời Phật dạy, noi gương Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên, hướng về cội nguồn để báo hiếu, báo ân và đáp nghĩa của người con Phật đối với chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, sư tổ, sư phụ, ân sư, cùng cửu huyền thất tổ chúng con đã qua đời, sớm được siêu thăng, cha mẹ hiện còn được tăng phước thọ, và toàn thể Phật tử được ân triêm công đức để cố gắng duy trì đạo niệm.”

“Ngày Vu Lan là ngày tri ân và báo ân. Chúng ta cùng giữ tinh thần mà mọi người, từ người xuất gia cho đến tại gia đều rất quý trọng, đó là đạo hiếu. Sanh ra trong đời, ai cũng có mẹ cha, chúng ta mang cái ơn cha mẹ rất lớn. Những người xuất gia lạy cha mẹ trước khi đi tu, hoặc đều về thăm khi cha mẹ đau ốm, hoặc đưa cha mẹ vào chùa ở để chăm sóc lúc tuổi già,” sư bà nói tiếp.

“Không phải đợi đến ngày Vu Lan mới làm lễ để nhớ ơn cha mẹ, ai đã đọc quyển ‘Bông Hồng Cài Áo’ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, đều hoan hỉ vui mừng khi còn cha mẹ và cảm thấy tủi thân cho sự mất mát lớn nhất trong đời là khi mẹ cha không còn nữa!” sư bà nói thêm.

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm trước chánh điện, chư tôn đức cùng Phật tử đọc một thời kinh Vu Lan.

Quang cảnh Đại Lễ Vu Lan tại chùa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hai MC Thanh Vân và Huê Mỹ thay nhau diễn đọc tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo,” tiếp theo là các em Gia Đình Phật Tử với nghi thức cài hoa hồng trắng và đỏ lên áo chư tôn đức và Phật tử.

Phần văn nghệ cúng dường của nhóm Hương Từ, em Hà Tiên và bé Tuệ Tâm, cùng ban nhạc Hoàng Thanh góp phần ấm áp mùa Vu Lan tại chùa A Di Đà, sau đó mọi người cùng thưởng thức cơm chay do bếp nhà chùa khoản đãi.

Bé Tuệ Tâm, học lớp 7 trường Mc Garvin Intermediate School, Westminster, đọc một bài ngắn do em viết nói về tình mẹ: “Tình mẫu tử là tình yêu người mẹ dành cho con mình, kể từ khi chưa tượng hình đến khi mẹ nhắm mắt xuôi tay. Khi con còn bé thơ, chập chững tập đi tập nói thì mẹ đứng ra che chở cho con, mẹ tặng con tuổi thơ yên bình ấm áp. Rồi khi lớn lên từng bước vào đời, mẹ vẫn luôn ở phía sau âm thầm dõi theo con và dẫu con có đi xa đến đâu, chỉ cần quay đầu lại là mẹ vẫn luôn ở đó, vì mẹ là nhà, là yêu thương. Mẹ là người có thể thay thế tất cả nhưng không ai có thể thay thế được mẹ, người dạy con rất nhiều điều: Phải sống trung thực, ngay thẳng, phải biết ơn nhưng không được nhớ oán.”

Bài đọc ngắn này diễn ra trong chánh điện, trong không khí trang nghiêm, cùng các Phật tử hiện diện, đã làm rơi lệ bao tâm hồn thổn thức nhớ về mẹ.

Ca sĩ Tuyết Minh trong nhạc phẩm “Chuyện Một Con Đò” để nhớ ơn thầy tổ đã dạy dỗ học trò nên người. Thầy là chuyến đò chở nặng yêu thương, bao nhiêu năm tháng chở học trò qua sông tìm về chánh giác.

Hợp ca “Liên Khúc Mừng Vu Lan” của nhóm Hương Từ, bé Hà Tiên với bài “Mẹ,” cùng ban nhạc Hoàng Thanh trong những bài hát cúng dường mừng Đại Lễ Vu Lan, đã làm nên một ngày ấm áp tình mẹ bao la.

Phật tử Phổ Diệu, lần đầu tiên tham dự lễ Vu Lan ở chùa A Di Đà, cho biết bà dự lễ Vu Lan mỗi năm ở nhiều nơi, lần này tại chùa, bà hết sức thấm thía ý nghĩa của ngày lễ và những tục lệ của người Việt về đạo hiếu với cha mẹ.

“Khi nghe diễn đọc bài ‘Bông Hồng Cài Áo,’ nhất là khi nghe em bé Tuệ Tâm đọc bài văn em viết, tôi xúc động muốn khóc. Tôi nhớ rất nhiều về mẹ và tuổi thơ của tôi cùng đàn em, mẹ vất vả trăm bề, một gánh sữa đậu nành sớm tối đi khắp các nẻo đường quận 4, Sài Gòn, nuôi đàn con nhỏ dại khi chồng ở tù ngoài Bắc sau năm 1975. Ôi nhớ mãi tình mẹ bao la biết bao giờ mới gặp lại,” bà thổn thức nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT