Friday, March 29, 2024

Winston Phan Đào Nguyên ra mắt sách minh oan cho cụ Phan Thanh Giản

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi ra mắt sách “Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” (Họ Phan, họ Lâm bán nước, triều đình bỏ rơi dân chúng) của Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên, với nhiều chứng cứ và tình tiết mới, được công bố trong buổi hội thảo tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Năm.

Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Diễn giả chính của buổi hội thảo, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên cũng chính là tác giả cuốn sách ra mắt, cùng với sự tham gia của nhà văn Phạm Phú Minh, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, và nhà báo Phan Thanh Tâm.

Tại buổi hội thảo, một số sách xưa và nay viết về cụ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn, cùng một số chứng cứ, những sử liệu, những công văn của miền Bắc đề cập tới vụ án này, và có cả những văn thư từ hải ngoại để phản bác vụ án.

Cuốn sách có ba phần gồm: Phần thứ nhất, giới thiệu sơ về vai trò của câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” đã được dùng như một bản án, một bằng chứng, và là cách để bác bỏ đơn xin khoan hồng của những người kêu gọi cứu xét lại cho cụ Phan, khi các sử gia miền Bắc vào năm 1963 lên án cụ Phan trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử do ông Trần Huy Liệu, viện trưởng Viện Sử Học Miền Bắc, cũng là tổng biên tập của tờ báo này. “Mọi chuyện bắt đầu từ đó khi các sử gia miền Bắc đều dùng câu ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’ để lên án cụ Phan Thanh Giản là người ‘bán nước’ và ‘đầu hàng Pháp,’” Luật Sư Nguyên dẫn chứng.

Tác giả Winston Phan Đào Nguyên ký tặng sách “Phan Thanh Giản và vụ án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’” cho độc giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Phần thứ ba cuốn sách chứng minh rằng ông Trần Huy Liệu cũng chính là tác giả của chuyện Lê Văn Tám, và cũng chính là người đã sáng chế ra câu này để lên án cụ Phan.

Trong phần thứ hai cũng là phần chính của cuốn sách, tác giả muốn nói đó là sự ngụy tạo lịch sử của ông Trần Huy Liệu về cụ Phan.

Có sự kỳ thị Nam Bắc?

Tại sao miền Bắc chỉ lên án hai nhân vật quan trọng của miền Nam là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, có sự kỳ thị Nam Bắc không?

Theo sự nghiên cứu của Luật Sư Nguyên thì miền Bắc không kỳ thị Nam Bắc, vì họ đã từng ngợi khen những người như Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu là những người chủ trương đánh Pháp tới cùng.

“Nói cách khác thì miền Bắc chỉ khen những người miền Nam theo chính sách chủ chiến như họ, và ngược lại họ lên án những người theo chính sách ngoại giao chủ hòa như Phan Thanh Giản. Đó là lý do tại sao chúng ta nghe có câu ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân,’ và có sự tuyên án trong phiên tòa lên án Phan Thanh Giản,” Luật Sư Nguyên giải thích.

Từ trái, nhà văn Phạm Phú Minh, nhà báo Phan Thanh Tâm, Luật Sư Winston Phan Đào Nguyên, và Giáo Sư Nguyễn Trung Quân trong buổi hội thảo. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” câu thần chú vạn năng

Theo Luật Sư Phan Đào Nguyên, câu “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” có rất nhiều công dụng, ông gọi là “câu thần chú vạn năng.” Mỗi khi các sử gia miền Bắc muốn lên án cụ Phan về bất cứ điều gì thì cứ đem câu này ra, nó là bản án, là bằng chứng, là cách để bác bỏ đơn xin khoan hồng cho cụ Phan.

“Câu thần chú này tại sao hay như vậy, nó được dùng trong trường hợp nào, câu chuyện quanh nó như thế nào? Theo ông Trần Huy Liệu kể, thì nó xảy ra năm 1861 sau khi Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và tiếp theo sau đó 1862 chiếm luôn tỉnh Vĩnh Long,” ông Nguyên nói.

“Triều đình nhà Nguyễn muốn thương thuyết với Pháp mới có Hòa Ước Nhâm Tuất 1862, nên đồng ý cắt hết ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, nhưng trong đó có Điều 11 là triều đình nhà Nguyễn có thể lấy lại tỉnh Vĩnh Long, nếu kêu gọi được các lãnh tụ kháng chiến như Trương Định phải giải giáp, bãi binh thì Pháp phải trả lại tỉnh Vĩnh Long, đó là lý do có câu ‘thần chú vạn năng’ của ‘sử gia’ Trần Huy Liệu,” Luật Sư Nguyên cho biết.

Nhà báo Phan Thanh Tâm: “Ông Trần Huy Liệu đã dựa vào sự bịa đặt để kết án Phan Thanh Giản.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Khái niệm “Địch, Ta” của sử gia Trần Huy Liệu

Luật Sư Nguyên cho biết Trần Huy Liệu vẽ ra bức tranh lịch sử với sự gán ghép khái niệm “địch, ta,” khi trước đây ta là người Việt, còn địch là người Pháp. Nhưng với ông Trần Huy Liệu và các sử gia miền Bắc thì ta là nhân dân mà đại diện là nghĩa quân chống Pháp, còn địch là Pháp và triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là Phan Thanh Giản.

“Năm 1955 ông Trần Huy Liệu đã tung ra khái niệm ‘địch, ta,’ vì sau khi Hiệp Định Geneve 1954 chia ra hai miền Bắc Nam, vì không có tổng tuyển cử nên miền Bắc phải dùng vũ lực quyết đánh chiếm miền Nam, do đó họ đặt ra việc phải lên án triều đình nhà Nguyễn và cụ Phan Thanh Giản là ‘địch’ đã bắt tay với Pháp. Sau này thì chính quyền miền Nam với Mỹ là ‘địch,’ còn ‘ta’ là nhân dân và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” Luật Sư Nguyên chỉ rõ.

“Nhưng sau khi nghiên cứu thật kỹ các tài liệu lịch sử thời đó, thì thấy thật ra không phải chỉ có phe ‘địch’ và ‘ta,’ mà còn có một phe thứ ba đó là phe ‘nhân dân’ mà ông Trần Huy Liệu đặt ra. Lịch sử không thể dựa vào những việc đơn giản hoặc những câu nói chưa đúng sự thật. Trong thời điểm đó, chính Phan Thanh Giản mới là người bảo vệ dân, và người dân lúc ấy rất tôn sùng ông,” Luật Sư Nguyên nói.

Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 có 12 điều khoản, trong đó có Điều 11 là điều chính yếu quan trọng nhất, mà Phan Thanh Giản đã đàm phán và được Pháp chấp nhận, với kết quả là Pháp phải trả lại tỉnh thành Vĩnh Long cho triều đình nhà Nguyễn mà không thấy ai nhắc tới.

“Trong khi đó, những ‘sử gia’ người Việt như ông Trần Huy Liệu thì lại do không thèm, không chịu hay không muốn đọc Hòa Ước 1862, nên đã mạnh miệng tuyên bố rằng cả 12 điều của nó đều là sự nhục nhã cho nhà Nguyễn, để quy hai trọng tội ‘đầu hàng’ và ‘mãi quốc’ cho Phan Thanh Giản” (trang 131 sách đã dẫn).

Buổi hội thảo “Vụ Án Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” trong không khí sôi nổi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhà báo Phan Thanh Tâm cho biết: “Tháng Tám, 1963, ông Trần Huy Liệu đã tổ chức một tòa án để lên án cụ Phan Thanh Giản, dựa vào câu ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’ là một nguồn dư luận để kết án một danh nhân đất nước,… họ đã dựa vào sự bịa đặt để lên án cụ Phan. Và Tháng Giêng, 2022, Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng Sản đã ra công văn, không được lấy tên Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký để đặt tên đường, phố, và công trình công cộng!”

Dược Sĩ Bùi Hoàng Ân, cựu học sinh trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, một nhân chứng trong vụ đập phá tượng cụ Phan tại sân trường, kể lại câu chuyện như sau: “Năm 1972 tôi gia nhập Quân Y Hải Quân, Khối Quân Y, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn. Sau 1975 tôi trở về quê Cần Thơ, bị tập trung đi tù cải tạo ngay tại ngôi trường xưa của mình. Khi bước vô trường tôi bàng hoàng khi thấy bức tượng cụ Phan, vì lúc tôi còn học ở trường thì chưa có bức tượng này. Khi trình diện xong tôi bước tới để đọc mấy hàng chữ khắc dưới bệ tượng: “Khí thiêng sông núi xương máu tiền nhân/ Trái tim cha mẹ tấm lòng thầy cô/ Ôi những kỳ quan rạng ngời vũ trụ/ Thâm ân vô lượng tâm niệm muôn Thu.”

“Tập trung ở trường Phan Thanh Giản đến khoảng Tháng Sáu, 1975, tôi chứng kiến cảnh bộ đội miền Bắc dùng búa đập phá bức tượng cụ Phan bằng đồng, tiếng búa đập chát chúa vào bức tượng xen lẫn tiếng sấm chớp đầu mùa mưa Tháng Sáu, nghe như tiếng gầm phẫn nộ từ cuối chân trời,” ông Ân kể tiếp.

“Trần Huy Liệu là một sử quan, lại là bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền, chính là người sáng tác ra chuyện cậu bé Lê Văn Tám. Ngay trong đêm cụ Phan uống thuốc độc tuẫn tiết, thì tất cả những cây bần tại ngã ba sông vùng đó đã ngã quỵ xuống, vì thế người dân đã đặt tên là Ngã Ba Bần Quỳ, hiện giờ tên đó vẫn còn, tức là trong lòng người dân vẫn còn cụ Phan,” ông Ân xúc động nói.

Buổi hội thảo ra mắt sách đã đưa ra nhiều chứng cứ mới trong vụ án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” với sự tham dự thật đông của những người muốn tìm hiểu lịch sử, để mang lại công đạo cho cụ Phan Thanh Giản, khi thời gian 160 năm trôi qua với nhiều điểm sai lệch trong vụ án ít ai ngờ. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT