Thursday, March 28, 2024

Khu Bolsa

Tác giả: 35-034

Cha Mẹ của tôi thường hay gọi Little Saigon là Khu Bolsa. Khu Bolsa là tên gọi thân thương của những người Việt tại địa phương dành cho khu Tiểu Sài Gòn, quận Cam, Miền Nam California. Cái tên này không nằm trong sách vở như tên gọi “Little Saigon” nhưng nó lại nằm trong trái tim của những Người Việt sinh sống tại đây và lâu dần, người Việt ở các nơi xa khác, thậm chí cả người ngoại quốc, cũng bắt đầu gọi hai chữ “Khu Bolsa.”

 Khu Bolsa là trái tim của Little Saigon và được gọi theo tên của đại lộ Bolsa (Bolsa Ave), con đường huyết mạch của khu phố thương mại này. Khu Bolsa được bao quanh bởi Xa lộ 22 ở phía Bắc, đường Mc Fadden ở phía Nam, đường Harbor ở phía Đông và đường Golden West ở phía Tây.

(Hình tác giả cung cấp)

Sự hình thành khu Bolsa

Vào thập niên 70’s, Khu Bolsa vẫn còn là vùng đất nông nghiệp chưa phát triển. Có vài cửa hiệu tạp hóa và một tiệm bán thuốc tây nho nhỏ. Kể từ khi làn sóng di cư của Người Việt Tị Nạn đến Hoa Kỳ bắt đầu vào năm 1975, vùng đất này đã chuyển mình. Theo Phan (2010), người Việt đến Hoa kỳ có thể chia thành bốn làn sóng. Làn sóng thứ nhất: Làn Sóng Chạy Loạn từ 1975-1977, gồm những người lánh nạn Cộng Sản ngay sau khi Miền Nam thất thủ. Đa phần của làn sóng người di cư này có liên hệ trực tiếp với chế độ Việt Nam Cộng Hòa hay là những người đã từng kinh nghiệm chế độ Cộng Sản từ Miền Bắc vào Miền Nam năm 1954. Làn sóng thứ hai: Làn Sóng Thuyền Nhân từ 1978-1986, gồm những người Tị Nạn bỏ nước ra đi trên những con tàu nhỏ bé đầy nguy hiểm. Họ đã làm nên lịch sử cho hai chữ “Thuyền Nhân” (Boat People) trong ngôn ngữ thế giới. Làn sóng thứ ba: Làn Sóng Ra Đi Có Trật Tự từ năm 1987-2000. Làn sóng này nằm trong Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program). Đạo Luật Amerasian Homecoming Act năm 1987 chào đón những gia đình có Con Lai và Chương Trình H.O đã đưa các gia đình Cựu Tù Nhân Chính Trị đến Hoa Kỳ. Làn sóng thứ tư: Làn Sóng Bảo Lãnh từ năm 2001 đến hiện tại. Sau những năm định cư tại Hoa Kỳ, người Việt bắt đầu bảo lãnh thân nhân của mình. Những người Việt tại Việt Nam lập gia đình với Người Mỹ Gốc Việt cũng được đoàn tụ.

Vào năm 1978, hai ông Quách Danh, người Sóc Trăng, và ông Frank Jao, người Hải Phòng, đã xây dựng khu thương mại trên đại lộ Bolsa. Báo Người Việt, một tờ báo đứng hàng đầu của người Việt tại Hải Ngoại cũng ra đời vào năm này. Với tinh thần cần cù, hăng say và sáng tạo cộng với quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình, gia đình và cộng đồng, những người Việt đã không ngừng nổ lực để vươn lên. Có cơ quan truyền thông, có cơ sở thương mại, người Việt bắt đầu đầu tư khai lập Khu Bolsa này. Khu Bolsa lớn nhanh như thổi. Ngày 17 tháng 6 năm 1988, một ngày rất quan trọng, khi thủ đô của Người Việt Tị Nạn đã chính thức được đặt tên “Little Saigon” bởi đích thân Thống đốc tiểu bang California, ông George Deukmejian, đã đến chủ tọa buổi lễ trọng thể này.

Kỷ niệm với khu Bolsa

Cha tôi là một thuyền nhân, đến Hoa kỳ vào năm 1981 và được định cư tại tiểu bang Tennessee. Ở đây thời tuyết rất lạnh vào Mùa Đông với tuyết trắng bao phủ. Ban đầu thấy tuyết rất vui thích, nhưng ở lâu ngày cảm thấy buồn bả và muốn đi tìm vùng đất ấm cho gia đình đoàn tụ. Liên lạc được với một người bạn đàn anh, ngày trước cùng làm việc chung ở Tỉnh Quảng Nam, đang sinh sống tại Khu Bolsa, không một chút do dự, Cha tôi “dời đô” về Thủ Đô của Người Việt Tị Nạn ngay.

Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu vào trường đại học. Vì nhà ở gần Trường Đại Học Cộng Đồng Golden West và được những người anh, con của bạn Cha tôi “rủ rê,” tôi ghi danh theo học tại trường đại học đây. Đi học tại đây thật vui vì có nhiều bạn bè người Việt. Chúng tôi phục vụ trong Hội Sinh Viên của trường, Tổng Hội Sinh Viên, làm báo, phục vụ những công tác cộng đồng, tổ chức Hội Chợ Tết, cùng góp tay với Chương Trình Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh. Đại Học Cộng Đồng là một phương tiện rất tốt để mọi người tiến thân ở xứ sở cơ hội này. Theo học ở Đại Hội Cộng Đồng, sinh viên không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề học phí. Riêng tôi nhận được học bổng nên không phải tốn đồng nào cho học phí. Nếu chúng ta xác định được ngành học mà mình chọn, thì hãy tập trung vào học những môn học đòi hỏi để chuyển trường. Sau khi hoàn tất đủ tín chỉ, tôi chuyển lên Đại Học California State University of Fullerton. Hoàn tất chương trình Đại Học bốn năm không mấy gì khó khăn.

Lúc trước khi còn sức khỏe, Cha tôi là một người rất say mê trong các sinh hoạt cộng đồng, cho nên, bạn bè của ông đến nhà chơi thật nhiều. Dịp tiện mở ra, tôi được nhiều cơ hội đàm đạo với những vị đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Miền Nam ngày trước, có những người đã hy sinh đời trai trẻ để chiến đấu ở các Chiến Khu. Tôi học lịch sử: Chiến Tranh Pháp Việt, Nội Chiến Quốc Cộng, Nền Đệ Nhất và Đệ Nhi Cộng Hòa, cho đến sự bình luận sắc bén về từng cá nhân của những vị tướng lãnh và thành phần lãnh đạo cao cấp ngày xưa từ những chứng nhân lịch sử. Thú thật tôi học rất nhiều. Tôi được làm bạn với các quý vị cao niên ấy và các bác gọi tôi là “bạn vong niên.”

Người xưa nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật đúng vậy. Thế hệ có khác biệt, tuổi tác có khác biệt, nhưng nếu chúng ta chịu học hỏi thì không có khó khăn gì. Trong thâm tâm của người Việt thuộc thế hệ thứ nhất luôn muốn truyền đạt những kinh nghiệm, ít nhất là những kỷ niệm, mà mình đã từng trải, cho thế hệ 1.5, 2.0 và 3.0. Họ rất muốn con cháu hiểu một phần nào về quá khứ của đất nước và của họ. Nhưng dường như sự khác biệt thế hệ đã không cho chúng ta có dịp tiện để trình bày và nhận lãnh. Sự khó khăn về khác biệt thế hệ này có thể hóa giải được nếu thế hệ thứ nhất không áp đặt quan điểm của mình và thế hệ thứ hai muốn học tập kinh nghiệm của người đi trước.

Khu Bolsa gắn liền với đời sống tôi. Các biến cố nhớ nhất là những ngày đêm dài biểu tình chống “vụ Trần Trường,” những đêm thắp nến cầu nguyện và hát hùng ca yểm trợ đồng bào quốc nội với ca nhạc sĩ Việt Dũng, những giờ đi bộ yểm trợ cho Thuyền Nhân để xây làng Việt Nam tại Palawan, Philippine, và những ngày hội chợ Tết ngay trên con đường Bolsa này.

Ngoài những sinh hoạt tranh đấu của thời sinh viên, Khu Bolsa cũng là nơi vui chơi bè bạn. Năm ba đứa bạn bè hẹn nhau ở Thạch Chè Hiển Khánh, ngồi ăn chè bưởi thơm lừng, tán gẫu. Mỗi lần thích ăn cơm thì chúng tôi không thể nào bỏ qua hai nhà hàng lừng danh: Cơm Tấm Thuận Kiều và Thành Cơm Tấm. Muốn ăn sáng thì có thể ghé ngang qua quán Rose Garden ở trong khu chợ 99 đối ngang khu thương xá Phước Lộc Thọ. Tại đây, tôi hay thưởng thức món bánh mì bò kho và ly cà phê sữa đá, thật ngon mà giá cả thì chỉ có vài đồng. Chỉ có điều khó chịu khi ngồi ở những “quán ăn bền lề” vào buổi sáng là phải hít khói. Khói ở đây không phải là khói xe mà là khói thuốc lá. Thật khó chịu đối với những người không hút thuốc khi phải ngồi chịu đựng những ống khói này!

Ngoài thành phố Sài Gòn ra, tôi không thấy nơi nào có quá nhiều quán phở như ở Khu Bolsa này. Có nhiều khi tại một ngã tư đường thực khách có thể thấy được bốn năm quán phở. Phở ở Khu Bolsa ăn thật ngon, lá quế cộng với lá ngò thật xanh tươi và giá cả thật rẻ so với những nơi khác. Có lẽ vì sự cạnh tranh cao độ cho nên giá cả được giữ ở “mức an toàn” cho thực khách. Nếu nói về nhà hàng thì phải nghĩ ngay đến Seafood Cove. Tại đây đồ ăn ngon và giá phải chăng, tuy đôi khi cũng phải sắp hàng dài chờ đợi. Các nhà hàng khác như Song Long, Kim Sư, Thăng Long, Seafood World… cũng cung cấp những món ăn thật hấp dẫn.

Sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Quận Cam kéo theo với sự phát triển của Khu Bolsa. Little Saigon càng ngày càng nới rộng hơn. Ngoài hai thành phố chính là Westminster và Garden Grove, ngày nay địa phận của Tiểu Sài Gòn lan rộng qua các thành phố khác như Stanton, Anaheim, Tustin, Santa Ana, Fountain Valley, Huntington Beach, Costa Mesa, Orange… Theo Thống Kê Dân Số năm 2010 cho thấy dân số Người Mỹ Gốc Việt tăng lên trên khắp các thành phố thuộc khu vực Little Saigon.

Thành phố Garden Grove có 54,029 dân số gốc Việt

Westminster: 33,819

Santa Ana: 23,215

Fountain Valley: 11,289

Irvine: 11,024

Anaheim: 10,830

Huntington Beach: 7,802

Stanton: 5,501

Orange: 4,768

Tustin: 4,600

Costa Mesa: 1,268

Cypress: 1,037

Tổng cộng: 169,182

(Theo 2010 U.S Census)

Đi xa vẫn nhớ khu Bolsa

Có người nói “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.” Năm 2000, tôi rời Khu Bolsa theo ơn Thiên Triệu. Nếu chưa được ơn gọi thì lòng không có sự thúc giục, nhưng khi Thiên Chúa đã chọn và gọi rồi, tôi không thể ngồi yên. Sau thời gian dài cầu nguyện và suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định bước theo ơn gọi từ trên cao. Tâm tình cùng “boss” lý do phải xin nghỉ việc. Sau một giây phút bồi hồi xúc động, vì ông cũng là một Tín đồ, ông đã ủng hộ cho việc rời công ty của tôi để bước theo ơn Thiên Triệu. Tôi dọn vào Chủng Viện và mang theo trong lòng Khu Bolsa yêu quý. Các bạn bè xung quanh tôi hết sức ngạc nhiên vì không ai ngờ rằng tôi đi khỏi cái Khu Bolsa dễ như vậy! Đại Chủng Viện Golden Gate Baptist Seminary, nằm phía Bắc của thành phố San Francisco, chào đón người từ Miền Nam.

Đa phần các chủng sinh tại Chủng Viện Golden Gate là người Da Trắng. Kế đến là người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc ở trong các chủng viện đông lắm. Người Việt theo học tại các đại chủng viện thường luôn có con số rất khiêm nhường. Suốt thời gian tôi học ở đây chỉ có hai chủng sinh Việt Nam, kể luôn tôi.

(Hình tác giả cung cấp)

Tại Chủng Viện, tôi được ở trong một căn phòng rất nhỏ. Mỗi căn phòng có hai chủng sinh. Bạn cùng phòng của tôi tên là Adam, một người da trắng, đến từ tiểu bang Mississippi. Diện tích của căn phòng chừng khoảng 3 mét vuông. Trong căn phòng có hai giường “bunk beds,” loại giường này thường thấy khi đi cắm trại mùa đông. Mỗi giường có hai tầng và dưới cùng là sàn nhà. Tầng trên cùng của chiếc giường là nơi tôi ngủ. Tầng thứ nhì để sách vở và chiếc máy vi tính. Tầng dưới cùng, sàn nhà, để cái vali áo quần và vài ba cái nồi dùng để nấu ăn.

Kỷ niệm ban đầu tại chủng viện là căn phòng tắm của nam sinh. Căn phòng tắm này có hình vuông với bốn vách tường, diện tích chừng 7 mét vuông. Mỗi một vách tường có gắn ba vòi tắm. Giữa các vòi nước không hề có một tấm vách nào ngăn chắn cả. Hoàn toàn trống không. Ngày đầu tiên đi tắm thật khó chịu và mắc cỡ làm sao! Các chủng sinh ở đây lâu rồi họ rất tự nhiên, còn riêng mình, lần đầu tiên, tiến thoái lưỡng nan. Thoái thì không biết chổ nào khác để tắm, tiến thì thấy ngượng ngùng quá chừng. Anh bạn người Hàn Quốc dường như hiểu được tâm trạng của mình, bèn nói, “hãy treo đồ khô lên vách bên ngoài rồi cứ vào đây mà tắm.” Nghe lời khuyên như vậy, tôi đành làm theo, suốt thời gian tắm cứ ngước mắt lên vòi nước, tắm một mạch, rồi quấn khăn đi ra ngoài thay áo quần, không dám nhìn qua lại. Đây là bài học đầu tiên trong chủng viện. Một người theo ơn Thiên Triệu phải trở nên đơn sơ và đơn giản. Đơn sơ là có một tâm hồn như trẻ con. Đơn giản là gặp cảnh ngộ nào cũng chấp nhận và vui thỏa.

Trong những tháng năm sống ở trong chủng viện, tôi thường hay lái xe về nhà thăm Cha Mẹ tại Khu Bolsa. Mỗi lần về như vậy là được bạn bè mời đi ăn ở những nhà hàng thân quen từ khi trước. Sau mấy năm học tập ở trong chủng viện và mỗi cuối tuần chạy xe về San Jose để phục vụ công việc nhà thờ, tôi đã hoàn tất chương trình Cao Học Thần Đạo. Niềm vui nhất là tôi được Ban Giáo Sư chọn để trao học bổng và bằng danh dự Tốt Nghiệp Thủ Khoa. Tạ ơn Chúa vì mình là một người Việt Nam duy nhất trong kỳ tốt nghiệp và lại là người được chọn để trao bằng danh dự này.

Ngày nay tôi đã đi qua trên 30 tiểu bang của Hoa Kỳ để giảng dạy Kinh thánh và hiện đang quản nhiệm Hội Thánh tại Seattle, nhưng lòng vẫn không quên Khu Bolsa yêu dấu. Thỉnh thoảng cũng muốn tìm lại cái “không khí Khu Bolsa” ở những nơi mình đi qua, nhưng vẫn không có nơi nào sánh được. Có điều vui là nhiều Tín Hữu ở các đến thăm viếng Khu Bolsa cũng rất thường hay gọi tôi, mặc dù tôi không còn ở đó. Họ muốn tôi chỉ cho họ đường đi nước bước và các nhà hàng nào ăn ngon tại Khu Bolsa này.

Mừng 38 Năm Thành Lập Little Saigon và 35 Năm Thành Lập Báo Người Việt!

Xuân Bolsa nhớ Xuân quê nhà

Gió Xuân lay động những cành mai

Xóa tan mong mỏi tháng ngày dài

Triệu lời thơ bỗng thành vô nghĩa

Xuân đến hồn ta với Xuân say.


Xuân đến ấp yêu những rộn ràng

Đón Xuân từ thưở tiếng Xuân sang.

Trăm ngàn toan tính, bao phiền muộn

Phút chóc biến tan đến vội vàng.


Thiên địa hòa vui một chữ đồng

Thiên ân tuôn đổ thật mãn song.

Cầu cho quý cụ càng thêm thọ

Con cháu xum vầy thỏa chờ mong.


Nắng Xuân tràn ngập Phố Bolsa

Ấm lòng viễn xứ, nỗi nhớ nhà.

Tình quê canh cánh vang vọng mãi

Bao giờ Xuân thật đến quê ta!

***

Tài Liệu Tham Khảo

Little Saigon, Wikipedia Encyclopeida. Truy cập ngày 17/10/2013 tại http://en.wikipedia.org/wiki/Little_Saigon

Phan, Christian (2010). Vietnamese American: Understanding Vietnamese People In The United States 1975-2010. Long Wood, FL: Xulon Press.

Phan, Christian (2009). Recognizing the effects of comprehension language barriers and adaptability cultural barriers on selected first generation undergraduate Vietnamese students. Argosy University.

U.S Census 2010.

MỚI CẬP NHẬT