Friday, April 19, 2024

Sự thật về Thác Bản Giốc (kỳ 3)



Mai Thái Lĩnh (gởi cho Người Việt)


 


4. Ðâu là vị trí thật sự của cột mốc số 53?



 Bản đồ Sông Quây Sơn. (Hình: Tác giả cung cấp)


 


Nhìn vào tấm bản đồ trích từ Bản đồ Giao thông năm 2004 (ảnh 16), chúng ta thấy dòng chính của sông Quây Sơn chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại một điểm gần cửa khẩu Pò Peo và rời lãnh thổ nước ta tại một điểm gần cửa khẩu Lý Vạn.


 Ðiều đáng chú ý là tại một điểm ở gần Thác Bản Giốc, dòng sông lại trở thành đường biên giới (có nghĩa là trung tuyến của dòng sông chính là đường biên giới). Ðiểm đó có liên quan đến cột mốc số 53, vì thế cột mốc này là căn cứ chủ yếu để xác định chủ quyền đối với Thác Bản Giốc. Nói cách khác, nếu cột mốc này bị dời đến một vị trí khác thì chủ quyền của Việt Nam đối với Thác Bản Giốc sẽ bị ảnh hưởng.


Trong khi sưu tầm tài liệu về Thác Bản Giốc, tác giả Trương Nhân Tuấn đã tìm được một số chứng cứ quan trọng liên quan đến vị trí của cột mốc số 53 (13):


 



Trích biên bản Pháp-Thanh 19 tháng 6, 1894. (Hình: Tác giả cung cấp)


– Trước hết là biên bản Pháp-Thanh ký ngày 19 tháng 6, 1894 trong đó xác định: cột mốc số 53 có tên là Pan-Ngô (Bách-Nga Khẩu), được cắm “bên lề một con đường, ở phía Tây-Nam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ” (Au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois). Cột mốc số 54 có tên là Lung Trang (Lũng Tằng Sơn) được đặt tại vị trí “giữa chân của các núi đá và ranh giới của các ruộng lúa phía trước mặt Ban Mong” (Entre le pied des rochers et la limite des cultures en face Ban-Mong).


– Cuốn “Nhật Ký của Trung Úy Détrie về đoạn biên giới từ Lũng-Ban đến Ðèo-Lương, nhân dịp đảm nhận việc cắm mốc (28 tháng 6, 1894),” trong đó có một đoạn xác định vị trí của các cột mốc, được trích dẫn như sau: “Après la porte de Dốc-Khánh la frontière est tracée à l’intérieur du massif rocheux, laissant au Tonkin de petit cirques peu importants débouchant dans Lung-Piac, près les deux cirques difficilement accessibles de Lung-Deng et Lung-Moi que traversent les chemins conduisant à Thin-Thang par Ai-Thin-Thap (56) et Lung-Moi (55) jusqu’à l’abornement, les habitants de Lung-Deng et Lung-Moi payaient l’impôt aux Chinois. La frontière regagne ensuite le pied des rochers en face du village de Ban-Mong (54) longe le pied de ces rochers et au pied du blockhaus chinois de Pia-Mu, suit la lisière d’un petit bois et coupe le chemin de Hang-Dong-Quan (53) pour atteindre la rivière qu’elle suivra jusqu’à Ly-Ban. Le chemin qui de la borne 53 conduit à Dốc-Khánh (57) à travers de très belles rizières devra être l’objet d’une surveillance constante. (…)A partir de la belle cascade de 50m qui se trouve un peu en aval de la borne 53, le sông Qui-Xuân coule resserré entre des mamelons élevés.” (Ðoạn văn này sẽ được dịch ở phần sau)


Câu hỏi đặt ra là: cột mốc 53 nằm ở thượng lưu hay hạ lưu của thác? Theo suy luận của ông Trương Nhân Tuấn thì “cột mốc chỉ có thể ở phía hạ lưu của thác Bản Giốc.” Thế nhưng điều này lại mâu thuẫn với ý kiến của trung úy Détrie vì ông này ghi nhận thác nước “nằm cách một chút về phía hạ lưu của cột mốc 53” (qui se trouve un peu en aval de la borne 53), nghĩa là “cột mốc nằm nhích một chút về phía thượng lưu của thác nước.”


– Về bản đồ: có một tấm bản đồ tìm được trong một thư khố ở Pháp liên quan đến vùng này (xem ảnh 18). Theo ghi chú của tác giả, đây là bản đồ có tỷ lệ 1/50,000 do Nha địa dư Ðông Dương (Service géographique de l’Indochine) thực hiện. Thật ra, nếu so sánh tấm bản đồ này với các bản đồ của miền Nam Việt Nam phát hành trước năm 1975, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là bản đồ tỷ lệ 1/50,000.


Ðể độc giả dễ phân biệt, tôi đã trích đoạn và phóng to một phần nhỏ của bản đồ và xoay bản đồ cho đúng hướng bắc-nam (ảnh 19). Chúng ta có thể nhận thấy: từ cột mốc 54 (B.54) phía Tây-Bắc đến cột mốc 53 (B.53, chữ viết tắt của borne 53) phía Ðông-Nam, có một dải đất ven sông nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Ðiều này giải thích lý do tại sao trước đây người Việt có thể qua lại giữa hai bờ sông một cách dễ dàng. Ngoài ra, còn có một chi tiết khiến chúng ta có thể bác bỏ ý kiến của ông Lê Công Phụng cho rằng “cột mốc nằm trên một cồn giữa suối cách thác vài trăm mét.” Trên tấm bản đồ này, cột mốc 53 (B.53) hoàn toàn nằm trên bờ trái (tả ngạn của sông Quây Sơn), không liên quan gì đến một “cồn” nào đó trên sông Quây Sơn. Tấm bản đồ này cũng cho thấy có một đồn của Trung Quốc (Fort Chinois) nằm trên đỉnh núi.



 Bản đồ SGI do tác giả Trương Nhân Tuấn công bố. (Hình: Tác giả cung cấp)



Trích đoạn bản đồ SGI – khu vực Thác Bản Giốc. (Hình: Tác giả cung cấp)


 


Nhược điểm của tấm bản đồ này là thiếu các vòng cao độ (contour lines, courbes de niveau) cũng như các tọa độ địa lý cần thiết để xác định một cách chính xác vị trí của cột mốc. Mặt khác, nó cũng không ghi rõ vị trí của Thác Bản Giốc, cho nên rất khó xác định vị trí của cột mốc số 53.


Thật ra, có một tấm bản đồ có thể giúp chúng ta tìm hiểu đường đi của biên giới từ cột mốc 57 cho đến cột mốc 53. Ðó là tờ bản đồ địa hình (topographic map) mang tên Trung Khanh Phu, sheet 6354-4 được tìm thấy ở Thư viện của Ðại học Texas ở Austin (The University of Texas at Austin) (14). Tờ bản đồ này (ảnh 20) có tỷ lệ 1/50000, do quân đội Hoa Kỳ in vào năm 1965, dựa vào thông tin thu thập được vào năm 1964.



 Trích bản đồ Trùng Khánh Phủ – sheet 6354-4 (U.S. Army Map Service)


Làm thế nào mà quân đội Hoa Kỳ có được tờ bản đồ này? Căn cứ vào ghi chú trên tờ bản đồ, chúng ta có thế ước đoán bản đồ này được biên soạn dựa trên dữ liệu của Nha Ðịa Dư Ðông dương (Service géographique de l’Indochine) trước kia và cả trên những thông tin do chính quân đội Hoa Kỳ thu thập được.


Ngoài ra, còn có một tờ bản đồ mang tên Trùng Khánh, số hiệu 6354-IV do Cục Bản Ðồ thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam in năm 1980, rất giống với tờ bản đồ nói trên. Tờ bản đồ này nằm trong Bộ Sưu Tập Bản Ðồ Việt Nam (Vietnam Archive Map Collection) do Ðại Học Kỹ Thuật Texas (Texas Tech University) sưu tầm và công bố (15). Tờ bản đồ này được “in lần thứ hai” (1980) dựa theo bản đồ 1/50,000 in năm 1976 đã được “chỉnh lý bổ sung thực địa vào năm 1979.” Chúng ta có thể phỏng đoán tờ bản đồ này được biên soạn dựa vào bản đồ Trung Khanh Phu, sheet 6354-4 của quân đội Hoa Kỳ, vì sau ngày 30 tháng 4, 1975 quân đội miền Bắc đã tiếp quản toàn bộ kho bản đồ lưu trữ tại Nha Ðịa Dư Quốc Gia ở Ðà Lạt.


Cần lưu ý là bản đồ này được in lần thứ nhất vào năm 1976 – cùng thời điểm với việc Trung Quốc tấn công cồn Pò Thoong, có lẽ vì thế trên bản đồ có ghi dòng chữ “quốc giới chưa xác định (vẽ sơ lược).” Ðể độc giả dễ theo dõi, tôi trích bản đồ Trùng Khánh 6543-IV và phóng lớn thành hai tấm: từ mốc 58 đến mốc 54 (ảnh 21) và từ mốc 54 đến mốc 53 (ảnh 22).



 Trích bản đồ Trùng Khánh 6354-IV (QÐNDVN) – từ mốc 58 đến mốc 54. (Hình: Tác giả cung cấp)


Dựa vào bản đồ, chúng ta có thể thấy rõ đường biên giới từ cột mốc 57 (M. 57) đến cột mốc 55 (M.55) đúng như Détrie mô tả: “Sau cửa Dốc-Khánh, đường biên giới được vạch trong lòng dãy núi đá, để lại cho Bắc Kỳ các thung lũng hẹp ít quan trọng mở ra phía Lung-Piac (Lũng Phiắc). (Ðường biên giới) chạy gần hai thung lũng rất khó thâm nhập là Lung-Deng (Lung Den) và Lung-Moi (Lung Noi); băng ngang qua các thung lũng này là những con đường dẫn đến Thin-Thang (T’ien-teng) qua ngõ Ai-Thin-Thap (mốc 56) và Lung-Moi (Lung Noi, mốc 55) đến tận vùng cắm mốc. Người dân của Lung-Deng (Lung Den) và Lung-Moi (Lung Noi) đóng thuế cho người Trung Hoa” (16).



 Trích bản đồ Trùng Khánh 6354-IV (QÐNDVN) – từ mốc 54 đến mốc 53. (Hình: Tác giả cung cấp)


Détrie viết tiếp: “Tiếp đó, đường biên giới trở lại chân các núi đá trước mặt làng Ban-Mong (Bản Mom, mốc 54), chạy dọc theo chân của các núi đá ấy và dưới chân của đồn Pia-Mu của Trung Hoa, chạy dọc theo bìa của một khu rừng nhỏ và cắt con đường Hang-Dong-Quan (mốc 53) để đi đến dòng sông – dòng sông mà đường biên giới chạy xuôi theo cho đến tận Ly-Ban (Lý Vạn). Con đường đi từ mốc 53 dẫn đến Dốc-Khánh (mốc 57) đi ngang qua những ruộng lúa xinh đẹp sắp đến phải được giám sát thường xuyên. (…)Từ thác nước đẹp cao 50 m – nằm nhích một chút về phía hạ lưu của cột mốc 53, sông Qui-Xuân (17) chảy thu hẹp lại giữa những ngọn đồi cao. ”


Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy rõ con đường đi từ mốc 53 ở phía Ðông-Nam đến mốc 57 ở phía Tây-Bắc “đi ngang qua những ruộng lúa xinh đẹp.” Con đường này chạy dưới chân các dãy núi đá, men theo các thung lũng, có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng; vì thế Détrie cho rằng “sắp đến cần phải canh phòng thường xuyên.” Chúng ta cũng có thể thấy rõ đường biên giới cắt ngang “con đường Hang-Dong-Quan” (le chemin de Hang-Dong-Quan) tại cột mốc số 53. Sau khi vượt qua biên giới ở mốc 53 gần Thác Bản Giốc, con đường Hang-Dong-Quan chạy men bờ sông (tả ngạn sông Quây Sơn), trên phần đất thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Vào thời kỳ đó (cuối thế kỷ 19) và có thể mãi cho đến năm 1979 (là lúc phát hành tờ bản đồ Trùng Khánh 6354-IV của QÐNDVN), con đường đó chỉ là đường đất hoặc đường mòn.



 Dải đất dưới chân thác ở tả ngạn thuộc lãnh thổ VN. (Hình: Tác giả cung cấp)


Có thể nói hai tờ bản đồ 6354-4 mang tên Trùng Khánh Phủ và Trùng Khánh hoàn toàn ăn khớp với những gì trung úy Détrie đã mô tả trong nhật ký. Cả hai tờ bản đồ này cũng cho thấy thác nước “nằm nhích một chút về phía hạ lưu của cột mốc 53.” Ðiều đó có nghĩa là cột mốc “nằm nhích một chút về phía thượng lưu của thác,” nhưng không nằm sát bờ sông. Từ cột mốc 53, đường biên giới chạy theo hướng Tây Bắc-Ðông Nam dựa theo đường rãnh giữa thác nước và ngọn đồi tiếp giáp, cắt một diện tích đất ở phía dưới chân thác cho phía Việt Nam trước khi nhập vào đường trung tuyến của dòng sông (xem ảnh 23).


Như vậy, toàn bộ thác Bản Giốc đều thuộc về Việt Nam, toàn bộ dải đất chạy dài từ dưới chân thác lên đến cột mốc 53, dọc theo chân dãy núi đá cho đến tận cột mốc 54 cũng thuộc phía Việt Nam. Ðiều này giúp chúng ta lý giải được tại sao toán lính người Việt dưới quyền chỉ huy của một người Pháp lại có thể đi tuần tra từ bên kia sông và quay trở về bờ bên này trong mùa nước cạn. Rõ ràng toán lính này đã tuần tra trên con đường mòn ở phía tả ngạn mà Détrie đã nhắc đến, đi từ phía trên thác để xuống chân thác, lội sông trở về phía hữu ngạn của sông Quây Sơn (xem bưu ảnh số 832 của P. Dieulefils). Cũng nhờ đứng trên mảnh đất này, nhà nhiếp ảnh mới chụp được tấm ảnh về Thác Bản Giốc được đăng trong cuốn sách của nhà địa lý học Lê Bá Thảo (ấn bản năm 1977). Ngày nay, chúng ta không thể đứng trên lãnh thổ Việt Nam để chụp được một tấm ảnh tương tự, bởi vì dải đất này đã bị cắt cho phía Trung Quốc.



 Thác Bản Giốc nhìn từ phía Việt Nam. Bờ Bắc (tả ngạn) là những núi cao chót vót. (Hình: Tác giả cung cấp)


Mặt khác, đường biên giới từ mốc 54 đến mốc 53 chạy dọc theo chân của dãy núi đá vôi. Với địa thế hiểm trở như ở vùng này (xem ảnh 24), cho dù phía Trung Quốc có thể đóng đồn ở trên núi cao (trong bản đồ của Hoa Kỳ ghi chữ fort, trong bản đồ của Việt Nam in chữ đồn), quân đội của họ cũng không thể xâm nhập vào các thung lũng bên dưới. Thế nhưng, tình hình hoàn toàn sẽ đổi khác nếu phía Trung Quốc đặt được một đầu cầu xuống vùng thung lũng bên dưới. Ðầu cầu đó giúp họ có thể tấn công bất cứ điểm nào ở những thung lũng dọc sông Quây Sơn, với sự yểm trợ của pháo binh đặt trên những điểm cao. Ðiều đó giải thích được nguyên do tại sao phía Trung Quốc từ lâu đã có âm mưu chiếm cồn Pò Thoong, một cồn có diện tích khoảng 2,6 hec-ta nằm ngay phía trên thác.


(còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT