Thursday, March 28, 2024

Từ ngõ PHẤT LỘC đến WEIMAR (tự truyện của Người Buôn Gió)

Người Buôn Gió

Từ Ngõ Phất Lộc đến Weimar - Tự truyện của Bùi Thanh Hiếu a.k.a Blogger Người Buôn Gió
Từ Ngõ Phất Lộc đến Weimar – Người Buôn Gió

Ngõ nhỏ nằm dọc theo hướng Bắc Nam, bởi thế cơn gió lạnh Đông Bắc thổi xuyên suốt dọc theo con ngõ, là hẻm nhỏ nên nó lại càng hút gió. Lạnh tê tái, người ta ít khi ra ngoài nếu không có việc gì quan trọng.

Nhưng có một đám người không nề hà cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông, thậm chí cả lúc mưa phùn. Đó là đám chơi xóc đĩa ăn tiền do Phú Mắm cầm cái. Phú Mắm ngồi xổm ở giữa ngõ, sau lưng là các nhà số 8, số 10, số 12. Ngồi ở vị trí đó có thể thấy cảnh sát tới ở hai đầu ngõ, còn các nhà kia là chạy vào trong những ngóc ngách phức tạp như mê cung. Chúng được tạo ra theo nhu cầu hay ý thích chợt tới. Mỗi số nhà đó có đến cả chục hộ dân sinh sống, mỗi hộ dân lại có nhu cầu xây dưng cơi nới, cải tạo lặt vặt từ năm nay qua năm khác khiến mỗi ngõ nhỏ trở nên quanh co phức tạp, có những lối đi tưởng cụt rồi nhưng đi tiếp mới biết sẽ thông ra đâu đó.

Địa hình ấy lý tưởng cho việc tháo chạy khi công an đến. Những con bạc vỉa hè, lề đường chỉ thoáng thấy bóng công an ở đầu ngõ là có thể tút vào trong các số nhà kia và biến mất tăm.

Phú Mắm vô nghề nghiệp mặc dù đã hơn 40 tuổi, quắt queo như con cá mắm gầy guộc, người chỉ thấy gân xanh chằng chịt mỗi khi hắn trợn mắt gào các con bạc khác trật tự. Mắt hắn long sòng sọc, răng nghiến rít lại, các mạch máu trên cổ nổi gân như sắp vỡ tung ra. Phú Mắm thời niên thiếu đã bị nhà nước cưỡng bách vào trường giáo dưỡng dành cho trẻ em hư. Nói qua về cái trường này nhằm mục đích giáo dục trẻ em hư, nhưng đa số trẻ em ra trường về sau toàn trở thành lưu manh chuyên nghiệp hay giang hồ khét tiếng. Phú Mắm cũng vậy, một đứa trẻ của một gia đình nghèo đông con, từ bé Phú Mắm đã đi mót gạo mậu dịch kiếm ăn nhiều hơn là đi học. Phú Mắm được chính quyền cho đi học ở trường giáo dưỡng xa tít tận trong những dãy núi đá vôi Ninh Bình. Khi ra trường trở về nhà, Phú Mắm sau này lãnh thêm vài lần tù nữa. Hiện nay, năm 2013 này, Phú Mắm vẫn đang ở trong tù vì buôn bán heroin.

Cầm cái xóc đĩa, canh bạc nào của Phú Mắm cũng ầm ĩ, bởi chính hắn cũng hay láu táu, liến thoắng, sốt sắng quá mức khiến đám con bạc chơi bị cuốn theo vào sự lộn xộn, cãi nhau chí chóe. Có những người đi qua ngó vào đánh vài tiếng bạc không phải vì ham mê ăn thua mà vì thích thú cái lộn xộn, bát nháo của hội xóc đĩa. Hắn cũng là kẻ như vậy, chả máu ăn thua, nhưng cờ bạc vỉa hè cò con thật nhưng không khí thật sôi động, nhốn nháo làm hắn thích thú. Phú Mắm ghét hắn lắm, chửi hắn là thằng phá bạc. Hắn thả tiền xuống đặt cửa rồi bỗng chộp nhanh rút về, miệng hô công an. Thế là cả đám khác xô nhau cướp tiền, cướp nhầm của nhau, đạp lên nhau chạy. Đến lúc không thấy công an quay ra chửi nhau, đòi nhau vì nhầm tiền, loạn ầm ĩ từ đầu ngõ đến cuối ngõ, canh bạc vì thế bị gián đoạn. Có lúc người ta nản không chơi nữa, mặc kệ Phú Mắm xóc bát đĩa miệng gào mời mọc sang sảng.

– Nào chẵn bên phải, lẻ bên trái, mau mau xuống tiền. Các cụ bảo rồi “con ơi nhớ lấy câu này, một đêm đánh bạc bằng ba đêm làm”. Đôi bên cái cân, lẻ cũng thừa mà chẵn cũng thừa, ai can đảm mó tay vào đít bát nào…

Phú Mắm mời chào tha thiết, nhưng vài người đã bỏ về, vài người đứng nhìn. Chả ai xuống tiền, Phú Mắm tự mở bát ra nhìn kết quả rồi la.

– Đây này ngửa tư về sấp đôi cái sau ra thâm ba, bạc cặp lệch ai tinh thì bắt được cầu, bạc này không đánh thì bạc nào mới đánh.

Mọi người vừa cãi nhau còn đang ức, chả ai xuống tiền, nét mặt họ chả còn vẻ muốn chơi nữa. Hắn cười ngặt nghẽo, Phú Mắm thấy thế gào lên chửi.

– Đm cái thằng ôn này.

Rồi Phú vùng dậy nghiến răng kèn kèn lao vào hắn, nhưng hắn tính trước phản ứng ấy nên ngồi thụp xuống cho Phú Mắm hụt ngã lăn quay, thế là hắn chạy mất hút.

Hôm sau canh bạc lại mở, Phú Mắm đang hăng hái tay xóc cái, miệng hô hào.

– Chẵn bên phải, lẻ bên trái, ai đánh đâu đánh xuống.

Bất chợt hắn thò đầu giữa đám hỏi rất ngẩn ngơ.

– Thế đổi là chẵn bên trái, lẻ bên phải có được không?

Phú Mắm ngẩng lên thấy hắn, quắc mắt chửi.

– Đm mày, bố lạy mày.

Hắn hỏi.

– Lạy mấy cái, chẵn hay lẻ?

Phú Mắm điên tiết chịu không nổi, đứng bật dậy. Hắn lại co giò chạy, Phú Mắm cầm bát xóc đĩa ném theo, rơi xuống đất vỡ tan. Thế là mất đồ nghề, canh bạc lại tan…

Sau 8 giờ sáng, những ai đi làm, đi buôn bán đã đi. Nhưng ở ngõ này thì vẫn còn nhiều người ngồi hàng nước hoặc đang làm lặt vặt trong nhà, trước cửa. Hôm nay có chút nắng, nắng chiếu chếch vào ngõ tạo thành vệt loang lổ bởi những ngôi nhà cao thấp tạo ra. Trời ấm hơn chút, Phú Mắm từ nhà đi ra ngõ, tay cầm bát đĩa xóc kêu leng keng, vừa đi dọc ngõ vừa rao.

– Nào bà con anh chị em, các cháu chưa có công ăn việc làm ra đây nào.

Liên tục mấy tháng nay, ngày nào không mưa là Phú Mắm vác bát đĩa đi rao gọi tụ tập cờ bạc như vậy. Đến đầu ngõ, Phú ngồi xổm xuống cách hàng nước mấy mét đặt bát đĩa xuống đất, móc tiền ra đếm đi đếm lại, thỉnh thoảng còn vuốt lại vài tờ tiền chưa phẳng, rồi hắn đập tiền vào lòng bàn tay bên kia nói to.

– Mỡ đây nhé, vào mà húp.

Lác đác có người đứng quanh, Phú Mắm bày bốn quân xóc đĩa tròn ngửa mặt trắng, miệng liến thoắng.

– Ngày trắng đêm đen, bạc có nếp có tẻ, ai đánh đâu xuống tiền, không có làm cái gì kiếm tiền nhanh bằng đánh bạc, chỉ cần thính tai, tinh mắt, nắm được cầu. Người già chứ bạc không già.

Có người đặt tiền bên chẵn, có người đặt tiền bên lẻ, Phú Mắm kiểm tiền hai bên rồi phán.

– Tiếng châm hương, đôi bên cái cân, làng xuống dứt tay chưa để cái mở bát nào.

Bát mở ra sấp đôi, có tiếng xuýt xoa của người bên ngoài đứng xem ra vẻ tiếc là mình đoán đúng mà không đánh. Phú Mắm gắt.

– Đm đứng đấy mà tiếc.

Mắm môi, mắm lợi, gân cổ dùng hết sức xóc bát đĩa. Cái dáng cầm cái của Phú Mắm cũng nói lên cuộc đời vất vả của hắn. Người khác xóc cái khoan thai, cầm cái cũng chững chạc, hô tiếng nào dứt khoát tiếng đó. Đằng này Phú Mắm luôn nôn nóng, hấp tấp như sợ ai tranh mất phần làm cái. Bạc thì cò con, khấu cửa 2 nghìn, tiếng nào kết lắm đến 50 nghìn. Phú Mắm ghét nhất bọn trẻ con chơi, vì bọn trẻ con 12, 13 tuổi chỉ có vài nghìn, nó cứ đánh 2 nghìn một, được khoảng một hai chục nghìn là chúng cười hềnh hệch té mất. Lỡ chúng thua chỉ thua có vài nghìn nhưng cờ bạc thì không thể bắt nó chơi tiếp được. Thỉnh thoảng có người khách qua ngõ, họ xuống tiền nhiều, lúc đó là bạc rộ nhất, nhiều con bạc lởn vởn loanh quanh ngõ thấy đám bạc có người lạ chơi cũng xúm vào chơi. Bạc xanh chín, không bê bíp, nhưng nhà cái hơn các con bạc cái quyền là có thể chọn cửa cho mình.

Phú Mắm nghiện cờ bạc? Nói đúng ra thì học hành không có, lao động thì lười, buôn bán không có mối không vốn đã đành nhưng nếu có cũng chả buôn được. Trừ khi buôn thuốc phiện, mà y rằng sau này Phú Mắm buôn thuốc phiện thật. Nghề chính mà Phú Mắm học được ở trường giáo dưỡng không phải do thầy cô giáo ở đó dạy mà do các đàn anh truyền là ngón móc túi, cắt bom, đập hộp và cờ bạc mà thôi. Công lao lớn nhất của Phú Mắm mà cả ngõ ghi nhận là dạy trẻ em biết đánh xóc đĩa, từ biết đánh bạc thì mới nghĩ ra các trò xoay sở tiền đánh bạc như ăn cắp vặt hoa quả trên chợ, đi rình bê nồi, xoong, chậu nhôm của nhà người ta bán đồng nát lấy tiền…

Hắn len vào ngồi giữa các con bạc, chính diện với Phú Mắm, mặt đăm chiêu như tính xem đặt đâu. Phú Mắm chột dạ gườm gườm để ý vì thái độ khác mọi ngày của hắn. Mấy tiếng bạc trôi qua, hắn đặt cửa có lúc được, lúc thua nhưng không hề nói gì, bộ dạng nghiêm chỉnh khác mọi ngày khiến Phú Mắm càng thấp thỏm. Bạc bắt đầu rộ hơn, nhiều người chơi hơn, tiền xuống hai bên tới tấp. Hắn đứng dậy ghé tai người bên cạnh ra vẻ bí mật thì thầm.

– Cái sắp cân hồ.

Xới bạc nhốn nhao ngay, mọi người rút tiền về, không ai đánh nữa vì sợ cắt hồ. Cờ bạc ngoài đường thu tiền hồ không như xới trong nhà thu tiền đầu người. Bạc ngoài đường thằng cầm cái nó thấy hai bên đầy tiền ngang ngang nhau là nó mở bát miệng hô.

– Được về thua ở lại.

Và nhà cái thu tiền bên thua, không trả lại cho bên được, lý do là cắt hồ tiền bát đĩa. Cái bát, đĩa Hải Dương giỏi lắm chỉ hai ngàn cả bộ, nhưng tiền hồ thu một bên mặt có lúc lên tới cả trăm ngàn. Chẳng con bạc nào lại muốn mình đặt cửa mà thắng cũng chả được lấy tiền, mới thi nhau rút tiền về và không dám đặt tiếp vì sợ cắt hồ. Bạc lại bị gián đoạn, dù Phú Mắm hứa hẹn thề thốt là không cắt hồ nhưng không ai tin, vì ai cũng biết lúc bạc mà rộ, hai bên xuống tiền nhiều thì thế nào cái như Phú Mắm cũng cắt hồ. Khổ cho Phú Mắm, nguồn lợi tức của việc đầu trò cờ bạc cầm cái là đợi lúc bạc to thế này cắt quả hồ là xông xênh, nào ngờ chuẩn bị thu hồ đã chả thu được thì thôi, bạc lại tan. Phú Mắm tiếc ngẩn ngơ rồi máu sôi sùng sục, Phú Mắm chạy về nhà. Hắn đoán Phú Mắm lần này cáu thực sự, chắc chạy về lấy dao chứ không chửi bới ném bát đĩa như mọi khi. Mọi người bảo hắn tránh đi.

Nhưng hắn không tránh, không chạy mất hút như mọi lần. Phú Mắm vác dao mới lao ra khỏi cửa đã gào toáng vang cả ngõ.

– Đm thằng con nhà X, hôm nay bố giết mày, bố giết mày.

Hắn đứng giữa ngõ bình thản đợi, cơ mặt không biến đổi, lúc Phú Mắm còn cách chục mét hắn quài tay sau lưng rút ra một lưỡi lê lá lúa, phần chuôi lưỡi lê chỗ bắt vào đầu súng được chế hai mảnh gỗ ốp cầm rất gọn tay. Lưỡi lê sáng lóng lánh trong ánh nắng hanh vàng của mùa đông nằm bất động trong tay hắn chờ đợi con dao phay của Phú Mắm đang hoa lên loang loáng lao đến.

Còn cách 5 mét, thấy lưỡi lê của hắn Phú Mắm dừng lại lườm lườm, dao chém một phát khó chết hơn lưỡi lê xuyên một nhát, điều đơn giản mà thanh niên của đường phố nào cũng hiểu. Lưỡi lê là vũ khí của những trận thù tận xương tủy mới dùng.

Phú Mắm hỏi.

– Đm tại sao mày toàn phá tao hả?

Hắn trả lời.

– Vì cách đây 8 năm, mày chửi mẹ tao, lúc đó tao còn bé, giờ tao tính sổ với mày.

Hắn lao vào Phú Mắm, nhưng nhiều người giữ hắn lại. Phú Mắm bị mấy người lôi về nhà, nét mặt ngơ ngác như không hình dung nổi điều gì xảy ra tám năm về trước.

Tám năm trước, lúc hắn 12 tuổi. Anh trai hắn lấy cái áo mút xơ lin của mẹ bán cho nhà Phú Mắm lấy tiền đánh bạc, mẹ hắn hỏi Phú Mắm thì Phú Mắm chửi tới tấp, mẹ hắn sợ hãi bỏ về . Phú Mắm còn đứng chửi vọng theo.

Khi ấy hắn cầm con quay, quần đùi, chân đất, cởi trần đứng chứng kiến. Rồi nghiến răng quẹt nước mắt.


(trích từ sách Từ ngõ Phất Lộc đến Weimar, tự truyện của Người Buôn Gió)

Sách có bán tại các tiệm sách địa phương, tại tòa soạn Nhật Báo Người Việt hoặc trên online www.nguoivietshop.com

Nguoi Viet Shop
Mua sách trên Người Việt Shop

MỚI CẬP NHẬT