Thursday, April 25, 2024

Bitcoins – Tiền thật hay tiền ảo?

 


Hà Tường Cát / NGƯỜI VIỆT


Bitcoin, hay tiền điện tử, là một giá trị có thể chuyển nhượng tức khắc và an toàn giữa hai đối tượng đồng cấp ở mọi nơi trên thế giới. Nói đơn giản, hơn đó là một hình thức tiền tệ có thể dùng để trả cho người khác hay dùng để mua hàng hóa.













Sticker trên cửa sổ của một quán rượu ở Berlin, Đức, cho biết nhận trả tiền bằng bicoins từ hồi tháng 4 năm nay, lúc đó trị giá một bitcoin còn cao.  (Hình: Sean Gallup/Getty Images)






Hệ thống  được hình thành từ năm 2009 do một nhà phát minh mang bí danh là “Satoshi Nakamoto”, tên ấy không có nghĩa chắc chắn là một người Nhật.


Một đơn vị tiền tệ trong hệ thống này được gọi là 1 bitcoin, coi như 1 đồng, và viết tắt là BTC. Nhưng nên hiểu là dù sử dụng giống như đồng tiền thật, nó chỉ là một con số và giá trị của nó gắn liền với một địa chỉ điện tử.

Bitcoins được tàng trữ trong các hệ thống cung cấp dịch vụ websites, hardwares tư nhân của máy điện toán hay dụng cụ điện tử di động học in ra giấy. Tất cả đều có mật mã và địa chỉ riêng. Bitcoins được chuyển nhượng bằng chữ ký điện tử mã hóa. Lệ phí cho những dịch vụ này thấp hơn nhiều so với chuyển ngân hay trả tiền bằng thẻ tín dụng.


Không có sự công nhận bitcoin trên mặt pháp lý. Bitcoin có quá trình liên hệ với những hành động tội phạm và đến nay chưa là phổ thông trong giới tài chính, kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên bitcoin rất  được sự quan tâm theo dõi của các cơ quan công lực vì nhiều tổ chức bất hợp pháp dùng nó làm một phương tiện giao dịch, chuyển  nhượng tài khoản.  Trong một báo cáo năm 2012, FBI nhận xét là “Bitcoins có vẻ tiếp tục thu hút những tội phạm trên không gian ảo (cybercriminals), những kẻ này coi nó là một phương tiện để chuyển hay đánh cắp các ngân khoản”.


Một số các chính quyền cho rằng bitcoin cũng phải chịu những quy định cho tiền bạc bình thường như là đánh thuế. Số khác thấy Bitcoins thường liên hệ với những giao dịch bất hợp pháp nên đề nghị cấm hẳn. Hồi đầu năm nay FBI đã đóng cửa một dịch vụ như vậy, có tên ‘Silk Road’, vì liên qua đến buôn bán ma túy. Hiện nay FBI nắm sự kiểm soát khoảng 1.5% bitcoins đang lưu thông. Nhưng Christopher Tarbell, một nhân viên đặc vụ FBI, xác định rằng “Bitcoin tự nó không trái phép và có thể sử dụng hợp pháp”.  Một số những công ty lớn bao gồm Redlit, WorldPress và cả Baidu, công ty khổng lồ cung cấp dịch vụ Internet của Trung Quốc, nhận trả tiền bằng Bitcoins.


Có thể mua bán bitcoins tính theo trị giá của tiền tệ thông thường. Tuy nhiên vì là một kỹ thuật mới, cho đến bây giờ chưa rõ giá trị thật sự của bitcoin như thế nào. Chẳng hạn có thể có một người nào đó muốn bán bitcoins và trả tiền qua Paypal, nhiều người mua và trả tiền nhưng rồi khiếu nại là không bao giờ nhận được bitcoins cả. Paypal không chịu trách nhiệm về những dịch vụ và khiếu nại như vậy và người bán phải làm thế nào để tin rằng người mua không khiếu nại.


Những bitcoins mới được tạo ra bởi một mạng lưới qua một tiến trình gọi là “mining” theo một công thức toán học rất phức tạp để kiểm soát được số lượng bitcoins đang lưu hành. Theo công thức này, số lượng bitcoins chỉ có thể lên tới tối đa là 21 triệu.

Một tài liệu cho biết trong số 40 thị trường bitcoin được nghiên cứu, 18 ngừng hoạt động sau 3 năm vì bitcoins phát hành không sử dụng được. Năm 2011, trị giá một bitcoin, từ $.30 tăng lên rất nhanh tới $32, rồi sau đó xuống lại còn $2. Tính đến tháng 11 năm nay, trên toàn thế giới còn khoảng 12 triệu bitcoins và trị giá chừng $7.2 triệu.

Nhưng thật sự giá của một bitcoin là bao nhiêu thì đó là điều mà không ai trả lời được. Theo Mt. Gox, sàn giao dịch bitcoin ở Tokyo quen thuộc nhất thế giới, thì một bitcoin trị giá  $1,117 hôm Thứ Tư 4 tháng 12. Có thể lưu ý rằng cùng ngày, ở Thị Trường Thương Mại New York giá một ounce vàng là $1,214. Như vậy phải chăng bitcoin ngang với vàng , và sẽ có lúc có thể hơn?

Một sàn giao dịch bitcoin khác, China BTC, cho biết trong tháng 11 khoảng 1.8 triệu bitcoins được trao đổi qua đây, so với 700,000 ở Mt. Gox. Đây là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới tình về lượng trao đổi cho những nhà đầu tư mua bán bằng nhân dân tệ. Các kinh tế gia nhận xét là bitcoin nổi lên vào lúc dân chúng Trung Quốc muốn tìm những kênh đầu tư khác. Ding Zhaoyong, giáo sư trường đại học kinh tế Jilin giải thích rằng “Lạm phát khiến nhiều người lo ngại và mua bitcoin trong tình thế nhân dân tệ có thể bị hạ giá”


Bitcoin có giá trị vì hữu ích và hiếm, nếu nó được nhiều nơi chấp nhận thì sẽ vững giá. Tuy nhiên không có gì bảo đảm cho bitcoin, như một số tiền tệ trước kia dùng vàng làm kim bản vị. Bitcoin tương tự như đồng dollar và euro ngày nay không có gì bảo đảm ngoài khả năng được chấp nhận bởi một số hàng hóa. Nếu mất niềm tin ấy, nó sẽ không còn giá trị gì hết và khác với tiền tệ thông thường còn có chính quyền can thiệp, không có cơ quan công hay tư nào bão lãnh giá trị của bitcoin. Do đó giá trị của bitcoin có thể xuống tới zero, và đó là điều người ta  hoài nghi về hệ thống tiền tệ điện tử này.


Hơn nữa,  khác với tất cả mọi loại tiền tệ, hầu hết đều lạm phát theo thời gian, bitcoin ngược lại chỉ có một số lượng ngày càng ít đi, vì có thể mất dần trong con số giới hạn 21 triệu theo công thức đã nói trên. Như vậy trên lý thuyết giá trị của nó sẽ tăng lên. Điều ấy có thể đưa tới tình trạng có những người đầu cơ thu mua bitcoin. Tuy nhiên đầu tư bằng cách giữ bitcoin rất rủi ro vì bitcoin không có giá trị nội tại của nó và sự tồn tại chỉ như cái bong bóng, nhất là nếu bitcoins tiếp tục được sử dụng như phương tiện của những hoạt động phạm pháp để đến một lúc các chính quyền đưa ra những biện pháp can thiệp.  (HC)

MỚI CẬP NHẬT