Saturday, April 20, 2024

Cấp võ khi cho nổi dậy Syria: Tưởng dễ mà chẳng dễ


Nguyễn Văn Khanh


Ðầu năm 2011 khi tiếng súng mới bắt đầu nổ sau những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Damascus, Tổng Thống Barack Obama đã phải đối đầu với áp lực đến từ trong và ngoài nước, đòi hỏi ông phải có phản ứng mạnh đối với chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad lãnh đạo. Áp lực này được ông giải quyết bằng những lời tuyên bố thật cứng rắn như “Al-Assad phải ra đi” cho đến quyết định “viện trợ võ khí cho lực lượng nổi dậy Syria”.









Mohed Afaiche, một chỉ huy của lực lượng nổi dậy ở Aleppo, Syria. Các quốc gia Tây Phương lưỡng lự trao vũ khí cho các lực lượng này, để chống lại chế độ Tổng Thống Assad. (Hình: JIM LOPEZ/AFP/Getty Images)


Từ đầu tháng Chín vừa qua và dưới những hình thức khác nhau, chính phủ Hoa Kỳ tiết lộ Cơ Quan Tình Báo CIA đã bắt đầu thực hiện kế hoạch cung cấp võ khí cho thành phần chống đối chính phủ Syria. Mặc dù lượng võ khí Hoa Kỳ giao chỉ là một số lượng không nhiều và gồm những loại võ khí cỡ nhỏ, nhưng vẫn được xem là dấu hiệu rất quan trọng vì Washington “thật sự” can dự vào cuộc nội chiến của Syria. Các viên chức cao cấp hành pháp Mỹ cũng cho biết số võ khí được chuyển giao “chỉ là bước đầu”, ám chỉ sẽ còn những bước kế tiếp và có thể có cả những loại võ khí hạng nặng mà các tay súng chống chính phủ Damascus đang trông chờ, chẳng hạn như súng phòng không, giúp các binh sĩ của lực lượng nổi dậy cơ hội thật sự làm chủ tình hình.

Bất kể võ khí được Hoa Kỳ cung cấp thuộc hạng nặng hay hạng nhẹ, không thể đảm bảo số võ khí Hoa Kỳ cung cấp cho thành phần nổi dậy Syria “sẽ đến tay những lực lượng có thể sẽ là đồng minh của chúng ta trong tương lai”, dựa theo bản báo cáo quân sự mới nhất vừa được phổ biến hồi cuối tháng. Báo cáo được Viện Nghiên Cứu Quân Sự của Trường Võ Bị West Point công bố viết rằng trong tổ chức mang tên Hội Ðồng Quân Sự Syria Tối Cao được chính phủ Hoa Kỳ yểm trợ “có những nhóm hoạt động mật thiết với nhóm Huynh Ðệ Hồi Giáo theo đuổi chủ trương áp đặt các luật lệ của đạo Hồi khi họ nắm quyền điều khiển quốc gia”. Phúc trình cũng viết rằng lãnh đạo của Hội Ðồng là Tướng Salim Idriss “được các giới chức Hoa Kỳ tin tưởng” trong khi viên tướng này “không kiểm soát được các lực lượng dân quân tham gia vào Hội Ðồng mà ông ta đang điều hành”, Hội Ðồng Quân Sự Syria Tối Cao “là một danh xưng lớn nhưng không phải là một tổ chức hoạt động hữu hiệu”.

Ngay thành phần quân đội của Hội Ðồng -được biết dưới tên Quân Ðội Nhân Dân Syria Tự Do- cũng bị các chuyên gia quân sự của Trường Võ Bị West Point xem là một trong những “nghi vấn” cần phải làm sáng tỏ, vì nhiều đơn vị quân sự đang hoạt động dưới danh nghĩa đại diện cho thành phần nổi đậy chống chế độ độc tài Bashar Al-Assad “nhưng lại làm việc với nhóm khủng bố mang tên Nusra Front đang bị nhiều chính phủ cáo buộc có liên hệ trực tiếp với Al-queda”. Báo cáo ghi rõ có nhiều trận chiến “Quân Ðội Nhân Dân Syria Tự Do tự đảm trách” nhưng cũng có những trận chiến họ hợp tác chung với khoảng 6,000 tay súng Al-queda để mở mặt trận tấn công hay ngăn chận bước tiến quân của binh sĩ chính phủ.

Báo cáo được đưa ra chẳng bao lâu sau khi hãng thông tấn Reuters phổ biến bản tin mang nội dung “ít nhất 2 đơn vị thiện chiến vừa quyết định rút khỏi Quân Ðội Nhân Dân Syria Tự Do và thề trung thành với Al-queda”. Vẫn theo Reuters, 2 đơn vị này có tên là Trung Ðoàn Cách Mạng và Trung Ðoàn Chiến Thắng Vinh Danh Thượng Ðế, trước đây đã góp phần rất lớn trong việc giúp dân quân nổi dậy làm chủ một số tỉnh thuộc miền Bắc Syria, khu vực đến giờ quân đội của Damascus đang dồn hết nỗ lực để lấy lại.

Trên tờ The Washington Times, Cựu Thiếu Tướng Bộ Binh Paul Vallely, người tháng trước mới vào tận Syria để quan sát tình hình chiến trường, nói rằng ông nhìn thấy ở nhiều nơi “có cả quân đội dân quân và những tay súng của Al-queda”. Ông cho biết các viên chỉ huy của dân quân giải thích rằng “hai bên tạm xem nhau là đồng minh trong cuộc chiến lật đổ Al-Assad” và sẵn sàng giúp đỡ võ khí cho nhau, “kể cả số võ khí nhận được qua ngã CIA”. Trong các cuộc tiếp xúc riêng, một số viên chỉ huy các đơn vị dân quân cũng nhìn nhận với Tường Vallely rằng họ có lo ngại “võ khí của Mỹ viện trợ sẽ lọt vào tay kẻ xấu”, ám chỉ những tay súng đang hoạt động theo chỉ thị của Al-queda, hoặc những đơn vị được xem là “con chốt thí” của nhóm Huynh Ðệ Hồi Giáo, dù các viên chỉ huy này nói rằng “chỉ hợp tác chiến lược tạm thời” và có hẳn một kế hoạch “loại trừ Al-queda khỏi mọi cơ cấu lãnh đạo ngay sau ngày chiến thắng”. Kế hoạch đó bao gồm 2 việc: thứ nhất đuổi Al-queda ra khỏi Syria, thứ nhì: không để Al-queda hoặc bất kỳ lực lượng thân Al-queda nào nắm giữ quyền hành nào trong chính trường ở cấp trung ương hay địa phương.

Chuyện “võ khí giao cho đồng minh lọt vào tay địch” là điều thường xảy ra, theo lời chuyên gia võ khí James Russell hiện đang giảng dạy tại Trường Sĩ Quan Hải Quân Hoa Kỳ. “Tôi không biết có cách nào để chắc chắn võ khí mình giao cho đồng minh không bị lọt vào tay địch quân, đó là điều đã xảy ra ở nhiều chiến trường và tôi chẳng ngạc nhiên khi nghe chuyện này xảy ra ở Afghanistan”.

Ý kiến đó cũng là ý kiến của ông Frederic Hof, người ủng hộ Hội Ðồng Quân Sự Syria Tối Cao. Ông cựu Cố Vấn Ðặc Biệt chuyên về Syria của Ngoại Trưởng Hillary Clinton cho rằng “không thể nào đảm bảo 100% võ khí, viện trợ của chúng ta sẽ nằm trong tay đồng minh”, nhìn nhận “đó quả là một vấn đề lớn” và nói rõ “mục tiêu chúng tôi luôn luôn nhắm tới bao giờ
cũng là 100%”.

MỚI CẬP NHẬT