Thursday, March 28, 2024

Chỉ tội cho Ukraine

Nguyễn Văn Khanh

Câu chuyện bắt đầu từ chiều Thứ Tư, sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và thủ tướng chính phủ lâm thời Ukarine là ông Arseniy Yatsenyuk tại Tòa Bạch Ốc.
Trong cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo và sau đó là trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông, Tổng Thống Obama hứa hẹn “nước Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết những khó khăn mà chính phủ Ukraine đang gặp phải” về mọi phương diện, từ chính trị cho đến ngoại giao và kinh tế.”

 
Thủ tướng lâm thời Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk (trái) hội đàm với Tổng Thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Một viên chức cao cấp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia còn tiết lộ khi nói chuyện với Thủ Tướng Arseniy Yatsenyuk, “Tổng Thống (Obama) có hứa nhân dân cũng như chính phủ Hoa Kỳ không bỏ rơi nhân dân và chính phủ Ukraine,” nhắc lại Mỹ là quốc gia đầu tiên lên tiếng bênh vực cho đòi hỏi của người dân Ukraine, ông là nhà lãnh đạo cường quốc đầu tiên lên tiếng cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Nga nếu Kremlin không rút quân ra khỏi Crimea, cũng chính ông là người đầu tiên lên tiếng nói Nga đang vi phạm luật lệ quốc tế, Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ công nhận cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ở Crimea vào ngày Chủ Nhật tuần này để tách rời vùng đất đó ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào với Nga (cuộc bỏ phiếu này được một viên chức hành pháp gọi là “màn kịch chính trị do ông Vladimir Putin đạo diễn”).
Ông cũng nhắc đến số tiền 1 tỷ dollars mà Hoa Kỳ đã hứa cho Ukraine vay, hãnh diện nhắc lại “đó cũng là khoản tiền đầu tiên của một quốc gia hứa giúp cho chính phủ lâm thời Kiev, “để giúp các bạn giải quyết phần nào những khó khăn đang gặp phải về kinh tế, tài chánh,” xem đó là viên gạch lót đường giúp Kiev xây dựng một chính quyền dân chủ sau cuộc bầu cử vào Tháng Năm tới đây.
Những điều tổng thống Hoa Kỳ nói với người điều hành chính phủ lâm thời Ukraine hoàn toàn đúng. Chỉ có một điều ông không nói ra: ông hứa cho vay và sẵn lòng cho vay, nhưng Quốc Hội Mỹ đang dùng dằng chưa vội gật đầu, dù ai ai cũng hiểu điều này có thể gây trở ngại cho chiến lược mà Washington đã vạch ra ngay từ ngày đầu tiên, lúc người dân Ukraine mới bắt đầu tụ tập đòi hỏi chính phủ phải đi với Tây Phương, không chấp nhận tiếp tục bị lệ thuộc vào Nga. Phải nói rõ hơn: Hạ Viện Cộng Hòa đồng ý với ông Obama, nhưng Thượng Viện đòi đính kèm theo điều kiện Washington phải làm áp lực buộc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cải tổ để hoạt động hữu hiệu hơn trong những chương trình mà cơ quan tài chánh quốc tế này thực hiện để trợ giúp cho những nước cần giúp đỡ, trong đó có Ukraine.
Tại sao IMF lại dính vào chuyện này? Câu trả lời: chuyện khởi đầu từ một lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry khi ông ra điều trần trước Hạ Viện để yêu cầu các vị dân biểu đồng ý với số tiền hành pháp muốn cho Ukraine vay. Trong cuộc điều trần đó, Ngoại Trưởng Kerry cho rằng khoản tiền Hoa Kỳ hứa cho vay chỉ là một phần tiền rất nhỏ “trong nỗ lực của cộng đồng thế giới dành cho Kiev.” Ông bảo thêm “chỉ có IMF, một cơ quan IMF đổi mới, là nơi Ukraine sẽ nhận thêm những khoản trợ giúp cần phải có để có thể đứng vững bằng đôi chân của họ.”
Ông Kerry mới nói xong, Hạ Viện Cộng Hòa cũng vừa bỏ phiếu đồng ý, Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện cho công bố dự luật được các vị nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa tán thành, trong đó bao gồm việc hỗ trợ cho Ukraine, áp dụng biện pháp chế tài đối với những viên chức điều hành chính quyền cũ hoặc những người gây bất ổn định cho Ukraine trong tương lai, đi kèm với đòi hỏi hành pháp phải buộc IMF đổi mới để “chúng ta có thể giúp đỡ thêm cho người dân Ukraine ngày lúc này và trong tương lai, khi Ukraine phải đối phó với những tình huống không thể đoàn biết trước,” theo trình bày của Thượng Nghị Sĩ Bob Menendez, chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện.
Nếu tiếng nói của ông Menendez có thể bị xem là tiếng nói của cánh Dân Chủ ở Thượng Viện, phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Croker là tiếng nói tiêu biểu cho cánh đối lập. Khi tiếp xúc với báo chí, vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Tennessee cho biết 2 điều, trước hết, ông ủng hộ việc cho Ukraine vay tiền đi kèm với đề nghị Tòa Bạch Ốc phải thúc đẩy IMF phải cải tổ đường hướng hoạt động, thứ nhì ông tiết lộ “đây là điều anh em tụi tôi (Cộng Hòa) tranh cãi với nhau nhiều lắm,” trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng của đa số.
Cánh Cộng Hòa cãi nhau về những chuyện gì? Ðiều tranh cãi đầu tiên là số tiền cho Ukraine vay bị Thượng Nghị Sĩ Rand Paul ví von là vô lý. Ông bảo với mọi người “có quý vị nào bỏ tiền ra mua công khố phiếu của Ukraine không,” giải thích rõ tình hình kinh tế tài chánh của quốc gia Ðông Âu này tệ tới mức “tiền giới đầu tư bỏ ra sẽ chẳng bao giờ quay trở lại.” Ông nghị sĩ đang tính chuyện ra tranh cử tổng thống còn nhắc nhở mọi người: Ukraine nợ nần chồng chất, phần lớn số nợ đó là nợ của Nga, thành ra “tiền chúng ta cho họ vay sẽ đi sang bên Nga” chẳng lợi lộc gì cho nước Mỹ.
Phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Rand Paul làm mọi người nhớ lại dù Hạ Viện gật đầu đồng ý cho Ukraine vay, nhưng cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu cũng rất sôi nổi. Trước diễn đàn, Dân Biểu Ted Yoho (Florida) cho rằng nước Mỹ đang làm chuyện “kỳ cục” khi hứa cho người khác vay tiền “trong lúc chúng ta đang mắc nợ 17,400 tỷ bạc,” kể chuyện có những cử tri ở đơn vị ông đại diện “không có tiền mua bảo hiểm y tế hay có những gia đình không có điều kiện, phương tiện để gửi con đến trường.” Ông kết thúc phần phát biểu bằng nụ cười mỉa mai, bảo “việc nhà chưa lo xong, tại sao phải lo chuyện hàng xóm?”
Cuối cùng, chuyện sẽ được giải quyết như thế nào? Hạ Viện Liên Bang nhất định ủng hộ cho Ukraine vay tiền, ông Chủ Tịch John Boehner nói thật rõ “chuyện bắt IMF phải cải tổ chẳng liên quan gì đến chuyện giúp Ukraine trong lúc hoạn nạn cả.” Tin hành lang Thượng Viện cho thấy tuần tới các vị nghị sĩ nghỉ phép, sớm nhất cuối Tháng Ba mới đem chuyện này ra để bàn tính, chưa rõ các ông bà thượng nghị sĩ có nhất quyết giữ nguyên ý kiến chỉ cho chính phủ Kiev vay với điều kiện IMF phải cải tổ hay không.
Tội nghiệp nhất là ông Thủ Tướng Arseniy Yatsenyuk của chính phủ lâm thời Ukarine. Trong 24 giờ có mặt tại Washington D.C., ông chỉ nhận được lời hứa hẹn mà chưa có gì cụ thể cả. Tổng Thống Obama cam kết “sẽ vận động với Quốc Hội,” ông Chủ Tịch Khối Ða Số Harry Reid cũng hứa “sẽ giúp đỡ” và không nói gì thêm. Chỉ mỗi mình ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner tỏ vẻ hết lòng với chính phủ Kiev, nhưng chương trình gặp ông Thủ Tướng Arseniy Yatsenyuk để chụp tấm hình kỷ niệm cũng bị bãi bỏ vào giờ chót.
Văn phòng ông Boehner cho biết lý do: ông sếp có việc bận bất ngờ, đành phải thất hứa với ông khách quý đến từ Ðông Âu.

MỚI CẬP NHẬT