Friday, April 26, 2024

Nelson Mandela, nhà cách mạng giải phóng


Việt Nguyên


LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com.


Chiến tranh giải phóng! Những danh từ, những khẩu hiệu đẹp che đậy thực chất giả dối của những cuộc chiến đã gây ra nhiều tang tóc cho nhân loại và hàng trăm triệu người trên thế giới trong thế kỷ thứ 20. Giải phóng! Hai chữ oan nghiệt đã được dùng để che mắt những người lính vì lý tưởng cao đẹp trong những cuộc chiến dơ bẩn của Cộng Sản từ Châu Á đến Châu Phi trong thế kỷ thứ 20 đưa đến những hậu quả trầm trọng cho họ, những nạn nhân, khi đã thức tỉnh sau khi chiến tranh chấm dứt.








Cố Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela. (Hình: Getty Images)


Chiến tranh giải phóng với Stalin, Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh đã gây ra những hậu quả khốc liệt cho những người dân yêu chuộng hòa bình không hận thù kéo dài qua đến thế kỷ thứ 21. Một Châu Âu đã được giải quyết, một nước Nga, Trung Cộng và Việt Nam vẫn chưa thấy con đường dân chủ tự do trong đó con người với tất cả những tính nhân bản được làm chủ đất nước.

Trong thế kỷ thứ 20, đầy những khẩu hiệu tuyên truyền giả dối, đầy những nạn nhân của các trận chiến giải phóng, một lãnh tụ giải phóng cuối cùng của thế kỷ thứ 20 vừa qua đời. Vĩ nhân của nhân loại, ông Nelson Rolihlahla Mandela, mất ngày 5 tháng 12 năm 2013, người Nam Phi đã giải phóng những người da đen ra khỏi cảnh nô lệ, thoát khỏi đời sống kỳ thị chủng tộc dưới sự đô hộ của Ðức và Anh trên ba trăm năm mà không cần dùng đến quân đội, súng ống, chủ nghĩa cộng sản và những giáo điều tẩy não.

Con người thông minh, can đảm, đầy nghị lực và đạo đức đứng lên thay mặt cho những người da đen Nam Phi (Afrikaner) chống lại chế độ kỳ thị chủng tộc vì lý tưởng “kỳ thị chủng tộc là nhục mạ nhân phẩm con người, chia rẽ mọi người dựa trên màu da, dùng người này chống người khác với chế độ cai trị ngược với nhân phẩm. Kỳ thị chủng tộc là một ý thức cho rằng bất cứ người nào cũng có thể thua kém người khác”. Ông Nelson Mandela đi vào con đường đấu tranh cũng là một sự tình cờ như định mệnh đã sắp đặt. Ông không thuộc giai cấp nghèo bị áp bức ngoại trừ màu da của ông. Ông sinh năm 1918 nơi vùng sỏi đá Transkei, nơi hoàn toàn không có người da trắng. Ông nội của ông là vua nước Thembu, cha ông là xã trưởng có 4 vợ. Năm 7 tuổi ông được đi học, ông là người đầu tiên trong gia đình được đi học. Ông được thầy giáo đặt tên là Nelson thay cho cái tên cha ông đặt cho ngày sinh ra đời, Rolihlahla, có nghĩa là “người gây rắc rối”. Cha ông có lẽ đã nhìn ra được một cậu bé không chấp nhận một đời sống đã được định sẵn trong một gia đình thế tộc. Cha ông gởi ông đến triều đình Thembu để được huấn luyện làm cố vấn cho vua cho nên năm ông 16 tuổi ông có thêm tên Dalibunga có nghĩa là “người triệu tập đại hội đồng”. Ông bỏ học trường cao đẳng sau khi tốt nghiệp trung học để chống đối chính sách của trường, đi lên thành phố Johannesburg thay vì ở nhà lấy vợ theo lệnh của cha. Ở Johannesburg ông bắt đầu nếm mùi của người dân da đen Nam Phi trong hơn 300 năm dưới ách đô hộ của người da trắng, ông gặp phải những sự kỳ thị màu da mỗi ngày. Ông làm thư ký trong văn phòng của một luật sư Do Thái, ông sống trong căn chòi mái tôn không điện nước ban đêm đi học để xong đại học. Ông là sinh viên da đen duy nhất trong trường đại học Witawatersand. Trong trường ông phải phấn đấu với những thành kiến và kỳ thị khi chính ông khoa trưởng nói thẳng vào mặt ông “người Phi Châu chúng mày không có khả năng để trở thành luật sư”.

Trong thời kỳ thanh niên này ông gia nhập đảng Nghị Hội Quốc Gia Phi Châu ANC, ông đã suy nghĩ trước khi gia nhập ANC: “Chúng ta không thể đấu tranh một mình để đạt được thành công, chúng ta phải đoàn kết để được công lý cho mọi người”. Vào thời kỳ này đa số đảng viên ANC là các doanh nhân già chỉ có số ít người trẻ như ông hăng hái tranh đấu với vai trò đấu tranh chính trị (activist), đấu tranh hòa bình với ý hướng bất bạo động. Năm ông 30 tuổi, 1948, đảng Quốc Gia Nam Phi của những người da trắng ưu việt lên cầm quyền, chế độ trở nên khắt khe và dã man hơn đối với những người tranh đấu. Nhiều luật lệ đã được ban hành trong đó có đạo luật chống cộng đặt đảng cộng sản ngoài vòng pháp luật. Ông Mandela bị xem là một người cộng sản trong khi thật ra ông chỉ cộng tác với đảng cộng sản với tính cách chiến lược đấu tranh. Ông bị bắt nhốt năm 1948, lao động khổ sai, chính quyền cấm ông họp đảng hay bất cứ hội họp nào và quản thúc không được đi khỏi Johannesburg.

Trong truyện cổ tích “Ngàn lẻ một đêm” của Ả Rập, một người thuyền chài đi câu ngoài biển vớt được một ngư nhân, ngư nhân van nài thuyền chài thả và hứa sẽ trọng thưởng. Thuyền chài thả ngư nhân, sau đó ngư nhân đem của cải châu báu dưới biển lên trả ơn cho người chài. Nhưng chuyện ấy chỉ xảy ra trong các chuyện cổ tích. Ở ngoài đời, các chính quyền độc tài áp bức hứa nhưng khi các nhà đấu tranh ngừng tranh đấu thì chính quyền tiếp tục chính sách của họ. Vì vậy, ông Mandela Nelson vẫn tiếp tục tranh đấu, năm 1956 ông bị bắt và bị kết tội phản quốc là tội nặng nhất cùng với 150 đảng viên ANC khác. Năm sau, ông được trắng án nhưng khi được thả ra thì ông mất việc ở văn phòng luật sư và mất vợ (bà vợ đầu tiên đâm đơn ly dị).

Những năm sau, Nam Phi bước vào thời kỳ chiến tranh, chính quyền đàn áp những người biểu tình bằng võ lực. Ngày 21 tháng 3 năm 1960 cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình giết 60 người và 180 người bị trọng thương. Chính quyền cấm tất cả các hoạt động tranh đấu và bỏ tù các nhà tranh đấu trong đảng ANC. Ông Mandela Nelson bỏ trốn, bỏ cả bà vợ hai, tiếp tục hoạt động trong bóng tối, lúc thì làm tài xế, lúc thì làm lao công dọn dẹp hay đi làm vườn. Lúc này, ông Mandela bắt đầu kêu gọi chính sách bất bạo động tuyệt đối.

Chủ tịch đảng ANC, ông Albert Lutuli đồng ý để cho ông Mandela lập một cánh quân sự trong đảng đặt tên là “Ngọn thương của quốc gia (spear of the nation)”, ông hứa sẽ giới hạn đổ máu, chỉ chống lại chính quyền, mục tiêu bom chỉ nhắm vào cơ sở chính quyền và các cơ sở thương mại. Năm ngày sau khi ông Lutuli nhận giải Hòa Bình Nobel năm 1961 (cho giải năm 1960), đảng đặt bom một cơ sở chính quyền. Ông Mandela không dính vào vụ đặt bom này, trong 6 tháng của năm đó ông ở ngoại quốc nhưng vẫn bị kết án 5 năm tù lao động khổ sai. Một năm sau tòa xử lại, ông biện luận “Lúc đầu tôi phạm luật nhưng tôi tránh bạo động dưới bất cứ hình thức nào, chỉ khi nào chính quyền dùng bạo lực đàn áp, chúng tôi mới chọn hình thức bạo động. Chúng tôi chọn phương cách bạo động cần thiết và bạo động ấy không phải là khủng bố”. Ông tranh đấu cho dân chủ, lúc nào cũng muốn sống trong một chế độ dân chủ và độc lập, một nước Nam Phi không còn nghèo khổ vì “con người phải có quyền sống một cuộc đời có nhân phẩm, một cuộc đời trong đó con người không còn nghèo đói và tự do không có thật nếu xứ sở còn nghèo đói”. Con người chủ trương tranh đấu bất bạo động giống như mục sư Martin Luther King với bài diễn văn năm 1963 “Tôi có một giấc mơ” vào năm 1964 dưới áp lực của đảng ANC đã đi đặt bom một tòa nhà chính quyền dù thất bại nhưng vẫn bị tù, ông hối tiếc chuyện đó và trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới với bản án tù chung thân ngày 12 tháng sáu năm 1964. Ông đã chứng tỏ tư cách, vui vẻ chịu đựng cảnh tù. Sau này nhớ lại thời gian ở tù ông đã tiếc nhất là “khi ra tù sống một cuộc đời tự do nhưng bận rộn không còn thì giờ đọc sách, suy nghĩ và tĩnh tâm như khi trong tù”.

Trong những năm 1960, thế giới biến loạn từ Hoa Kỳ cho đến chiến tranh Việt Nam, sinh viên tranh đấu ở Pháp và Âu Châu, bạo động ở Nam Phi lan tràn trong khi ông Nelson Mandela trong tù. Các đại công ty bỏ Nam Phi, quốc tế đua nhau cấm vận chính quyền Nam Phi. Bị áp lực thế giới thủ tướng Nam Phi P.W. Botha năm 1985 hứa sẽ thả ông Mandela nếu ông hứa không theo đuổi chính sách bạo động.

Chính sách bất bạo động của ông Nelson Mandela giống chính sách bất bạo động của Thánh Gandhi. Nó là một chiến thuật khôn khéo, quan niệm bất bạo động học từ nhà văn Nga Leo Tolstoy “lá thư gởi Ấn Ðộ” chủ trương dùng tình thương trong phương pháp đấu tranh bất bạo động nhưng Gandhi vẫn tình nguyện đi lính cho Anh ở Nam Phi năm 1906, tuyển mộ lính cho Anh năm 1918 ở Flanders và Bihia, chủ trương dùng bạo lực nếu cần: “Chúng ta phải chấp nhận bạo động một nghìn lần hơn là chấp nhận diệt chủng, chấp nhận bạo động để phá vòng nô lệ”. Năm 1962, Gandhi tuyên bố với báo chí “máu đổ đầy các sông Ấn có thể là cái giá phải trả cho tự do”. Năm 1946, Gandhi đập bàn nói với quan toàn quyền Ấn “nếu Ấn Ðộ muốn tắm máu, Ấn Ðộ sẽ làm được!” Người tù Nelson Mandela đã định nghĩa chữ “người tù lương tâm” danh từ thường dùng cho các nhà đấu tranh nhân quyền về sau: “Theo luật pháp tôi là tội phạm nhưng tôi phạm tội không phải vì những điều tôi đã làm mà vì những điều tôi đã đứng lên vì lương tâm và vì lý tưởng của tôi”. Lý tưởng của ông là “bình đẳng xã hội vì đó là căn bản hạnh phúc của con người”. Con người “được giải phóng” của ông Mandela khác với con người “bị giải phóng” bởi cộng sản. “Chúng ta tự giải phóng từ sự sợ hãi của chính chúng ta và sau đó sự có mặt của chúng ta sẽ tự động giải phóng cho người khác”.

Từ năm 1985 đến năm 1989, bạo động của chính quyền Nam Phi lên cao, hơn bốn trăm người da đen chết trong các cuộc biểu tình. Chính quyền Nam Phi đã nhúng tay vào các cuộc biểu tình giống như chính quyền cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Công an đặt bánh xe trên ngực trên vai các người biểu tình rồi đổ dầu đốt bánh xe cháy, đổ tội họ tự thiêu. Chính vì những bạo động này mà ông Nelson Mandela bắt đầu thay đổi chiến thuật, đối thoại và thương lượng với chính quyền Nam Phi năm 1986 sau khi ông phải qua cuộc giải phẫu nhiếp hộ tuyến. Ông học lại tiếng mẹ đẻ Afrikaan và mọi người gọi ông là Ngài Mandela.

Ông Mandela và Nam Phi có cái may mắn của những nước cựu thuộc địa Anh. Cũng giống như ở Ấn Ðộ, Thánh Gandhi thương thuyết với chính quyền Anh của Thủ Tướng Churchill đưa đến sự trao trả độc lập thay vì một cuộc chiến không cần thiết như ở Việt Nam, ông Mandela thương thuyết thành công với Thủ Tướng F.W. de Klerk, thủ tướng sau ông Botha, chính quyền bỏ lệnh cấm đảng ANC hoạt động và sửa soạn con đường đi đến dân chủ toàn diện.
Ngày 11 tháng 2 năm 1990, ông Nelson Mandela bước ra khỏi nhà tù sau 27 năm, hình ảnh ông Mandela 71 tuổi được thả tự do ở đảo Robben, đưa quả đấm chiến thắng lên cao, được xem là hình ảnh chiến thắng bất diệt của người tù lương tâm. Ba năm sau cả hai ông Mandela và De Klerk được tặng giải Nobel Hòa Bình.

Từ một đứa trẻ da đen năm 7 tuổi được đi học, Nelson Mandela chỉ ước mơ một ngày sau khi tốt nghiệp trung học sẽ trở thành thư ký cho một hãng buôn, đến 69 năm sau, ông Mandela sau bao nhiêu lần vào tù ra khám vì tranh đấu cho nhân quyền đã trở thành “cha già dân tộc” của dân Nam Phi sau khi thắng cử trong cuộc đầu phiếu tự do ngày 27 tháng 4 năm 1994. Ông là tổng thống da đen đầu tiên ở Nam Phi. Một sự việc đã chỉ xảy ra một lần trong lịch sử thế giới là ông De Klerk trở thành một trong hai phó tổng thống cho ông Mandela. Sự chuyển quyền ở Nam Phi vì vậy có thêm một yếu tố tốt đẹp. Tổng Thống Mandela bảo đảm các công dân da trắng và các thương gia một tương lai tốt đẹp với chương trình chống nghèo đói thất học và bình đẳng cho mọi người.

Hoa Kỳ đã sợ Nam Phi rối loạn với cuộc nội chiến. Ông cố vấn Henry Kissinger với chính sách ổn định trên thế giới đã lo sợ rối loạn nguy hiểm đến nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ sinh ra từ các phong trào tranh đấu của người da đen ở Hoa Kỳ và Nam Phi nhưng ông Nelson Mandela đã chứng tỏ chính sách chống khủng bố sai lầm của Hoa Kỳ nhất là sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Hoa Kỳ đã không phân biệt khủng bố và đấu tranh giành nhân quyền đôi khi phải cần sử dụng bạo động để chống lại bạo lực của chính quyền. Các quốc gia như Nga, Trung Cộng và Việt Nam đã lợi dụng chính sách chống khủng bố để đàn áp dân Chenya, Tân Cương, Tây Tạng và những nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam. Mãi đến ngày 1 tháng 7 năm 2008, Tổng Thống George W. Bush mới bỏ Nam Phi ra khỏi danh sách khủng bố.

Bước ra khỏi nhà tù sau 27 năm, Tổng Thống Mandela đã không ôm mối thù hận hay giận dữ trong lòng, ông luôn tự hứa sẽ làm mọi điều tốt đẹp hơn cho đất nước và dân chúng Nam Phi. Nhờ ông mà Nam Phi không lâm vào cảnh nội chiến, đất nước không rách nát với vị tổng thống da đen đầu tiên. Ông đã giải thể một chế độ chính trị quỷ quái với sự can đảm và mất mát của chính cá nhân ông và giữ lời hứa hòa hợp hòa giải dân tộc. Khác với các lãnh tụ cộng sản, cũng vào tù ra khám, xem nhà tù là trường học, nhưng khi lên cầm quyền ông không thiết lập các nhà tù và trại cải tạo để trả thù các viên chức chính quyền cũ, độ lượng với những người da trắng và luôn kêu gọi đoàn kết, hòa giải. Ông lập ra những ủy ban đi tìm sự thật để hòa giải chứ không thành lập các tòa án nhân dân như Trung Cộng hay Việt Cộng sau năm 1975. Các nạn nhân đã đến các ủy ban để trình bày, kể lại các câu chuyện thương tâm của họ, những thủ phạm người da trắng ra trước các ủy ban hòa giải để làm chứng cũng được tha bổng. Trong hai năm các ủy ban đã làm việc tích cực. Những người da đen ở Nam Phi có lúc giận dữ nhưng họ đã học được một bài học “chỉ có tình thương mới xóa được hận thù”.

Nỗi lo sợ nhất của Hoa Kỳ trong thập niên 1990 là Tổng Thống Mandela có thể trở thành một Ayatolla Khomeini ở Nam Phi, sẽ cổ động dân da đen Nam Phi vùng dậy nhưng người làm lịch sử cùng năm 1979 với Khomeni trong những năm tháng lưu vong đã cho Hoa Kỳ thấy nỗi lo sợ an ninh Hoa Kỳ của Tiến Sĩ Henry Kissinger không thực tế.

Tổng Thống Nelson Mandela đã có một cá tính mạnh phát sinh từ sự thông minh và thành thật của ông. Các chính trị gia đã khóc khi gặp ông. Minh tinh điện ảnh và các nhân vật nổi tiếng đã ngọng lưỡi khi đối diện ông. Tổng Thống Bill Clinton và các nhà lãnh đạo đua nhau ca tụng ông, một biểu tượng của sự hòa hợp hòa giải trên mảnh đất dân chủ mới ở Phi Châu. Không có người nào được ca tụng nhiều như ông, mỗi lần khi ông vào bệnh viện cả thế giới khóc và lo sợ cho tương lai của Nam Phi. Tổng Giám Mục Desmond Tutu khi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1984 nhờ những tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc đã nói: “Nếu không có Nelson Mandela cả Nam Phi đã bùng cháy vì không người nào có thẩm quyền luân lý để đoàn kết Nam Phi”.

Tổng Thống Mandela luôn luôn lạc quan về tính thiện của con người “những điều tốt của con người bị che giấu một ngày sẽ hiện ra bất ngờ”.

Ông có những thất bại về ngoại giao và đối nội trong nhiệm kỳ duy nhất năm năm của ông. Con người tranh đấu cho quyền làm người lại thân thiện với Fidel Castro và gọi nhà độc tài Gaddafi ở Lybia là người anh em. Ngày trở lại thăm đảo Robben khi ông đã làm tổng thống, ông mời Fidel Castro và Gaddafi qua thăm Nam Phi. Ðể trả lời chỉ trích của Tổng Thống Clinton năm 1997 ông gọi Gaddafi là bạn tôi. Năm 2000, khi chính quyền Iran kết tội 13 người Iran gốc Do Thái và 8 người Hồi Giáo về tội làm gián điệp ông Mandela đã nói đây là vấn đề nội bộ của Iran ngoại bang không nên can thiệp.

Chính sách chống bệnh AIDS và nghèo đói của ông cũng thất bại. Tổng Thống Thabo Mbeki chẳng những không theo đuổi chính sách chống bệnh AIDS như là một sự đấu tranh cho nhân quyền mà còn xem AIDS không có thật, các thuốc chữa bệnh AIDS của Âu Mỹ nhằm mục đích diệt chủng. Hiện nay 40% giới trẻ thất nghiệp và tuổi thọ dân Nam Phi thấp nhất thế giới.

Khi về hưu sau nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, con người vĩ đại Mandela đã có một ước muốn là không ai sẽ gọi ông là Thánh sống mặc dù theo định nghĩa của ông “Thánh là một người tội lỗi luôn luôn cố gắng mãi để thành người tốt”. Ông tự nhận ông có hai điểm yếu, thích quần áo đẹp và nhìn đàn bà đẹp, nên đã luôn dặn dò dân Nam Phi là không nên gọi ông là Thánh như ba vị Thánh trong thế kỷ thứ 20: Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Thánh Gandhi và Mẹ Theresa. Ông không nhận là Thánh nhưng con người vĩ đại đã giải phóng dân da đen Nam Phi ra khỏi chính sách kỳ thị chủng tộc đã khác với ba lãnh tụ cách mạng cộng sản đã bị lịch sử thế giới ghi nhận là quỷ: Stalin, Mao Trạch Ðông và Hồ Chí Minh.

Cũng khác với các nhà độc tài cộng sản tự nhận giải phóng các quốc gia họ, Tổng Thống Mandela mặc dù cao lớn nổi bật trong đám đông luôn luôn tự biết mình, đã dặn dò những người da đen Nam Phi dù yêu ông cũng không nên tạc tượng ông như Lenin vì ông chỉ là một người bằng da bằng thịt chứ không bằng đá, một con người với tất cả sự yếu đuối của nó. Chính sự khiêm nhượng của nhà cách mạng giải phóng dân tộc không bằng cuộc chiến tranh đẫm máu đã biến ông Nelson Mandela thành con người vĩ đại trong thế kỷ thứ hai mươi cũng như trong lịch sử thế giới hiện đại.

MỚI CẬP NHẬT