Thursday, March 28, 2024

Nước Mỹ giữa gọng kềm của quyền sở hữu súng


Từ vụ thảm sát Oregon nhìn lại


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)


OREGON “Hoa Kỳ là quốc gia tiên tiến duy nhất trên thế giới cứ ít tháng lại thấy có chuyện nổ súng bắn người hàng loạt.” Ðó là lời nhận định của Tổng Thống Barack Obama trong bản tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra chiều Thứ Năm, về vụ nổ súng tại trường đại học cộng đồng Umpqua ở Roseburg, Oregon, làm 10 người chết, bao gồm hung thủ, và bảy người bị thương.








Những bó hoa tưởng niệm nạn nhân được để trên hàng rào trường đại học cộng đồng Umpqua hôm 2 Tháng Mười. (Hình: Cengiz Yar, Jr./AFP/Getty Images)


Nhắc lại phát biểu ít tháng trước đây trong vụ nổ súng ở một giáo đường của người gốc Châu Phi ở Charleston, South Carolina, ông nói: “Chỉ suy nghĩ và cầu nguyện không đủ. Chắc chắn là không đủ. Không đưa tới kết quả gì để tránh một cuộc tàn sát có thể xảy ra ở một nơi nào khác trên nước Mỹ vào tuần sau hay ít tháng sắp tới.”


Lúc 10 giờ 30 giờ sáng Thứ Năm, 1 Tháng Mười, hung thủ Chris Harper Mercer, 26 tuổi, mang theo sáu khẩu súng vào trường và nã đạn, trước khi bị bắn chết trong cuộc chạm súng với cảnh sát được báo động đến can thiệp.


Nhiều nhân chứng kể lại rằng hung thủ hỏi nhiều sinh viên là họ có theo Thiên Chúa Giáo không. Nếu câu trả lời là có, sẽ bị bắn vào đầu; nếu trả lời là không hoặc không trả lời sẽ bị bắn vào chân.


Nhân viên cơ quan kiểm soát súng ATF thu được tại hiện trường sáu khẩu súng trong đó có ba súng lục. Tại buổi họp báo hôm Thứ Sáu, bà Celinez Nunez, phụ tá đặc vụ ATF, nói rằng hung thủ mặc áo giáp mang theo năm băng đạn súng trường tác chiến sửa soạn đủ để dùng cho một cuộc chạm súng kéo dài. Lục soát căn hộ nơi Chris Harper Mercer sống với mẹ ở Roseburg, ATF còn thu được một khẩu súng nữa. Tất cả các vũ khí này đều do hung thủ hay gia đình mua một cách hợp pháp trong vòng ba năm gần đây.


Hầu hết các nạn nhân bị bắn ngay trong giờ học tại phòng 15. Sinh viên ở các lớp khác hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài. Nhưng tại phòng kế cận, một sinh viên cựu chiến binh đã can đảm đóng cửa tìm cách ngăn cản hung thủ và bị bắn trọng thương trong khi những người khác trốn xuống gầm bàn và núp sau các túi đeo lưng của mình.


Hôm Thứ Sáu, Sở Cảnh Sát Douglas County công bố tên chín người xấu số.


Ðó là Lucero Alcaraz, 19 tuổi, Treven Taylor Anspach, 20 tuổi, Rebecka Ann Carnes, 18 tuổi, Quinn Glen Cooper, 18 tuổi, Kim Saltmarsh Dietz, 59 tuổi, Lucas Eibel, 18 tuổi, Jason Dale Johnson, 34 tuổi, Lawrence Levine, 67 tuổi, và Sarena Dawn Moore, 44 tuổi.


Cho đến nay, chưa rõ động lực giết người của hung thủ Chris Harper Mercer, sinh ra tại Anh, nhưng qua Mỹ sống từ nhỏ. Một số người quen biết nói rằng bà mẹ của đương sự là một phụ nữ thân thiện, nhưng Harper-Mercer là một con người lặng lẽ, cô độc, có tâm lý xáo trộn sâu sắc và nhiều lúc tỏ thái độ như trẻ con chưa lớn.


Chi tiết cá nhân đưa lên mạng để tìm bạn bốn phương cho biết Chris Harper Mercer không hút thuốc, không uống rượu, chưa bao giờ lấy vợ và không muốn có con. Trước khi về sống ở Roseburg, Harper đã có thời gian sống ở Torrance, Nam California.


Cha mẹ của Chris Harper Mercer ly dị từ hơn 10 năm, và bà mẹ, một y tá, là người rất bảo vệ cho cuộc sống đơn độc của con. Không gian sống của hung thủ hình như chỉ giới hạn trên Internet và các trang mạng xã hội. Qua những thông tin này, các nhà điều tra nhận thấy đương sự ngưỡng mộ chủ trương của IRA (Irish Republican Army), phong trào đấu tranh muốn toàn thể Ireland, kể cả miền Bắc thuộc Liên Hiệp Anh, trở thành một nước Cộng Hòa độc lập.


Chris Harper Mercer cũng cho thấy sự chú ý đặc biệt đến các chuyện nổ súng giết người hàng loạt như tại trường tiểu học ở Newtown, Connecticut, năm 2012. Trong một trang khác, đương sự khuyến khích người đọc xem hình ảnh trên mạng vụ Vester Flanagan bắn chết hai cựu đồng nghiệp đang làm phóng sự truyền hình ở Virginia hồi Tháng Tám.








Ông John Hanlin, cảnh sát trưởng Douglas County. (Hình: Josh Edelson/AFP/Getty Images)


Hình như trong cuộc sống cô độc của mình, Chris Harper Mercer lập luận rằng “khi bị xã hội bỏ rơi, càng giết được nhiều người mình càng tạo được sự quan tâm chú ý.”


Oregon là một trong 18 tiểu bang đòi hỏi phải kiểm tra lý lịch trước khi bán súng, và Chris Harper Mercier không có hồ sơ tiền án hình sự nên đã có thể mua súng không khó khăn.


Ông John Hanlin, cảnh sát trưởng Douglas County, người cầm đầu toán cảnh sát đến tiếp cứu cho trường Umpqua và bắn hạ Chris Harper Mercer, là người chủ trương bảo vệ quyền tự do dùng súng và sau vụ này nói rằng ông vẫn giữ lập trường ấy. Tháng Giêng, 2013, một tháng sau thảm kịch ở trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut, ông viết thư gởi Phó Tổng Thống Joe Biden đề nghị là chính quyền Obama không gia tăng hạn chế dùng súng và tuyên bố nếu luật giới hạn dùng súng được ban hành, ông sẽ không tuân thủ.


Ông Hanlin không phải là người duy nhất. Hàng trăm cảnh sát trưởng khác trên toàn quốc đã cam kết không tuân hành những luật lệ được xem là xâm phạm đến quyền mang vũ khí của công dân Mỹ như đã quy định trong Tu Chính Án số 2 của Hiến Pháp. Họ cho rằng: “Kiểm soát súng không phải là giải pháp để ngăn ngừa những tội ác do căm thù như các vụ nổ súng ở trường học.”


Theo lập luận của ông John Hanlin: “Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán định rằng khi cảnh sát thi hành một mệnh lệnh vi hiến thì có nghĩa là đã vi phạm lời tuyên thệ trước Hiến Pháp. Tôi sẽ không vi phạm lời thề ấy.”


Ít nhất có một người may mắn thoát khỏi vụ bắn giết vô lý ở trường đại học Umpqua, bởi vì nếu có mặt tại đây như bình thường vào lúc đó, biết đâu không trở thành một nạn nhân.


Ðó là ông Alex Scarlatos, một trong ba người Mỹ đã ngăn chặn một nghi can khủng bố có súng trên chuyến xe lửa từ Brussels, Bỉ, về Paris, Pháp, hồi mùa Hè năm nay.


Ông Scarlatos ở Roseburg và vẫn đang theo học tại đại học Umpqua, nhưng sáng Thứ Năm đã về đài chuyến hình ABC để dự buổi diễn tập cho chương trình “Dancing With The Stars.”


Nếu không, có thể ông Scarlatos đã chẳng tìm cách ngăn chặn khi chẳng may đối đầu với hung thủ Chris Harper Mercer.


Hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Barack Obama ra lệnh toàn quốc để cờ rủ tưởng niệm các nạn nhân.


Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama nói rằng ông sẽ làm cho vấn đề bạo động vì súng trở thành một vấn đề chính trị và thúc đẩy Quốc Hội thay luật về súng, một phản ứng đối chọi với đảng Cộng Hòa.


“Tình thế sẽ không thay đổi cho tới khi tình hình chính trị thay đổi và cho tới khi thái độ của các vị dân cử thay đổi,” ông Obama nói. “Ðiều chính yếu ở đây mà tôi sẽ làm là sẽ nói về vấn đề này thường xuyên. Và tôi sẽ chính trị hóa nó, bởi vì hành động chính trị của chúng ta hiện nay là không làm gì cả.”


Dù vụ thảm sát xảy ra, đa số cư dân tại Roseburg vẫn ủng hộ việc sử dụng súng, cho rằng đây là một vùng rừng núi, và súng không chỉ để tự vệ mà còn là một nét văn hóa của vùng này.


Roseburg là một thành phố có khoảng 22,000 dân, nằm cách Eugene khoảng 70 dặm về phía Nam, và cách Portland khoảng 180 dặm về phía Nam.


Trường học tọa lạc trên một ngọn đồi phía ngoài trung tâm thành phố, một khu vực sống bằng nghề khai thác gỗ và cách xa lộ 5 không xa.


Ðại học cộng đồng Umpqua có khoảng 13,600 sinh viên, với tuổi trung bình là 38. Trong số này, chỉ có chưa tới 800 người là sinh viên toàn thời gian, 2,437 người học bán thời gian, và khoảng 10,000 người học dưới dạng “giáo dục cộng đồng.”

MỚI CẬP NHẬT