Thursday, March 28, 2024

Tân Cương lại có loạn

 

Hùng Tâm/Người Việt

Từ đột quyết tự trị đến thánh chiến Hồi Giáo

Tuần qua, công an tỉnh Tân Cương thông báo là trong hai Tháng Bảy và Tám đã có 139 người bị bắt vì tội tuyên truyền cho chủ nghĩa Thánh Chiến Hồi Giáo Jihad. Tin đó được loan sau khi lực lượng an ninh Trung Quốc hạ sát 12 người và bắt giữ 20 người thuộc tộc Duy Ngô Nhĩ Uighurs trong cuộc tảo thanh một địa điểm họ gọi là “sào huyệt của khủng bố” tại khu vực Khách Thập Kashgar ở phía Nam tỉnh Tân Cương. Khu vực này là nơi tập trung người Uighurs theo Hồi giáo nhưng thu hút khá nhiều đầu tư và di dân Hán tộc từ nhiều năm nay.

Loại tin tức thời sự như vậy của một khu vực xa xôi, được gọi là “biên cương mới” của Trung Quốc từ vài trăm năm nay, thường chỉ xuất hiện vài dòng ở trang trong các tờ báo. Nhưng đấy cũng là những chi tiết về sự biến ở bên trong Trung Quốc, tại một khu vực đang được lãnh đạo Bắc Kinh dùng làm bàn đạp để tiến vào Trung Á. Vì vậy, tiếp theo hai bài về Trung Á sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan A Phú Hãn, “Hồ sơ Người Việt” xin nói về Tân Cương.

Biên cương mới

Từ ngoài vào trong, lãnh thổ rộng tới 10 triệu cây số vuông của Trung Quốc là những bậc thềm từ các hướng Tây và hướng Bắc ngó xuống vùng đồng bằng ở khu vực duyên hải miền Ðông là nơi tập trung Hán tộc. Mạn Bắc của vùng đồng bằng đó, trên lưu vực sông Hoàng hà, thường được gọi là Trung Nguyên, là nơi xuất phát nền văn minh Hoa Hạ. Vây quanh là những vùng thảo nguyên, sa mạc và núi non hiểm trở, từ trên bước xuống.

Từ ngàn xưa, khu vực ngoại biên rộng lớn này cũng là nơi xuất phát nhiều đợt “Ðông tiến” của các dị tộc đổ xuống Trung Nguyên. Kỵ binh Mông Cổ từ bình nguyên Trung Á hay người Kim, Liêu, Mãn, v.v… từ miền Ðông của Tây Bá Lợi Á và từ Mãn Châu từng vào làm chủ Trung Nguyên và cả Trung Quốc. Gần đây hơn, người Nhật đã hai lần từ bán đảo Triều Tiên đánh xuống Mãn Châu và vào khuất phục Trung Quốc, một lần vào đời Minh, năm 1591. Lần cuối là vào thế kỷ 20, rồi bị đánh bại là nhờ… Hoa Kỳ trong Thế Chiến II.

Cả mấy ngàn năm, lãnh đạo Trung Quốc, từ các hoàng triều cho đến đảng Cộng sản hiện nay, đều có phản ứng phòng thủ.

Thụ động thì họ xây nhiều đợt Vạn Lý Trường Thành. Tích cực hơn thì họ ra quân kiểm soát khu vực ngoại biên để bảo vệ Trung Nguyên của Hán tộc. Muốn cho an toàn, họ biến khu vực này thành vùng trái độn quân sự và tìm cách tiêu diệt hoặc đồng hóa các sắc tộc khác. Khu vực gọi là Tân Cương hiện nay là vành ngoài và xa nhất, của cả nỗ lực phòng thủ đó. Xa nhất là khi ta so sánh với Tây Tạng, Nội Mông hay Mãn Châu.

Thủ phủ của Tân Cương là Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) cách thủ đô Bắc Kinh hơn ba ngàn cây số, còn Khách Thập Kashgar, một trạm giao lưu của con đường Tơ Lụa thời xưa, ở cách biển Ðông hơn bốn ngàn cây số, là tận cùng của biên giới miền Tây. Trong các vùng sinh hoạt của dị tộc, Tân Cương bị sát nhập sau cùng, chỉ có tên gọi như vậy là từ thế kỷ 18 dưới đời Thanh khi nước Tầu bị dân Nga và các sắc tộc khác đe dọa. Lần sau cùng và triệt để nhất là vào năm 1949, dưới thời Mao Trạch Ðông.

Diện tích Tân Cương là gần hai triệu cây số vuông – bằng 17% của lãnh thổ Trung Quốc, phân nửa của Ấn Ðộ và hơn gấp năm của Việt Nam – mà chỉ có 22 triệu dân. Về địa dư thì Tân Cương có hai lòng chảo hay bồn địa là Junggar (Dzungaria hay Chuẩn Cát Nhĩ) ở miền Bắc và Tarim (Tháp Lý Mộc) ở miền Nam, ở giữa là thung lũng của sông Illi (Y Lệ hà), con sông bắt nguồn từ rặng núi Thiên San nổi tiếng trong văn học và lịch sử.

Xưa kia gọi là Hồi Hột hay Ðột Quyết, sắc dân Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo có 10 triệu người trên toàn quốc thì đại đa số sống tại Tân Cương, nhiều nhất là trong lòng chảo Basim. Họ tập trung tại Kashgar, nơi có gần bốn triệu người thì 90% là dân Duy Ngô Nhĩ. Còn Hán tộc, kể cả di dân từ nơi khác được đưa về đấy, thì sống nhiều nhất trong lòng chảo Junggar.

Ðây là vùng đất hoang vu khô cằn, không người mà nhiều chuyện, từ sắc tộc, tôn giáo đến an ninh và kinh tế.

Sắc tộc tự trị, thánh chiến và al-Qaeda

Trung Quốc phát minh ra chữ “đồn điền” – ruộng vườn và trại lính, do chính sách đưa binh lính đi canh tác để giữ đất – chính là từ đất Tân Cương xưa kia còn gọi là Tây Vực. Sau này, Mao Trạch Ðông học theo Stalin mà thi hành chính sách cai trị tinh vi hơn với nhiều đợt di dân và phân vùng kiểm soát.

Mặc dù là một vùng trái độn quân sự để ngăn ngừa ngoại xâm, từ nhiều thập niên vừa qua, xứ Tân Cương vẫn bị hai vấn nạn là phong trào nổi loạn của sắc tộc để đòi quyền tự trị, xen kẽ cùng các nhóm võ trang nổi dậy, gọi là lực lượng dân quân. Bây giờ, là sự xuất hiện của phong trào Thánh Chiến, dùng khủng bố làm phương pháp.

Phân biệt ba hình thái đấu tranh hay khuynh đảo này là điều không dễ.

Trong các thập niên cuối của Thế kỷ 20, Tân Cương có loạn là do những mâu thuẫn và xung đột mang tính cách chủng tộc giữa người Ðột Quyết đa số và người Hán thiểu số, được đưa vào đấy để cai trị và bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng theo kiểu Mao Trạch Ðông. Những vụ bạo động này thường xảy ra tại miền Nam dù chưa không gây thiệt hại về kinh tế hay an ninh cũng khiến trung ương quan tâm. Ðây là khu vực có nhiều tiềm năng về khoáng sản và năng lượng.

Vì vậy, Bắc Kinh tìm cách xả sức ép, rút củi dưới nồi, qua chánh sách nâng đỡ dân Hồi giáo về xã hội, giáo dục và thậm chí kinh tế lẫn chính trị. Sắc tộc Duy Ngô Nhĩ được cất nhắc để giúp đảng có thêm đảng viên “người sắc tộc” nói theo ngôn ngữ Hà Nội. Nhưng chánh sách này lại gây phản ứng ngược từ người Hán được đưa vào đó. Họ cảm thấy là nạn nhân của sự bất công, và mở phong trào tự phát chống người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi!

Chính là những xung đột ấy mới dẫn đến sự hình thành của các nhóm võ trang kết tụ vào yếu tố tôn giáo là đạo Hồi.
Trong số này, lực lượng đông đảo và có tổ chức nhất là Phong trào Hồi Giáo Ðông Thổ (East Turkestan Islamic Movement, gọi tắt là ETIM). Phong trào ETIM bị Bắc Kinh kết tội khủng bố và đàn áp rất mạnh. Từ nguyên thủy, dân Hồi Hột, Ðột Quyết hay Duy Ngô Nhĩ là thuộc chủng tộc Thổ, vì sống tại miền Ðông của một khu vực trải ngang lục địa Âu Á, từ Turkey Thổ Nhĩ Kỳ qua Trung Quốc, họ lập ra một quốc gia tên là Ðông Thổ East Turkestan nhưng bị Mao tiêu diệt.

Qua Thế kỷ 21, khi Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công trong vụ 9-11, cả thế giới đã quan tâm đến nạn khủng bố Hồi Giáo. Bắc Kinh nương theo trào lưu đó mà vận động quốc tế và cả Hoa Kỳ công nhận lực lượng ETIM là khủng bố. Trung Quốc tìm lẽ chính danh cho việc thẳng tay đàn áp.

Khi ấy những ai quan tâm đã so sánh hai phương pháp đấu tranh kết hợp sắc tộc và tôn giáo.

Dân Tây Tạng theo Phật Giáo thì có đòi hỏi ôn hòa, chỉ xin được tự trị một phần để bảo tồn di sản văn hóa của người Tạng và tín ngưỡng là đạo Phật. Với ảnh hưởng rất lớn của đức Ðạt Lai Lạt Ma, dân Tây Tạng áp dụng phương pháp bất bạo động theo con dường trung đạo thật sự là trung dung. Nhưng họ vẫn bị đàn áp.

Dân Ðột Quyết hay Ðông Thổ theo Hồi Giáo thì đòi quyền độc lập và áp dụng phương pháp bạo động nên bị gọi là khủng bố. Lực lượng ETIM mất dần ảnh hưởng vì bị đàn áp và quả thật là có bị cô lập khi Hoa Kỳ mở chiến dịch A Phú Hãn cùng các nước càn quét khủng bố Hồi giáo.

Bây giờ, chuyện đáng chú ý là sự biến thái của đấu tranh tại Tân Cương. Với nhiều người, bản tin tuần qua của Tân Hoa Xã về đụng độ tại Kashgar chỉ là chuyện cũ, thật ra đấy là một mối nguy mới cho biên cương mới của Trung Quốc! Phong trào độc lập của dân Duy Ngô Nhĩ đã lan qua các nước Hồi Giáo Trung Á đến tận Pakistan, và các lực lượng khủng bố Hồi Giáo xưng danh Thánh Chiến hoặc dùng phiêu hiệu Al-Qaeda đang vào tới Tân Cương.

Nhớ lại việc Hoa Kỳ sẽ triệt thoái khỏi A Phú Hãn, ta thấy là cả một khu vực rộng lớn từ Nam Á qua Trung Á đến Trung Quốc sẽ là vùng oanh kích tự do của các lực lượng dân quân có võ khí là súng đạn và thuốc phiện hay ma túy cùng các nhóm khủng bố Hồi Giáo có võ khí là tư tưởng Thánh Chiến. Trong mười mấy năm liền, Hoa Kỳ là “sen đầm quốc tế” đã tốn kém nhân lực và tài lực để bảo vệ A Phú Hãn và giải trừ khủng bố.

Hoa Kỳ đang triệt thoái và để lại trách nhiệm bình định cho các nước trong vùng.

Khi muốn tiến vào Trung Á để tìm năng lượng và mở đường thông thương xuyên tới Âu Châu, Trung Quốc sẽ gặp chướng ngại ngay trên Con Ðường Tơ Lụa truyền thống. Rồi vì chứng ung thư trong nội tạng là bất ổn tại Tân Cương, lãnh đạo Bắc Kinh còn mở đường giao lưu cho Thánh Chiến và Al Qaeda sẽ vào tới lãnh thổ của mình!

Kết luận ở đây là gì?

Truyền thông chuyên đề về kinh tế quốc tế cứ nói đến những dự án quy mô bạc tỷ mà Trung Quốc đã và đang thực hiện từ các tỉnh bị khóa trong lục địa đến Pakistan và Biển Á Rập. Ðó là các dự án năng lượng (dầu thô và khí đốt) hay xây dựng hạ tầng (như xa lộ hay thiết lộ). Căn cứ vào đó, chúng ta có thể nghĩ đến sự lớn mạnh đáng ngại của Trung Quốc khi Hoa Kỳ đang thu vén phương tiện và chuyển trọng tâm về các vấn đề nội bộ.

Nhưng chính là khi phải vươn ra ngoài để tìm đường sống về kinh tế cho một quốc gia thiếu lương thực và năng lượng và cần thị trường xuất cảng, Trung Quốc lại phiêu lưu vào vùng đất hiểm. Và bệ phóng Tân Cương sẽ gặp nhiều tai họa bất ngờ.

Khi đối chiếu với những tiềm lực mới về năng lượng của Hoa Kỳ, có lẽ người ta nên nghĩ khác về sức mạnh của Trung Quốc!

MỚI CẬP NHẬT