Tuesday, April 16, 2024

Tản mạn một tuần ở San Jose


Việt Nguyên


LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston. Ðộc giả có thể xem các bài viết của Việt Nguyên trên www.ngay-nay.com.


***



Một tuần tôi đến ở San Jose trời đổ mưa, trốn cái lạnh ở Houston tôi lại gặp cái lạnh ở Bắc California. Những cơn mưa tầm tã gợi tôi nhớ về những cơn mưa ở Portland, Oregon những ngày tháng mới đến 36 năm về trước. Portland với những cơn mưa rào chợt đến chợt đi, những cơn mưa rỉ rả bất chợt khiến người tị nạn mới đến nhớ nhà nhớ bạn.


Ba tháng mới chân ướt chân ráo đến đất nước mới, nhu cầu gặp bạn bè thúc đẩy tôi làm một chuyến lãng du, sau kỳ thi tương đương ECFMG, chưa biết kết quả đậu rớt. Chiếc Volkswagen cà tàng đã đưa tôi và vợ con xuống vùng thung lũng San Jose của những tháng hè nóng cháy. San Jose với những bạn học và những người thân sau bao năm chưa gặp lại. San Jose của một cộng đồng tị nạn Việt Nam mới đến, còn nhỏ nhưng đầy tình người. Từ San Jose đến Oakland, lái xuống Los Angeles, chiếc xe con cóc ngoài tôi lại thêm gia đình BS Ðặng Ðức Phượng tiếp tục con đường “thiên lý vạn dặm” như khi từ Portland xuống, xe tắt máy tuột đèo để tiết kiệm xăng, sang tay lái nổ máy lại khi xe bắt đầu lên dốc. Ðến Orange county dừng chân gặp bạn bè rồi tiếp tục hành trình xuống San Diego. Con đường thiên lý dọc xa lộ liên bang số 5 đem đến nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chiếc xe cà tàng phải dừng lại để sửa ở San Diego khi thăm BS Võ Tá Ðồng trước khi về lại Los Angeles. Một Los Angeles và Orange County quyến rũ đã khiến tôi tiếp tục một hành trình tương tự sáu tháng sau khi thi xong kỳ thi FLEX chuẩn bị tìm nơi đi học lại để hành nghề trên đất mới. San Jose thung lũng với những cành hoa đào vào mùa đông nay thay đổi bộ mặt khác với ba mươi sáu năm trước. Những người bạn cũ đã thành công cùng những người bạn mới gặp lại đã giúp tôi giữ những kỷ niệm xưa trong lòng về một San Jose và những ngày tháng xa quê nhà.









Tranh Võ Tá Ðồng.


San Jose một tháng sau Tết Giáp Ngọ vẫn còn không khí rộn ràng của những ngày Tết với những cành đào và những câu đối đỏ còn lại trong các cửa hàng nhưng cái háo hức về một cái Tết ở quê nhà nay đã nguội nhiều trong lòng người tị nạn nay đã dần dần trở thành người bản xứ.


Cuối tuần ở San Jose, ngồi trong phòng khách nhà anh chị BS Ðôn, ngắm trời mưa, nhìn ra khu rừng sau nhà, cùng xem chương trình Oscar với bà chủ nhà mê phim ảnh, giải thưởng phim hay nhất năm nay về tay cuốn phim “mười hai năm một người nô lệ,” trong đầu tôi bỗng nảy ra ý nghĩ: Khi nào mới có cuốn phim “Sáu mươi năm nô lệ” để kỷ niệm một nước Việt Nam tội nghiệp đã gần sáu mươi năm nô lệ chủ nghĩa cộng sản từ tháng bảy năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Genève?


Cũng vì sáu mươi năm nô lệ chủ nghĩa cộng sản mà sau gần 39 năm từ sau ngày 30 Tháng Tư 1975 vẫn còn những người tị nạn tiếp tục ra đi dưới hình thức định cư như những người bạn đồng nghiệp cùng lớp tôi mới qua sau muộn màng. Những người tị nạn mới không ở vào cảnh không nhà không cửa như những người tị nạn sau năm 1975. “Việt điểu sào Nam chi” những con chim Việt đi ngược hướng thay vì về lại tổ. Những con chim Việt xa xứ đi ngược đường khác với những người tị nạn xa nhà hơn 39 năm nay quay về tổ, những người khách lữ hành trở về nhà trước khi mất. Quê cha đất tổ thay đổi ý nghĩa theo chiều hướng toàn cầu hóa. Những chuyển động nhanh chóng của máy bay phản lực đưa nhân loại trên quả địa cầu qua Mỹ Quốc, một nước thanh bình an ninh, tạo thành một phong trào cho dân chúng trên thế giới, nhanh hơn là hệ thống thông tin toàn cầu. Bên kia bờ Ðại Tây Dương của Hoa Kỳ là tượng Nữ Thần Tự Do, bên này bờ Thái Bình Dương là cây cầu Golden Gate đáng lẽ phải có bức tượng Nữ Thần giải phóng! Bạn tôi như Phan Xuân Lâm một người mới đến có tự do mới cả về kinh tế lẫn cá nhân và tình yêu gia đình nhưng vẫn có cảm giác không thuộc về “Ðất mới” như ngày chúng tôi mới đến 36 năm về trước sau lần bỏ nhà lên thuyền ra đi trong một đêm tối mịt mùng. Sau bao nhiêu năm ở Mỹ cuộc sống đã trở thành quen thuộc, đời sống với bạn bè, hàng xóm, với câu chuyện hàng ngày, những biến cố của xã hội, những sinh hoạt thường nhật đã giúp tôi lẫn vào đất nước mới. Con người thay đổi từ trong ra ngoài trong bao nhiêu năm như thuyết tiến hóa của Darwin. Mười chín năm trước, một lần về Sài Gòn thăm ngôi nhà cũ, bây giờ như một giấc mơ. Mười chín năm không trở về thăm, thói quen đã mất đi, trong lòng không còn thấy nao nao nói gì là trở về quê nhà tái định cư. Tình trạng tôi cũng giống như những bạn bè ngoại quốc khác ở chung quanh, nhớ quê nhớ nhà nhưng từ chối trở về. Một người bạn đồng nghiệp người Ðông Âu một lần đã nói với tôi: “Tôi không về lại quê nhà vì tôi không còn biết cảm giác trở về nhà nữa.”


Cảm giác mất mát “đã mất hẳn những kỷ niệm yêu dấu mãi mãi trong đời” của anh cũng giống như cảm giác của tôi. Mười chín năm trước trở về, ngôi nhà cũ của cha mẹ vẫn còn trong xóm. Ngôi nhà không thay đổi từ ngoài vào trong sau đó không còn nữa khi người chủ nhà mới phá đi xây thành ngôi nhà khác. Những kỷ niệm cũ một ngày đã được tận tay sờ thấy: bàn thờ ở phòng khách nơi cha tôi mất, phòng ngủ với bộ ván mẹ tôi ngày qua đời, phòng ngủ của anh em tâm tình mỗi đêm, chiếc gương treo ngoài hành lang trên lầu, mỗi chúa nhật cuối tuần đứng ngắm sửa lại khăn quàng trên bộ đồng phục Hướng Ðạo, căn phòng riêng của hai vợ chồng với bộ bàn ghế và giường ngủ, giờ đây đã biến mất mãi mãi. Tôi đã mất cái háo hức của một người về thăm Việt Nam và không muốn là một người khách đến thăm một đất nước xa xôi.


Ba mươi sáu năm trước, ngày mới đến San Jose, nghe bài hát từ máy cassette trên chiếc xe Volkswagen cà tàng “Ta đi trên đường tạm dung, trời Cali ta yêu nó đấy gần bằng tình ta yêu nắng cháy Sài Gòn” của Phạm Duy, tôi nhớ những tiếng rao hàng buổi sáng mỗi ngày trong xóm, nhớ những con đường nhộn nhịp, nhớ hàng xóm, nhớ tiếng bạn bè buổi sáng đạp xe đến trường. Ba mươi sáu năm sau đến San Jose, thung lũng với núi đồi ở chung quanh, buổi sáng yên tĩnh, mặt trời mới lên sau rặng núi, không khí trong lành với những dòng sông êm ả, tôi cảm thấy may mắn có những người bạn cũ để nói đôi ba câu chuyện đời, những người bạn ngày nào ở tuổi đôi mươi nay thoáng một chốc đã trở thành những cụ già trên sáu mươi!


Sáng Thứ Bảy, trời San Jose bỗng nhiên nắng, Trần Ðình Tuấn nói với tôi: “Chỉ có ở Mỹ mình mới có được một ngày yên tĩnh, một khí trời trong lành, một khung cảnh không ô nhiễm bụi bặm và mình cảm thấy cám ơn xứ Mỹ, chỉ có nước Mỹ mới có được không khí như thế này.” Tuấn và tôi đi bộ trong công viên từ nhà Khôi đến tiệm ăn. Tuấn là bạn thân với tôi từ ngày đi học đệ thất ở Trần Lục. Trong sổ điểm danh theo thứ tự vần A, B, C, Tuấn ở trên tôi và cùng ngồi gần bàn với nhau trong bốn năm Trần Lục. Qua Chu Văn An, Tuấn sang ban A, tôi đi ban B. Hai chúng tôi cùng chia sẻ nhiều kỷ niệm chung. Năm đệ tứ Thế Huy Trần Ðình Tuấn đã nổi tiếng là cây viết trẻ của nhật báo Chính Luận trong mục “Chuyện Phiếm,” sau tôi cũng đóng góp vài bài nhưng không nổi tiếng như nhà văn Thế Huy. Thân nhau, đạp xe trên những con đường quanh trường Trần Lục nhưng có một lần Thế Huy và tôi đã đụng độ vì khác biệt ý kiến chính trị. Cái thời mà phim ảnh cao bồi John Wayne đã ăn vào trong đầu bọn chúng tôi, những học sinh mê chơi hơn mê học, nên vì một bài viết mà tôi và Thế Huy cùng hẹn nhau phải giải quyết tay đôi. Tôi học nhu đạo, Thế Huy học Vovinam hẹn nhau ra bãi cỏ trống ở góc Hiền Vương Nguyễn Ðình Chiểu nơi đoàn xiếc Tây Ðức đến làm nơi lưu diễn để giải quyết như trong phim cao bồi. Sau giờ tan học, hơn hai mươi bạn cùng lớp đến chiến trường, bao quanh vòng tròn để tôi và Thế Huy đứng trong vòng “đánh nhau đến chết.” Chúng tôi đánh nhau đến lúc quần áo rách tơi tả mặt mày đầy vết tích nhưng chẳng thằng nào chết và khác biệt về ý kiến chính trị cũng chẳng giải quyết. Mười năm trước gặp lại Thế Huy ở San Jose sau hơn hai mươi năm, chúng tôi mừng rỡ, bạn bè cũ mỗi người mỗi nghề nay tình bạn nối lại và kỷ niệm xưa là một kỷ niệm đẹp. Thế Huy yêu thiên nhiên như con người hướng đạo trong tôi. Ngày gặp lại, Thế Huy dẫn tôi vào rừng cây hồng mộc xem cảnh thiên nhiên với tôi trong bộ vét ngày đi dự đám cưới! Bạn tôi đã một mình đi từ Hà Nội vào Sài Gòn theo con đường Trường Sơn bằng xe gắn máy, đã leo núi Ba Vì, Yên Thế như đã leo lên những rặng núi quanh San Jose. Về Việt Nam ở hơn một năm với những công việc xã hội, bạn tôi trở về Mỹ và yêu không khí Mỹ.


Buổi sáng Thứ Bảy ấy ở San Jose là một ngày đáng nhớ của chúng tôi những người bạn học Chu Văn An năm 1968, Khôi, Trí, Long, đã gặp tôi một lần sau ngày hội ngộ Chu Văn An Tháng Mười năm 2013 nay vẫn tìm gặp lại. Các bạn Bắc Cali cũng như các bạn cùng lớp cùng năm ở Nam Cali, Nhân, Hân, Hồng, Chước, Tư, Vũ, Phạm Quang Tuấn đã cùng tìm đến tôi sau bài viết về những kỷ niệm CVA.


Cuối tuần ấy không khí Ukraine sôi sục. Chúng tôi nói chuyện thời sự với nhau như những ngày còn học trung học, các cậu học trò thích bàn chính trị, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách,” cái thời “tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” đã qua nhưng cuộc đời thì vẫn còn đó.


Ukraine, quốc gia độc lập, sau khi cộng sản Xô Viết tan rã, nay đi vào một khúc quanh mới. Tổng Thống Viktor Yamukovych trở thành nhà độc tài, vi phạm nhân quyền, thân Nga bắt chước thể chế chính trị Nga mặc dù đa số dân Ukraine muốn Ukraine vào Liên Hiệp Âu Châu (EU). Luật mới được thông qua bởi Quốc Hội đi ngược lại tất cả các căn bản của một hiến pháp Dân Chủ hiện đại trên thế giới trong đó quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được tôn trọng.


Luật mới của Ukraine được thông qua bởi các dân biểu “phường tuồng” (như quốc hội Việt Nam) giơ tay biểu quyết, không bàn cãi, không cần đếm số tay. Hệ thống bầu cử đếm phiếu điện tử không được dùng.


Luật mới cấm “phỉ báng” Tổng Thống Yanukovych và các nhân vật lãnh đạo (không khác luật lệ VN!), ông Yanukovych đã bị tòa kết án về tội cướp và hiếp dâm trước khi lên làm tổng thống! Quyền tự do hội họp nơi công cộng bị cấm, dân chúng không được bày tỏ các hoạt động “quá độ” như bày tỏ quan điểm trên báo chí, trên mạng lưới thông tin và qua điện thoại. Các công ty điện thoại và mạng lưới thông tin bị bắt buộc phải giữ hồ sơ của những người sử dụng trong trường hợp công tố viên cần dùng để truy tố đối lập, những người yêu dân chủ.


Một điều quan trọng nhất là các cơ quan ở Ukraine nhận giúp đỡ tài chính một cách gián tiếp hay trực tiếp từ “ngoại nhân” bắt buộc phải để tên cơ sở ngoại nhân cạnh tên của họ giống như luật lệ hiện hành của Nga (cũng tương tự như luật lệ ngầm của VN hiện nay đối với các cơ quan vô vị lợi NGO ở VN, họ luôn luôn bị nghi ngờ ngay cả cơ quan từ thiện y tế) các cơ quan đồng thời phải báo cáo thường xuyên với nhà nước và bị đóng “thuế đặc biệt.”


Ngay sau ngày đạo luật được tổng thống ký, dân Ukraine đã phản đối bằng phương pháp hòa bình, chế nhạo luật mới, một số các người trẻ tuổi tấn công cảnh sát. Ðêm 19 Tháng Giêng năm 2014, giới đối lập bị bắt dù họ không dính líu vào cuộc bạo động. Phương pháp của Ukraine, cũng như phương pháp của Nga, VN và TC, dùng và mua những kẻ khiêu khích tạo rối loạn bạo động rồi đổ tội và bắt bớ những người chống đối.


Chính quyền độc tài Ukraine cấm dân chúng dùng mạng lưới thông tin và cấm hội họp đã tạo ra một công trường mới. Cách mạng năm 2011 ở Ai Cập có công trường giải phóng Tahrir, năm nay Ukraine có công trường Maidan để dân đến biểu tình chống đối. Maidan có nghĩa rộng hơn công trường. Maidan đồng nghĩa với Agora danh từ Hy Lạp nguyên thủy, có nghĩa là nơi hội họp, nơi bàn cãi, tranh cãi để thành lập một hội chính trị.


Ukraine một nước phá sản với nợ hơn 20 tỷ Mỹ kim có hai chọn lựa, theo Nga với số tiền 15 tỷ từ Putin có lợi ngắn hạn cho Tổng Thống Yanukovych, theo cộng đồng Âu Châu qua giao thương có lợi cho Ukraine về lâu về dài.


Chính quyền độc tài Yanukovych được Putin ủng hộ qua hội Eurasian (Âu Á) khác với Europian Union (EU). Tổ chức Eurasian có đủ hai đặc tính Phát Xít và Satlin cầm đầu bởi Sergei Glazyev cựu đảng viên cộng sản và dân biểu Quốc Hội Nga nay về tay Dimitri Kiselyov. Ðối với thế giới Ukraine là một nước độc lập, đối với Nga Ukraine là một tỉnh của Nga từ thời Nữ Hoàng Catherine thế kỷ thứ 18 nên khi Putin biểu dương lực lượng ở Crimea dân Nga xem là chuyện bình thường. Chống cộng sản Xô Viết như nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn năm 1990 kêu gọi giải thể Xô Viết nhưng vẫn xem Ukraine là một phần của liên hiệp Nga trong khi những người Ukraine, nhất là phần phía Tây, đang cùng với các quốc gia vùng Balkan tranh đấu giành độc lập. Ðối với Solzhenitsyn, người đã nhận giải thưởng quốc gia từ tay Putin, Ukraine không phải là một quốc gia, quan điểm được xác nhận bởi Tổng Thống Putin khi gặp T.T. Bush con: “George, ông phải hiểu Ukraine không phải là một quốc gia.”


Putin lớn lên ở vùng Leningrad vẫn mang mối hận của nước Nga hậu cộng sản, mối nhục hơn thập niên, nên từ năm 1999 khi được giao quyền tổng thống từ tay Yeltsin, dưới ngọn cờ mới, Putin nhất định đưa Nga qua một chương lịch sử mới. Thế Vận Hội Sochi năm 2014 là một cảnh báo cho thế giới về tinh thần quốc gia quá khích giống như Thế Vận Hội 2008 ở Trung Hoa. Nga cộng tác khoa học với Hoa Kỳ như chương trình trạm không gian nhưng đầu óc Putin thiên về đế quốc Nga. Trong khi Hoa Kỳ xem Nga là đối tác trong chính sách đối ngoại như chính sách ở Iran và Syria, Putin xem Hoa Kỳ là đối thủ. Nga đứng sau lưng Tổng Thống Assad ở Syria và chính quyền Iran ở Trung Ðông, Putin dương oai diễu võ vì Ukraine không trong E.U. Quân đội Âu Châu không can thiệp vào các nước không thuộc E.U. Liên Hiệp Quốc cũng đứng nhìn như LHQ đã đứng nhìn ở Syria với Nga và TC có quyền phủ quyết trong LHQ.


Trật tự toàn cầu thế kỷ thứ 21 giống như truyện 1984 của George Orwell với Nga và TC hai siêu cường mới đối đầu với Hoa Kỳ. Hắc Hải thuộc về Nga cũng như Trung Cộng dành quyền Biển Ðông. Dân Nga ủng hộ chính sách quân sự của Putin lâm le chiếm Ukraine mạnh. Chủ quyền Ukraine bị Nga xem thường. Chủ nghĩa quốc gia chống Tây Phương trong vòng thập niên qua nay tăng mạnh là động cơ của chính sách xăm lăng và bành trướng của Putin. Chủ nghĩa này đòi hỏi tiếng nói của Nga phải được tôn trọng. Giới cấp tiến ở Nga im lặng vì họ là thành phần thiểu số và bất lực, chính quyền Putin cũng giống như Trung Cộng sẵn sàng đàn áp những tiếng nói của lẽ phải.


Putin con người hùng cởi trần ngồi trên lưng ngựa, đai đen nhu đạo đụng độ với Tổng Thống Obama với thế giới đứng ngoài xem không giải quyết được vấn đề cũng hơi giống như cuộc vật lộn giữa tôi và Tuấn ngày chúng tôi mười sáu tuổi!


Cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine khiến thế giới quên về tình hình Biển Ðông, tình hình giữa Trung Cộng và Việt Nam với tinh thần quốc gia cực đoan ở Trung Hoa lên cao độ. Chính sách của VN giống như chính sách của chính quyền Ukraine, vi phạm nhân quyền và địa thế của Việt Nam với Trung Hoa cũng giống như Nga và Ukraine. Bọn chúng tôi nhất là Long bạn tôi tự hỏi: chừng nào Hoàng Ðế Tập Cận Bình sẽ dương oai diễu võ? Tình hình Ukraine nóng hổi mà bạn tôi ơ thờ chỉ nhớ về một quê nhà xa vạn dặm.


Ðêm ngày thứ hai trước khi trở về Houston là một đêm đẹp và đáng nhớ. Võ Tá Ðồng bạn cùng lớp chúng tôi ở Y khoa Sài Gòn, người đã giúp sửa chiếc xe con cóc cà tàng để đi ngược về lại Portland Oregon 36 năm về trước nay đóng đô ở San Jose. Hơn mười năm tôi mới gặp lại bạn tôi. Căn nhà nhỏ ấm cúng nơi vợ chồng tôi đến đầy tranh của họa sĩ Võ Tá Ðồng từ phòng khách đến nhà xe. Những bức tranh vừa được triển lãm. Bạn tôi tay khám bệnh tay cầm cọ, khác với tay tôi cầm bút. Cái tài của bạn tôi mới tìm thấy lúc sau này, hồi đi học tôi chưa thấy bạn tôi tay phóng ra bức họa nào.


Tôi không có tài cầm cọ vẽ hay cầm đàn búng nhẹ nhàng ra những thanh âm dìu dặt. Tôi chỉ có nhiều kỷ niệm vui về hội họa và nhạc ngày đi học trường trung học Trần Lục. Giáo sư Thiên Phụng là thầy dạy nhạc của chúng tôi, sau ông phụ trách chương trình Tuổi Xanh trên đài phát thanh Sài Gòn. Học nhạc với ông, điểm âm nhạc từ 1 đến 10, bao giờ tôi cũng chỉ được tối đa là 5. Mỗi lần ông gọi lên hát, tay cầm tập có viết bài nhạc của ông, tay đánh nhịp, đứng trước mặt các bạn trong lớp là tôi phì cười, không khi nào hát hết trọn bài. Tôi và Trần Ðình Tuấn hay chọc phá thầy trong giờ học nhạc. Một lần tôi được thầy cho 8 điểm, hôm ấy bài Làng Tôi của ông được tôi vẽ hai trang, hình ảnh đẹp với căn nhà mái tranh vách đất mái rạ, có cây cau, có cái hồ nho nhỏ, được tô màu trau chuốt. Sau khi nghe tôi hát, thầy cho điểm cao và trả tập lại, tôi cầm cuốn tập dơ hai trang tập mở ra trình bày trước các bạn và tuyên bố: “tụi bây thấy không, tao đã nói là thầy cho điểm cao nếu trình bày bản nhạc của thầy cho đẹp chứ không cần hát hay!” Thầy giận lắm, lấy tập lại và cho tôi 5 điểm!


Còn thầy dạy họa là thầy Nguyễn Văn Ngọc, một người thầy chín chắn dễ thương chừng mực không có vẻ gì là nghệ sĩ. Ông dạy chúng tôi vẽ tĩnh vật và vẽ tự do. Một hôm tôi vẽ nền gạch bông, nguyên buổi chiều từ trên lầu nhìn xuống nhà hàng xóm bên cạnh, cong lưng vẽ bằng viết than, tô đậm màu. Hôm sau nộp bài cho thầy, ông cho tôi điểm cao, lần duy nhất được điểm vẽ cao, nhưng ông cứ ngần ngừ và điều tra tới lui vì ông nghi tôi không tự vẽ! Tài nhạc và vẽ của tôi vì vậy thui chột mặc dù tôi muốn học ban C.


Họa sĩ đầu tiên tôi biết đến là Bảo bạn học cùng lớp, vua vẽ bích báo, cầm đến bút đến cọ là Bảo vẽ ra hình. Bảo hiện nay ở San Jose. Ðến Houston, tôi gặp họa sĩ Nguyễn Thanh Hương, cựu học sinh Trưng Vương, sống bằng nghề vẽ, họa sĩ nổi tiếng ở Alaska. Tranh của chị nói lên được hồn tính của thổ dân Alaska. Chị hiện nay về ở Florida.


Người họa sĩ thứ ba tôi được biết là Ðinh Cường qua những ngày làm báo Văn Nghệ và qua những triển lãm tranh ở Houston. Tranh Ðinh Cường sơn dầu, màu sắc chừng mực nhưng đổi mới. Như thi sĩ luôn luôn tìm cách làm mới chữ nghĩa, họa sĩ như Ðinh Cường luôn luôn tìm cách làm mới hình ảnh và màu sắc. Tranh Ðinh Cường nghiêm chỉnh, hình vẽ chừng mực, các hình vuông hình tròn được sắp ở chính giữa. Ðàn bà con gái trong tranh Ðinh Cường bao giờ cũng thẳng thắn chỉ thấy đứng, ít ngả nghiêng nói chi là nằm và chưa thấy người nữ khỏa thân.


Tranh Ðinh Cường phần nhiều là siêu thực còn tranh Võ Tá Ðồng, bạn tôi đa số là tranh hiện thực, hiện tại. Ðồng nói về tranh với tôi say mê, tay bạn tôi đã hơi run nhưng những nét vẽ, vững chắc. Trong những bức tranh trình bày đầy trong nhà, bạn tôi để tự tôi lựa một bức đem về Houston, để giữ một kỷ niệm trong nhiều kỷ niệm giữa tôi và Ðồng từ ngày học năm thứ nhất y khoa. Các tranh sơn dầu của Ðồng màu sắc rõ như tranh Ðinh Cường không mờ mờ ảo ảo như nhà danh họa Van Gogh vẽ tranh qua cặp mắt cườm của ông (và tôi cũng may mắn đã mổ mắt cườm nên nhìn màu sắc hài hòa không còn màu trắng pha loãng vào các màu sắc khác!)


Trong những bức tranh của Võ Tá Ðồng, các tranh thiếu nữ tắm trên bãi biển Miami, chân dung các nàng khỏa thân, tranh cảnh thiên nhiên và tĩnh vật (lẫn với tranh của Lê Lợi vợ của VTÐ), ảnh của một thiếu nữ với những đóa hồng đỏ thắm, tranh những cành đào ở San Jose (như những cành đào trong nhà Bích Liên bạn tôi), tôi chọn bức tranh thiếu nữ mặc áo dài trắng. Bức tranh không được đặt tên, cô gái trong tranh đi chân không với đôi guốc mộc ở dưới chân và chiếc nón lá bên cạnh, nền là bãi cát. Gương mặt được Võ Tá Ðồng vẽ là một gương mặt ngây thơ khiến tôi nhớ những chữ được ghép lại vội vàng trong ký ức: Một thiếu nữ với đôi “môi nào hãy còn thơm,” một thiếu nữ với đường nét thanh tân, một cô gái áo trắng “mắt ngước nhìn không nói, đôi mắt buồn vời vợi có nói cũng không cùng” và hình ảnh nàng còn mãi trong tôi: áo dài trắng đứng bên cầu ngày nào còn đôi tám.


Người CVA Võ Tá Ðồng vẽ bức tranh thiếu nữ như đã cầm cọ vẽ tranh theo những dòng thơ của người bạn CVA 68 Nguyễn Thúc Ðạt, người làm thơ theo đúng cảm xúc, làm thơ với cả tâm hồn, thơ xuất ra bất kỳ lúc nào, thở ra thơ, nói ra thơ:


“Thương em mắt chẳng nghỉ đêm
Nhìn trăng sao nhớ chuyện mình mộng mơ
Nhớ lời hẹn ước năm xưa
Em nay có vẫn đợi chờ anh không
Tóc em dù nhạt hương nồng
Môi em dù mượn nét hồng màu son”


Rời San Jose, những lời hát “về đây nghe em, về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao…” đi theo cô gái trong tranh của Võ Tá Ðồng về tận Houston.


Buổi sáng sớm rời San Jose, trời rất đẹp sau những cơn mưa, nhìn xuống thung lũng tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng với căn nhà mới ở khu Milpitas. Nhà văn tiếp tôi trong phòng khách thoáng, đầy sinh khí với hai bức tượng Phật đồng đen gương mặt bình yên do một độc giả ái mộ tặng. Bốn tháng sau lần gặp nhau vào tháng mười năm ngoái, anh đi đứng mạnh hơn, cơn bệnh đứng lại, anh chống gậy như một thiền sư, tiếng gậy đập nặng xuống trên nền nhà vang lên như tiếng “Không” của nhà Phật.


 

MỚI CẬP NHẬT