Wednesday, April 24, 2024

Chuyện cô gái Trung Quốc đi tìm cội nguồn

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Ðó là chuyện của một bé gái bị bỏ rơi ở Trung Quốc từ khi mới chào đời, được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi, bây giờ 17 tuổi, và trở về nước với ý muốn tìm ra gốc gác của mình. Tờ South China Morning Post ở Hồng Kông kể lại việc này trong số báo ngày Chủ Nhật tuần trước.

Buổi sáng ngày 7 Tháng Chín, 2000, người ta tìm thấy một bé gái đặt trong chiếc thùng giấy bị bỏ rơi gần một văn phòng dân sự vụ ở Ðại Dã (Dayen), thành phố cấp huyện 800,000 dân thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Mảnh giấy nhỏ để trong thùng ghi là đứa bé này mới chào đời bảy ngày trước. Nhân viên dân vụ Ji Zhenzhu đưa đứa nhỏ vào một cô nhi viện và dùng họ của mình (Zhen) đặt tên cho em bé là Guo Xiazhen. Guo là tên của giám đốc cô nhi viện và Xia theo tiếng phổ thông Trung Quốc có nghĩa là mùa “Hạ,” thời gian đầu Tháng Chín khi người ta tìm ra cô bé.

Mười sáu tháng sau, Xiazhen được một cặp vợ chồng người Mỹ ở Pennsylvania – bà Susan Craft, một nhân viên bệnh viện, và ông Jim Broach, giáo sư đại học Penn State University – nhận về làm con nuôi. Mang tên Mỹ Lily Xiazhen Broach, cô gái có cuộc sống tốt đẹp bình yên qua 17 năm và hiện nay là nữ sinh trung học. Ngoài ra, Lily còn tập thể dục dụng cụ, vũ ballet và chơi sáo.

Từ thập niên 1980, khi Trung Quốc chấp thuận chính sách về con nuôi quốc tế, đã có trên 110,000 trẻ nhỏ được nhận làm con nuôi ở nước ngoài, đa số là con gái và phần lớn mong muốn biết được gốc gác của mình ở Trung Quốc. Tháng trước, Lily Xiazhen Broach được cha mẹ nuôi đưa về thăm Ðại Dã trong bốn ngày với kỳ vọng tìm ra tông tích cha mẹ thật. Mặc dầu chưa đạt mục đích nhưng Lily tỏ ra rất hài lòng với chuyến đi vì tiếp cận được văn hóa dân tộc gốc và cảm thấy hạnh phúc khi biết được nơi chôn nhau cắt rốn. Từ lúc 6 tuổi, Lily đã có những băn khoăn về sự thiếu am tường gốc gác của mình và nôn nóng sớm tìm lại không để thời gian sẽ xóa nhòa dần những ký ức.

Lily tiếp xúc với nhiều người ở Ðại Dã, trong đó có những người từng bỏ rơi con cái của mình và nghi ngờ có thể chính Lily là một đối tượng ấy. Cô cũng gặp được Ji Zhenzhu, người tìm thấy cô 17 năm trước ngoài đường phố gần văn phòng.

Tuy cô gái không nói và viết được tiếng Hoa nhưng chuyến đi được báo chí địa phương theo dõi chặt chẽ nên dân chúng địa phương có thể biết được mọi thông tin liên quan đến cô và cha mẹ cũ.

Người cha nuôi của Lily là một chuyên gia về “gen” nên ông có thể thu thập các mẫu DNA ở Ðại Dã và đem về nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Pennsylvania.

Lily Xiazhen Broach khẳng định rằng cô không thù ghét mẹ hay cha đã bỏ rơi cô.

Theo cô: “Họ có lý do chính đáng để làm như vậy vì vào thời gian ấy Trung Quốc vẫn còn áp dụng chính sách gia đình một con và nếu giữ tôi thì không thể nào có thêm con trai để nối dõi tông đường được nữa.”

Cô nói thêm: “Họ bỏ rơi tôi nhưng để lại áo quần đầy đủ và thêm nửa bình sữa, đồng thời cố ý đặt gần cơ quan dân sự vụ thay vì nơi vắng vẻ xa xôi khác. Tôi rất ghi ơn những điều ấy.”

Tờ Globe and Mail nói rằng trước kia, khi Trung Quốc còn áp dụng chính sách gia đình một con, đa số trẻ em được nuôi trong các cô nhi viện là con gái, nhưng ngày nay 98% là trẻ em có khuyết tật bẩm sinh bởi vì đó là những đối tượng bị phụ huynh từ bỏ không muốn vướng bận chăm sóc.

Thực trạng xã hội bi đát này là do sau hơn 30 năm đổi mới thành công về kinh tế nhưng mạng lưới an sinh xã hội của Trung Quốc hãy còn thua kém xa các quốc gia phát triển kỹ nghệ. Gần đây, tuy chính quyền có những nỗ lực cải tiến, trẻ em Trung Quốc vẫn còn phải chịu nhiều thảm cảnh với số phận của chúng.

Trong những năm gần đây, để giảm bớt tệ nạn cha mẹ bỏ trẻ sơ sinh bên đường phố, Trung Quốc cho thành lập 25 địa điểm gọi là trạm tiếp nhận trẻ con gần các cô nhi viện để cho chỉ trong ít phút những trẻ em bị bỏ rơi có thể được nhặt về. Nhưng một cô nhi viện ở tỉnh Quảng Ðông đã phải đóng cửa sau khi bị tràn ngập với 262 trẻ em chỉ nội trong hơn một tháng. Hầu hết các trẻ em này bị khuyết tật và 1 phần 10 chết trong ít ngày.

Cho tới năm 2014, Trung Quốc có 576,000 viện mồ côi với gần 100,000 có sự trông nom toàn thời gian của nhà nước. Số viện mồ côi tiếp tục gia tăng và người ta ước lượng hiện nay có thể lên tới 1 triệu. Với dân số 1.4 tỷ, Trung Quốc phải đương đầu với những vấn đề xã hội ở một tầm mức nặng nề nan giải hơn nhiều quốc gia khác. Năm 2015, Trung Quốc chính thức cho phép mỗi gia đình được có hai đứa con, chấm dứt chính sách gia đình một con do Ðặng Tiểu Bình đưa ra cuối thập niên 1970. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá hậu quả tác động của chủ trương này vì về mặt kinh tế các gia đình Trung Quốc ngày nay không muốn có nhiều con và về mặt văn hóa dân Trung Quốc vẫn quý con trai hơn là con gái.

MỚI CẬP NHẬT