Nhìn liên hệ Việt-Mỹ thời Tổng Thống Donald Trump

Cổ-Lũy

Bài kỳ trước mở đầu với bối cảnh về nhân vật Donald J. Trump, một người tuy thành công về tiền bạc và “nổi tiếng” nhưng bị đa số dân chúng và giới truyền thông Mỹ xem như thiếu khả năng, kinh nghiệm, tư cách, và không xứng đáng lên làm tổng thống với thắng lợi không thuyết phục được nhiều người trong tranh cử 2016.

Ðã hai năm sau khi ông Donald Trump quyết định ra tranh cử sơ bộ làm người đại diện đảng Cộng Hòa, đi qua tuyển cử toàn quốc, rồi đắc cử bất ngờ và làm tổng thống đã nửa năm, với mức ủng hộ thấp nhất so với những tổng thống đi trước kể từ thời 1940; dân chúng trong và ngoài nước đã có dịp chứng kiến và biết thêm về ông ở nhiều mặt.

Ðáng buồn thay, trừ nhóm thiểu số chủ lực/base trung thành với ông (khoảng 30%, gồm những thành phần da trắng bị xem là thấp kém và kỳ thị chủng tộc) những hiểu biết và nhận xét tiêu cực của đa số dân chúng và giới truyền thông về cá nhân ông, những gì ông nói và làm cho tới nay không cải thiện mấy mà có phần tệ hại hơn.

Từ miền Ðông, nguyệt san chính trị, văn hóa, xã hội The Atlantic Monthly với lịch sử 160 năm hiếm hoi lắm mới buộc phải lên tiếng tố cáo mức trí thức, khả năng, kinh nghiệm và tư cách thấp kém của một tổng thống như ông.

Nhật báo tiêu biểu miền Tây The Los Angeles Times, gần 140 tuổi, không chấp nhận ông từ đầu, xem việc ông đắc cử là “tệ hại cho đất nước,” và mới đây ra tập sách “Tổng Thống Gian Manh Của Chúng Ta/Our Dishonest President” và đi tới khẳng định: “Tờ báo trông đợi ngày ông không còn là tổng thống nữa.”

Hai nhật báo lâu đời với uy tín khắp thế giới, The New York Times và The Washington Post, hầu như không ngày nào mà thiếu tin tức, chi tiết, ý kiến tiêu cực về ông, gia đình và chính quyền Trump. Ðây chưa kể chống đối ra mặt của đa số giới truyền thông điện tử rộng lớn (như các hệ thống truyền hình, Internet), trừ hệ thống Fox News của “vua” bảo thủ Ruppert Murdoch.

Ông Trump và ngoại giao xuyên Thái Bình Dương

Trong nửa năm đầu cầm quyền, ông Trump không để ý mấy tới Ðông Nam Á, dù ở thủ đô Washington ông có gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia trong vùng – tất cả đều hoang mang và lo âu về thái độ thiếu thân thiện, tiêu cực cũng như quyết định dẹp bỏ Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương/Trans-Pacific Partnership (TPP – gồm 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương) của Tổng Thống Barack Obama.

Cho tới nay Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn thiếu nhân viên cao cấp chính thức (đã từ chức, bị cho nghỉ hoặc không nhận việc với chính quyền mới), kể cả một thứ trưởng hoặc cấp thấp hơn chuyên về Châu Á-Thái Bình Dương vô cùng quan trọng.

Do đó, bộ vẫn tiếp tục theo đường hướng chính quyền trước đề ra; dĩ nhiên, bộ muốn duy trì TPP (được ông Obama ấp ủ, giới kỹ thương ủng hộ mạnh, và đi tới chín mùi qua công lao của hai ngoại trưởng Hillary Clinton và John Kerry) trong nỗ lực “tái quân bằng/rebalance” hay “chuyển trục/pivot” cấp thiết về Châu Á.

Ông Trump khi tranh cử đòi bãi bỏ TPP (theo đó “Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất,” như ông nói) để làm vui lòng đám cử tri da trắng chủ lực “thiếu thông minh và thiếu học/low Intelligence Quotient (IQ) và low information.”

Khó mà giữ những hứa hẹn “huênh hoang, phách lác/bombast and bluster” lúc tranh cử (như xây trường thành ngăn di dân Mexico, bãi bỏ Obamacare, trừng phạt kinh tế Trung Quốc) ông giữ lời hứa bỏ TPP ngay ngày nhậm chức Tháng Giêng, 2017, nhằm duy trì ủng hộ của nhóm chủ lực không đủ giáo dục, kỹ năng tối thiểu hoặc quá già nua để tham dự và cạnh tranh trong kinh tế toàn cầu.

Nhìn theo hướng này, đây là quyết định có thể xem là dễ nhất, hợp với ưu tiên đặt cái lợi chính trị gần cho mình mà không một ý thức hoặc khái niệm về tầm quan trọng của TPP trong chiến lược kinh tế và an ninh lâu dài của Hoa Kỳ trước cạnh tranh và đe dọa ráo riết từ Bắc Kinh.

Tuy rất thất vọng về TPP bị dẹp bỏ, trong gặp gỡ tay đôi với ông Trump, Hà Nội tỏ ra khôn khéo và mềm mỏng: sẵn sàng làm Washington vừa ý, thông cảm với ý muốn giữ công ăn việc làm cho dân Mỹ, cởi mở về bàn thảo thỏa thuận thương mại song phương thay vì đa phương đúng ý ông Trump.

Hà Nội cũng hứa hẹn đặt mua nhiều chiến cụ đắt tiền từ Hoa Kỳ, như hệ thống radar duyên hải, máy bay thám thính và tàu tuần dương nhằm cho nhu cầu trong nước và cũng để làm cân bằng cán cân ngoại thương đôi bên.

Ðúng ra theo thống kê năm 2015 của tờ New York Times, mức trao đổi mua bán hàng hóa/goods (không kể những dịch vụ/services) giữa Hoa Kỳ và các nước Châu Á được gồm trong TPP giai đoạn sơ khởi thì Nhật đứng đầu với $194 tỷ, rồi thị quốc/city-state nhỏ bé Singapore với $47 tỷ, Malaysia $46 tỷ, và Việt Nam với $45 tỷ – chỉ cao hơn Australia $36 tỷ, New Zealand $8 tỷ, và tiểu vương quốc dầu hỏa Brunei $200 triệu.

Trên lý thuyết, cuối Tháng Bảy hay trong tháng tới chính quyền Trump sẽ hoàn tất việc duyệt lại danh sách những nước Châu Á “mua ít, bán nhiều” (Việt Nam bị xếp hàng thứ sáu trong 16 nước) với Hoa Kỳ để tùy nghi làm áp lực.

Hà Nội cũng hân hoan thấy ông Trump không nề hà gì chuyện dân chủ, tự do và nhân quyền – vốn là những nét căn bản trong chính sách ngoại giao lâu đời của Washington dù có khi chỉ ở ngoài mặt. Như những nước trong Hiệp Hội Các Nước Ðông Nam Á (ASEAN) khác, Hà Nội chăm chú nhìn về kỷ niệm 50 năm ASEAN và Hội Nghị Thượng Ðỉnh Ðông Á/East Asia Summit Tháng Mười Một năm nay, để xem mức gắn bó giữa ông Trump với vùng có thay đổi mấy chăng.

Nếu để ý, các nước ASEAN có thể thấy trong gặp gỡ Tháng Tư với Bắc Kinh ông Trump hầu như đảo ngược những hứa hẹn với đám chủ lực ủng hộ mình khi tranh cử. Ông từng khăng khăng đòi trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh làm trò “ma-nớp” hạ giá đồng yuan để hàng hóa Trung Quốc ùn ùn đi vào thị trường Mỹ với giá rẻ, trợ giúp những công ty quốc doanh và liên doanh để hạ giá hàng, và hầu như công khai vi phạm “tác quyền/intellectual property/copyright.”

Các nước văn minh với kỹ thuật và học thuật tân tiến, và nghệ thuật đủ ngành thường than phiền người Trung Quốc không phát minh gì cả, chỉ cóp-pi kỹ thuật, học thuật và nghệ thuật từ bên ngoài rồi làm ra sản phẩm đem bán khắp nơi mà không trả hay bồi thường tác quyền cho người sáng tạo ra.

Trong gặp gỡ tương đối ngắn ngủi hai ngày với ông Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago (câu lạc bộ tư của gia đình Trump ở Florida) ông Trump không hề nhắc nhở đến những vấn đề trên, mà lại rất vui vẻ hòa nhã với ông Tập. Lý do: ông Trump tuy to mồm dọa nạt nhưng hầu như hoàn toàn bất lực trước những gây hấn, thách đố từ Bắc Hàn với phát triển bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) trực tiếp đe dọa đồng minh Nam Hàn, Nhật Bản và cả miền Tây Mỹ.

Bất lực và mất mặt ông phải dựa vào Bắc Kinh để làm áp lực, “khuyến cáo” thủ đô Bình Nhưỡng. Dĩ nhiên Bắc Kinh không làm gì mấy mà lại dùng Bình Nhưỡng làm yếu tố mặc cả với Washington; Bình Nhưỡng bị nhiều nước cấm vận nhưng tiếp tục nhận viện trợ và trao đổi buôn bán với Bắc Kinh đồng thời gia tăng leo thang vũ khí chiến lược.

Ông Trump quay ra đổ tội Bình Nhưỡng “không tôn trọng/disrespect” ông Tập mỗi khi Bình Nhưỡng nghênh ngang qua mặt hay coi thường đe dọa từ Washington. Như vậy, ông Trump lại đặt quyền lợi chính trị của mình trước hết nhằm tránh bẽ mặt và duy trì ủng hộ của đám chủ lực tuy nhỏ nhưng hung hăng và to mồm.

Ông cũng đặt quyền lợi kinh tế của gia đình mình trước nhất: sau khi ông Tập hứa hẹn bảo vệ tác quyền cho các sản phẩm thời trang của con gái Ivanka Trump (sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh với giá nhân công rẻ), ông không phàn nàn về chuyện Bắc Kinh vi phạm “tác quyền” nữa. Khi làm việc này ông cũng tảng lờ lời hứa giữ công ăn việc làm cho dân Mỹ và khẩu hiệu “Việc làm cho người Mỹ, mua đồ Mỹ/Hire America, buy America.” Lại nữa, hầu hết những đồ trang bị khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, sân golf và quần áo, trang sức mang tên ông Trump đều đã và vẫn được sản xuất ở Châu Á, Ðông Âu và Turkey.

(Còn tiếp)