Sunday, April 28, 2024

Đường tới ‘bãi nhiệm’ tổng thống

Cổ-Lũy

Hai tuần đầu Tháng Năm cho thấy Tổng Thống Donald Trump không cần biết tiền lệ “Watergate” bãi nhiệm Tổng Thống Richard Nixon, và cương quyết dùng “đặc quyền của hành pháp/executive privilege” ở mức tối đa nhằm chống đối Hạ Viện (với đa số Dân Chủ) ráo riết điều tra mình, kể cả những tội hình.

Đây có nghĩa là hành pháp tước hết quyền “giám sát hành pháp” của Quốc Hội (lập pháp) quy định trong Hiến Pháp, một hành động gây ra “khủng hoảng Hiến Pháp” có thể phải tới Tối Cao Pháp Viện.

Hành pháp lạm quyền 

Trước đây, khi Điều Tra Viên Đặc Biệt Robert Mueller (SCO) và Quốc Hội điều tra tổng thống, gia đình và những người làm việc cho mình, ông đã bỏ qua “executive privilege” và cho phép 500 nhân chứng ra điều trần hay phỏng vấn, hợp tác với 2,800 trát đòi và 500 lệnh khám xét. Khi đã bỏ qua “executive privilege,” theo nguyên tắc, ông không được nại lý do đặc quyền nữa để tránh hợp tác với Quốc Hội – nhất là hoàn toàn không cung cấp hồ sơ, tài liệu hay nhân chứng nào cả.

Ông Trump đã đảo lộn hết để không công bố toàn bộ “Báo Cáo Mueller,” cấm ông Mueller, cựu Luật Sư Tòa Bạch Ốc McGahn cùng các nhân viên Tòa Bạch Ốc và nội các ra điều trần, kể cả những người không còn làm việc trong chính quyền.

Luật sư riêng William Consovoy của ông Trump ra tòa ngăn cản các ngân hàng, công ty kiểm toán không được cung cấp tài liệu cho Hạ Viện. Luật sư Tòa Bạch Ốc Pat Cipollone ngạo ngược nói Quốc Hội chỉ có quyền làm luật thôi – với ý là “không được giám sát.”

Cả hai đều nói Hạ Viện “không có quyền lập lại những điều tra nhánh tư pháp đã làm rồi,” dù chính ông Mueller chuyển điều tra về tội “ngăn trở thi hành công lý/ obstruction of justice” của ông Trump cho Quốc Hội. Ở Washington quan tòa Amit Mehta không đồng ý với lý luận này, và tuyên bố, “Nói như vậy chẳng khác gì ngăn cản Quốc Hội mở những điều tra về xì-căng-đan Watergate” thời 1970.

Các ủy ban Hạ Viện đã quyết định đưa trát đòi, rồi đe dọa sẽ phạt tiền những người không tuân lệnh, thêm đi kiện để bỏ tù họ; đây cần nhiều thời gian mới giải quyết được. Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Adam Schiff nói, “Nếu chúng ta chỉ còn có thể làm nhiệm vụ giám sát bằng bãi nhiệm, đây là con đường phải chọn.”

Hạ Viện và dân chúng mất kiên nhẫn ngả nhiều về “bãi nhiệm” tổng thống – một tiến trình với nhiều gian nan. Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, nơi sẽ nắm vai trò khởi đầu bãi nhiệm, lại nói thẳng, “Bãi nhiệm tổng thống dễ gây chia rẽ sâu xa trong dân chúng, đến độ nếu không có lý do mạnh mẽ, rõ rệt và đồng lòng của hai đảng, tôi không nghĩ chúng ta nên đi vào con đường này.”

“Bãi nhiệm” hay không? 

Bà Pelosi và nhiều người lưỡng lự về chuyện bãi nhiệm, chắc chắn còn nhớ kinh nghiệm cuối thời 1990, khi Hạ Viện trong tay phía Cộng Hòa cố bãi nhiệm Tổng Thống Dân Chủ Bill Clinton rồi đi đến thất bại nặng nề vì Thượng Viện không đồng ý; Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich bị mất chức và mức ủng hộ ông Clinton lên cao.

Hiện nay Hạ Viện có thể khởi đầu bãi nhiệm vì đa số là Dân Chủ, nhưng với vị thế thiểu số ở Thượng Viện khó lấy được 67 phiếu đồng ý (2/3 của 100 nghị sĩ, với 53 là Cộng Hòa). Với áp lực đòi bãi nhiệm, từ phía cử tri Dân Chủ (gần 80%) và 2/3 dân chúng Mỹ tin rằng ông Trump phạm nhiều tội ác trước và sau khi làm tổng thống. Gần đây bà Pelosi đưa ra thỏa nhượng “cần điều tra, tìm hiểu thêm nữa trước khi bãi nhiệm” – đồng thời nâng mức ủng hộ chính trị của dân chúng làm áp lực lên Thượng Viện để lấy phiếu.

Thứ Bảy trước, dân biểu Cộng Hòa rất bảo thủ, luật gia Justin Amash công khai lên tiếng, “Ngược hẳn ‘Tóm Tắt’ của Bộ Trưởng Tư Pháp Barr, Báo Cáo Mueller cho thấy Tổng Thống Trump có những hành động và cung cách hành xử đáng bị bãi nhiệm… Báo cáo đưa ra nhiều bằng chứng hội đủ tiêu chuẩn ‘ngăn trở công lý,’ và rõ rệt là bất cứ ai không phải tổng thống đã bị tội nặng này rồi.”

Đây khiến Tòa Bạch Ốc lo sợ về những hệ quả dây chuyền; tuy nhiên, hai năm qua tổng thống đã củng cố “quyền lực tối đa” của mình bằng cách biến đảng Cộng Hòa thành chính đảng kiểu Trump (“Trumpism”).

Tổng thống nắm quyền hành pháp và lấn lướt tiếm quyền tư pháp lẫn lập pháp vào tay mình, trước hết là chọn lựa nội các với những người tuyệt đối tuân lệnh ông (kể cả nhánh tư pháp, như chọn ông William Barr thay ông Jeff Sessions, và hàng chục quan tòa liên bang) dù vi phạm luật pháp. Những người không làm chuyện này hoặc đã từ chức (như ông Sessions cầm đầu tư pháp) hay bị “thanh trừng;” đã gần 200 người lãnh đạo các bộ, sở ra đi – thay thế là người “tuyệt đối trung thành,” hay “lâm thời” sẵn sàng “tuân lệnh y hệt kiểu băng đảng Mafia.”

Tổng thống cũng “Trump hóa” giới lập pháp Cộng Hòa, buộc họ phải làm theo ý mình; người không nghe lời sẽ bị đe dọa mất chức ngay ở các “bầu cử sơ bộ/primary” vì bị đám “cử tri trung kiên với Trump” ồn ào phỉ nhổ, rồi mất cơ hội tranh cử với đối thủ Dân Chủ.

Một số đông dân biểu Cộng Hòa đã bị loại ngay ở “primary” kiểu này năm ngoái; hai nghị sĩ Cộng Hòa thâm niên và tư cách Bob Corker và Jeff Flake đã quyết định “về hưu” vì không muốn đi qua cửa ải “primary.” Trong khi hơn 1/3 Hạ Viện và hơn một nửa Thượng Viện là luật gia, ngoài ông Amash không ai hó hé gì về chuyện “obstruction của tổng thống,” đã bị báo giới chứng minh rõ ràng trước khi “Báo Cáo Mueller” ra đời.

Nghị Sĩ Lindsay Graham cùng bạn thân John McCain từng kịch liệt chống đối ông Trump; sau khi ông McCain qua đời năm ngoái ông Graham, nay là chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, chuyển sang kịch liệt ủng hộ tổng thống vì ông sẽ phải tái cử năm tới và lo sợ sẽ bị loại ngay ở “primary;” ông cũng mang tham vọng được chọn vào Tối Cao Pháp Viện.

Nghị Sĩ Mitch McConnell dùng quyền thế chủ tịch Thượng Viện chấp thuận tất cả những quan tòa liên bang và người trong chính quyền tổng thống chọn theo tiêu chuẩn “tuyệt đối trung thành.” Ví dụ gần đây: Hai người đứng đầu sở thuế IRS, ông Charles Hettig từng viết ông Trump không phải tiết lộ thuế má, và ông Michael Desmond từng cố vấn thuế má cho Trump Organization. Ông McConnell được lệnh phải chấp thuận bổ nhiệm họ ngay – trước khi Hạ Viện đòi hồ sơ thuế của tổng thống. Một tháng nay IRS vẫn giấu nhẹm hồ sơ thuế, dù đây hoàn toàn phạm luật.

Với những sự kiện trên và ở vai trò lãnh đạo cao, bà Pelosi phải thận trọng và thực tế; tuy nhiên, theo tờ TIME bà “không bao giờ phản đối bãi nhiệm” mà chỉ đặt tiêu chuẩn “gia tăng ủng hộ của dân chúng và mức trợ lực của Thượng Viện trước đã,” và suốt hai năm qua tiến tới mục tiêu này cùng với giới Dân Chủ Hạ Viện. Nay với quyền đa số, và khả năng vạch rõ những phạm pháp của tổng thống, phía Dân Chủ bắt đầu nhìn thấy “thay đổi trong dư luận của dân chúng và chuyển dịch ở phía Cộng Hòa.”

Theo tờ Los Angeles Times, giới lãnh đạo Hạ Viện “trong mùa Hè dài và nóng bỏng” sẵn sàng trận chiến pháp lý đòi nguyên vẹn “Báo Cáo Mueller” và hồ sơ thuế của ông Trump, với hy vọng “chậm nhưng chắc” sẽ làm vừa lòng hai nhóm cử tri Dân Chủ: cấp tiến náo nức với bãi nhiệm, và ôn hòa ngại ngùng chuyện “bứng” tổng thống khỏi Tòa Bạch Ốc. Thêm yếu tố cử tri không thuộc đảng nào; những người “độc lập” này có thể mất hứng khởi trong trận chiến kéo dài khó theo dõi.

Nhưng với những nỗ lực “điều tra, tìm hiểu thêm” của sáu ủy ban Hạ Viện với nhiệm vụ “giám sát hành pháp,” và hơn 20 điều tra vào gia đình Trump bị làm chậm lại hay chặn đứng vì những thái độ và biện pháp từ Tòa Bạch Ốc nhằm gây bế tắc, bà Pelosi khó ngăn chặn một số người Dân Chủ mất kiên nhẫn và muốn bắt đầu bãi nhiệm ngay như lời ông Shiff nhận xét ở trên. Họ xem phản ứng gay gắt của Tòa Bạch Ốc như một cơ hội để gia tăng ủng hộ của cử tri đi tới bãi nhiệm, với hy vọng dân chúng thấy rõ việc ông Trump bất hợp tác như hành động che giấu những phạm pháp của mình.

Trước khi công bố “Báo Cáo Mueller,” 43% dân chúng ủng hộ bãi nhiệm và 47% chống; tỉ số thay đổi hẳn khi báo cáo ra đời, với 47% ủng hộ, 43% chống đối và 17% đòi bãi nhiệm ngay. Đây là tỉ số đòi bãi nhiệm cao nhất từ thời ông Nixon – Tháng Ba, 1974, số người ủng hộ bãi nhiệm ông chỉ tới 43%; năm tháng sau ông đã phải rời Tòa Bạch Ốc. Luật sư Cộng Hòa bảo thủ George Conway (phu quân bà Kellyanne Conway, một cố vấn lâu đời nhất của ông Trump) nói, “Ngày nào đó, bãi nhiệm sẽ tới bất thình lình như Bức Tường Bá Linh sụp đổ.”

“Ngày nào đó” chưa rõ lắm, nhưng ngay Thứ Hai quan tòa Amit Mehta quyết định công ty kiểm toán Maza phải chuyển tới Hạ Viện hồ sơ thuế má của tổng thống mà tới nay ông vẫn giấu nhẹm.

Tờ New York Times cũng nổ tin: Các chuyên viên về “rửa tiền” thuộc Deutsche Bank khám phá “những hoạt động đáng ngờ” trong trương mục của Trump Organization và rể Kushner liên quan tới Nga năm 2016-2017; họ báo cáo lên cấp trên nhưng bị lờ đi và hồ sơ không tới Bộ Ngân Khố Mỹ. Deutsche Bank đã bị phạt $600 triệu vì rửa tiền Nga; họ cũng từng cho Trump Orhanization vay tiền tỷ.

Sáng Thứ Tư bà Pelosi phải họp kín với giới lãnh đạo đảng về bãi nhiệm. (Cổ-Lũy)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT