Wednesday, April 24, 2024

Liệu Dự Luật RAISE có giúp ích cho Hoa Kỳ?

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Một bản thông cáo do Tòa Bạch Ốc đưa ra hôm 2 Tháng Tám cho biết Tổng Thống Donald Trump tán thành dự luật cải tổ chính sách di dân do hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Tom Cotton (Arkansas) và David Perdue (Georgia) bảo trợ.

Ông Cotton và ông Perdue nói rằng Dự Luật RAISE (Reforming American Immigration for Strong Employment) nhằm cải tổ chính sách di dân với mục tiêu tăng cường hiệu quả làm việc của người Mỹ.

RAISE dùng một hệ thống trắc nghiệm tương tự như Canada và Úc đã áp dụng để lượng định giá trị của di dân.

Nhưng theo tờ New York Times, dẫn nhận định của kinh tế gia Ernie Tedeschi, bài trắc nghiệm này khá khó khăn, và chỉ có 2% công dân Mỹ trên 18 tuổi có thể đạt được 30 điểm để vượt qua. Hệ thống trắc nghiệm của RAISE thay thế những định chuẩn về di dân từ thời chính quyền Johnson trong thập niên 1960 và như thế trong tương lai sẽ rất ít di dân được nhận vào Mỹ.

Tiêu chuẩn đánh giá mới căn cứ trên nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, trình độ Anh ngữ, mức học vấn, khả năng thu nhập, và tiềm lực làm việc. Sau đây là một số những chi tiết như biết được cho đến nay:

-Tuổi tác: Ðược điểm tối đa 10 đối với những người ở lứa tuổi 26 tới 30, kém điểm nếu nhỏ tuổi hơn hay lớn tuổi hơn; và 0 điểm nếu trên 50 tuổi.

-Trình độ Anh ngữ căn cứ vào thành tích cao qua các kỳ thi trắc nghiệm TOEFL hay ILETS, và hầu hết công dân Mỹ sẽ chỉ có điểm tối đa 12.

-Học vấn: Ðiểm tối đa 13 cho những ai có bằng cấp tiến sĩ hay chuyên môn trong lãnh vực STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán học). Chỉ khoảng 1% công dân Mỹ ở hạng này, trình độ tốt nghiệp đại học được 6 điểm.

-Thu nhập: Khác với hệ thống đánh giá của Canada và Úc, RAISE chú trọng đến thu nhập cao. Ðược điểm tối đa 13 đối với những ai có công việc hưởng lương bằng 300% thu nhập trung bình tại tiểu bang mà di dân muốn tới.

-Thành tích đặc biệt: Ðược 25 điểm nếu có giải thưởng Nobel hay một giải tương đương về lãnh vực khoa học hay khoa học xã hội, huy chương Thế Vận Hội chỉ được 15 điểm.

-Ðầu tư: Ðược 6 điểm đối với những ai có đầu tư $1.35 triệu ở Mỹ trên 3 năm, 12 điểm nếu đầu tư $1.8 triệu, nhưng phải với “vai trò hoạt động tích cực trong đầu tư ấy.” Quy định này nhằm tránh dùng việc di trú vào âm mưu rửa tiền.

Tuy nhiên, một điều kiện căn bản cần biết là các di dân vượt qua trắc nghiệm chưa phải là chắc chắn được quyền nhập cư. RAISE quy định giới hạn chấp nhận 140,000 di dân mỗi năm trong đó chỉ 50,000 thường trú nhân là dân tị nạn.

Vượt lên trên những điều kiện kỹ thuật, RAISE là sự thay đổi hoàn toàn quan điểm về di dân trong lịch sử nước Mỹ. Hai thượng nghị sĩ chủ trương nói rằng dự luật này giúp nước Mỹ có một chính sách di dân hướng về kinh tế, khác với luật hiện nay, hầu hết là trên căn bản nhân đạo.

Theo tài liệu của Viện Chính Sách Di Dân, trong năm 2015, có 64% những người được cấp thẻ xanh (thường trú) là do gia đình hay thân nhân bảo lãnh, chỉ có 14% là do các chủ nhân công ty xí nghiệp bảo lãnh. Thành phần còn lại là dân tị nạn hoặc rút thăm.

Bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rằng hệ thống cũ từ nửa thế kỷ trước đã lỗi thời và không đem đến cho nước Mỹ những di dân xứng đáng. Trong số di dân đến Mỹ, cứ 15 người mới có một người có khả năng chuyên môn. Tổng Thống Trump ủng hộ RAISE vì sẽ giảm bớt số di dân kém hoặc hoàn toàn không có nghề nghiệp chuyên môn, nhằm bảo vệ và nâng cao thu nhập cho công nhân Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi là cách trắc nghiệm quả thực có hiệu quả cung ứng được một lực lượng lao động đầy đủ khả năng hơn không, nhập cư và nhân dụng là hai vấn đề khác nhau. Không có gì bảo đảm là những công nhân có tay nghề sẽ được sử dụng đúng với chuyên môn của họ. Còn nếu trắc nghiệm căn cứ vào nhu cầu việc làm để nhận di dân thì những người này sẽ bị quá trói buộc với chủ nhân, mất khả năng thương lượng về lương bổng và điều kiện làm việc.

Theo dự trù, RAISE sẽ được đưa ra Quốc Hội thảo luận và biểu quyết vào Tháng Hai năm tới.

MỚI CẬP NHẬT