Friday, April 19, 2024

Countdown – đếm ngược thời gian

Huy Phương

Mỗi năm, hàng triệu người vui chơi từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập về Times Square, thành phố New York, chịu cái lạnh cắt da (thường là dưới 0 độ C)  để dự lễ Coundown mừng năm mới. Times Square Ball là một quả bóng thời gian nằm trên nóc One Times Square, từ từ rơi xuống theo một cây cột, dừng lại ở vị trí cuối cùng vào lúc 12:00 nửa đêm để báo hiệu cho sự khởi đầu của một năm mới. Vào giờ khắc ấy, bầu trời thành phố sáng lên với màn bắn pháo hoa rực rỡ, người ta nhảy múa, reo hò, ôm hôn nhau, nâng ly chúc tụng nhau một “Happy New Year!” quên đi những chuyện buồn và bất như ý của năm qua.

Không phải chỉ riêng ở Times Square, thành phố New York  mà cả thế giới từ Âu sang Á, loài người thường chơi trò countdown (đếm ngược thời gian) để chờ đến lúc kim đồng hồ ngừng lại ở con số 12:00 giờ đêm 31 Tháng Mười Hai, cùng vui mừng, hân hoan đón chào năm mới.

Nhưng “Countdown” cũng làm cho chúng ta nhớ lại một bộ phim giả tưởng, kinh dị, mới sản xuất hồi Tháng Mười năm nay (2019) về một ứng dụng trong máy điện thoại cầm tay, có thể cho bạn biết thời điểm chính xác khi bạn sắp chết. Máy sẽ đếm ngược thời gian từng giây, từ con số ghi số năm, tháng, ngày, giờ, phút và giây, cho đến lúc nào dừng lại ở những con số không.

Cô y tá trẻ (Elizabeth Lail) tải xuống một ứng dụng từ phone của cô, cho biết chính xác ngày, giờ  nào cô sẽ chết, và cô biết rằng mình chỉ còn ba ngày để sống. Khi thời gian trôi đi và cái chết khép lại, cô phải tìm cách cứu sống mình trước khi hết thời gian.

Với thời gian chầm chậm đếm ngược từng giây một, như dòng máu từ tĩnh mạch bị cắt nhỏ xuống cho đến lúc khô cạn. Cái chết ám ảnh không ngừng, nhưng làm sao để cứu lấy mạng sống của mình trước khi cuộn chỉ thời gian đã kéo hết, hay nói một cách khác, quỹ thời gian sắp cạn kiệt!

Đây không còn là chuyện “countdown” để chúng ta hân hoan đếm từng con số và la lớn khi đồng hồ vừa điểm 12 tiếng đêm Giao Thừa, bước vào con số “không,” mà đây là một câu chuyện giả tưởng, ví như chúng ta có một cái đồng hồ đếm ngược thời gian, cho chúng ta biết đích xác là chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa để sống: một con số ví dụ như 2 năm, 3 tháng, 10 ngày, 4 giờ, 8 phút, 3 giây nữa, hoặc dài hay ngắn hơn thế nữa!

Trên quả đất này, từ những nhà tiên tri nổi danh từ xưa đến nay như Nostradamus, Jean Dixon, Vanga… cho đến những danh y lẫy lừng tên tuổi như Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam hay Hoa Đà, Biển Thước của Trung Quốc cổ đại, cũng không ai nói đúng được ngày chết của một người. Người đời cũng không ai biết được trước, ngày mình giã từ cõi trần và tâm lý cũng không ai muốn biết trước đích xác cái ngày ấy, vì ai cũng sợ chết. Người ta mong đến ngày tốt nghiệp ra trường, mong nhanh đến ngày cưới vợ, nhưng không ai vớ vẩn đếm ngày, đếm tháng cho đến lúc “chuyển sang từ trần!”

Quả cầu được dùng để đếm ngược thời gian năm nay tại Times Square, New York vừa được thiết kế lại hôm 27 Tháng Mười Hai, 2019. (Hình: David Dee Delgado/Getty Images)

Có lẽ vì vậy, một cuốn phim đưa ra một giả tưởng về một app, trong phone có thể cho ta biết đích xác ngày chết của mình, nên nhiều người chẳng ưa, và 25% khán giả đã liệt nó vào hạng loại phim đáng được giải “Cà Chua Thối” (Rotten Tomatoes).

Nhưng cứ xem đây là chuyện giả tưởng, không bao giờ có thật trên đời này, chuyện mà chúng ta có thể biết và đếm  lui đích xác được ngày nào chúng ta nhắm mắt xuôi tay, để thử xem chúng ta suy nghĩ như thế nào, làm gì trong cái thời gian còn lại với cái phút giây quý báu nhưng hối hả này?

Chúng ta sẽ làm gì với ba năm, ba tháng hay chỉ có ba ngày còn lại!

Một người bạn tôi bị ung thư thời kỳ cuối, bác sĩ cũng không nói được đích xác là lúc nào anh chết. Anh bạn tôi tận dụng những ngày cuối cùng đó để đi du lịch đó đây cùng với người thân, trọn hưởng những giờ phút hạnh phúc còn lại. Do vậy nên đến lúc anh ra đi, chắc chắn, anh cũng đã mãn nguyện và người thân trong gia đình cũng không có gì làm hối tiếc.

Một nhóm bạn già chúng tôi thường gặp gỡ nhau trong những buổi sáng cà-phê hay những bữa ăn thay đổi qua những nhà hàng khác nhau, nói đùa với nhau, bây giờ cái thú của người già, không còn chơi được, thì chỉ còn ăn. Và nếu không có tài sản tích lũy để phải lo lắng viết di chúc, chỉ còn một ít tiền trong túi, thì cũng tiêu nhanh lên, kẻo không còn… kịp nữa!

Nhưng nếu thời gian còn lại chỉ còn ba tháng, ba ngày… chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác, bình thản chấp nhận số phận, tận dụng an hưởng những ngày quý báu cuối cùng trên trần gian, hay u sầu, vật vã than khóc?

Không ai biết được những gì xẩy ra trong ngày mai, thì làm gì được hãy làm, để đến lúc xuôi tay không có gì phải hối hận. Tôi có những người bạn đồng đội, sau năm 1975, đã nằm lại trên vùng rừng núi Việt Bắc của những trại tù, không bao giờ trở lại, hẳn đã hối hận, ngày khăn gói lên đường, tưởng chỉ có dăm ba tuần “trả nợ đời,” đã không nghĩ đến chuyện ôm những đứa con vào lòng, hôn người vợ lúc từ giã ra đi.

Tôi biết chuyện một cụ già nhà quê, lúc sắp chết kiệt lực, không nói hay cử động chân tay được, nhưng mắt vẫn nhìn chăm chăm lên chỗ mái nhà, nơi ông giấu một số vàng. Sau khi ông chết, người con trai trưởng đã hằng ngày ở cạnh cha, nhớ lại phút hấp hối của cha, đã tìm thấy số của cải ấy. Nhưng hẳn ông cụ, khi ra đi cũng còn bịn rịn, bất lực vì không còn đủ lời trối trăn.

Nhiều người bạn của tôi, trong nhà tù, lúc cộng sản đổi tiền, mới tiếc nuối mớ tiền mình giấu vợ để trong bộ salon, không biết xoay xở làm sao. Lúc vợ vào thăm mới biết phòng khách đã được dọn sạch, bàn ghế đã được bán đi để lấy tiền nuôi con, và mua thức ăn thăm nuôi cho chồng.

Ai biết dược ngày mai. Que sera, sera!

Làm sao để biết rằng, cái app “countdown” trên máy điện thoại của mình chỉ còn vài ngày hay vài giờ? Nhưng tâm bình thản, không có gì phải rối loạn, hốt hoảng. Việc lớn không thành, xin cậy nhờ hậu thế! Việc nhỏ thì nhà đã trả xong, chi phí tang lễ đã lo trước, con cái trưởng thành; không nợ tiền, nợ tình ai, không con rớt con rơi để phải giấu giếm, dày vò lo lắng, đứng ngồi không yên, tâm phiền não!

Mấy ai được như thế trên đời này.

Nếu được như thế, thì ví như sáng mai, không còn được cất tiếng “cám ơn đời,” nữa, thì cũng chẳng sao! (Huy Phương)

MỚI CẬP NHẬT