Sunday, May 12, 2024

Đất nước cần một tấm lòng

Bùi Bích Hà

Thứ Bảy, mồng 7 Tháng Mười Hai, 2019, trên đảo Oahu ở Hawaii, buổi lễ tiễn đưa người cựu chiến binh sống sót cuối cùng trong trận Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, ông Lauren Bruner, vừa qua đời hồi Tháng Chín năm nay, thọ 98 tuổi, đã diễn ra thật long trọng và cảm động với hơn 2,000 người tham dự.

Bảy mươi tám năm trước, cũng ngày 7 Tháng Mười Hai, một sáng Chủ Nhật ngỡ là bình thường như mọi Chủ Nhật khác bỗng sụp đổ khi chiếc USS Arizona bất thần kéo còi báo động. Ông Bruner lúc đó 21 tuổi, cố leo lên tháp súng phòng không ở tầng 5, toan bắn trả thì bị trúng ngay đạn ở chân trái. Tình hình xấu đi rất nhanh. Một quả bom nặng ký trong cuộc không kích của quân đội Nhật đánh trúng kho vũ khí trên tàu, làm tàu nghiêng ngả và bốc cháy ngùn ngụt, biến thành đống sắt cong queo chìm dần xuống đáy biển. Ông Bruner và năm đồng đội ở vị trí tác chiến bị lửa bao vây, riêng ông và một chiến hữu cùng tổ là Alvin Dvorak bị bỏng nặng hầu như khắp nơi trên thân thể. Họ muốn nhảy ra khỏi tàu để thoát thân nhưng không thể vì dầu từ con tàu bị đắm loang ra, mặt nước xung quanh đã trở thành một lò lửa. Họ kêu cứu tàu USS Vestal chỉ cách họ chừng 30 thước, may mắn được ném cho một sợi dây thừng. Mỗi người chuyền tay đu theo sợi dây, lơ lửng, đong đưa, qua khoảng không cứu sinh tàn tro bay tứ tung. Tám mươi foot bên dưới chân họ là mặt biển cháy rừng rực như một thảm lửa.

Một tiếng đồng hồ sau, họ được các bác sĩ trên con tàu bệnh viện Solace chữa chạy các thương tích. Vì những vết bỏng trên tay ông Bruner quá nặng, thoạt đầu các bác sĩ tưởng phải cưa hết, chỉ để lại vài ngón trên hai bàn tay ông nhưng qua xét nghiệm kỹ, họ quyết định chỉ lột những chỗ da cháy cho da non mọc lên thay thế. Ông trải qua nhiều ngày tháng đau đớn, khổ sở, chịu nhiều liệu pháp tái tạo da phức tạp. Đến tháng thứ bảy, hai tay vẫn còn băng bó, ông nhận được lời mời trở về Hải Quân để huấn luyện lớp tân binh mới tham gia, thay thế các binh sĩ thiện chiến đã hy sinh. Ông tiếp tục phục vụ gần một thập niên nữa trên con tàu USS Coghlan, có lần đã oanh kích các vị trí đóng quân của Nhật trên đảo Attu, Alaska, năm 1943.

Hơn 2,300 người Mỹ bỏ mình trong biến cố Trân Châu Cảng, một nửa con số này là thủy thủ và lính Thủy Quân Lục Chiến trên quân hạm USS Arizona, khiến cả nước Mỹ phải chấp nhận giải pháp bước vào Thế Chiến II. Ông Bruner là một trong sáu người thoát chết trong gang tấc trong tổng số 335 thủy thủ và Thủy Quân Lục Chiến theo tàu may mắn thoát hiểm. Hình ông thời còn trẻ cho thấy ông có gương mặt trái xoan, đôi mắt ánh nhìn hiền hòa, nụ cười rộng với hai khóe môi cong của một thanh niên yêu đời và tốt bụng.

Sau này rời khỏi Hải Quân, như một duyên nghiệp kỳ lạ, ông làm việc cho đến ngày về hưu tại một công ty chuyên về tủ lạnh mà chủ nhân là một cựu binh Thủy Quân Lục Chiến. Ông định cư tại La Mirada, California, suốt nửa thế kỷ sau đó thường xuyên trở lại Trân Châu Cảng vào ngày 7 Tháng Mười Hai để dự lễ tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh, thân xác còn nằm trong lòng con tàu chìm xuống đáy đại dương.

Những dịp này, ông vui gặp lại bạn cũ, quen thêm bạn mới nhưng ông nói ông không thể nào quên được cơn ác mộng lịch sử kinh hoàng xảy ra nhiều thập niên trước. Có những điều ông sẽ không bao giờ nói ra và cũng không muốn nhớ lại, làm ông ray rứt những lần thức giấc giữa đêm khuya. Sau cùng, ông khám phá ra rằng chỉ có cách trở về chốn cũ, đối diện với những gì không thể né tránh, may ra vết thương có thể lành.

Tổng Thống Donald Trump thăm hỏi cụ Lauren Bruner, một trong năm thủy thủ sống sót của chiến hạm USS Arizona, tại Tòa Bạch Ốc hôm 21 Tháng Bảy, 2017. (Hình: Chris Kleponis-Pool/Getty Images)

Năm 2016, ở tuổi 95, từ California, ông sửa soạn bay đi Trân Châu Cảng, dự lễ tưởng niệm lần thứ 75 trang chiến sử bi hùng này, tự hỏi còn đi được bao lâu nữa với tuổi đời đã cạn? Ông bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn được an nghỉ bên cạnh các đồng đội đã chết theo con tàu. Với ông, như thế ý nghĩa hơn là nằm lẻ loi ở một nghĩa trang quạnh hiu. Ước muốn đầy tình nghĩa của ông được Bộ Quốc Phòng và Ngũ Giác Đài chấp thuận.

Ngày kỷ niệm Trân Châu Cảng năm nay, 7 Tháng Mười Hai, 2019, như đã tiên liệu, ông không về bằng hình hài xương thịt nữa mà tro cốt của ông được thân nhân đưa về nơi ông muốn. Một video clip tường thuật một phần buổi lễ thật trang nghiêm và đầy cảm xúc này cho thấy nguời thợ lặn đứng trên cái thang, một nửa thân mình dưới nước, giơ cao hai tay trân trọng tiếp nhận hộp tro cốt. Rồi, cứ trong tư thế hai tay giơ thẳng, giữ cái hộp cao khỏi đầu, anh sẽ lội ra đúng vị trí con tàu nằm dưới lòng biển sâu. Hai phóng viên nhiếp ảnh trang bị dụng cụ thu hình lội ở hai bên và một người nữa có lẽ trong vai trò phụ tá.

Thời gian trôi qua đã quá lâu, lịch sử nhắc nhở ông đừng để lòng chai đá vì đắm chìm trong tức giận mà hãy chấp nhận sự thật để tiến về phía trước. Ông ý thức tuổi đời chồng chất nhưng ông tuyệt nhiên không muốn hé răng kể cho bất cứ ai nghe những nỗi niềm hãn hữu riêng mình, theo ông, không một ngôn ngữ nào có thể lột tả hết được. Ông không muốn than vãn hay oán hận vì biết các đồng đội và cả ông, ngày ấy, đã sống trọn vẹn một định mệnh hào hùng, trước sau không có trong lịch sử. Ông càng không muốn tô vẽ các chiến tích kinh hoàng mà đồng đội của ông và ông đã trải qua, dẫu có là nguyên nhân đưa tới kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, giải phóng một phần Địa Cầu khỏi sự xâm chiếm tàn bạo của đạo quân hung hãn con cháu Thái Dương Thần Nữ thì Trân Châu Cảng cũng không là một kinh nghiệm chiến đấu mà quân đội Hoa Kỳ có thể hãnh diện.

Tuy nhiên, một lần nữa, dường như số phận đã lại dành cho ông sự may mắn của một mối duyên kỳ ngộ. Khoảng cuối thập niên đầu thế kỷ này, một đồng ngũ của ông từng có mặt trong trận Trân Châu Cảng là Ed McGrath, đang tìm kiếm một nhân chứng để thu thập thêm chi tiết cho bộ phim tài liệu ông ta muốn thực hiện. Họ gặp nhau đúng lúc, đúng việc, nên cả hai đã hợp tác hoàn thành cuốn hồi ký nhan đề “Second to the Last to Leave,” lấy ý từ thực tế ông là người thoát thân chỉ trước người thương binh cuối cùng.

Cuốn sách ra mắt độc giả Tháng Mười Hai, 2016, là một thành công lớn, nhận được nhiều phản hồi tốt đẹp của giới phê bình và ngưởi đọc vì tính trung thực. Chưa một cuốn hồi ký chiến tranh nào chứa nhiều chi tiết sống động đến thế. Cả hai tác giả còn đi xa hơn nữa trong tâm nguyện gìn giữ lâu dài một ký ức cần ghi nhớ cho các thế hệ mai sau biết đến dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc qua những đóng góp lớn lao của các thế hệ đi trước. Họ thành lập một sáng hội vô vụ lợi với mục đích vinh danh toàn thể thủy thủ đoàn trên con tàu USS Arizona trong buổi sáng định mệnh Tháng Mười Hai, 1941 ấy. Một đợt xuất bản đặc biệt cuốn sách “Second to the Last to Leave” do Lauren F. Bruner USS Arizona Memorial Foundation in ấn và phát hành, mỗi cuốn có chữ ký của tác giả, đã dành hết số thu vào quỹ này. Các tặng dữ khác khi mua sách đều được khấu trừ thuế.

Càng gần về cuối đời, ông càng cảm nhận trong nội tâm ông nhu cầu giải hòa với nước Nhật. Ông dự tính mùa Xuân năm sau, 2017, ông và tác giả McGrath sẽ cùng bay đến Hiroshima trong một chuyến đi mang ý nghĩa hòa bình và thiện chí. Ông ước muốn trong dịp này, sẽ trao tặng Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Hòa Bình hàng ngàn cánh hạc xếp bằng giấy ba màu xanh biển, trắng và đỏ, là màu cờ của Hoa Kỳ, nghĩ rằng “Cử chỉ này nói lên một điều quan trọng khác cũng cần được ghi nhớ, ấy là mối tương quan hòa bình và bằng hữu vẫn tiếp tục giữa hai quốc gia.” Tuy nhiên, có lẽ ông đã không còn đủ sức khỏe để thực hiện mong muốn này nên không thấy truyền thông đưa tin.

Từ một chàng thủy thủ ngoài 20 tuổi thích la cà trong quán rượu, xung trận không để cho lửa đạn chiến tranh quật ngã mà qua thời gian và đau thương, lớn lên mạnh mẽ như bóng núi, thâm trầm như đại dương, ông Bruner hẳn đã thật sống từng phút giây đời mình với cả sự chắt lọc tinh tuyền những giá trị làm người tốt đẹp. Ngoài nghĩa vụ tương trợ khi khó khăn các gia đình binh sĩ trong và ngoài Hải Quân trên toàn nước Mỹ, một trong các mục đích nhân tình của sáng hội Bruner’s Foundation là muốn Trân Châu Cảng được đưa vào giáo dục đại chúng, để tình yêu nước luôn được nhắc nhở và tôn vinh, để con người nhiều thế hệ có tấm lòng biết sống vì nhau và cho nhau trong ý niệm truyền thừa không xao lãng..

Tôi nằm mơ trong mỗi giấc ngủ, cộng đồng người Việt lưu vong chúng ta cũng có nhiều nhiều ông Bruner, ủ ấp 45 năm hay 75 năm ký ức ghê rợn một Tháng Tư, 1975, để rồi sẽ có một ngày như ông, cất lên tiếng nói từ một trí nhớ không mảy may phai nhạt, một trái tim mãi mãi biết ơn những người đã nằm xuống cho mình được sống không phí uổng đời mình. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT