Mẹ đi lấy chồng

Bùi Bích Hà

Cơn mưa giông Sài Gòn đổ xuống thình lình trên hè phố. Trời xám ngoét. Nước mau chóng tụ ở các chỗ trũng rồi ào ạt tuôn về các miệng cống, cuốn theo rác rưới trôi lêu bêu. Ðầu những hạt mưa, khi chạm mặt đường, búng thành những cái bong bóng nước phập phồng, lênh đênh theo chiều gió.

Dưới cái mái hiên ngắn, không đủ làm chỗ trú chân cho người qua đường, một phụ nữ còn trẻ, đứng co ro, đôi mắt bồn chồn ngó nhìn trời đất mông lung dưới cơn mưa. Một cậu bé chừng năm sáu tuổi, nắm chặt vạt áo ướt của bà. Hình ảnh ấy lọt vào tầm mắt của người đàn ông vừa qua tuổi trung niên, về thăm quê hương, đang ngồi cùng bạn bè trong cái quán ăn bên kia đường, làm tim ông nhói đau. Trong cơn mưa nhiệt đới oi nồng mùi đất nóng, đang đổ xuống một góc phố Sài Gòn chiều nay, người đàn ông bất chợt nhớ lại câu ca dao vẫn làm ông xúc động mỗi khi nghĩ tới:

“Trời mưa bong bóng phập phồng,
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”

Trên mặt Địa Cầu này, tự cổ chí kim, đã có hằng triệu triệu các bà mẹ, vì lý do này hay lý do khác, đi lấy chồng nhưng có ở nơi nào như đất nước Việt Nam, mà dân gian có câu hỏi não lòng đến vậy không? Như thế, phải chăng là vì bà mẹ Việt Nam sống gần gũi với thiên nhiên, đồng ruộng, muông thú, trái tim trong trẻo, hồn nhiên, đôn hậu của bà đã thâu góp được hết cả lượng đất trời bao dung, để bà có thể ban phát nhiều hơn cho con cái mình, để từ đó, bà được tiếng là biết hy sinh cho người khác nhiều hơn phụ nữ các sắc dân còn lại trên mặt địa cầu này? Bà mẹ ấy là hình ảnh con gà mái xòe đôi cánh nhỏ của nó để bảo vệ đàn con trước nanh vuốt quạ hay diều hâu, những móng chân sắc, nhọn của nó tung bụi đất mù mịt và toàn thân nó xoay tròn, làm thành cái hàng rào kín bưng che chắn lũ gà con nhao nhác vì sợ.

Không phải chỉ ở cái thời mà những người đàn bà thượng lưu, vì thủ tiết thờ chồng, được nhà vua ban tặng danh hiệu “Tiết Hạnh Khả Phong,” một thứ huy chương đạo đức cao quí, mà ở bất cứ thời nào, đẳng cấp xã hội nào, cũng có những bà mẹ tận hiến đời mình cho con cái không cần được ai tuyên dương. Những bà mẹ quê Việt Nam gia cảnh bần hàn, nghèo khó, góa bụa, dở dang, cắn răng gởi con còn trứng nước cho thân bằng quyến thuộc, đem thân đi làm tôi tớ nhà giàu ở chốn phồn hoa để chắt chiu đồng gạo, đồng muối nuôi con, đêm nằm, ngực căng sữa, xót xa nghe nước mắt nhớ nhung ướt đầm vạt áo. Những bà mẹ thành thị Việt Nam không mò cua, bắt ốc, đào khoai thì tất tả ngược xuôi, tay mang, tay xách, buôn thúng bán bưng, làm sao để chiều về có tí gạo, tí rau, con tôm, con tép, cho đàn con có bữa cơm no. Cho nên, đối với con, Mẹ là tất cả, là Phật Bà Quan Âm, là Mẹ Maria, là huyền sử lạ thường.

“Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”

Rồi, tiếp đến một thời chiến tranh tàn khốc, thuở trời đất nổi cơn gió bụi, thân thế người phụ nữ trong cuộc chiến càng điêu linh, vùi dập. Huyền sử vỡ tan, như những cái bong bóng nước chiều mưa. Người mẹ góa không còn cả đồng ruộng, đất đai, ao hồ để mò mẫm nuôi con, không còn cả niềm tin và hy vọng vào cuộc sống dài lâu để đứng vững trên hai chân mình mà dìu bước con theo. Trong cuộc chiến, hè đường là nơi đầy rẫy những nỗi bất trắc của chào mời dễ dàng, của gặp gỡ tạm bợ. Những đứa trẻ mất cha, lạc mẹ, bị quăng ném ra bãi rác, xó chợ, bạn bè chúng là những con chó hoang xác xơ, cũng sục sạo kiếm ăn chút cơm thừa, canh cặn như chúng. Vuột chéo áo mẹ rồi, trời đất bao la này có nơi nào là tổ ấm cho con nương náu để lớn khôn?

“Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”

Chiến tranh tàn lụi, đến một thời các bà mẹ đứng lên, hô hào đòi quyền sống. Hôn nhân bất như ý trở thành tù ngục. Người đi về cõi khác trở thành quá khứ. Tù ngục phải thoát ra. Quá khứ phải quên đi.

“Gió bao lần từng trận nhớ thương đi,
Mà kỷ niệm ơi, còn gọi ta chi?”

(Xuân Diệu)

Người sống cần sống. Mẹ như con chim lẻ bạn, vẫn tiếc nhớ bầu trời chứa chan nắng gió của yêu đương nồng ấm. Mẹ như sợi dây đàn câm, cần chiếc phím  tài hoa để làm ngân lên giai điệu. Cất bước ra đi, cũng xót đau lắm bàn tay con thơ luống cuống trên tà áo mẹ, cũng băn khoăn lắm câu hỏi lặng thầm trong những cặp mắt nai:

“Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?
Con đói thì con ăn khoai,
đừng ở với dượng, điếc tai láng giềng…”

Người đàn bà tự nhủ “mình vẫn đem con theo, bảo bọc chúng mà!” Mẹ biết đâu cái chỗ của con trong trái tim mẹ đã chật lại, đã cạn bớt, cái chỗ của con sau lưng hay bên cạnh mẹ đã trở thành bóng tối. Mẹ là bát cơm đầy, nay con chỉ còn những hạt rơi. Mẹ là vầng trăng rằm, giờ đây mây khuất che. Mẹ là ngọn đèn soi, nay đã dầu hao, bấc lụn. Mẹ là bếp lửa hồng, giờ đây tro than quạnh quẽ.

“Cũng giống như câu chuyện đứa bé lên ba, ngủ mê
Nửa đêm giật mình, thức giấc
Mẹ đi đâu mà đêm khuya lắc
Hay là mẹ đã mất?
Nếu mẹ còn, sao mẹ không ôm con?”

Cánh cửa xe mở ra, đóng lại vội vàng, đẩy xuống bờ lề đứa học trò nhỏ với cái túi lưng nặng trĩu những điều nó không có ai để san sẻ. Nó đi thơ thẩn. Nó ngồi thơ thẩn. Nó học hành thơ thẩn, thấy sự trống trải ở khắp mọi nơi, bắt đầu từ thiếu vắng vòng tay ôm ấm êm của mẹ nó. Nó đá cái bàn. Nó giẫm lên chân đứa bạn ngồi cạnh. Nó phải luôn làm một cái gì cho hả cơn tức giận triền miên trong cõi lòng côi cút của nó. Ðêm hôm qua, nó chui vào closet để chạy trốn tiếng cãi vã, tiếng khóc của mẹ nó với cái người đàn ông không phải là bố nó rồi nó ngủ quên giữa đống quần áo bừa bộn, làm người nó chảy nước ra, ướt sũng mồ hôi và cả nước mắt.

Phần cuối câu chuyện của nó, có người viết giùm mẹ nó như sau:

“Cũng giống như câu chuyện buồn của bạn,
Mắt nheo, cười ngất
(Cơn mưa nào lạnh buốt hai vai?)
Bạn không hiểu vì sao đứa con trai
Ðêm hôm qua, kê súng vào đầu
Bắn chơi viên đạn thật.
Bạn không hiểu vì đâu
Nó có một căn phòng
Mà không về?”

Mẹ là niềm tin, là sự thánh thiện cho đời con nương tựa. Mẹ to lớn, cần  thiết cho con hơn mẹ nghĩ. Biết bao bàn tay thơ dại, non yếu, đã không nắm giữ được vạt áo mẹ, để rồi

“Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?”

Thần thoại chấm dứt. Những chiếc bong bóng màu của tuổi thơ con vỡ tan như đám bọt nước chiều mưa. Trong lòng con có nấm mộ sâu chôn cất mẹ. Trong đời con có nỗi quạnh hiu của cái bến sông đưa tiễn một người, khi ra đi, mang theo trọn những hành trang vào đời tươi thắm của con.

Khi cái bóng đại thụ của nền luân lý thờ chồng, nuôi con dạt đi, không còn nữa, những đứa con thiếu mẹ, mất mẹ, giữa cuộc sống, hiểu rằng mẹ chúng đã không (hay không thể) lựa chọn cái hạnh phúc làm mẹ thường hiện ra rỡ ràng trong văn chương, nghệ thuật của nhân loại. Nếu con cái không bao giờ là đủ cho một bà mẹ thì đấy chính là nỗi khốn cùng đáng thương nhất của cả hai phía, là thất bại chua chát nhất của Thượng Ðế đã muốn tạo dựng tình mẫu tử như một kỳ quan tuyệt vời trong trái tim bà mẹ. Như câu ngạn ngữ rất dễ thương treo trong căn bếp nhỏ nhà ai: Vì Chúa không thể có mặt ở khắp mọi nơi, Ngài tạo sinh các bà mẹ.” (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với chủ đề “Hỗ trợ, vấn an và động viên con em”(Phần 1)